Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644, vị quan này từ phủ Chúa về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Ðắc Lộ, để bắt thầy giảng số một là Inhaxu, là người mà bà Chúa đã thề là sẽ ra lệnh hãm hại. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inhaxu, thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên, là người mà cha Ðắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý chừng hai năm. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inhaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói và giong đi. Anrê vui vẻ theo toán lính và trong suốt quãng đường, không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hoả ngục hầu được hưởng phúc thiên đàng.
Nhờ sự can thiệp của cha Ðắc Lộ và một số thương gia người Bồ, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh Chúa.
Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Ðắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết thầy giảng trẻ Anrê quì xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh không cho ai vào phía trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Ðắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và kêu Danh Thánh Giêsu.
Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Ðắc Lộ như để vĩnh biệt và cha đã khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giêsu đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chú nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Cũng người lính nói trên rút giáo đâm lần thứ hai, rồi đâm lần nữa, như muốn tìm trái tim thầy.
Người đao phủ thấy lưỡi giáo không làm cho thầy Anrê lăn xuống đất, liền lấy mã tấu chém cổ, nhưng vẫn chưa xong, phải thêm nhát nữa làm đứt hẳn cổ, đầu rơi về bên tay phải, chỉ còn vướng mảnh da. Ðó là lúc cha Ðắc Lộ như nghe thấy Danh Thánh Giêsu phát ra không từ nơi miệng nhưng từ vết thương ở cổ.
Khi toán lính rút lui, cha Ðắc Lộ cùng với các tín hữu đến ôm xác thầy Anrê trong tay rồi đặt vào cỗ ván đẹp nhất, thấm hết máu và cử hành một lễ an táng sốt sắng. Xác thầy Anrê được đưa về Macao và được đón rước linh đình. Cha Ðắc Lộ không quên làm biên bản, ghi tên hai mươi ba người đã chứng kiến cái chết tử đạo của thầy Anrê Phú Yên (theo cha Ðắc Lộ, Hành Trình và Truyền Giáo, Hồng Nhuệ dịch, Sài Gòn, 1994, 145-149)
118 chứng nhân được Giáo Hội toàn cầu tôn kính
Giai đoạn lịch sử của 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam, được ghi nhận kéo dài đúng 117 năm, hai vị tử đạo tiên khởi trong số 117 vị Thánh Tử Ðạo này là thánh Phanxicô Frederich Tế và Mátthêu Liciana Ðậu, cùng chịu tử đạo tại Thăng Long miền Bắc năm 1745. Nhưng trước đó hơn một thế kỷ đã có máu đào đổ ra để làm chứng cho Chúa Kitô như thấy nơi cái chết của Chân Phước Tử Ðạo Tiên Khởi Việt Nam, thầy giảng Anrê Phú Yên, năm 1644 tại miền trung. Vị tử đạo cuối cùng trong số 117 là thánh Phêrô Ða, thợ mộc, vừa bị thiêu đốt vừa bị chém đầu ngày 17 tháng 6, 1862 tại Qua Linh miền Bắc. Cuối năm 1861 đầu năm 1862, cơn cấm đạo trước khi chấm dứt còn bùng lên dữ dội ở miền Nam. Chỉ ở hai nơi là Biên Hoà và Bà Rịa đã có 846 Kitô hữu bị thiêu.
Gần ta hơn tại Biên Hoà và Bà Rịa
Tại Bình Ý tức Biên Hoà, khi tuần vũ ra lệnh đốt trại giam, trong 407 mạng chỉ có 5 người chạy thoát. Một thiếu nữ để tránh lửa đã trèo lên một cây cao, nhưng lửa đã đốt cháy hai bắp đùi cô. Người ta đem cô vào nhà cô nhi ở Sàigòn để chữa trị, nhưng cô gái chỉ sống thêm được vài ngày. Một thiếu nữ khác tên là Mađalêna Lành bị một lưỡi đòng sướt qua đầu nằm bất tỉnh. Lính tưởng nạn nhân chết nên bỏ đi. Thiếu nữ này đã sống đến tuổi già để làm chứng về những gì đã xảy ra.
Giáo dân tại hạt Bà Rịa chừng 2,300 người từ lâu sống khá yên ổn cho tới tháng 8 năm 1861. Ðó là thời điểm tuần vũ Biên Hoà ra lệnh cho phủ Bà Rịa lập danh sách những người có đạo để bắt giữ làm con tin. Danh sách làm xong thì phải khắc lên má người có đạo: một bên chữ Biên Hoà, một bên chữ Tả Ðạo. Sang tháng 9, 1861, nhà cầm quyền thiết lập bốn ngục để giam những người có đạo: ngục Dinh là ngục chính, nhốt 300 đàn ông; ngục Thơm (Long Kiên) chừng 4 cây số về phía Bắc Bà Rịa, giam 135 đàn bà và con nít; ngục Thành (Long Biên) giam 140 đàn bà và trẻ con; ngục thứ bốn tại họ Ðất Ðỏ (Phước Thọ) nhốt 125 đàn bà và trẻ con. Bốn ngục chứa khoảng 700 tín hữu thuộc năm họ đạo Bà Rịa là Ðất Ðỏ, Thơm (gồm ngũ Long là Long Kiên, Long Tân, Long Hiệp, Long Nhung, Long Phước), Dinh, Thành và Gò Sầm tức Thanh Mỹ.
Tương truyền rằng: Một đàn ông bị nhốt trong ngục Dinh, bà vợ với đứa con nhỏ ở ngục khác đã trốn thoát được. Bà này về chạy được 30 quan tiền định lót cho chồng được tha. Nhưng ông chồng nghĩa khí ấy cho rằng việc làm của vợ là không chính đáng nên đã ở lại trong ngục và đã chịu chết vì đạo.
Trong ba ngục giam phụ nữ và trẻ em, lính gác có phần dễ dàng hơn ngục Dinh. Nhờ vậy cha Trí đã giả dạng đi buôn, gánh hai tĩnh nước mắm vào bán trong ba ngục này, để thăm viếng và ban bí tích cho các tín hữu.
Cả bốn ngục đều bị phóng hỏa đốt cháy trong đêm 7 tháng 1, 1862. Tổng số người chết trong ba ngục phụ nữ và trẻ em là 156, cộng với con số 288 đàn ông bị thiêu tại ngục Dinh, tất cả là 444 người bị thiêu chỉ trong khu vực Bà Rịa.
Vậy trong ngày lễ kính các thánh Tử Ðạo Việt Nam, chúng ta mừng kính 117 vị đã được tôn phong hiển thánh, 1 vị đã được tôn phong Chân Phước Tử Ðạo Tiên Khởi Việt Nam, Thầy Giảng Anrê Phú Yên, và chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn hàng trăm người đã hy sinh tính mạng vì Chúa Kitô và đã có công truyền lại đức tin cho chúng ta là con cháu.
Tin Mừng về Tình Yêu mang nhiều hoa trái
Nhưng trước hết và trên hết ta cần tỏ lòng biết ơn Ðấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đến với loài người chúng ta. Thiên Chúa đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Người và Người Con Một ấy trước khi chịu chết vì ta thì đã quì xuống rửa chân cho từng môn đệ. Kế đến Người đã dành những lời tâm huyết để nhắn nhủ các môn đệ. Người ví bản thân Người như thân nho và các môn đệ là nhành nho (Ga 15,1-17). Rồi Người dặn dò các môn đệ về cái thế giới chẳng mấy thân thiện đối với cả thầy lẫn trò (15,18-16,4a).
Xưa Ít-ra-en được kể như thân nho của Giavê Thiên Chúa (x.Tv 80, 9-20). Nay Ðức Giêsu xuất hiện là chính thân nho đích thực của Thiên Chúa: Ít-ra-en xưa chỉ là hình bóng. Chính Chúa Cha chăm sóc thân nho của Người bằng cách cắt tỉa cho thân nho ấy sinh nhiều trái. Những nhành được cắt tỉa chính là các môn đệ, những người đón nhận lời ban sự sống. Cần phải ở lại nơi bản thân Ðức Giêsu bằng tình yêu thì sẽ người môn đệ mang lại nhiều hoa trái (cc. 5 và 8). Không ở lại với Người bằng tình yêu thì sẽ hết là môn đệ của Người và chỉ đáng ném vào lửa mà thôi (c.6).
Tình yêu được Ðức Giêsu đề cập là tình yêu phát xuất từ Chúa Cha đối với Ðức Giêsu (c.9). Tình yêu ấy được truyền sang Ðức Giêsu để trở thành tình yêu Người dành cho các môn đệ. Tình yêu mà các môn đệ đáp lại bằng chính con đường vâng phục trong yêu mến đối với Chúa Giêsu (cc.10.14). Tình yêu ấy sẽ tỏa rộng giữa các môn đệ (cc.12.17). Mẫu tình yêu của người môn đệ đích thực là chính tình yêu mà Chúa Giêsu bày tỏ bằng cách hy sinh mạng sống cho bạn hữu (c.13).
Vậy bài Tin Mừng
hôm nay là lời dặn dò về
cái giá phải trả để trở
nên môn đệ đích thực
của Chúa Giêsu. Cái giá ấy
các môn đệ xưa đã trả
bằng cách hy sinh mạng sống mình.
Cái giá ấy các thánh tử
đạo cũng đã trả để
mang lại nhiều hoa trái là nhiều
người nhận biết Chúa Kitô
để được ơn cứu
độ. Ðúng như lời vị
giáo phụ Tertuliano đã nói là
máu các vị tử đạo chính
là hạt giống làm phát sinh ra các
Kitô hữu.
2. Bạn hiểu như thế
nào về câu nói: Máu các
vị tử đạo là hạt giống
làm nảy sinh ra các Kitô hữu?