Ngày
16 tháng 12 năm 2001
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm A
Ðọc Tin Mừng
Mt 11,2-11
2
Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức
Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3
"Thưa Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay
là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 4 Ðức
Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan
những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy,
kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc
được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,
6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi".
7
Họ đi rồi, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông
Gioan rằng: "Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất
phơ trước gió chăng? 8 Thế thì anh em ra xem gì? Một
người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm
vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì
anh em ra làm gì? Ðể xem một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó;
mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10
Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này
Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn
đường cho Con đến.
11 "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
Gợi ý để
sống và chia sẻ Tin Mừng
Sức
nặng của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu hỏi do nhóm môn
đệ của ông Gioan Tẩy giả nêu lên với Ðức Giêsu: "Thưa
Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng
tôi phải đợi ai khác?" (c.3).
Ðấng phải đến thiết lập Nước Thiên Chúa
Không riệng nhóm môn đệ của Gioan Tẩy giả, toàn dân Do thái từng chờ đợi Ðấng phải đến thiết lập Nước Thiên Chúa. Ðó là niềm tin không gì có thể lay chuyển. Lịch sử của dân tộc này từng trải qua những thời kỳ đen tối nhất, như thời dân bị bắt đi lưu đày nơi Babylon, đất khách quê người vào năm 586 trước Công Nguyên. Nhưng người Do thái luôn nhìn về phía trước. Họ luôn chờ ngày Giêrusalem sẽ là thành đô của bình an, nơi muôn dân sẽ tuốn đến (x.Is 2,1-4).
Hai hướng chờ đợi được thấy rõ. Nhiều người hy vọng một cuộc nổi dậy để lật đổ chính quyền thực dân do đế quốc Roma dựng nên. Phải loại bỏ ách đô hộ ấy đi dân Chúa mới có thể name quyền thống trị chống lại các nước dân ngoại. Suốt cuộc đời trần thế, Ðức Giêsu luôn bị ước vọng chính trị đó vây hãm và thách đố từ phía dân chúng. Khác hẳn ước vọng chính trị là ước vọng văn chương khải huyền. Ở đây Nước Thiên Chúa sẽ xuất hiện khi mà toàn bộ lịch sử loài người như ta hiện đang sống sẽ cáo chung. Sách ngôn sứ Ðaniên đã cung cấp cho loại ước vọng khải huyền này một hình thù trong các giải nghĩa giấc mơ của vua Ngũ Bành Chấn (Nabuchadnezzar) về pho tượng bằng vàng, bạc, đồng, sắt và đất sét, bi đập vỡ tan tành, do một tảng đá từø trên rớt xuống trên pho tượng: Tảng đá đó đập vỡ pho tượng như thế nào, thì "Thiên Chúa từ trời cao sẽ thiết lập một vương quốc không hề bị phá hủy…; ngược lại, chính vương quốc ấy sẽ phá vỡ tan tành mọi vương quốc liên hệ và đưa chúng tới diệt vong để một mình vương quốc ấy sẽ đứng vững mãi mãi." (Ðn 2,44). Ðó là loại ước vọng khải huyền, cho thấy lịch sử loài người sẽ không được cứu chuộc. Tự nó, lịch sử ấy sẽ tiến đến cảnh suy tàn và bị phá hủy. Nhưng Nước Thiên Chúa vĩnh hằng sẽ được thiết lập mãi mãi trên đống tro tàn của lịch sử đó.
Cả hai luồng ước vọng đều có chung một mục tiêu phải nhắm là chu toàn luật Chúa dạy: Nếu nhà Ít-ra-en trung thành tuân giữ Luật Chúa, Thiên Chúa sẽ đổi mới dân Ngài. Ðức Giêsu là thành viên của dân tộc Ngài. Ngài không đứng biệt lập ngoài vòng ảnh hưởng của những người dân Do thái từng hy vọng và khát vọng. Sứ điệp của Ngài, tức nội dung của lời Ngài giảng về Nước Thiên Chúa, có bao gồm những yếu tố của cả hai loại ước vọng nói trên, nhưng đặc sắc vẫn thuộc riêng về Ngài. Một đàng, Ngài chủ trương rằng Nước Thiên Chúa mà Ngài đứng ra thiết lập phải được thiết lập ngay giữa thế giới ta đang sống. Ðàng khác, Nước đó phải được hài hoà với trật tự tự nhiên và bình an giữa muôn dân muôn nước. Nước đó không phải là một giấc mơ hão huyền chẳng bao giờ trở nên hiện thực. Không riêng người Do thái thời Ðức Giêsu, chính chúng ta ngày nay cũng dễ bị cám dỗ từ khước cái thế giới ta đang sống, vì nó có quá nhiều tệ nạn, nên ta bị cám dỗ hy vọng nơi thế giới bên kia mà thôi. Ðức Giêsu không bao giờ nuôi dưỡng ý tưởng đó. Ngài tuyên bố công trình cứu chuộc áp dụng ngay với thế giới ta đang sống, để thế giới ấy được canh tân và được thánh hiến cho Thiên Chúa. Chính thế giới ta đang sống phải trở nên cộng đoàn yêu thương mà mọi người nam nữ đều sống thân tình như anh chị em ruột một nhà vì có Thiên Chúa là CHA.
Ðàng khác, một số người Do thái thời Ðức Giêsu chủ trương hồi phục lại triều đại vua Ðavít trong viễn tượng làm bá chủ mọi quốc gia. Chính Giáo Hội thời Trung Cổ cũng bị cám dỗ thể hiện quyền bá chủ trên mọi quyền lực trần thế. Và ngày nay cám dỗ tương tự vẫn còn lôi kéo một số người muốn đặt Giáo Hội cậy dựa vào cơ chế, vào tài chính và ảnh hưởng chính trị để tồn tại. Ðó là những điều mà Ðức Giêsu không hề giảng dạy.
Ðức Giêsu cũng không hề chủ trương phá hủy cái thế giới này để xây dựng một thế giới khác. Làm như vậy là nhìn nhận một sự thất bại về phía Thiên Chúa, là Ðấng đã dựng nên thế giới này. Thế giới chúng ta đang sống không thể bị loại bỏ, vì đó là công trình của Thiên Chúa, công trình mà Ngài đã dựng nên và nhìn nhận là "tốt lành".
Thế giới ta đang sống có mục đích là
trở về với Ðấng sinh thành nên mình
Thế giới ta đang sống có mục đích nhắm là để loài người trở về với Ðấng sinh thành nên mình. Trên đường về nhà CHA, điều quý báu nhất và có giá trị nhất, là tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Với tự do ấy loài người nhận sự sống cùng với trách nhiệm trong tay. Chính nhờ có tự do loài người vượt trên mọi thọ tạo trên trái đất, để gắn bó với Ðấng Thiên Chúa Tình Yêu.
Thiên Chúa không gạt loài người sang một bên, để thiết lập một thế giới trong đó tự do của con người không còn được nhìn nhận nữa. Ngược lại, Thiên Chúa vẫn tôn trọng thế giới như Ngài đã dựng nên. Nơi thế giới ấy nếu loài người đã lạm dụng tự do khiến thế giới bị biến chất, thì nay nhờ Ðức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, loài người được giúp đỡ cách hữu hiệu để sử dụng quyền tự do của mình hầu gia nhập Nước Thiên Chúa.
Lời rao giảng đầu tiên của Ðức Giêsu là "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần" (Mt 14,17). Nước Trời là Nước Thiên Chúa. Nước đó được hình thành ngang qua lời nói, việc làm và trọn cuộc sống làm người của Ðức Kitô. Cho nên khi được hỏi "Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (c.3), Ðức Kitô vạch cho người đến chất vấn thấy những việc Người đang thực hiện, đang hình thành nên Nước Thiên Chúa - đúng như lời ngôn sứ Isaia (26,19; 2,18-19; 35,5-6) từng loan báo về Nước Thiên Chúa sẽ đến. Một cách gián tiếp Ðức Giêsu có ý trả lời ông Gioan Tẩy giả (và cho độc giả Tin Mừng Matthêu nữa) rằng: Tôi đúng là vị Cứu Tinh các ngôn sứ từng loan báo. Nhưng Ðức Giêsu còn thêm "Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (c.6). Người có ý nói rằng: Các ông sẽ nhận ra kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa nếu các ông hiểu lời Kinh Thánh theo cách mới mẻ khác hẳn với cách các ông từng gắn bó với tư cách là các vị biệt phái hoặc các nhà thông luật; dù sao, các ông cũng phải gỡ bỏ khỏi các ông quan niệm về Nước Thiên Chúa gắn liền với một chế độ chính trị hoặc với những ước vọng khải huyền như nói trên.
Thiên Chúa không đứng trung lập: Nước Thiên Chúa như Ðức Giêsu đứng ra thiết lập, hệ ở Tin Mừng được công bố cho người nghèo (c.5). Thiên Chúa không đứng trung lập. Ngài dành dự ưu ái cho người nghèo, do đó họ được hạnh phúc (Mt 5,3). Người không loại bỏ người giầu. Người vẫn đến với họ nhưng mục đích là đòi họ phải được hoán cải để yêu thương và giúp đỡ người nghèo: Ông Giakêu là một trường hợp điển hình về ơn hoán cải đó (Lc 19,1-10). Ðức Giêsu kể ra một loạt những người nghèo được Người thương chữa trị, như người mù, kẻ què, người cùi, kẻ điếc, người chết (c.5) tất cả đều cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người ta chỉ cần chọn bước theo Ðức Giêsu, là được tham gia Nước đó.
Ông Gioan Tẩy giả trở nên cao trọng (c.11) chính vì ông giới thiệu Ðức Giêsu là Ðấng thiết lập Nước Thiên Chúa. Từ nay sự cao trọng là do việc người ta sống gắn bó với Ðức Giêsu, không do bất cứ tư cách cá nhân nào khác. Về điều này, ông Gioan Tẩy giả quan niệm rất đúng khi nói "Người - Ðức Giêsu - phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3,30).
Một số câu
hỏi gợi ý
1.
Bạn hiểu thế nào về ước vọng chính trị và ước vọng văn
chương Khải huyền liên quan tới Ðấng phải đến thiết lập Nước
Thiên Chúa?
2. Chính bạn có bao giờ bị cám dỗ loại bỏ thế giới bạn đang sống chăng? Riêng Ðức Giêsu có thái độ gì về thế giới Ngài đang sống; thái độ ấy tích cực hay tiêu cực?