Ngày
21 tháng 04 năm 2002
Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm A
Ðọc
Tin Mừng Ga 10, 1-10
Khi
ấy, Ðức Giêsu nói với người Do thái rằng: 1
"Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào
ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ
trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người
ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào,
và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn
chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và
chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5
Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng
không biết tiếng người lạ." 6 Ðức Giêsu kể cho
họ nghe dụ ngôn đó,nhưng họ không hiểu những điều Người
nói với họ.
7 Vậy Ðức Giêsu lại nói: "Thật, tôi bảo thật các
ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước
tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. 9
Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người
ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm
chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi
đến để cho chiên được sống và sống dồi dào."
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Cuốn
tiểu thuyết lừng danh "Quo Vadis?" (Thầy đi đâu đó?) từng
được dựng thành phim, là một thiên sử hùng tráng về các
vị tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma vào thế kỷ thứ
nhất. Tác giả cuốn giả sử ấy đã thuật lại truyền thuyết
như sau về cuộc tử đạo của thánh Phêrô, vị Giáo hoàng đầu
tiên của Giáo Hội.
Dưới
sự bách hại tàn khốc của bạo chúa Nêrô, thánh Phêrô
đã quyết định lánh nạn khỏi Rôma để thoát khỏi lưỡi đao
tàn bạo mà các đao phủ dành cho những kẻ tin vào Chúa Kitô.
Phải chăng vị thánh đã từng ba lần chối Chúa lại toan tháo
thân một lần nữa? Hay là Ngài nghĩ rằng ngài cần phải sống
để tiếp tục lèo lái con thuyền Giáo Hội đang trong cơn hiểm
nghèo? Thế nhưng đang lúc ra khỏi cửa thành trong đêm tối,
thánh Phêrô thoáng thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đang hối hả đi
vào trong thành. Ngài vội vả đuổi theo Thầy mình và cất tiếng
hỏi: "Quo vadis?" (Thầy đi đâu đó?). Chúa Giêsu trả lời:
"Ta vào thành để chịu đóng đinh một lần nữa cho đoàn
chiên của Ta", đoạn Người biến mất. Nghe những lời đó,
Phêrô chợt hiểu ra rằng Chúa muốn Ngài phải ở lại trong
thành để cùng sống cùng chết với Dân Chúa. Ngay lập tức,
Phêrô quay trở lại vào thành và chẳng bao lâu sau đã bị
bắt giữ và mang ra hành hình. Khi tới pháp trường, vị tông
đồ cả của Giáo Hội chỉ xin các đao phủ một đặc ân: đó
là được chết treo ngược đầu xuống đất, trên một thập
tự giá hình chữ X, vì thánh nhân tự cảm thấy không xứng
đáng được chết trong cùng một tư thế như Thầy mình.
Cho
dù những tình tiết trong câu chuyện trên đây là thực hay hư
cấu, cái chết của Phêrô đã khiến ngài trở nên giống
Thầy Giêsu: đó là trở nên người mục tử nhân lành, thí
mạng sống vì đoàn chiên.
Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta
Trong
bài Phúc Âm hôm nay, Ðức Giêsu xưng mình là "Chúa chiên
lành", đối lại với "kẻ trộm cướp" (ám chỉ người
Pha-ri-sêu). Chúng ta cần hoà mình vào bối cảnh chăn nuôi du
mục ở xứ Pa-lét-tin thời Ðức Giêsu, để có thể hiểu
được ý nghĩa của hai hình ảnh "người mục tử tốt" và
cửa chuồng chiên" mà Người tự ví về mình.
Thật
vậy, cả hai hình ảnh này đều liên quan đến sinh hoạt về đêm
và vào rạng sáng của người chăn chiên đối với bầy gia
súc. Trong một số vùng, lúc chiều về, các mục tử thường
đem gửi bầy chiên của mình vào một chuồng lộ thiên,
được rào chắn cẩn thận hầu ngăn ngừa thú dữ và kẻ
trộm. Chuồng đó chỉ có môt cửa ra vào duy nhất, do một người
gác đêm canh giữ. Khi hừng đông xuất hiện, mỗi mục tử
quay lại nhận đàn chiên của mình ngay tại cửa chuồng. Kẻ đến
bắt chiên mà không qua cửa ắt là kẻ trộm, vì nó sợ người
canh gác cửa.
Thật
khó hình dung sự thân thiết của người mục tử với từng
con chiên. Cũng như giữa từng con chiên với người mục tử.
Cuộc sống chung thường xuyên với nhau trên núi hoặc trong những
đồng cỏ đã khiến chủ-chiên vô cùng khắng khít với nhau.
Mỗi con chiên nhận ra chủ qua tiếng của người đó; còn chủ
chiên thì biết rõ tính tình của từng con chiên trong bầy. Khi
đến cửa chuồng, người mục tử chỉ cần huýt sáo ra hiệu
hoặc thốt lên một hiệu lệnh quen thuộc nào đó (chẳng hạn:
bia, bia, bia...) thì các con chiên của anh sẽ lục tục kéo ra cửa,
từng con một. Ðiều kỳ diệu là tuy mọi con chiên đều nôn
nóng được ra đồng để thưởng thức những ngoạm cỏ ngon
ngọt còn đượm hơi sương, nhưng chúng không bao giờ đi theo
một người chủ lạ. Trái lại, chúng kiên nhẫn chở nghe đích
thị tiếng gọi của chủ mình rồi mới ra. Ðối với chiên, tiếng
ra hiệu của chủ đồng nghĩa với đồng cỏ non, với mạch suối
mát, nơi mà nó sẽ được tung tăng suốt ngày để ăn no nê,
vui thoả thích và nghỉ ngơi một cách êm đềm.
Trong
một vài vùng khác, nhất là trên núi cao, người mục tử
thường chăn bầy chiên riêng lẻ. Lúc đêm về, người đó
thường lùa chiên vào một hang động hay một khe núi hẹp và
nằm chắn ngang lối ra để bảo vệ bầy chiên. Vì vậy, người
chăn chiên cũng chính là "cửa" chuồng thiên nhiên đó.
Nếu trong đêm, "cửa" là rào chắn an toàn cho chiên, thì
lúc rạng sáng, "cửa" chính là lối đưa chiên đến cánh
đồng xanh no thoả và suối mát ngọt ngào. Khi Ðức Giêsu xưng
mình là "cửa chuồng chiên", Người đã tự vì mình với
loại người chăn chiên này.
Mục tử tốt lành và kẻ trộm
cướp
Các
sách Phúc Âm thường đối lập hình ảnh Ðức Giêsu (vị mục
tử tốt lành) với hình ảnh các nhà lãnh đạo Do-thái-giáo
đương thời. Chính Ðức Giêsu cũng lên tiếng cảnh giác đoàn
chiên của Người hãy coi chừng các ngôn sứ giả: loại người
này thường đội lốt chiên mà đến với họ nhưng trong lòng
lại là sói dữ ham mồi (Mt 7,15). Lúc khác, Người lại chỉ
trích các ký lục và Pha-ri-sêu chỉ ngồi phán trên toà giảng
của Môsê nhưng lại chẳng thi hành điều họ dạy làm: "Họ
chất lên vai người khác những gánh nặng, nhưng chính họ lại
không buồn đưa ngón tay nhấc thử" (Mt 23,2-4). Cũng vậy, họ
chỉ chú ý trau chuốt bề đạo đức, như nới rộng dải vải
ở tay, may dài tua áo; đòi người khác xưng hô là Thầy nơi
công cộng; luôn chiếm chỗ nhất ở hội đường và đám tiệc;
bày vẽ cầu kinh lâu giờ để nuốt trọn tài sản của các
bà goá (Lc 20,46-47).
Trái
lại, Ðức Giêsu là hiện thân của người mục tử nhân hậu.
Người đã hoá bánh ra nhiều để nuôi sống hơn 5,000 người
đang lũ lượt tuốn đến nghe Người giảng dạy (Ga 6,1-15); Người
đã băng bó vết thương trong lòng bà goá thành Na-im khi Người
cho con trai bà được sống lại từ cõi chết (Lc 7,11-17); Người
đã đi tìm "con chiên lạc" là ông Gia-kêu khi Người xin đến
trọ tại nhà ông và đã khiến cả gia đình ông hoán cải (Lc
19,1-10); hơn thế, Người đã hy sinh chính mạng sống để đi dọn
chỗ cho đoàn chiên yêu dấu trong Nhà Cha Người (Ga 14,2-4). Cuối
cùng, trước khi rời bỏ các môn đệ, Người đã ba lần
trao phó đoàn chiên cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,15-17).
Ðức
Giêsu là "cửa" đưa đến sự sống đích thực. Nhưng "cửa"
của Người là cửa hẹp, nghịch với cửa rộng của thế gian
vốn đưa đến diệt vong (Mt 7,13-15). Aáy vậy, cuộc sống của
Kitô hữu chúng ta luôn bị giằng co giữa "cửa hẹp" và
"cửa rộng"; giữa ánh sáng và bóng tối; giữa con
đường sống và con đường diệt vong. Tuy nhiên, không phải
lúc nào cũng dễ dàng đi vào cửa hẹp. Chính lịch sử Dân
riêng Chúa đã chứng thực điều này.
Giavê là Ðấng chăn dắt tôi
(Tv 23)
Từ
rất xa xưa, dân Ít-ra-en đã cảm nghiệm sâu xa rằng mình là
Dân riêng do chính Giavê Thiên Chúa qui tụ và chăn dắt. Thánh
Vịnh 23 về "Chúa chăn nuôi tôi" nói lên niềm hạnh phúc
của dân khi được chính Giavê yêu thương và chăn dắt. Chính
Người đã giải thoát dân Người khỏi tay sói là Pha-ra-ô,
vua Ai cập, để đưa họ đến cánh đồng chảy đầy sữa và
mật là Ðất Hứa. Ðáng buồn thay, tấm thảm kịch của Dân Ít-ra-en
đã khởi sự ngay khi họ vừa dấn bước theo Chúa. Kinh nghiệm
của dân cho thấy việc lựa chọn "cửa hẹp" đưa đến sự
sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và đơn giản.
Thật
vậy, ngay khi vừa ra khỏi Ai cập, dân đã từ bỏ Giavê để
thờ lạy bò vàng ở chân núi Sinai. Sau khi đã vào định cư
ở Ðất Hứa, dân cũng hãy còn phản bội Giavê chạy theo thờ
lạy các thần ngoại bang. Chính vì vậy dân đã phải gánh chịu
nhiều cuộc ly tán, lưu đầy nơi đất khách quê người. Tuy
nhiên, Giavê luôn nhớ tới đoàn chiên ngỗ nghịch và đã
chạnh lòng thương xót chúng. Chính vì thế mà sau những thử
thách Người đã sai đến với dân những mục tử thay mặt
Người an ủi, nâng đỡ và giải thoát dân. Chính vì vậy mà
sau đó, hình ảnh mục tử nhân lành vốn được dành riêng
để nói về mối tương quan của Giavê đối với Dân riêng,
cũng được áp dụng cả cho những sứ giả của Chúa. Trong
số những mục tử con người này, có vị đã xuất thân từ
nghề chăn nuôi thực thụ. Chẳng hạn Môsê đã được Chúa
hiện ra trong bụi gai cháy để sai đi giải thoát dân khỏi Ai cập
đang khi ông chăn cừu cho nhạc phụ trên núi Hô-rép (Xh
3,1-12); còn cậu thiếu niên Ðavít đã được bố gọi về chịu
xức dầu tấn phong bởi tiên tri Samuel đang lúc cậu đang chăn
chiên ngoài đồng (1Sam 16,1-13). Thế mà về sau, Ðavít đã trở
thành vị vua lớn nhất trong lịch sử Ít-ra-en và đã đưa vương
quốc của Dân Thiên Chúa đến chỗ cực thịnh.
Giáo
Hội và xã hội ta đang sống luôn cần đến những mục tử
tốt lành theo những đòi hỏi của chính Chúa Giêsu. Thực ra
Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là mục tử nhân lành vì
Người đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (Ga 10,15-18). Người
hãy còn tiếp tục sự hy sinh lớn lao trong bí tích Thánh Thể.
Qua Thánh Lễ mỗi ngày, Chúa Giêsu luôn "phó nộp mình" một
cách mới mẻ và sống động vì đoàn chiên. Qua bí tích Thánh
Thể, Người luôn đặt mình trước "cửa" để bảo vệ đoàn
chiên khỏi ảnh hưởng của thế gian, xác thịt. Chính máu Người
đã đổ ra để thực hiện cách hữu hiệu công cuộc bảo vệ
đó. Giáo Hội và xã hội ta đang sống sẽ được bảo vệ tốt
nhất nếu mỗi thành viên biết và dám tham gia vào sự hy sinh
lớn lao của chính Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn cảm nghiệm như thế nào về tình yêu thương và sự dẫn
dắt của Chúa ngang qua những biến cố lớn trong đời bạn?
2. Hình ảnh vị mục tử nhân lành sống hết mình cho đoàn chiên gợi hứng cho bạn cư xử như thế nào đối với tha nhân: trong cương vị cha mẹ; thầy cô; y bác sĩ, hoặc trong nghề nghiệp riêng bạn đang theo đuổi?