Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 17 tháng 12 năm 2000
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C

Ðọc Tin Mừng Lc 3,10-18

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Cô Gái Vô Phương Cứu Chữa

 Một hôm, vị linh mục chuyên chăm sóc những người nghiện xì ke ma tuý được đặt trước hoàn cảnh một cô gái nghiện ngập vô phương cứu chữa. Người bố nghẹn ngào nói: "Ðã ba tháng nay, con không gặp nó. Con không biết hiện giờ nó ở đâu. Con rất sợ một ngày nào đó người ta loan tin cho biết nó nằm chết nơi đường phố hoặc nơi xó xỉnh nào đó!"

 - Nhưng cho đến nay ông đã tìm cách chạy chữa cho nó chưa?

 - Thưa cha, chúng con đã thử mọi cách. Trước hết, chúng con đưa nó vào nhà thương tư, bất kể đến những tốn phí phải chịu. Kế đến là vụ nó bị đưa ra toà vì người ta tìm thấy ba gói nhỏ đựng bạch phiến trong túi áo nó. Người ta đòi lên án nó về tội buôn bán ma tuý. Con phải bán đồ vật trong nhà để đi trang trải các chi phí mà vẫn còn mắc nợ: nào là tiền bác sĩ, tiền luật sư, tiền án phí! Tệ hơn nữa, chúng con bị mất mặt với hàng xóm láng giềng tới mức chúng con lấy làm ngại ngùng khi bước ra khỏi nhà. Chúng con quá mệt mỏi. Giờ đây con đến xin cha một lời khuyên.

 Nói đến đây, người bố đáng thương ấy rơi hai hàng lệ và được vị linh mục hứa làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ ông. Nhưng người bố bất ngờ nêu câu hỏi:

 Câu Hỏi Bất Ngờ

 - Thưa cha, con nghe nói bên Thụy Sĩ có những nhà thương chữa mắt sẵn sàng trả những số tiền lớn cho những ai chịu bán mắt. Người ta sẽ ghép mắt mua được cho những bệnh nhân giàu có. Ở Italia, luật pháp cấm bán mắt, nhưng bên Thụy Sĩ, con có thể bán một con mắt hoặc bán một trái thận để lấy tiền cứu đứa con gái của con. Con không thể để nó chết nơi đầu đường xó chợ được.

 Vị linh mục bị xúc động nên cố an ủi người bố đau khổ:

 - Ông thực đã cố gắng hết sức mình để cứu đứa con gái hư hỏng. Nó đã đến tuổi trưởng thành. Ông phải để nó hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành động của nó.

 Ma Tuý Ðã Tàn Phá Nó

 Người bố liền nói với vị linh mục:

 - Vâng thưa cha, nó trưởng thành về mặt pháp luật, nhưng ma tuý đã tàn phá nó, khiến nó không còn chịu trách nhiệm luân lý về những việc nó làm. Ðối với con, nó vẫn còn là đứa con nhỏ tuổi chưa đủ khả năng làm chủ được mình.

 - Nhưng tôi thấy nó không xứng đáng đối với sự hy sinh mà ông định dành cho nó.

 Người cha đau khổ liền nói:

 - Con không biết nó có xứng đáng hay không. Con chỉ biết nó là con gái của con và con không thể bỏ rơi nó được! Chính con đã sinh nó ra và con sẵn sàng hy sinh mạng sống con để cứu nó!

 Thiên Tình Sử

 Người bố trong câu chuyện cảm động vừa kể phần nào nói lên tình thương của chính Thiên Chúa đối với loài người là đối tượng của lịch sử cứu độ. Ðiều đó nổi bật nơi các ngôn sứ. Trong sách ngôn sứ Hô-sê, Gia-vê Thiên Chúa nói về dân Người rằng: "Thuở Ít -ra-en còn là trẻ bé, Ta đã mến thương. Và từ Ai Cập, Ta đã gọi con Ta. Chính Ta, Ta đã tập đi cho Eph-ra-im, Ta bồng chúng trên cánh tay Ta. Nhưng chúng nào có biết là chúng được Ta chăm sóc. Ta lôi kéo chúng với dây tình người, với thừng chão yêu thương. Với chúng, Ta ở như những người nhấc con đỏ lên tới tận má mình. Và cúi xuống trên nó, Ta mớm cho nó ăn. Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi, hỡi Eph-ra-im. Hay thí hẳn ngươi đi, hỡi Ít-ra-en? Lòng Ta đảo lộn trong Ta, và mối chạnh thương sôi réo cả lên." (Hs 11,1-3;4-8).

 Thiên Chúa không bao giờ bỏ dân Người, ngược lại dân đã thất tín với Người. Họ đã bỏ Gia-vê Thiên Chúa để thờ cúng các thần ngoại bang. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn trước sau như một trong lòng thành tín của Người. Dọc theo lịch sử, Người đã sai các ngôn sứ tới kêu gọi dân ăn năn thống hối để trở về cùng Thiên Chúa. Người quảng đại đến nỗi sai chính Con Một Người đến cứu dân. Gioan Tẩy Giả chính là vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa sai đến. Ông có sứ mạng trực tiếp giới thiệu Con Thiên Chúa (Lc 3,22; Ga 1,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ba loại nội dung khác nhau mà ông Gioan muốn trình bày qua những câu 7-9; 10-14 và 15-18.

 Ngày Sau Hết

 Phần 1 (cc. 7-9) là tiêu biểu cho đề tài Cánh Chung mà ông Gioan rao giảng. Ông không kêu gọi người ta rút lui vào sa mạc để sống đời nhiệm nhặt như ông. Ông chỉ mời gọi người ta sửa đổi lại cách ăn nết ở như "cơn thịnh nộ của ngày sau hết" đòi hỏi. Lời của Gioan có ý cắt nghĩa nhu cầu sám hối vì lý do cánh chung. Việc ông Gioan dọn đường cho Ðức Chúa (c.4) liên quan tới điều mà các ngôn sứ Cựu Ước gọi là "Ngày của Chúa". Ông chưa nói đến Ðấng Mêsia mà chỉ dựa vào Cựu Ước để chuẩn bị người ta nghênh đón Ðấng ấy.

 Hành Xử Trong Xã Hội

 Phần 2 (cc. 10-14) tiêu biểu đề tài luân lý mà ông Gioan Tẩy Giả rao giảng, đặc biệt liên quan tới lối hành xử trong xã hội. Ở đây nữa, ông không kêu mời người ta nhận lấy lối sống của ông làm lối sống của họ. Ông cũng không nêu lý do cho cách hành xử xã hội mà ông kêu mời là vì Ðấng Mêsia sắp đến hoặc vì ngày sau hết gần kề. Lời khuyên của Gioan Tầy Giả hoàn toàn hiểu được theo não trạng của dân Pha-lệ-tinh hoặc theo bối cảnh của Cựu Ước, như: hãy sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, hãy ăn ngay ở lành, hoặc hãy sống theo lẽ công bằng. Một đàng ông Gioan biểu lộ mối quan tâm thực sự đối với người lân cận; đàng khác, ông cũng không muốn đảo lộn trật tự xã hội hiện hành nhân danh "cơn thịnh nộ đang đến". Ông biện hộ cho việc chia sẻ những gì là cơ bản về đời sống (c.11) đồng thời chống lại việc hà hiếp, tống tiền và hăm dọa (cc.13-14). Nhưng ông không bảo những nhân viên thu thuế phải cắt đứt liên lạc với chính quyền ngoại quốc. Ông cũng không khuyến cáo lính tráng phải giải ngũ dù họ phục vụ cho triều đình Hê-rô-đê hay họ là lính đánh thuê; thực ra khi ông khuyên họ nên an phận với số lương của mình (c.14) thì ông hiểu đó không phải là đồng lương bất hảo.

 Những lời ông Gioan Tẩy Giả khuyên người Do Thái cũng được hiểu là những lời khuyên dành cho độc giả sách Tin Mừng theo Luca là các Kitô hữu. Ðó là những ví dụ điển hình về "những hoa trái của lòng sám hối" (c.8). Luca cho thấy mối liên lạc mật thiết giữa lời rao giảng về ngày sau hết đối với đời sống thường ngày của người tín hữu.

 Ðấng Phải Ðến

 Phần 3 (cc.15-18) là phần quan trọng nhất của đề tài rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả liên quan tới Ðấng Mêsia. Sự quan trọng được thấy trong cách ông xác định vai trò của ông đối vớI Ðấng Mêsia là Ðấng phải đến và là Ðấng uy quyền hơn ông. Ðấng ấy có vai trò nhất định liên quan tới ngày sau hết của loài người (c17).

 Ðức Giêsu, Ðấng phải đến, chính Người sẽ chịu phép rửa khi toàn dân đã chịu phép rửa (c.21). Ðấng ấy trổi vượt trên ông Gioan Tẩy Giả theo bốn cách sau đây: (1) dầu Ðức Giêsu đến sau ông Gioan theo thứ tự thời gian (c.16), Người không bước sau ông với tư cách là trò phải theo sau thầy; (2) ông Gioan không xứng đáng làm việc thấp hèn là cởi quai dép cho Người; (3) phép rửa của Ðức Giêsu là phép rửa trong Thánh Thần (c.16), còn phép rửa của ông Gioan là phép rửa bằng nước mà thôi (c.16); (4) Ðức Giêsu được ông Gioan mô tả là "Người cầm nê rê sạch lúa trong sân" (c.17), tức là Ðấng Phán Xét trong ngày sau hết.

 Khai Trương Thời Ðại Cuối Cùng

 Vậy ông Gioan Tẩy Giả không phải là nhân vật thuộc thời sau hết nhưng là một vị ngôn sứ loan báo "Ðấng uy quyền hơn ông", Ðấng ấy chính là vị Thiên Sai của thời đại mới sắp ló dạng. Chính Ðấng ấy là người khai trương thời đại mới, tức thời đại cuối cùng.

 Như vậy bài Tin Mừng hôm nay chỉ là một màn nhỏ của Thiên Tình Sử mà Thiên Chúa đóng vai chủ động. Chính Thiên Chúa đã yêu dân Người bằng một tình yêu trước sau như một. Ðể tận hưởng mối tình bền vững ấy, dân Chúa cần phải thay đổi đời sống để đón nhận Ðấng Mêsia quyền uy. Chính Người sẽ dẫn đưa dân Người vào thời đại mới, cũng là thời đại cuối cùng, khi mà ai khát cũng được mời đến với Người. Ai cũng muốn được ban cho đặc ân để lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền (Kh 22,17). Ðó quả là tột đỉnh của Thiên Tình Sử mà ông Gioan Tẩy Giả chỉ mới là người giới thiệu xa xa. Nhưng lời kêu gọi phải sám hối của ông luôn có giá trị như điều kiện tiên quyết để bước vào thời đại mới, là thời đại cuối cùng đối với cả loài người.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ trong các đề tài mà ông Gioan Tẩy Giả rao giảng có đề tài nào thích hợp và giúp ích cho bạn trong xã hội hiện bạn đang sống? Hay bạn nghĩ tới một số đề tài khác thích hợp hơn?

 2. Bạn nghĩ chính bạn có thể giúp đỡ người bố khổ đau trong câu chuyện nói trên chăng? Phải chăng người bố đó quá quan tâm về nhu cầu vật chất của đứa con mà bỏ qua nhu cầu tinh thần? Bạn có sáng kiến nào để bù lại thiếu sót nơi người bố đó? Có thể ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Lc 15,1-32 thích hợp để giúp cả người bố lẫn người con trong câu chuyện, tìm lại được niềm hy vọng? Hay có thể đề tài cánh chung (cc.7-9) của ông Gioan Tẩy Giả cũng có thể giúp hai bố con đó xác định lại giá trị vĩnh cửu của đời mình?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page