Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 21 tháng 07 năm 2002

Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 13,24-43

24 Hôm ấy, Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn này: "Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thi cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" 28 Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Ðầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?" 29 Ông đáp: "Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."

31 Ðức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời làm tổ trên cành được."

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Cỏ lùng và lúa

Vào năm 1994, một trong những cuộc diệt chủng lớn nhất của thế kỷ này đã nổ ra ở Ru-an-đa (Trung Phi), làm cho cả thế giới phải sững sờ. Chỉ trong hai tháng đầu của những vụ tàn sát, ước tính đã có đến khoảng 1 triệu người bị sát hại bằng đủ mọi phương tiện: từ súng ống, đến dao, rìu, cày, cuốc.

Hai sắc tộc Tút-si và Hu-tu vốn chung sống trên cả hai lãnh thổ hai nước Bu-run-đi và Ru-an-đa (Trung Phi) từ nhiều thế kỷ nay, nhưng họ chẳng bao giờ chấp nhận nhau. Trong quá khứ đã có nhiều nỗ lực hoà giải hai sắc tộc, nhưng chưa bao giờ triển vọng đạt đến sự hoà giải lại mạnh mẽ cho bằng thời điểm đầu năm 1994, khi tổng thống của Bu-run-đi và Ru-an-đa đến đàm phán với nhau hầu chấm dứt tình trạng xung đột sắc tộc trong mỗi nước. Cả hai vị này đều thuộc sắc tộc Hu-tu.

Tuy nhiên các phần tử cực đoan vốn chống lại một sự hoà giải như thế đã nhúng tay vào cuộc: họ đã bắn rơi chiếc chuyên cơ chở hai vị đến nơi đàm phán. Phẫn nộ trước cái chết của hai vị Tổng Thống thuộc sắc tộc của mình, người dân Hu-Tu ở Ru-an-đa đã đổ trách nhiệm cho người Tút-si và trả đũa bằng cách giết hại người Tút-si thiểu số sinh sống ở Ru-an-đa. Thế là máu đã đổ trong từng xóm làng và trong từng khu phố. Trước hoàn cảnh đó, quân phiến loạn Tút-si từ Bu-run-di đã tràn qua biên giới và cướp được chính quyền ở Ru-an-đa. Một cuộc thanh lọc sắc tộc vô cùng đẫm máu lại diễn ra; nhưng lần này, chính những người Hu-tu lại là nạn nhân. Cả đất nước Ru-an-đa đã biến thành một "lò sát sinh"; sau đó chỉ còn sót lại "vườn không nhà trống", bị ô nhiễm bởi hàng trăm ngàn tử thi không ai chôn cất; ngổn ngang trên các đường làng, trong các tư gia, trên các giòng sông và cả những nhà thờ, nơi đã diễn ra những cuộc tàn sát tập thể đến 3, 4 ngàn nạn nhân. Những kẻ sống sót thì kinh hoàng lánh nạn qua các quốc gia lân cận.

Gần đây, cuộc khủng hoảng Ru-an-đa đã chấm dứt, khi Liên Hiệp Quốc giúp hồi hương những người lánh nạn, tổ chức bầu cử một Tân chính phủ và thiết lập toà án quốc tế xét xử các tội phạm diệt chủng. Tuy nhiên, điều đáng buồn hơn hết là thảm kịch ấy đã diễn ra trên một đất nước đa số là Công Giáo từ nhiều thế kỷ. Rất nhiều người trong số các tội phạm là người Công Giáo; có kẻ hãy còn ở độ tuổi thiếu niên. Biến cố ấy cho thấy như thể hạt giống Tin Mừng mà các thừa sai đã cố công vun xới trên đất nước này trong nhiều thế kỷ dài, đã bị bóp chết chỉ trong khoảnh khắc bởi những cỏ lùng của sự thù oán và óc nham hiểm của con người. Cây lúa bao giờ cũng phải chật vật biết bao để sống còn được bên cạnh cỏ dại; nhưng khốn thay không phải bao giờ nó cũng thành công để sống còn!

Người dùng dụ ngôn mà nói với họ

Trong Phúc Âm, Ðức Giêsu thường dùng những dụ ngôn rất phong phú để cắt nghĩa về các mầu nhiệm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe ba dụ ngôn nói về một số khía cạnh của Nước Trời: chính yếu là dụ ngôn cỏ lùng, rồi dụ ngôn hạt cải và men trong bột (c. 24-33). Tiếp đó là phần giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng (c.36-43).

Dụ ngôn "Lúa và cỏ lùng" là bản tóm tắt chính xác và sinh động toàn bộ lịch sử của nhân loại, nơi mà kẻ dữ bách hại người lành, nơi mà sự thiện phải chiến đấu vất vả để không bị cái ác đè bẹp. Thảm kịch ở Ru-an-đa vừa kể trên chỉ là một ví dụ nhãn tiền về cuộc chiến Thiện Ác đang xảy ra từng giờ, từng phút trong bất kỳ xã hội nào của loài người. Tại Việt Nam trong những năm gần đây chẳng hạn, đã có rất nhiều lời cảnh cáo về tệ nạn ma tuý đang tấn công vào giới trẻ, ngay cả tại các giáo xứ và các trường học. Ðáng báo động hơn nữa là hiện tượng một số kẻ bán Hêrôin đã cho các em học sinh hút thử miễn phí để rồi sau khi bị nghiện, phải mua "hàng" của họ hoặc đi phân phối cho họ (xem CGDT số 1192, trg.17). Giới trẻ thật mong manh biết bao trước cơn lốc cuốn hút của ma tuý! Ðiều này gây lo ngại không ít cho những bậc phụ huynh có con em ở tuổi mới lớn, chưa chín chắn trong nhận thức, lại còn tìm "thử" cái mới, cái lạ, cái khác người. Ðôi lúc công trình giáo dục chu đáo của phụ huynh cho con em từ tuổi nhỏ (lúa tốt) lại trở thành "công dã tràng xe cát" chỉ trong một phút chốc, trước sự quyến rũ của bạn bè các em (cỏ lùng). Tất cả các ví dụ trên cho thấy sự cam go trong cuộc chiến giữa "lúa" và "cỏ lùng"; giữa "con cái sự sáng" và "con cái ma quỉ". Ðứng trước những thảm cảnh như Ru-an-đa, như ma tuý, lắm lúc chúng ta không thể không tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu rồi? Tại sao Người không can thiệp để ngăn chặn sự dữ?

Mặt khác, cuộc chiến nói trên không chỉ diễn ra ở bên ngoài, nhưng còn xảy ra trong nội tâm con người. Ai ai trong chúng ta cũng từng kinh nghiệm sự giằng co nội tâm như Thánh Phaolô diễn tả trong thư Rôma 7,19: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm; sự ác tôi không muốn, tôi lại làm." Trong thực tế, cho tới giờ lâm chung, không tâm hồn ai hoàn toàn thánh thiện, trừ những người như Ðức Maria được sự che chở đặc biệt của Chúa. Trong mỗi tâm hồn đều có một phần "con cái ma quỉ" và một phần "con cái sự sáng" như thể Thiên Chúa đã muốn như thế để mỗi người tự do yêu Chúa, tự do lựa chọn. Tuy nhiên, sự phân rẽ trong chính tâm hồn mỗi người như thế không phải là đường cùng, như thánh Phaolô đã nói tiếp theo câu nói ở trên: "Khốn thay cho tôi! Ai có thể cứu tôi khỏi thân xác hư đốn này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (7,24-25).

Thiên Chúa luôn khoan dung và kiên nhẫn

Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ tin vào Người Con ấy mà được cứu độ (Ga 3,17-18). Hơn thế, Người còn luôn tỏ ra kiên nhẫn với người tội lỗi: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ê-dê-ki-en 33,11). Chính vì tin vào thiện chí và lòng hướng thượng của những kẻ gian ác mà vị chủ ruộng (tức Thiên Chúa) đã trì hoãn việc nhổ cỏ lùng ngay, vì Người chẳng muốn nhổ lầm những mầm lúa tốt trong tâm hồn những kẻ ác (c.29). Ai ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm sự khoan dung của Thiên Chúa đối với bản thân mình. Giả sử Thiên Chúa chấp tội và cho tôi chết trong lúc tôi sống mất ân nghĩa với Chúa, thì tôi đã sa vào lửa đời đời. Thế nhưng, Người đã dung thứ tôi vì Người yêu tôi; vì Người tin vào khả năng hướng thượng của tôi; và vì vậy Người kiên nhẫn chờ đợi, cho tôi cơ hội để làm lại cuộc đời, để nhổ bớt cỏ lùng trong tôi trước khi "mùa gặt" (tức sự phán xử của Thiên Chúa) đến.

Trong thực tế, sự khoan dung và nhẫn nại của Chúa đã làm phát sinh nhiều vị Thánh lớn từ những người tội lỗi (Maria Mađalêna, Mátthêu, Au-tinh...) Do vậy, nếu mỗi người tội lỗi biết noi gương các vị thánh đó, tận dụng khoảng thời gian Thiên Chúa "gia hạn" cho họ trước khi mùa gặt đến, thì từ một Âu-tinh theo bè rối và sống buông thả lúc còn trai trẻ, sẽ có thể chỗi lên một vị thánh Giám Mục và Tiến Sĩ cho Hội Thánh.

Hạt cải và men trong bột

Dụ ngôn "cỏ lùng và lúa" không kết thúc bằng hình ảnh bi quan của "cỏ lùng hoành hành" hay của "lửa thiêu vào mùa gặt". Trái lại, hai dụ ngôn ngắn gọn về hạt cải và men mở ra một cái nhìn rất lạc quan về thực tại Nước Trời: đó là tuy nhỏ bé và ít ỏi, nhưng một khi vượt qua được những trở ngại để vươn lên, hạt cải Nước Trời sẽ trở thành một cây lớn, làm chỗ nương tựa cho nhiều người; còn men Nước Trời sẽ biến đổi bột một cách mãnh liệt, từ đó cho ra những ổ bánh thơm ngon, sốp và mềm.

Khi chịu phép rửa tội, mỗi Kitô hữu đã được lãnh nhận hạt giống đức tin và Men Phúc Âm. Họ cũng được mời gọi để làm cho hạt giống đức tin đó lớn lên và làm dậy men Phúc Âm trong môi trường họ sống, tuy âm thầm, chậm chạp, nhưng mãnh liệt.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn kinh nghiệm như thế nào về cuộc chiến giữa "cỏ lùng" và "lúa" trong môi trường bạn đang sống và trong chính nội tâm bạn? Bạn có thái độ bi quan hay lạc quan trước tình huống đó?

2. Bạn có thể tin rằng kẻ ác nói riêng (và con người nói chung) có được khả năng hướng thượng, tức yêu thích và tìm điều thiện không? Hay là họ cần ơn Chúa giúp sức nữa? Bạn kinh nghiệm về điều này như thế nào nơi chính bản thân bạn?

3. Bạn có tán đồng thái độ khoan dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa (chủ ruộng) đối với kẻ tội lỗi (cỏ lùng) không?

 


Back to Home Page