Ngày
16 tháng 06 năm 2002
Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm A
Ðọc
Tin Mừng Mt 9,36-10,8
9
36 Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương,
vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn
dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng:
"Lúa chín đẩy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy
anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
10
1 Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho
các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ
chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
2
Sau đây là tên của mười hai tông đồ: đứng đầu là ông
Si-mon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê, anh của ông; sau
đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của
ông; 3 ông Philipphê và ông Batôlômêô; ông Tôma
và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê
và ông Tađêo; 4 ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và
ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. 5 Ðức
Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
"Anh
em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào
của dân Samari. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con
chiên lạc nhà Ítraen. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng:
Nưới Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người
đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi
được sạch bệnh, và trừ khử ma quỷ. Anh em đã
được cho không, thì cũng phải cho không như vậy."
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Chúa
Giêsu đã về trời từ hơn 2000 năm nay, nhưng mệnh lệnh truyền
giáo của Người hãy còn rất cấp bách. Theo thông kê trong
cuốn Niên Giám 1999 của Toà Thánh, được đệ trình lên
Ðức Thánh Cha ngày 20.2.1999, tổng số người Công giáo trên
thế giới tính đến ngày 31.12.1997, là 1 tỉ rưỡi người. Tuy
nhiên, con số xem ra đông đảo ấy chỉ chiếm 17,3% dân số hoàn
cầu. Các lục địa có số người Công giáo đông nhất là
Mỹ Châu (62,9%), rồi đến Âu Châu (41,1%) và Úc Châu (27,5%).
Riêng Phi Châu chỉ có 14,9% và Á Châu: 3%! (Theo CGDT số 1197)
Tại
Việt Nam, theo con số thống kê của các giáo phận vào năm
1995, trên toàn quốc có 4,646,575 người Công giáo số với tổng
số dân của cả nước hơn 70 triệu người, tức chỉ chiếm dưới
7%. (Theo cuốn Công Giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm: 1945-1995,
do CGDT xuất bản năm 1996, trang 509). Như vậy, nếu không tính con
số anh chị em Tin Lành trong nước, thì cứ 100 người sống trên
mảnh đất Việt Nam, có tới 93 người chưa tin Chúa! Một tỉ
lệ khiến chúng ta phải suy nghĩ!
Câu chuyện "Xóm Chùa"
Cộng
đoàn nhỏ bé gồm 3 người của Thầy Sáu Sơn vừa mua một căn
nhà ở Xóm Chùa. Người dân trong khu vực gọi tên xóm ấy
như thế vì xóm ở gần một ngôi Chùa; vả lại hầu hết bà
con trong xóm đều là Phật giáo. Ðến sống ở Xóm Chùa, Thầy
Sơn học biết thêm nhiều điều về những người láng giềng
"bên lương" của Thầy.
Ðiều
làm Thầy Sơn ngại ngùng nhất khi mới tiếp xúc với bà con
trong xóm, là sự kính trọng đôi lúc thái quá mà họ dành
cho Thầy. Về sau Thầy hiểu ra rằng truyền thống Á Ðông ta vốn
trọng khổ hạnh và thoát tục, vì vậy cũng dễ hiểu tại sao
bà con kính trọng các bậc tu hành, dù các vị thuộc tôn giáo
nào. Cũng qua việc chung sống với bà con, Thầy nhận ra họ là
những người hiền hoà, trọng nhân nghĩa. Qui tắc luân lý của
họ là phải ăn ngay ở lành, phải có lòng NHÂN và tôn trọng
sự sống, không chỉ nơi con người mà còn cả nơi các thụ
tạo khác: "Thiên địa đại đức viết sinh" - nhân đức
cao cả nhất trong trời đất là sự sống.
Với
một lương tâm bình an, thanh thản khi sống theo triết lý hoà hợp
đó, những người láng giềng của Thầy Sơn dường như không
cảm thấy cần thiết phải đi tầm đạo ở đâu khác. Họ cũng
chẳng bận tâm tìm hiểu xem đạo giáo của Thầy có gì đặc
sắc, mặc dầu họ vẫn một mực kính trọng Thầy và thỉnh thoảng
còn mang xôi chè biếu Thầy vào những dịp rằm lớn.
Thánh đố
Câu
chuyện Xóm Chùa trên đây phản ánh một thách đố chung cho
công cuộc truyền giảng Tin Mừng ở Á Châu, một lục địa đã
ăn sâu cắm chặt vào những truyền thống nhân bản và tâm
linh tự ngàn đời của nó, đến độ sau 4 thế kỷ chinh phục,
Kitô giáo chỉ chinh chiếm lĩnh được tâm hồn của 3% dân số
châu lục này. Trong những năm gần đây, hầu chuẩn bị cho Giáo
Hội bước vào Ngàn Năm Thứ Ba, Ðức Gioan Phaolô II đã
triệu tập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục của từng châu
lục, để duyệt lại các công việc và cách thức truyền giảng
Tin Mừng trên các châu lục ấy. Tại kỳ họp của THÐGM Châu
Á đầu năm 1998, các Giám Mục Á Châu đã cố phân tích những
nguyên nhân khiến việc Tin Mừng hóa ở lục địa này chậm
phát triển. Một trong những lý do chính yếu được nêu lên
là Giáo Hội trong quá khứ đã quá chậm trễ trong việc mở
ra và đối thoại với các truyền thống văn hóa và thiêng
liêng lâu đời của Á Châu, để tìm ra nơi đó những phương
thế thích hợp cho việc truyền đạt những giá trị của niềm
tin Kitô giáo.
Vì
vậy, tại Việt Nam chẳng hạn, trong suốt nhiều thế kỷ, người
Công giáo Việt Nam hầu như đã sống bên lề văn hoá của
quê hương mình, bởi lẽ khi chịu phép rửa tội, họ không còn
được phép giữ phần lớn những tập tục của truyền thống
mà Giáo Hội thời đó cho là không phù hợp với đức tin
Công giáo (như thờ kính tổ tiên, ma chay, tục lệ ngày tết...).
Hơn thế, những giáo dân đó còn bị coi là "tây hoá" từ
việc xây cất nhà thờ, nghi thức phụng vụ, cho đến cả cách
sống và nếp suy nghĩ.
Một cơ hội bị bỏ lỡ
Nói
như thế không có nghĩa là, trong quá khứ, Giáo hội không có
nhưng mẫu gương hội nhập vào văn hóa bản xứ một cách đặc
sắc hầu giúp đẩy mạnh việc Truyền giáo. Xin đơn cử ở đây
trường hợp Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes - Thế kỷ XVII), người
đã có công đưa đức tin công giáo vào hoà hợp với những
giá trị văn hoá Việt Nam. Chẳng hạn cha biên soạn chữ quốc
ngữ để quảng bá đức tin dễ dàng hơn. Vì biết người dân
Việt ưa chuộng chèo, hát, cha đã cho sáng tác những bài vè,
bài thơ về Phúc Âm, về giáo lý, tổ chức ngắm đứng
trong Mùa Thương Khó và cho Dâng Hoa tôn kính Ðức Mẹ. Ngoài
ra, vì nhận thấy người Việt rất trọng luân thường đạo lý,
cha đã khởi sự cuốn giáo lý "Phép Giảng Tám Ngày" bằng
việc dạy Mười Ðiều Răn, về đời sau; sau đó mới đề cập
đến các mầu nhiệm về Thiên Chúa. Cũng vậy, ý thức rằng
dân quê Việt Nam rất mê tín, đâu đâu cũng thấy thần thánh,
lại thích những gì cụ thể để diễn tả các tâm tình tôn
giáo, cha đã phổ biến rộng rãi việc dùng nước phép, nến
phép, các ảnh tượng thánh và tổ chức những lễ nghi linh
đình. Cuối cùng, cha Ðắc Lộ yêu mến và đề cao những gì
là Việt Nam; cha chủ trương hết sức giữ nguyên những tập
tục gia đình, xã hội, văn hoá nghệ thuật của địa phương,
chỉ trừ những gì thật sự mê tín và trái với Tin Mừng.
Ngài cũng tin tưởng ở lòng đạo của người bản xứ, đến
mức đã xin Toà Thánh đặt các Giám Mục người Việt để
cai quản Giáo Hội bản xứ trong thời buổi cấm đạo mà các
thừa sai ngoại quốc khó xuất đầu lộ diện.
Ðáng
tiếc là những sáng kiến hội nhập văn hoá của cha Ðắc Lộ
đã không được đón nhận kịp thời. Vì thế Giáo Hội đã
để lỡ cơ hội đưa đức tin Kitô giáo ăn sâu bén rễ vào
các nền văn hoá lớn ở Á Châu như Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật
Bản và Việt Nam. Ngày nay, với công cuộc canh tân của Công
Ðồng Vaticanô II (1962-1965), người Công giáo Việt Nam (cũng như
người Công giáo ở khắp nơi) đã được phép cử hành các
nghi thức phụng vụ bằng tiếng mẹ đẻ của mình; đồng thời
họ được khuyến khích hội nhập các giá trị truyền thống của
văn hoá bản xứ vào việc truyền giảng đức tin. Tuy nhiên,
công cuộc trở về với truyền thống sau nhiều thế kỷ bị phân
cách không phải là con đường phẳng phiu, như lời nhận xét
sau đây của Ðức Cha Nguyễn Như Thể tại THÐGM Á Châu: "Ngày
nay, Toà Thánh đã cho phép thờ cúng tổ tiên, nhưng muộn mất
rồi, vì người Công Giáo không quen nữa nên khó chấp nhận."
Truyền giáo khởi đi từ việc
sống Ðức Ái
Vượt
trên mọi hình thức hội nhập văn hoá, có một đòi hỏi hội
nhập nền tảng hơn hết: đó là HỘI NHẬP TÌNH YÊU, hội nhập
của "văn hoá đức ái". Thật vậy, trong chỉ thị liên quan
đến Truyền Giáo ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu
dã sai các đồ đệ của Người đi để loan báo Tin Mừng, đồng
thời để chữa lành mọi tật bệnh của người khác (c.10,8).
Như thế, loan báo Phúc Âm và thăng tiến đời sống những
người nghèo khổ, bị bỏ rơi đều là những đòi hỏi cấp
bách của Ðức Ái. Hơn nữa, một chứng từ tình yêu siêu
việt sẽ có sức mạnh thuyết phục hơn bất cứ một lời giảng
thuyết hùng biện suông nào. Chính Mẹ Têrêsa Can-cút-ta, chẳng
hạn, đã chọn cách thức "nói" về Thiên Chúa (tức Truyền
Giáo) khởi đi từ việc sống Ðức Ái.
Quả
thật, Mẹ Têrêsa đã theo sát gót bước Chúa Giêsu khi mẹ
"chạnh lòng thương" trước những người nghèo khổ, bệnh
tật, hấp hối, không được ai chăm sóc trên các vỉa hè của
thành phố Can-cút-ta. Chắc hẳn tâm hồn Mẹ đã bị dằn vặt
nhiều trước những con người không có cơ hội sống và chết
xứng đáng với nhân phẩm là con cái Thiên Chúa. Cuối cùng,
Mẹ đã đặt mình để được Chúa sai đi chăm sóc những con
chiên không có người chăn đó, không phải bằng lời nói,
nhưng trước hết và trên hết bằng những cử chỉ bác ái
siêu vượt.
Chắc
hẳn không phải mọi Kitô hữu đều có thể trở nên những
Thừa Sai Bác Ái như Mẹ Têrêsa; nhưng tất cả những ai đã
chịu phép rửa để thuộc về Chúa Kitô, cũng đều phải thực
thi Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dạy ta trước
tiên, phải cầu xin cùng Thiên Chúa, để chính Người sai ta đi.
Một khi kiên trì cầu xin điều ấy, chính Chúa sẽ giúp ta mở
cõi lòng hầu có thể yêu tha nhân như chính mình. Nhờ đó
ta có thể dễ dàng nói về Chúa cho mọi người hơn.
Ta
cũng không quên cầu nguyện cho những người đang âm thầm làm
chứng tá cho Chúa trên quê hương Việt Nam (như Thầy Sáu Sơn
và cộng đoàn của Thầy), để nhờ việc gắn liền với Chúa
Giêsu là thân nho, công việc của các vị đó cũng mang lại
nhiều hoa trái cho đất nước Việt Nam, như Mẹ Têrêsa đã
mang lại biết bao thành quả cho cánh đồng truyền giáo trên
thế giới.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng một số người đã dửng dưng với
đạo Công giáo và không màng tìm biết về Chúa vì họ có
một số thành kiến, hay một số hiểu lầm về Ðạo và về những
người có Ðạo không? Liệu có cách nào giúp họ vượt qua
những trở ngại đó?
2.
Theo bạn, cách thức "Truyền Giáo khởi đi từ việc sống
Ðức Ái" như Mẹ Têrêsa sẽ hữu hiệu như thế nào với
môi trường bạn sống?
3. Bạn có thể góp phần vào công cuộc truyền giáo như thế nào qua cầu nguyện, qua việc làm cụ thể, qua giáo dục ý thức truyền giáo cho con cái?