Tại quảng trường thành phố lớn nhất bên Tô Cách Lan, là Gơ-lát-gô (Glasgow), ngày 10-3-1615, dân chúng Tin Lành cũng như Công Giáo, tụ lại khá đông. Họ tò mò muốn theo dõi cuộc xử giảo một linh mục dòng Tên. Ðó là cha Gioan Ô-gin-vi (Ogilvie) 35 tuổi. Người ta đặc biệt chú ý tới cố gắng của vị Mục Sư Giáo Hội Tô Cách Lan ly khai, đang ra sức cứu linh mục dòng Tên này thoát khỏi án tử vào phút chót.
Cha Ô-gin-vi: Tôi muốn sống lắm nhưng phải có tước và bổng lộc mới được.
Mục Sư: Ông sẽ có đủ cả chức tước lẫn bổng lộc.
Cha Ô-gin-vi: Ðồng ý.
Cha Ô-gin-vi liền ra hiệu cho dân chúng đứng đó: "Thưa đồng bào, Mục Sư muốn nói đôi lời với tất cả đồng bào!" Lập tức Mục Sư hướng về phía dân chúng mà nói để mọi người đều nghe được: "Tôi hứa nếu ông Ô-gin-vi bỏ đạo, thì không những thoát khỏi án tử mà còn được làm con rể Ðức Tổng Giám Mục cũng như được hưởng bổng lộc nữa." Cha Ô-gin-vi liền hỏi đám đông: "Ðồng bào có nghe rõ Mục Sư nói gì không? Xin đồng bào làm chứng hộ tôi với." Ðám đông xôn xao: "Nghe rõ, nghe rõ. Xuống đi, xuống đi!" Người ta cứ tưởng Cha Ô-gin-vi bước xuống ngay khỏi đoạn đầu đài, nhưng Cha còn muốn hỏi thêm.
Cha Ô-gin-vi: Sau này tôi còn bị phạt về tội phản quốc gì không?
Ðám đông: Không đâu, phản gì mà phản!
Nghe Cha Ô-gin-vi nói, người Tin Lành có vẻ đắc thắng. Ngược lại người Công Giáo cảm thấy buồn bực khó tả: Mới hôm nào Cha Ô-gin-vi tỏ ra can trường khiến mọi người Công Giáo phải thán phục; tại sao hôm nay Cha lại như đang mặc cả để bán linh hồn lấy chút vinh hoa! Hôm ấy trước toà án, ai là người Công Giáo cũng lấy làm thích thú về lời tuyên bố của Cha Ô-gin-vi khi Cha nói: "Nếu mỗi sợi tóc của tôi là một linh mục, thì tất cả mọi sợi tóc của tôi cũng trở về Tô Cách Lan với tôi!" Thế mà hôm nay Cha Ô-gin-vi hành xử khác hẳn.
Dù sao, mọi người nơi quảng trường cũng chú ý tới những lời Cha Ô-gin-vi nói tiếp với dân chúng.
Cha Ô-gin-vi: Vậy là hôm nay tôi bị xử tử chỉ vì lý do tôn giáo thôi, phải không?
Ðám đông: Ðúng rồi còn gì nữa!
Cha Ô-gin-vi ngừng nói, đảo mắt nhìn khắp quảng trường, rồi dõng dạc tuyên bố: "Thưa đồng bào, tôi chỉ mong được đồng bào xác nhận cho như vậy. Tôi không hề phản quốc. Tôi bị xử tử chỉ vì lý do tôn giáo. Nếu vậy, dù phải chết ngàn lần, tôi cũng sẵn sàng. Ai muốn tước đoạt mạng sống tôi thì cứ làm, nhưng đức tin của tôi không ai bẻ cong được đâu." Nghe vậy người Công Giáo bỗng cảm thấy được nhẹ nhõm. Trái lại, người Tin Lành đứng đó tiu nghỉu nói với nhau: "Thật là ma giáo!"
Lời tuyên tín độc đáo của Cha Ô-gin-vi tự nhiên làm cho ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay trở nên sống động. Lời tuyên tín ấy đã đưa Cha tới cái chết qua hai điều răn mến Chúa và yêu người thực sự đã nên một trong một của lễ toàn thiêu tuyệt hảo!
Giữa cả một rừng luật
Bài Tin Mừng hôm nay trước tiên đặt ta trước bối cảnh của cả một rừng luật nơi não trạng của người Do Thái. Với họ "Luật Môsê" bao gồm mọi luật buộc mà Gia-vê Thiên Chúa đã mạc khải cho Ít-ra-en ngang qua nhà lãnh đạo Môsê. Nhưng các bậc thầy Do Thái còn thêm 248 điều buộc và 365 điều cấm. Vì thế tín đồ đạo Do Thái gặp phải thắc mắc là: Luật nào đứng hàng đầu giữa cả một rừng luật mà họ được dạy để tuân theo? Khi nghe Ðức Giêsu trả lời bằng cách trích sách Ðệ Nhị Luật của Môsê để nói "Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (6,4-5). Câu đó mọi người Do Thái đều thuộc lòng. Sẽ không có vấn đề để họ nhìn nhận tình yêu mà họ dành cho Thiên Chúa phải là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu của con người mà dừng lại ở bất cứ thọ tạo nào để không quy hướng về Thiên Chúa thì tình yêu ấy sẽ bị lệch lạc, không thể thành tựu được.
Nhưng đó là xét về mặt lý thuyết. Trong thực hành chính điều răn thứ hai là: "Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình" (c.31), điều răn ấy mới làm cho chỗ đứng của điều răn thứ nhất kia bị xáo trộn, do sự lệch lạc của tình yêu nơi con người. Tông đồ Gioan kể tội ghét anh em mình là tội nói dối vì ngài bảo "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì kẻ ấy là người nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy (1Ga 4,20). Tác giả thư của Giacôbê qui trách nhiệm sự thiếu vắng tình yêu đối với tha nhân về một đức tin đã chết khi nói: "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no" nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (2,15-17).
Thế nào là yêu tha nhân như chính mình?
Thực ra, yêu tha nhân như chính mình hiểu ngầm một tình yêu đích thực đối với bản thân. Ðó là điều Ðức Giêsu muốn nói khi nêu điều kiện phải có để theo Người. Người nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy." (Mt 16,24-25). Câu nói đó sẽ dễ hiểu khi ta ý thức ta hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa trong mọi sự. Tại sao ta ngần ngại không chịu hoàn toàn phó thác bản thân ta cho Thiên Chúa? Chính Người an bài và sắp xếp mọi sự để ta đạt tới mục đích như ý Người muốn, là được sống một cách vĩnh viễn với Người trong cõi phúc. Chính trong tinh thần hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa như vậy ta mới có thể yêu mình và yêu tha nhân một cách đích thực.
Ðức Giêsu đã biểu lộ tình yêu đích thực đó một cách tuyệt hảo khi Người nối kết hai điều răn mến Chúa và yêu người trong cái chết cao quý hơn bất cứ lễ toàn thiêu và lễ vật hy sinh nào khác, khi Người hy sinh mạng sống mình vì yêu Cha và yêu cả nhân loại. Tất cả các thánh tử đạo cũng theo cùng một con đường hy sinh đó. Thực ra mọi Kitô hữu chúng ta cũng không có con đường nào khác để đi ngoài con đường Ðức Giêsu đã đi. Là Kitô hữu tức là người khi chịu phép rửa, ta được dìm trong sự chết của Ðức Kitô, để khi chỗi dậy, ta sống sự sống mới do Ðức Giêsu ban cho. Ðó là sự sống hoàn toàn lệ thuộc vào thánh ý của Cha. Ta chết đi cho tội lỗi để sống sự sống tràn đầy của tình yêu sung mãn đối với Thiên Chúa. Chính Thần Khí của Chúa Giêsu dạy ta phải làm gì để có thể yêu thương tha nhân như chính mình. Thần Khí của Chúa có thể ban cho ta diễm phúc được nên một với Người trong cái chết cứu thế mà Người đã tự nguyện chịu lấy cho cả nhân loại. Ðó chính là điều đã xảy ra cho cha Ô-gin-vi.
Sinh ra tại Tô Cách Lan năm 1579. Vốn là con của một gia đình Tin Lành thuộc giáo hội Tô Cách Lan ly khai, cậu Gioan được gởi đi du học bên Pháp từ tuổi 13. Nhân cơ hội được học tại một trường phổ thông của các cha dòng Tên, cậu đã theo dõi những buổi thảo luận về Ðức Tin nên sớm biết đạo Công Giáo và đã xin gia nhập Ðạo ở tuổi 17. Ba năm sau cậu đã xin gia nhập dòng Tên và được tuần tự huấn luyện qua 2 năm tập viện, 3 năm triết học, 3 năm thực tập, 3 năm thần học rồi được chịu chức linh mục tại Paris năm 1610.
Ðây là lúc phải giúp đỡ đồng bào tôi
Khi ở Pháp, cha Ô-gin-vi năng được gặp các vị thừa sai dòng Tên lén lút về Tô Cách Lan để phục vụ các tín hữu Công Giáo. Tin tức mà cha nhận được về Tô Cách Lan không mấy sáng sủa. Nhưng tình hình của Ðất Nước càng mờ mịt thì lòng nhiệt thành của cha càng được củng cố. Cha nói: "Ðây chính là lúc phải giúp đỡ đồng bào tôi." Cha được sai về phục vụ tại quê nhà mùa thu năm 1613. Hoạt động tông đồ của cha kết quả tới mức trở nên sự đe dọa cho giới chức trách đạo đời. Ðầu tháng 10 năm 1614 cha bị bắt và ngày 10 tháng 3 năm 1615 cha đã bị hành quyết như nói trên.
Quả thật nơi cái
chết tử đạo của cha Ô-gin-vi,
người ta thấy hai điều răn
mến Chúa yêu người được
nối kết chặt chẽ với nhau trong
một của lễ toàn thiêu vì lòng
mến Chúa và yêu người.
2. Phải yêu tha nhân
như chính mình (c.31) nhưng lại phải
từ bỏ chính mình để trở
nên môn đệ của Chúa Giêsu
(Mt 16, 24-25). Nói như vậy có sợ
mâu thuẫn chăng? Làm thế nào
giải toả được mâu thuẫn
đó?