Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 25 tháng 06 năm 2000
Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 14,12-16.22-26

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Cậu bé hiến máu cho em

 Một bé trai tám tuổi lâm chứng bệnh nguy hiểm. Cả tháng trời em vật lộn với thần chết. Khi các bác sĩ cho biết cuối cùng em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì em và gia đình đều mừng rỡ.

 Nhưng đến lượt em gái của bé trai này lâm phải chứng bệnh như anh nó. Cả gia đình lại rơi vào cảnh âu lo. Các bác sĩ cho biết cách duy nhất để cứu sống bé gái là sử dụng máu của anh mới khỏi bệnh.

 Không thể tránh né vấn đề, người ta phải hỏi ý kiến bé trai. Thoạt đầu em tỏ ra lo lắng, nhưng trong chốc lát, em đã cương quyết trả lời: Vâng, con sẵn sàng hiến máu cho em con.

 Quả thật, nhờ sử dụng máu của anh mới được khỏi, tiếp cho em đang mê man, các bác sĩ đã cứu sống bé gái. Có điều, bé trai đã làm cho các bác sĩ ngẩn người ra khi nêu câu hỏi: Vậy ra, con vẫn còn sống à? Bé cứ tưởng mình sẽ tắt thở ngay sau khi tiếp máu cho em.

 Nơi cậu bé tám tuổi ta chiêm ngưỡng một tình yêu lớn: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Mặc dầu không chết như em tưởng, nhưng sự sẵn sàng chết vì tình ruột thịt đã khiến cho tình thương của em trở nên cao cả.

 Ðức Giêsu hiến mạng sống cho ta.

 Nhưng tình thương của bé trai này làm sao sánh được với tình thương của chính Chúa Giêsu! Chúa không những hy sinh máu đào đổ ra vì muôn người mà còn tiếp tục hiến trọn cuộc đời mình như con đường để ai nấy bước đi hầu trở về cùng Cha. Mình và Máu Chúa nói lên cuộc hiến dâng trọn vẹn cho loài người được sống một cách vĩnh viễn.

 Toàn bộ Tin Mừng Máccô là để cho thấy Ðức Giêsu Con Thiên Chúa đến để thiết lập Nước Thiên Chúa nơi bản thân Người. Nước ấy được thiết lập nhờ tình yêu cao cả do việc Người hy sinh mạng sống mình (Mc 14,24). Ba chương cuối cùng của Tin Mừng Máccô (14,15 và 16) với trình thuật đã trở nên quen thuộc với cuộc tử nạn và phục sinh của Ðức Giêsu, chính là tột đỉnh của tấn kịch phức tạp cho thấy tính chất của Nước Thiên Chúa.

 Nước đó không dựa vào sự trung tín của nhóm Mười Hai môn đệ được Ðức Giêsu mời gọi, tuyển chọn và huấn luyện. Quả thật, cả nhóm đã tan tác khi một người trong nhóm phản bội và nộp Ðức Giêsu cho người ta đem đi giết (Mc 14,43-52).

 Mặc dầu nhan đề của Tin Mừng Máccô giới thiệu Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mc 1,1), nhưng lời tuyên xưng "Quả thật người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39), không phát ra từ miệng bất cứ người môn đệ nào của Ðức Giêsu. Lời đó do viên đại đội trưởng Roma phát biểu sau khi đã thi hành án tử cho Người! Người đúng là Người Tôi Tớ chịu đau khổ để đền tội cho dân như ngôn sứ Isai đã loan báo (52,13-53,12) và Người thực hiện điều đó với tư cách là Con Thiên Chúa đúng theo kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa mà cuộc Vượt Qua của Israel xưa chỉ là hình bóng.

 Xưa trong Cựu Ước dân Do Thái từng cử hành bữa ăn Vượt Qua để kỷ niệm cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập: "Ðức Chúa sẽ rảo khắp Ai Cập để đánh phạt, và khi thấy máu trên khung cửa, Ðức Chúa sẽ vượt qua trước cửa và không để cho thần tru diệt vào nhà anh em mà đánh phạt." (Xh 12,23): Máu bôi trên khung cửa chính là máu của Chiên Vượt Qua.

 Thánh Lễ chính là Lễ Vượt Qua mới.

 Nay trong Tân Ước chính Ðức Giêsu là chiên của lễ Vượt Qua mới. Sự chết và sự phục sinh của Người là cách thức mới và hoàn hảo theo đó Thiên Chúa cứu mọi người khỏi ách nô lệ. Nói theo Công Ðồng Vatican II: "Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, trong bữa tiệc sau cùng đêm Ngài bị trao nộp, đã thiết lập hy tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Ngài để lưu truyền hy tế thập giá suốt dòng thế kỷ cho đến khi Ngài tới và để trao cho Giáo Hội, hiền thê yêu dấu của Ngài, cuộc tưởng niệm nỗi chết và phục sinh của Ngài. Ðó là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, dây liên kết đức ái, bữa tiệc Vượt Qua, trong đó ta lãnh nhận Ðức Kitô làm lương thực nuôi dưỡng, lãnh nhận tràn đầy ơn thánh trong tâm hồn và lãnh bảo chứng vinh quang tương lai" (SC 47).

 Lời loan báo đầu tiên về Thánh Thể đã phân rẽ các môn đệ cũng như lời loan báo về cuộc tử nạn đã khiến họ vấp ngã: "Lời này quá nặng, ai nghe nổi?" (Ga 6,60). Thánh Thể và Thập giá là những viên đá vấp, điều đó cũng huyền nhiệm và không ngừng thành cơ hội phân rẽ. Ðó là lúc Ðức Giêsu nêu câu hỏi giúp nhóm Mười Hai khẳng định về niềm tin của mình: "Còn anh em, anh em cũng muốn bỏ đi sao?" (Ga 6,67). Thực ra, câu hỏi đó luôn vang dội qua các thế hệ, mời gọi người tín hữu Kitô yêu mến Ngài, để khám phá chính Ngài vì "mình Ngài có lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68). Họ được mời tiếp nhận ơn ban Thánh Thể trong niềm tin là tiếp nhận chính Ngài.

 Bài Tin Mừng hôm nay cùng với bài Tin Mừng tương đương trong Mátthêu, Luca (Mt 26,26-29; Lc 22,19-20) và thư Phaolô (1Co 11,23-25) để lại cho Giáo Hội trình thuật về thiết lập Thánh Thể. Còn Tin Mừng Gioan chương 6 thuật lại bài giảng của Ðức Giêsu trong hội đường Caphanaum là bài giảng chuẩn bị việc thiết lập bí tích Thánh Thể.

 Ta lưu ý điều tông đồ Phaolô nhấn mạnh là chính ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa điều ngài truyền lại: "Trong đêm bị nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Ðây là Mình Thầy hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ Thầy? Ðây là Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." (1Co 11,23-25).

 Ðiều được Ðức Giêsu nhắc đi nhắc lại là "Hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Do đó mới có thánh lễ. Ðặc biệt, "ngày thứ nhất trong tuần", ngày Chúa Nhật, ngày phục sinh của Ðức Giêsu, các tín hữu tụ họp "bẻ bánh" (Cv 20,7). Việc cử hành Thánh Thể lưu truyền từ đó đến nay, tới mức ngày nay ta thấy bí tích Thánh Thể được cử hành khắp nơi trong Giáo Hội với cùng một cấu trúc nền tảng. Thánh lễ thực sự là trung tâm cuộc sống Giáo Hội. Thánh Lễ gồm hai phần chính:

 Thánh Lễ gồm hai phần chính:

 + Tụ họp nhau, phụng vụ Lời Chúa với những bài đọc Kinh Thánh, bài giảng và lời cầu nguyện cho mọi người.

 + Phụng vụ Thánh Thể với việc dâng bánh rượu tạ ơn hiến thánh và rước lễ.

 Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể cùng tạo nên, theo Công Ðồng Vatican II "một hành vi tôn thờ duy nhất" (SC 56): bàn tiệc bày dọn cho ta nơi Thánh Thể vừa là Lời Thiên Chúa, vừa là Thân Mình Chúa.

 Cuộc cử hành diễn ra như sau:

 Mọi người tụ họp. Các tín hữu tuốn đến nơi cử hành Thánh Thể. Ðứng đầu là Ðức Kitô, nhân vật chính của bí tích Thánh Thể. Ngài là Thượng Tế của Tân Ước. Chính Ngài chủ toạ cách vô hình toàn bộ cuộc cử hành Thánh Thể. Ðể đại diện Ngài, giám mục hay linh mục (hành động nơi bản thân Ðức Kitô là Ðầu) chủ toạ cuộc họp, diễn giải sau các bài đọc, tiếp nhận lễ dâng, và đọc kinh nguyện Thánh Thể. Mọi người đều có vai trò tích cực trong cử hành, mỗi người mỗi cách: đọc sách, mang lễ dâng, trao mình Chúa và toàn thể dân Chúa đáp Amen biểu lộ hành vi tham dự.

 Phụng vụ Lời Chúa gồm những bản văn các ngôn sứ, nói khác, Cựu Ước và "các hồi ký tông đồ"; các thư và Tin Mừng. Bài giảng khuyến khích mọi người tiếp nhận Lời đúng như Chúa dạy và đem ra thực hành. Sau bài giảng là những lời cầu cho mọi người.

 Dâng lễ vật: mang hoặc rước bánh và rượu lên bàn thờ. Bánh rượu sẽ là của lễ được linh mục dâng lên nhân danh Ðức Kitô trong hy lễ Thánh Thể để trở thành Mình và Máu Ðức Kitô.

 Từ thuở đầu cùng với bánh rượu để trở nên Thánh Thể, các tín hữu còn mang quà tặng để chia sẻ với những ai thiếu thốn. Thói quen quyên góp này luôn hiện thực theo mẫu gương Ðức Kitô, Ðấng đã nên nghèo để chúng ta nên giàu (GLGHCG 1348-1351).
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về cậu bé tám tuổi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để cứu em khỏi chết ? Bạn nhận ra những khác biệt nào giữa cậu bé ấy và Chúa Giêsu Ðấng đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc bạn và cả nhân loại?

 2. Bạn đọc lại phần cuối tờ chia sẻ này để nhận ra vai trò tham dự Thánh Thể của những nhân vật sau đây: Ðức Kitô ? Giám Mục hoặc Linh Mục chủ tế ? Chính bạn hoặc con em bạn có thể đóng vai trò nào khi tham dự Thánh Lễ?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page