Ngày
2 tháng 06 năm 2002
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Ðọc
Tin Mừng Ga 6, 51-58
Khi
ấy, Ðức Giêsu nói với người Do thái rằng: 51
"Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này,
sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính
là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." 52
Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói:
"Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"
53 Ðức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật
các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người,
các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và
uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người
ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật
là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn
thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại
trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống
đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn
tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58
Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên
các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ
được sống muôn đời."
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Trái
bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8,
1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử
hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.
Linh
mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường
đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở
nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe
kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau: "Nguyện đường
tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn
ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt
bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi
khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới
chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn
thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ.
Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng
về họ và nói: Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang
chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà
tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và
kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Ðáp lại là những cặp
mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ
bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (...)
Sáu
tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở
về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số
họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào
là đức Ái Kitô giáo. (...)
Bài
Tin Mừng hôm nay nói về nguồn gốc của Ðức Ái đó khi vọng
lại lời Ðức Giêsu tuyên bố tại Caphacnaum rằng: "Ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại
trong người ấy (c.56). Lời tuyên bố ấy có ý nghĩa gì?
Tìm hiểu nội dung bài Tin Mừng
Quả
thật, lời đó làm chói tai người nghe (c.60) đến nỗi nhiều
môn đệ rút lui không đi theo Ðức Giêsu nữa (c.66). Với người
Pharisêu và một số môn đệ, Ðức Giêsu có vẻ ăn nói chẳng
nghiêm túc, thậm chí có vẻ điên rồ và thô thiển, không
thể chấp nhận được.
Thực
ra, trong Tin Mừng Gioan, lời Ðức Giêsu nói rất thường xuyên
có hai nghĩa: Nội dung lời nói thế này mà lại ám chỉ đến
những điều khác sâu xa, quan trọng hơn. Trong bài Tin Mừng hôm
nay, các từ thịt và máu ám chỉ con người toàn diện. Như vậy,
khi nói rằng thịt và máu Ngài là của ăn, Ðức Giêsu không
muốn nói đến thịt và máu Ngài nhưng chính Con Người của
Ngài, một Con Người Thiên Chúa. Hình ảnh tuyệt hảo của Thiên
Chúa Cha. Chính Con Người đó mới có thể làm thoả mãn những
cơn đói sâu xa và kinh khủng của loài người.
Ăn
uống là một việc rất quen thuộc và cần thiết của con người.
Sống là người thì có nghĩa là phải ăn. Ăn uống không hề
là một việc tầm thường hay là một việc đáng khinh bỉ, hoặc
phải tránh né, vì nó gắn liền với sự sống con người vốn
là chuẩn mực cho mọi giá trị cao quí nhất, đáng theo đuổi
nhất. Như vậy, con người, theo bản chất của mình, khi nói đến
sự sống là phải nói đến việc ăn uống.
Việc
phải ăn, phải uống nói lên giới hạn của con người. Giới
hạn đó còn được thể hiện nơi vô số những cơn đói khác
của con người.
Ngoài
cơn đói chất dinh dưỡng, con người luôn thấy mình khắc khoải,
nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Dường như khát mong hạnh phúc của
con người chưa bao giờ được đáp ứng cách thoả mãn.
Ðức Giêsu hôm nay hứa sẽ lấp đầy vực thẳm khát vọng
đó bằng của ăn thật là chính Ngài.
Ðức
Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể đã dùng khái niệm ăn uống của
con n gười để nói về sự sống. Nhưng Người nói đến của
ăn thật và sự sống thật. Của ăn thật là chính Con Người
"từ trời xuống" mà Chúa Cha ban cho nhân loại. Của ăn đó
không những siêu việt trên mọi của ăn dinh dưỡng bình thường
do bàn tay con người làm ra mà còn trên cả của ăn do lòng
tin tôn giáo của Cựu Ước tin là do bàn tay Thiên Chúa ban
tặng nữa, đó chính là Manna vậy. Sở dĩ như thế là vì của
ăn đó trao ban sự sống thật cho con người, không phải sự
sống bị ăn mòn do thời gian và phải dừng lại trước cái
chết, mà là sự sống phát xuất từ Cha, Ðấng sai phái và
là nguồn sống của Ðức Giêsu.
Nhưng
sự sống đó là như thế nào? Nếu như câu 54 nói: ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì được sống muôn đời..., thì câu 56
nói: ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và
tôi ở lại trong người ấy. Vậy sự sống ấy hệ tại ở
việc kết hợp với Ðức Giêsu. Nó không hệ tại ở một
hiện hữu trong không gian và thời gian, một hiện hữu vật lý,
hay tâm lý, nhưng là nơi một hiện hữu trong Ðức Giêsu, Ðấng
cũng đã hiện hữu trong không gian và thời gian; đã chết và
phục sinh, và nay đang hiện hữu cách hữu hình nơi Bí Tích Thánh
Thể. Bất cứ ai, ở mọi thời mọi nơi, nếu tiếp nhận Ðức
Giêsu, một người Nadarét, như Ðấng đến từ Cha, thì sẽ có
được sự sống dồi dào, thoả mãn mọi khát vọng của mình.
Bí Tích Thánh Thể - Dấu chỉ hữu
hình của Tình Yêu siêu việt
Bí
Tích Thánh Thể lại một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và cúi
đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm Nhập
Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu.
Chính để cứu chuộc con người mà Thiên Chúa đã nên một
Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống Ðích Thực cho ta,
mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Ðiều
kỳ diệu là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua
Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ thể. Ta không chỉ ăn Ðức
Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực
sự hữu hình và vật chất. Ðó chính là sự kỳ diệu của
Bí Tích vậy. Hội Thánh của Ðức Giêsu được nuôi dưỡng
bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước sự
kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội
Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Giêsu hơn, với những
phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống dồi
dào của Mẹ Thánh.
Ðức
Giêsu ban sự sống cho ta không với tư cách một người ban
phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn
cho ta. Ðó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ
khác nhờ đó mà được sống, tựa như hạt giống kia mục
nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một hành
vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước
muốn phục vụ đích thực theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình
để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.
Bí
Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự hiệp thông. Thánh Thể hiện
diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại
trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì
Hội Thánh là Nhiệm Thể của Ðức Kitô, nên khi dâng lên
Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng lên Cha chính mình
với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Ðức Kitô vậy.
Và khi cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành
mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm cho tôi được kết hợp với
Ðức Giêsu Phục Sinh, Bí Tích Thánh Thể còn liên kết tôi với
anh chị em khác vốn cũng đang mang Ðức Giêsu trong mình: bởi vì
họ cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có
thể yêu mến Ðức Giêsu đích thực không khi tôi chẳng yêu
thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi hiến
mạng vì họ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Ðức Giêsu, thì
liệu tôi có sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần
đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của Nhiệm Thể Ngài là Hội
Thánh chăng? Còn biết bao anh chị em trong cùng Thân Thể với
tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi
giúp đỡ và yêu mến. Chính Bí Tích Thánh Thể là nguồn sức
mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến và thể hiện Tình Yêu
đó cho anh chị em tôi.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Các nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima được chữa lành tại
tập viện Dòng Tên, dễ dàng nhận biết Ðức Giêsu ở trong
ai đang thúc đẩy người ấy săn sóc họ?
2.
Bạn nghĩ gì về phản ứng của người Do Thái trước lời
tuyên bố của Ðức Giêsu trong câu 56? Nếu bạn là họ, bạn
sẽ phản ứng ra sao?
3. Có khi nào bạn nghiệm được điều gì lạ thường về Bí Tích Thánh Thể? Xin vui lòng chia sẻ kinh nghiệm đó.