Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 14 tháng 07 năm 2002

Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 13,1-23

1 Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: "Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. 9 Ai có tai thi nghe.

10 Các môn đệ đến gần hỏi Ðức Giêsu rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" 11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng:

Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. 17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

18 Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc về bài giảng thứ ba theo Tin Mừng Mátthêu, tiếp theo bài giảng trên núi (Mt 5,1-7.29) và bài giảng về sứ mạng truyền giáo (Mt 10,1-42). Bài giảng thứ ba này gồm các dụ ngôn về Nước của Thiên Chúa (Mt 13,1-53)

Dụ ngôn là kiểu so sánh rút ra từ đời thường hoặc từ thiên nhiên. Nét sống động hoặc những chi tiết lạ thường của dụ ngôn buộc người nghe phải chú ý và suy nghĩ thêm về ý nghĩa đích xác của câu chuyện được kể. Ý nghĩa của những dụ ngôn trong bài giảng thứ ba theo thánh Mátthêu chỉ về Nước của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chẳng phải là lãnh thổ với những biên giới đích xác được bảo vệ bằng quân lực và những khí giới tối tân. Ngược lại, toàn thể tạo thành đều thuộc về Nước của Thiên Chúa trên đó quyền lực và cuộc phán xét của Ngài bá chủ theo kế hoạch từ muôn thuở. Về cơ bản, Nước Thiên Chúa xuất hiện là công trình riêng của Ngài, nhưng Ngài đòi hỏi loài người phải cộng tác vào công trình đó như họ được dựng nên là những bản vị tự do. Trong lời rao giảng của Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa bao gồm cả hiện tại và tương lai.

Hình ảnh người gieo giống luôn thâu hoạch kết quả khả quan

Dụ ngôn số một về Nước Thiên Chúa là dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,3-23). Phần thân bài dụ ngôn nằm ở những câu 3-9. Ðiều mà tác giả nhấn mạnh ở đây là một nhân vật, đó là người đi gieo. Hành động của người ấy được theo dõi: ông ra đi gieo giống và người ta nhận thấy các hạt giống ông gieo vãi rơi lung tung khắp nơi. Nhiều hạt như bỏ phí. Thế mà phần hoa lợi thu lượm vẫn khả quan: "Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục." (c.8).

Thân bài dụ ngôn vừa nói được cách quãng bằng một câu hỏi từ phía các môn đệ nêu thắc mắc, rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với người ta?" (c.10) Ðây là cơ hội để Ðức Giêsu đặt các môn đệ đối diện với mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa vượt trên cái nhìm tự nhiên của những người đang nghe Người giảng. Nhóm thính giả này được phân đôi: một bên là nhóm môn đệ biết xem và nghe để hiểu (động từ hiểu quan trọng ở các câu 13, 14, 19, 23,51) và bên kia là đám những người xem mà chẳng thấy, nghe mà cũng như không nghe, vì họ chẳng hiểu gì cả. Vậy là một bên gồm những người được ban cho ơn hiểu các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, còn bên kia là những người mù tịt về Nước đó. Nhưng như vậy Thiên Chúa tỏ ra thiên vị chăng? Thưa đây chỉ là cách nói của ngôn ngữ Do Thái để nhấn mạnh hai điều một trật: sáng kiến luôn từ phía Thiên Chúa nhưng con người vẫn được tự do nhận hay từ khước ơn Người ban.

Thắc mắc trên vừa được giải đáp,

Ðức Giêsu trở lại giải thích dụ ngôn (cc. 18-23).

Ở phần này Ðức Giêsu lại không nhấn mạnh về nhân vật gieo giống như ở chính thân bài dụ ngôn (cc.3-9). Vấn đề quan trọng được nêu là phản ứng của những người nghe lời được gieo vào tai họ. Ðúng ra Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh về sứ mạng của Ðức Giêsu cần được hiểu: chính kinh qua những điều xem ra thất bại mà Nước Thiên Chúa được lớn lên; chắc chắn Nước Thiên Chúa không xuất hiện qua một cuộc khải hoàn để đè bẹp mọi trở ngại trên đường. Do đó kết quả vẫn được nêu là "kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục" (c.23) mặc dầu có lúc xem ra kẻ dữ đến cướp lấy lời gieo vào lòng người nghe (c.19); lúc khác xem ra lời rơi trên sỏi đá nên không bén rễ (cc.20-21); lúc khác lời rơi vào bụi gai nên bị bóp nghẹt (c.22)

Ðâu đâu có tạo thành, Lời Chúa luôn vang dội

Như vậy nhân vật đi gieo giống sẽ là con người gieo vãi Lời Chúa khắp nơi, không giới hạn. Ðâu đâu có tạo thành, ở đó có Lời Chúa luôn vang dội, kêu gọi con người mang lại hoa trái.

Sẽ không có nơi nào dành cho thất vọng để nói rằng hạt giống rơi trên vệ đường bị kẻ xấu công đi mất rồi còn gì để mà hy vọng. Nhân vật đi gieo giống cứ tiếp tục gieo vãi hạt giống khắp nơi, trên mọi nẻo đường. Hôm nay người ta không hiểu nhưng mai ngày, họ sẽ được ban cơ hội để hiểu.

Niềm vui về ơn trở lại được nhắc tới nhiều lần trong Hội Thánh sơ khai (Cv 8,8.39; 13,48.52). Chính biến cố Vị Cứu Tinh xuất hiện khơi dậy niềm tin đó (Lc1,14). Nhưng Lời Chúa mà người nghe đón nhận, cần được bén rễ trong cầu nguyện, trong suy tư cũng như trong cách sống đáp ứng những đòi hỏi của Tin Mừng. Dù sao người đi gieo giống trong dụ ngôn vẫn kiên trì gieo vãi, maong cho đất xấu trở nên đất tốt, để mang lại hoa trái gấp trăm, gấp sáu mươi hoặc ba mươi. Chính giữa những khó khăn gặp phải, niềm tin của người tín hữu cho thấy sức mạnh của ân sủng.

Thực ra, đời sống đức tin về cơ bản là một chọn lựa. "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được" (Mt 6,24). Ðức Giêsu còn nói rõ rằng: "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được" (Mt 10,37-39) Nỗi lo lắng sự đời (kể cả những điều cần thiết cho sự sống (Mt 6,25-34) không được coi trọng hơn Nước của Thiên Chúa (Mt 13,22; x. Mt 4,8).

Vào thời cuối cùng Thiên Chúa sẽ gieo mầm một dân mới

Vấn đề chính yếu nằm ở câu 17 nói rằng "có nhiều ngôn sứ, nhiều người chính trực đã ước mơ được xem." Các ngôn sứ đã loan báo vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ gieo mầm một Dân mới (Hs 2,23-25; Giêrêmia 31,17). Việc đó, Ngài thực hiện nơi Ðức Giêsu. Vậy, khi Ðức Giêsu nêu hình ảnh người gieo giống, Ngài muốn cho thấy cái mới từng được loan báo đã bắt đầu xuất hiện, và rồi sẽ sinh hoa trái. Bây giờ cái mới ấy còn nhỏ bé nhưng sau sẽ lớn lên (13,31-33).

Cả vào lúc nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Ðức Giêsu nữa (Ga 6,66) Simon Phêrô đại diện nhóm môn đệ còn lại vẫn tin tưởng rằng "Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).

Vậy dụ ngôn người gieo giống phải được hiểu theo niềm tin của nhóm môn đệ còn lại, là tiền thân của Giáo Hội sơ khai. Họ không những tin rằng Ðức Giêsu mới có lời ban sự sống đời đời, nhưng họ còn phải trả giá cho niềm tin đó (Mt 13,44-46). Thực ra chính qua việc trả giá mà Nước Thiên Chúa xuất hiện "sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục" (Mt 13,23).

Hãy coi trường hợp kẻ tống tiền anh Ba Ðông (Badong), một Kitô hữu giáo dân, người Phi Luật Tân. Trên đường đi dụ cuộc họp Thành Phố của Ðức Maria tại Manila năm 1966, anh bị một chàng thanh niên giơ dao găm chặn lại để tống tiền. Lời Chúa mà anh Ba từng học hỏi và chia sẻ, tự nhiên đến với anh, đòi anh phải yêu tha nhân như chính mình, kể cả người thù địch đang cầm dao đe dọa anh. Vậy anh Ba Ðông không những giao cho người ấy số tiền người ấy yêu cầu, anh còn mời người ấy ngồi lại để giải khát và dùng bữa nữa. Kết quả thật lạ lùng: Cách đối xử của anh Ba Ðông khiến kẻ tống tiền tò mò tìm đến cuộc họp Thành Phố của Ðức Maria. Chính ở đây anh ta đã hoàn toàn được hoán cải bởi luật tình yêu, là giới luật duy nhất của Thành Phố của Ðức Maria. Trước mắt mọi người và trước sự ngỡ ngàng cũng như cảm động của họ, kẻ tống tiền đã xưng thú và ăn năn trở lại. Trước kia anh ta khác nào thửa đất bên vệ đường, hoặc đất đầy sỏi đá và đất ở giữa bụi gai, thì nay anh đã trở nên thửa đất mang lại bông hạt gấp bội so với trước kia.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ Nước Thiên Chúa xuất hiện nơi ai? Nơi anh Ba Ðông? Ngơi kẻ tống tiền trong câu chuyện? Nơi lời Chúa Giêsu dạy về tình yêu mà nay tiếp tục sinh hoa kết quả giữa thế giới hôm nay? Việc sinh hoa kết quả ấy có thể xảy ra trong đời bạn và qua bạn chăng?

2. Chính bạn là kẻ nghe Lời Chúa, có thể là vệ đường? Là đất đầy sỏi đá? Có thể là bụi gai? Nhưng làm thế nào để trở nên đất tốt và sinh nhiều bông hạt gấp trăm, gấp sáu mươi, gấp ba mươi?

 


Back to Home Page