Ngày
31 tháng 03 năm 2002
Chúa Nhật Lễ Phục Sinh Năm A
Ðọc
Tin Mừng Ga 20, 1-9
1
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà
Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
2 Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người
môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem
Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người
ở đâu?"
3 Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4
Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông
Phêrô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và
nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6
Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ,
thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu
Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng
cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người
môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã
thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa
hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi
chết.
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Bài
Tin Mừng hôm nay là đoạn đầu của Tin Mừng Gioan chương 20 gồm
tất cả 4 đoạn:
Ðoạn
một về cuộc tìm kiếm các dấu chỉ về Ðấng Phục Sinh (Ga
20,1-10);
Ðoạn
hai cho thấy bà Maria Mácđala tuần tự nhận ra Thầy mình như
thế nào (cc.11-18);
Ðoạn
ba là cuộc tỏ hiện của Ðấng Phục Sinh giữa những kẻ thuộc
về Ngài (cc.19-23);
Ðoạn
bốn là cuộc tỏ hiện đặc biệt của Ðấng Phục Sinh dành cho
Tôma (cc.24-29).
Tin
Mừng Gioan hầu như không đá động tới chính việc phục sinh
của Ðức Giêsu. Tác giả chỉ chú trọng về những cuộc gặp
gỡ giữa Thầy và Trò sau cuộc thương khó và tử nạn.
Thực
ra toàn bộ Tin Mừng của Gioan được viết để độc giả tin
mà được sống nhờ danh Ðức Giêsu (x. Ga 20,31). Vậy trước
hết, nên đọc lại cuộc tìm kiếm các dấu chỉ về Ðấng Phục
Sinh trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Tiếp theo nên khám
phá ra điểm khởi xuất của cuộc tìm kiếm này trong cuộc
đời trần thế của Ðức Giêsu với các môn đệ đầu tiên
(Ga 1,35-51).
Các dấu chỉ về Ðấng Phục
Sinh
"Cuộc
tìm kiếm các dấu chỉ về Ðấng Phục Sinh" là nhan đề thích
hợp cho toàn bộ chương 20 mà trong đó đoạn Tin Mừng hôm
nay là khởi đầu. Bà Maria Mácđala đi tiên phong trong cuộc tìm
kiếm. Bà chạy tới mộ khi trời còn tối. Thấy tảng đá che
mộ đã bị lật, bà cắt nghĩa ngay theo lẽ tự nhiên là có
thể các người chết đã bị đánh cắp. Sự kiện liền
được loan báo cho hai ông Phêrô và Gioan: Thế là hai ông này
tham gia cuộc tìm kiếm. Ðộc giả có thể cảm nghiệm thấy nỗi
lo âu của Giáo Hội sơ khai trên đường tìm kiếm nhữn gdấu
chỉ về Ðấng Phục Sinh. Có một sự lúng túng trước hoàn
cảnh các môn đệ không làm sao nhận ra Thầy mình.
Theo
phong tục Do Thái, xác người chết được xức dầu thơm với
khăn liệm cuốn chặt vào thi hài và một chiếc khăn khác phủ
ở đầu.
Tin
giật gân về ngôi mộ bỏ ngỏ khiến ông Phêrô và người
môn đệ Ðức Giêsu thương mến, hối hả chạy. Người môn
đệ này đến trước nhìn thấy những băng vải trong mộ nhưng
không vào. Khi cả hai vào trong mộ, điều lạ lùng mà họ nhận
ra là cả băng vải lẫn khăn phủ đầu đều được gấp lại
gọn ghẽ, riêng khăn phủ đầu để riêng ở một nơi. Với
trực giác bén nhạy, ông Gioan hiểu ngay đó là dấu chỉ về
Chúa Phục Sinh. Lập tức, ông hiểu ngay rằng thi hài Thầy mình
đã không bị đánh cắp, nên ông đã thấy và đã tin.
Ðó
là Ðức Tin của Giáo Hội sơ khai lãnh nhận ngang qua những dấu
chỉ về Ðấng Phục Sinh nhưng không phát sinh do những dấu chỉ
ấy. Ở đây ta có hình ảnh về một Giáo Hội sống động với
những con người bằng xương bằng thịt và với những tính khí
và não trạng khác nhau: Bà Maria Mácđala là một con người
nhiệt tình; ông Gioan với trực giác bén nhạy ngược lại với
sự thô sơ nào đó nơi ông Phêrô. Giáo Hội gồm những
loại người khác nhau, với những nhóm linh đạo khác nhau. Tất
cả cùng làm nên Giáo Hội, cùng chịu sức ám ảnh của sự
hiện diện của Ðức Giêsu. Cho nên nơi Giáo Hội có những
đặc sủng khác nhau khiến cho người này bén nhạy hơn người
kia, nhưng mọi thành viên đều hỗ tương và kính trọng nhau. Mọi
Kitô hữu đều cùng nhau tìm kiếm những dấu chỉ về sự hiện
diện của Thiên Chúa và thông tin cho nhau biết về những dấu
chỉ đó, mặc dầu phản ứng của họ khác nhau trước mầu
nhiệm của Thiên Chúa.
Bài
Tin Mừng hôm nay cho thấy trong cụ thể các Kitô hữu tiên khởi
đã cộng tác với nhau như thế nào. Ai nấy truyền thông cho
người bên cạnh điều mình thấy, và với tư cách là tập
thể, họ thiết lập nên hướng đi cho cuộc sống Kitô hữu,
cả trường hợp những dấu chỉ về sự hiện diện của Ðức
Kitô xem ra như biến mất, vì những khó khăn gặp phải.
Càng
gặp khó khăn, Kitô hữu càng không được thất vọng. Trong
trường hợp các dấu chỉ về sự hiện diện của Ðức Giêsu
xem ra như không còn nữa, đó lại là lúc người Kitô không
được nản lòng; ngược lại, họ phải làm đủ cách cho có
sự sống vì tin chắc có Chúa đang hiện diện và đang nói với
mình. Hãy coi nếu trong Giáo Hội sơ khai, bà Maria Mácđala đã
không hành động như bà đã làm, nếu bà đã không thông
tin điều bà biết cho các môn đệ khác và rồi không có sự
tương trợ lẫn nhau, thì nấm mộ vẫn nằm đó trống rỗng, chẳng
ai biết đến. Chính nhờ các Kitô hữu tiên khởi biết cùng
nhau tìm kiếm, cùng trợ giúp nhau, nhờ đó họ mới được
qui tụ lại trong việc nhận biết các dấu chỉ về Ðấng Phục
Sinh.
Còn
nhiều điều khác nữa đã phản ánh cho ta biết về Giáo Hội
sơ khai dựa trên đoạn Tin Mừng này. Hãy đọc kỹ hai câu
chót của đoạn Tin Mừng nói rằng: "Bấy giờ người môn
đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy
và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng
theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết."
(cc.8-9). Ở đây được mạc khải cho thấy chức năng quan trọng
của Kinh Thánh đối với việc nhận ra những dấu chỉ của sự
hiện diện của Thiên Chúa giữa thế giới. Ðiều vừa trích
khẳng định rất rõ về ánh sáng đến từ Kinh Thánh, khiến
người môn đệ được bén nhạy hơn về sự hiện diện của
Chúa trong mỗi trường hợp cụ thể, nhờ đã quen biết sự
hiện diện của Ngài trong lịch sử.
Ðiều
vừa nói áp dụng với mọi cộng đoàn Kitô hữu. Cộng đoàn
Kitô hữu nào cũng cần dựa vào Lời Chúa hướng dẫn mình,
để nhận ra Chúa không xa. Càng thấy Chúa thiếu vắng, người
Kitô càng cần đặt mình dưới cái nhìn của Lời Chúa để
nhận ra sự hiện diện của Ngài không xa, thực ra ngay ở giữa
những biến cố lớn nhỏ của cuộc đời; chính Lời Chúa giúp
ta phân định để nhận ra sự hiện diện đó của Thiên Chúa
(phần này viết theo C.M. Martini, Voici Roi, Cerf, 1981, p. 81-85).
Khởi xuất của cuộc tìm kiếm
Khởi
xuất của cuộc tìm kiếm trong Tin Mừng Gioan
Gốc
gác của cuộc tìm kiếm này đã được thấy ngay ở chương
đầu của Tin Mừng Gioan, với những môn đệ đầu tiên (Ga
1,35-51).
Ở
đây cuộc tìm kiếm đã được ban cho các môn đệ đầu tiên
nhờ ông Gioan là người được Thiên Chúa sai đến (Ga 1,6).
Chính ông đã giới thiệu với hai môn đệ của ông về
Ðức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" (c.35). Và hai ông này
đã bước theo Ðức Giêsu kể từ giờ phút đó.
Nhưng
bước theo Ðức Gei6su là bước vào con đường nội tâm của
Ngài. Chính Ngài nêu câu hỏi đòi các ông phải thấy rõ điều
mình đang theo đuổi trong cõi lòng mình: "Các anh tìm gì thế?"
(c.38). Chính Ngài tự nguyện mời gọi các môn đệ đầu tiên
ở lại với Ngài. Vậy là các ông được đưa vào một cuộc
sáng tạo mới. Và điều đã được tạo thành ở nơi Ngài
là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga
1,3).
Chính
nhờ ở lại với Ðức Giêsu là Ðức Kitô Con Thiên Chúa
(Ga 1,49), nên các ông đã nhận được sự sống có sức hút
dây chuyền: ông Anrê dẫn em mình đến gặp Ðức Giêsu; ông
Philipphê một khi bước theo Ðức Giêsu thì lôi kéo ông
Nathanaen đến với Ngài...
Vấn
đế quan trọng là tin (Ga 1,50), nhờ đó sẽ được thấy "trời
rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên
Con Người" (Ga 1,51).
Vậy
cuộc tìm kiếm khởi xuất ở Gioan chương 1 trong đời trần thế
của Ðức Giêsu, cách nào đó, vẫn còn kéo dài với mỗi
Kitô hữu trong cuộc tìm kiếm các dấu chỉ về Ðấng Phục Sinh.
Mọi
Kitô hữu đều có nhu cầu về ơn bình an và niềm vui mà Ðấng
Phục Sinh muốn ban cho họ nhờ các tông đồ: "Như Cha đã sai
Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh
em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy
được tha." (Ga 20,21-23)
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn hiểu gì về câu nói: "Mọi Kitô hữu đều cùng nhau tìm
kiếm những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa và
thông tin cho nhau biết về những dấu chỉ đó" và câu nói:
"Ông đã thấy và đã tin... Theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải
chỗi dậy từ cõi chết" (cc.8-9)?
2. Bạn hiểu gì về câu nói: "Mọi Kitô hữu đều có nhu cầu về ơn bình an và niềm vui mà Ðấng Phục Sinh muốn ban cho họ nhờ các tông đồ." (x.Ga 20,21-23)?