Ngày
30 tháng 12 năm 2001
Chúa Nhật Lễ Kính Thánh Gia Năm A
Ðọc Tin Mừng
Mt 2,13-15.19-23
13
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện
ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi
và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi
báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" 14
Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người
trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê
băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn
sứ:
Ta
đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
19
Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với
ông Giuse bên Aicập, 20 báo mộng cho ông rằng: "Này
ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những
kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." 21 Ông liền
chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. 22
Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê,
cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau
khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, 23 và
đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm
lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người
sẽ được gọi là người Nadarét.
Gợi ý để
sống và chia sẻ Tin Mừng
Kìa Bà nào đang tiến lên như Rạng Ðông?
Một cô gái 19 tuổi từ Tân Ðô (Trento), Bắc Italia tới Loretô, miền Nam Italia, dự đại hội Công Giáo Tiến Hành. Cuộc đại hội được tổ chức tại một học viên nơi các dự viên tới trọ. Cô gái ấy vẫn chăm chỉ dự đại hội, nhưng khi rảnh luôn đến viếng ngôi nhà Nadarét trong lòng nhà thờ thành phố Loretô. Ðược biết đây là ngôi nhà của thánh giá thất: Ðức Maria, thánh Giuse và Ðức Giêsu. Cô sinh viên sư phạm ấy kể lại:
"Lần đầu tiên bước vào căn nhà nhỏ ấy ở trong lòng nhà thờ Loretô, lòng tôi tràn ngập cảm xúc. Tôi là người con gái bình thường chỉ có ý đến nhà thờ cầu nguyện, không hề bận tâm tìm cho mình một nếp sống nào cả.
Tôi một mình chìm sâu vào một mầu nhiệm cả thể. Ðiều hết sức ngoại lệ đối với tôi là tôi đã để mình rơi lệ đầm đìa. Bình thường tôi không buông mình cho những diễn tà về cảm xúc, thế mà khi ấy tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi bắt đầu suy niệm về tất cả những điều có thể xảy ra giữa bốn bức tường của căn nhà nhỏ này, như về biến cố thiên thần truyền tin cho Ðức Maria, đời sống của Ðức Giêsu, Ðức Maria và thánh Giuse.
Với lòng tôn kính ngâp tràn, tôi lấy tay sờ trên những viên đá và những xà nhà. Tôi như được nghe tiếng nói của cậu bé Giêsu và thấy trong trí tưởng tượng của tôi cậu ấy đang tung tăng chạy ngang qua căn phòng. Tôi đăm chiêu nhìn bốn bức tường từng vang dội tiếng nói, tiếng hát của Ðức Maria.
Suốt thời gian đại hội, tôi luôn tranh thủ khi có giờ rảnh, để trở lại ngôi nhà Nadarét, trong khi các bạn tôi vẫn ở lại trường nơi chúng tôi trọ. Và mỗi lần, ngôi nhà ấy đều gây cũng một ấn tượng, cũng với cảm xúc mạnh. Xảy ra như có một ơn đặc thù từ Thiên Chúa đến hoàn toàn bao bọc lấy tôi, như thể Thiên Chúa đến tràn ngập trên tôi.
Tất cả đều là chiêm ngưỡng và nguyện cầu như thể cách nào đó, tôi được sống với ba vị của Thánh Gia Thất."
Về cuối cuộc đại hội, một thánh lễ trọng được tổ chức nơi thánh đường mà phía trong có căn nhà nhỏ bé Nadarét. Ðiều mà cô sinh viên sư phạm nghiệm thấy như là tột đỉnh và đồng thời là kết tinh của những giờ khắc huyền nhiệm cô một mình đã trải qua ở ngôi nhà Nadarét tại Loretô. Cô chia sẻ tiếp:
"Ngôi thánh đường chật ních những sinh viên dự lễ. Có một số nam sinh viên nhưng đa số là nữ và ai nấy đều đội khăn phủ đầu. Trong lễ trọng ấy, ai nấy đều chăm chú lần theo diễn tiến được chỉ dẫn trong sách lễ. Riêng tôi khi ấy nhận ra "lối sống của riêng tôi". Ðó là lối sống thứ bốn. Khi ấy tôi có trong đầu óc hình ảnh vô số những trinh nữ theo tôi bước vào lối sống đó. Tôi chẳng hiểu hình ảnh đó có nghĩa gì nhưng đó là hình ảnh tôi đã nghiệm thấy."
Sau
đại hội Công giáo tiến hành năm 1939, cô Lưu Bích trở về
nhiệm sở giáo viên tại Căn Dinh (Castello d’Ossana, Bắc
Italia). Khi được linh mục sở tại hỏi về thành quả của đại
hội, cô Lưu Bích đã cho vị ấy biết cô đã tìm thấy lối sống
riêng của cô. Phải chăng đó là đời sống đôi bạn? Thưa
không. Có phải là đời sống dâng hiến giữa đời? Thưa
không. Vậy là con sẽ sống đời tu nơi tu viện? Thưa không. Cô
Lưu Bích nhận xét: "Vị linh mục ấy hoàn toàn không hiểu gì
về lối sống riêng tôi đã nghiệm thấy ở Loretô. Dù sao sự
kiện xảy ra là tôi đã không nhận được bất cứ lời
khuyến khích hoặc sự nâng đỡ nào từ bên ngoài. Sau đại
hội, cuộc sống của tôi tiếp tục như trước cho tới 1943."
Cô Lưu Bích có ý nói 1943 là thời biểu đánh dấu khúc
ngoặt đời cô mà quan trọng là cuộc dâng hiến bản thân
cho Thiên Chúa Tình Yêu vào lúc 5 giờ sáng ngày 7 tháng 12,
1943, trong thánh lễ riêng một mình cô tham dự. Sau đó ít tháng,
tới lượt các bạn đồng chí hướng với cô tự nguyện dâng
hiến đời mình. Trước hết là Nga (Natalia Dallapiccola), rồi đến
Ðỗ Thị Ri (Doriana Zamboni) và Giang Thủy Lê (Graziella De Luca) mà
bố là Cộng sản Mác Lê thứ thiệt, v.v…
Mình khoác Mặt Trời, Chân đạp Mặt Trăng
Về phía nam giới, mãi tới năm 1948, Thiên Chúa mới khơi dậy những ơn gọi kiểu Chi Lan Lưu Bích (Chiara Lubich). Câu chuyện hi hữu là ban đầu chỉ có hai thanh niên là Mai Công Thế (Marco Tecilla) và Lê Vinh (Livio) tới xin phép Ðức Tổng Giám Mục Tân Ðô để sống đời dâng hiến kiểu cô Lưu Bích. Thoạt tiên, Ðức Tổng Giám Mục De Ferrari nêu nguyên tắc của Giáo Hội là cộng đoàn sống đời dâng hiến phải gồm 5 người, hay tối thiểu 3 người. Nhưng cuối cùng, Ðức Tổng Giám Mục đã chúc lành cho hai người và nói: "Trong khi chờ đợi, cha là thành viên thứ ba của cộng đoàn các con."
Vậy
là từ từ hình ảnh vô số trinh nữ theo Chi Lan Lưu Bích bước
vào lối sống khởi hứng do ngôi nhà Thánh Gia Thất Loretô,
trở thành hiện thực, với những chi tiết cụ thể được
bổ túc dọc theo thời gian. Không những có cộng đoàn trinh nữ,
nhưng còn có những cộng đoàn nam giới sống độc thân vì Nước
Trời và cả những người sống đời đôi bạn tận hiến
cho Thiên Chúa theo bậc sống của mình. Và mặc dầu phong trào
được Giáo Hội nhìn nhận năm 1962 như công trình của Ðức
Maria (The Work of Mary) chủ yếu là phong trào giáo dân, nhưng hiện
vẫn có nhiều ngàn linh mục, tu sĩ và cả giám mục tham gia
theo những cách thức khác nhau.
Uy hùng như đạo quân sắp hàng vào trận
Năm 1982, Ðức Gioan Phaolô II chủ sự thánh lễ do các linh mục thuộc Phong trào Focolare tức Công Trình của Ðức Maria, cùng đồng tế: người ta đếm được trên 7,000 linh mục. Về phía các nữ tu tham gia Phong trào, con số hiện nay trên 50,000 nữ tu.
Về phía các giám mục, việc tham gia Phong trào khởi sự với Ðức Cha Hồ Minh Lễ (Klaus Hemmerte) thuộc giáo phận Hưng Chấn (Aachen) của Ðức Quốc. Ngài đã là thành viên Phong trào khi còn là linh mục và là một nhà thần học nổi tiếng ở Ðức. Ðức Cha Lễ cùng với hai giám mục khác nữa đều đặn chia sẻ giữa nhau đời sống Tin Mừng và đã yêu cầu Phong trào cung cấp cơ hội chia sẻ đời sống Tin Mừng ấy với các giám mục khác nữa. Tháng hai năm 1965, con số các giám mục thân hữu của Phong trào trên thế giới là 780 vị.
Vậy tháng hai năm 1977, có mười hai giám mục tới Roma dự cuộc họp sau được gọi là cuộc họp của các giám mục thân hữu của Phong trào. Các vị ấy đến từ Âu Châu, Thái Lan, Hương Cảng, Chi Lê, Columbia và Braxin.
Tháng hai năm 1998, cuộc họp (từ ngày 13 đến 19) của các giám mục thân hữu của Phong trào gồm 105 vị giám mục và hồng y, đến từ 45 quốc gia. Cuộc họp khai mở đặc biệt với bức thư của Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh cùng lúc ý nghĩa tập đoàn giữa các giám mục và ý nghĩa hiệp thông trong Giáo Hội. Ðức Thánh Cha còn khẳng định rằng sứ mạng của các tông đồ và sứ mạng của Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết và bổ sung cho nhau. Thế rồi ngày 15 tháng hai, 1998, Ðức Hồng Y Sinh Tăng Phổ (James Francis Stafford) đã trao tận tay vị sáng lập Công Trình của Ðức Maria, văn thư của Toà Thánh chính thức nhìn nhận các giám mục thân hữu của Công Trình Ðức Maria là một nhành chính thức của Công Trình này.
Có thể nói Công Trình của Ðức Maria được Giáo Hội nhìn nhận là tổ chức của Giáo Hội (1962), đúng là đang nối dài vai trò của Thánh Gia Thất Nadarét. Xưa thánh Giuse, và Mẹ Maria đã bao bọc con khi chạy tị nạn cũng như khi về ở Nadarét như thế nào theo Tin Mừng hôm nay, thì nay các vị còn tiếp tục vai trò ấy đối với Giáo Hội là thân thể nối dài của Ðức Giêsu ngang qua Công Trình của Ðức Maria.
Như
Loretô, Pompei, Guađalupê, Fatima, Gia Thất Tổ (Czestochowa), Lộ
Ðức, La Vang… là những nơi mà lòng sùng kính Ðức Mẹ kết
hợp các tín hữu lại và củng cố họ trong niềm tin vào
Ðức Kitô, thì Công Trình của Ðức Maria là tổ chức Giáo
Hội, nhằm qui tụ mọi đặc sủng lại để tất cả nên một và
để thế gian tin rằng "Cha đã sai Con." (x.Ga 17,21).
Một số câu
hỏi gợi ý
1.
Bạn biết gì về công trình của Ðức Maria thực hiện tại
Nadarét? tại Lộ Ðức? tại Fatima? tại
La Vang?
2. Riêng công trình của Ðức Maria được Giáo Hội nhìn nhận năm 1962, có những điều gì đặc sắc liên quan tới ơn gọi giáo dân? linh mục? tu sĩ? và giám mục?