Ngày
20 tháng 01 năm 2002
Chúa Nhật Thường Niên 2 Năm A
Ðọc Tin Mừng
Ga 1,29-34
29
Hôm sau, ông Gioan thấy Ðức Giêsu tiến về phía mình, liền nói:
"Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần
gian. 30 Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi
bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có
trước tôi. 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để
Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa
trong nước." 32 Ông Gioan còn làm chứng: "Tôi
đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự
trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính
Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi:
"Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người
đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần". 34
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng
Thiên Chúa tuyển chọn".
Gợi ý để
sống và chia sẻ Tin Mừng
Như Tuần lễ cuộc sáng tạo mới
Trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu được ộng Gioan Tẩy giả làm chứng là "Chiên Thiên Chúa" và là "Chiên đến để xoá tội trần gian." (c,29).
Lời chứng của Gioan Tẩy giả là một trong bảy lời chứng được lần lượt nêu lên trong bảy ngày liên tiếp, có dáng dấp như tuần lễ của cuộc sáng tạo mới, mà chóp đỉnh là cuộc mạc khải vinh quang của Ðức Giêsu qua phép lạ hoá nước lã thành rượu ngon, khiến các môn đệ bắt đầu tin vào Ngài (2,11).
Ngày thứ nhất (cc.19-28)
Chứng nhân Gioan Tẩy giả ngỏ lời cùng các thượng tế và các thầy Lêvi.
Chứng từ ông Gioan Tẩy giả nêu để khẳng định ông không phải là Ðức Kitô, nhưng chỉ là tiếng người kêu trong hoang địa và bản thân ông chẳng xứng đáng cởi dây giày cho Ðấng đến sau. Ông cũng không phải là ngôn sứ Êlia theo Mal 3,23, như người ta vẫn chờ mong, và cũng không phải là vị ngôn sứ nào đó được nói tới trong sách Ðệ Nhị Luật.
Ngày thứ hai (ngày hôm sau trong cc.29-34)
Chứng nhân là ông Gioan lần đầu tiên gặp Ðức Giêsu.
Chứng từ: Ðức Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian." Ngài ở địa vị cao hơn ông Gioan. Ngài là Ðấng mà Thần Khí sẽ đậu trên, là Ðấng sẽ làm phép rửa nhờ Thần Khí. Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Ngày thứ ba (cũng ngày hôm sau trong cc.35-39).
Chứng nhân Gioan Tẩy giả ngỏ lời cùng hai môn đệ của ông, là những người đến với Ðức Giêsu vào lúc 4 giờ chiều và đã ở lại với Ngài.
Chứng
từ: "Ðây là Chiên của Thiên Chúa." Lời này có thể
chỉ về chiên Vượt Qua hoặc chỉ về người tôi tớ chịu đau
khổ như chiên bị xén lông mà không kêu la như được mô tả
trong Isaia 53,7.
Ngày thứ tư (?) (cc.40-42)
Chứng nhân Anrê đối với em là Simon.
Chứng
từ: Chúng tôi đã được thấy vị Cứu Tinh Mêsia.
Ngày thứ năm (ngày hôm sau trong cc. 43-51)
Chứng nhân Philíp đối với Nathanaen
Chứng
từ: Ðấng mà Môsê đã ghi nhận trong sách Luật và các
ngôn sứ cũng ghi nhận.
Ngày thứ sáu
Chứng nhân Nathanaen
Chứng
từ: "Thầy là Con Thiên Chúa; Thầy là vua của Ít-ra-en.
Ngày thứ bảy (tức "ngày thứ ba" trong 2,1-11)
Chứng nhân Ðức Giêsu làm phép lạ tại Cana.
Chứng
từ: "Ðó là cách Ðức Giêsu bày tỏ vinh quang của Ngài,
và các môn đệ bắt đầu tin vào Ngài" (2,11).
Ðức
Kitô đã từng được ví như con chiên, nhất là trong sách
Khải Huyền cũng như trong Tin Mừng Gioan, Công Vụ Tông Ðồ và
thư thứ nhất của Phêrô. Hình ảnh Ðức Giêsu như một con
chiên phát xuất từ Cựu Ước theo hai viễn tượng sau đây.
Tôi tá của Giavê
Một
là hình ảnh Tôi Tá của Giavê
- Hình ảnh ấy được ngôn sứ Giêrêmia áp dụng với
bản thân ông. Ðó là lúc ông bị kẻ thù bách hại nên ví
mình như "con chiên bị giong tới lò sát sinh" (Gr 11,19). Cũng
hình ảnh ấy được gán cho Người Tôi Tá Giavê chịu chết
để đền bù các tội của dân, giống như con chiên bị giong tới
lò sát sinh hoặc như con chiên đang được xén lông vẫn ở
lặng không hở môi (Is 53,7). Ðiều được nhấn mạnh ở đây
là đức tính khiêm nhường và nhẫn nại của Người Tôi Tá
Giavê. Ðiều nhấn mạnh ấy rất là thích hợp để loan báo về
bản thân Ðức Kitô, Ðấng đã từng ở lặng trước Thượng
Hội Ðồng Do thái giáo (Mt 26,63). Ngài cũng từ chối không
trả lời tổng trấn Philatô (Ga 19,9). Rất có thể đó chính là
điều ông Gioan Tẩy giả muốn loan báo khi nhìn nhận Ðức Giêsu
là "Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xoá bỏ tội trần gian"
(1,29; x.Is 53,7-12; Dt 9,28)
Chiên Vượt Qua
Hai
là hình ảnh Chiên Vượt Qua
- Giavê Thiên Chúa đã truyền cho mỗi gia đình người Do
thái phải giết một con chiên đực một tuổi, không mang tì vết
(x.Xh 12,5). Họ sẽ ăn thịt chiên đó ban chiều rồi lấy máu
chiên bôi trên khung cửa. Chính nhờ dấu chỉ đó, người của
gia đình Do thái được Thiên Thần đến sát phạt các con đầu
lòng Ai cập, sẽ tha không sát hại họ. Truyền thống Do thái
còn dành cho máu chiên Vượt Qua giá trị cứu chuộc khi nói:
"Nhờ máu của Giao Ước do cắt bì và nhờ máu của chiên
Vượt Qua, Ta đã giải thoát ngươi khỏi Ai cập" (Pirqè R.
Eliezer 29). Chính nhờ máu của chiên Vượt Qua nên người
Hipri đã được cứu chuộc khỏi Ai cập và có thể trở nên
dân tộc được thánh hiến, trở nên vương quốc của các tư
tế (Xh 19,6). Họ được gắn liền với Thiên Chúa nhờ Giao
Ước và được cai trị do Luật Môsê.
Truyền thống Kitô giáo
Riêng truyền thống Kitô giáo vẫn đượm nét với hình ảnh Ðức Kitô là Chiên Vượt Qua: "Khi Người tự hiến tế làm chiên Vượt Qua của chúng con, Người hủy diệt tội lỗi xưa để đổi mới muôn loài sa ngã, và hoàn lại sự sống nguyên tuyền cho chúng con" (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh IV)
+ Quả thật, Ðức Giêsu là Chiên (1P 1,19; Ga 1,29; Kh 5,6) không tì vết (Xh 12,5) được hiểu là vô tội (1P 1,19; Ga 8,48; 1Ga 3,5; Dt 9,14). Chính Ðức Kitô đã dùng giá máu mình để cứu chuộc nhân loại (1P 1,18tt; Kh 5,9; Dt 9,12-15). Ngài đã cứu họ khỏi "bụi trần" (Kh 14,3) khỏi cái thế giới buông theo gian tà phát sinh do đạo thờ ngẫu tượng (1P 1,14.18; 4,2tt), nhờ đó từ nay họ có thể tránh tội (1P 1,15tt; Ga 1,29; 1Ga 3,5-9). Có thể hình thành nên vương quốc tư tế mới, nên dân tộc được thánh hiến cho Thiên Chúa (1P 2,9; Kh 5,9tt; x.Xh 19,6). Họ sẽ dâng lên Thiên Chúa cuộc thờ phượng thiêng liêng bằng một đời sống không có gì chê trách được (1P 2,5; Dt 9,14). Họ bỏ lại đàng sau bầu khí tăm tối của thế gian để nhận lấy ánh sáng của Nước Thiên Chúa (1P 2,9): Ðó chính là cuộc xuất hành thiêng liêng. Chính nhờ máu Con Chiên là Ðức Kitô (Kh 12,11), họ thắng được Satan đứng đằng sau Pharaon, nên họ có thể cất tiếng hát bài thánh ca Môsê và Con Chiên (Kh 15,3.7.9tt.14-17) để tán dương và mừng hô được giải thoát.
+ Truyền thống Kitô giáo nhìn nhận Ðức Kitô là Chiên Vượt Qua đích thực, đã có rất sớm. Tông đồ Phaolô khuyên tín hữu Corintô sống "tinh tuyền và chân thật" như bánh không men vì "Ðức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (1Co 5,7). Phaolô viết thư thứ nhất cho tín hữu Corintô vào những năm 55-57; truyền thống nói trên phải có trước đó lâu rồi. Cơ sở của truyền thống này được thấy nơi Tin Mừng của Gioan. Theo Gioan, Ðức Giêsu chịu chết trước lễ ăn bánh không men (Ga 18,28; 19,14.31), tức vào buổi chiều lễ Vượt Qua (19,14), chính là thời điểm người ta sát tế chiên làm của lễ. Sau khi Ðức Giêsu tắt thou, người ta không đánh gẫy ống chân Người, đó là điều người ta thực hiện với hai người cùng chịu đóng đinh với Ðức Giêsu (19,33); tác giả Tin Mừng Gioan ghi nhận điều đặc sắc này áp dụng với chiên Vượt Qua là Ðức Giêsu (19,36; x.Xh 12,46).
+
Từ hình ảnh Ðức Kitô Chiên Vượt Qua mới, ta có hình ảnh
Ðức Kitô Chiên
thiên quốc (Kh 5,9tt). Sách Khải
Huyền gây ấn tượng đột xuất khi đối chiếu sự yếu
đuối của chiên hiến tế với quyền lực mà chiên nhận
được khi đạt tới vinh quang trên trời. Một đàng ta có hình
ảnh chiên hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng sinh; đàng
khác ta có hình ảnh Ðức Kitô dũng mãnh tựa sư tử đạt
chiến thắng trong công trình giải phóng dân Thiên Chúa khỏi
quyền lực sự dữ (5,5tt; 12,11). Ta thấy Ðức Kitô Chiên Vượt
Qua nay cùng ngồi bên ngai báu của Thiên Chúa (22,1.3), cùng
được các quyền thần trên trời thờ lạy (5,8.13; 7,10). Ngài
mang uy quyền của Thiên Chúa. Chính Ðức Kitô là Chiên Thiên
Chúa thi hành các sắc lệnh của Thiên Chúa chống lại những
kẻ nghịch đạo (6,1tt); chính cơn thịnh nộ của Ðức Kitô nhận
chìm chúng trong kinh hãi (6,16); Ðức Kitô đứng ra điều khiển
cuộc chiến cuối cùng chống lại lực lượng toa rập của sự
ác, và rồi cuộc chiến thắng đạt được sẽ vĩnh viễn hoá
tước hiệu của Ngài là "Vua trên các vua và Chúa trên các
chúa" (17,14; 19,16). Tư cách dễ thương tiên khởi của Ðức
Kitô là Chiên Thiên Chúa được biểu lộ rõ nhất trong hôn
lễ với Giêrusalem trên trời là Giáo Hội (19,7-9; 21,9). Ðức
Kitô Chiên Thiên Chúa sẽ đảm nhận việc dẫn đưa các tín hữu
tới nguồn nước dạt dào của các mối phúc nơi thiên quốc
(17,17; x.14,4).
Một số câu
hỏi gợi ý
1.
Bạn nghĩ gì về hình ảnh Ðức Kitô Chiên Vượt Qua như Tôi
Tá của Giavê? Như Chiên Vượt Qua? Có phải điều quan trọng
là chính bạn nghiệm thấy Ðức Kitô cứu bạn khỏi thế giới
tội lỗi? Và bạn đang trên đường tiến về Ðất Hứa của
cõi phúc?
2. Xưa ông Gioan Tẩy Giả làm chứng rằng Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa, Ðấng đến xoá bỏ tội trần gian. Nay bạn được mời gọi để làm chứng điều gì về Ðức Kitô trong viễn tượng của Năm Thánh 2000? Chẳng hạn về các mối phúc: Siêu thoát? Hiền lành? Thương người? Xây dựng hoà bình trong gia đình và nơi xã hội?