Anh chị em thân mến,
Ðức Ông Ðinh Ðức Ðạo yêu cầu tôi gửi đến anh chị em một sứ điệp nhân ngày Năm Thánh Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, nhưng tôi nghĩ rằng anh chị em đã có sứ điệp của Ðức Thánh Cha và sứ điệp của Ðức Hồng Y Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc, nên đã quá đầy đủ. Vì thế, nhân dịp này tôi chỉ muốn chia sẻ với anh chị em những tâm tình của tôi như một người anh em đang cùng nhau đi hành hương.
Ðứng từ trên điện Vatican nhìn xuống quảng trường Thánh Phêrô, tôi có dịp chứng kiến một cách thật cảm động hàng triệu người thuộc mọi thành phần dân Chúa lũ lượt chờ đợi cách kiên nhẫn dưới nắng hè gay gắt hay mưa lạnh mùa đông để bước qua Cửa Năm Thánh. Trong số đó có hơn 750000 thợ thuyền lao động, 2 triệu bạn trẻ, hàng ngàn giáo sư đại học và mới đây hàng vạn các nhà lập pháp và lãnh đạo chính trị. Tất cả đến Roma từ khắp nơi trên thế giới. Tại sao họ lại đến đây? Ðến để làm gi? Và họ chờ đợi gì?
Tôi nhớ ông bà ngày xưa thuật lại mỗi lần đi vào vùng La Vang phải "hú" thật lớn để xua đuổi thú dữ và nhất là để khỏi lạc nhau. Ðây cũng là kinh nghiệm của tôi khi leo núi Bạch Mã, một ngọn núi cao nằm giữa Huế và Ðà Nẵng, vào năm 1938 và 1939. Từ 3 giờ sáng tôi đã bắt đầu đi bộ đến chân núi và khi khởi sự leo lên lúc trời còn tối, tất cả mọi người trong đoàn thi nhau "hú" để khỏi lạc, để đánh xa thú dữ và cũng để làm hiệu cho những đoàn leo núi khác. Mỗi lần nghe tiềng hú của những đoàn khác vọng lại, tất cả chúng tôi lại được khích lệ và an tâm hơn.
Tiếng "hú" là tiếng kêu mong được trả lời. Kêu lên vì tin hay ít ra cũng hy vọng rằng tiếng kêu của mình sẽ được đáp trả như lời linh mục Luigi Giussani trình bày khi nói chuyện với các bạn trẻ tại Ý.
Một cách nào đó hàng triệu người đến Roma dịp Năm Thánh cũng "hú" lên những thao thức và tâm tình của mình và họ cũng chờ đợi có người đáp trả. Nhưng câu trả lời ở đây cho họ không phải là tiếng nói riêng tư của những nhà chuyên môn hay lỗi lạc nào đó, mà là một biến cố, là chính Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã đến trần gian để cứu chuộc con người khi họ đang còn sống trong cảnh tuyệt vọng. Ðây là câu trả lời vượt quá sự mong đợi của họ vì chính nhờ con người đó, nhờ biến cố đó mà họ được chức làm con Thiên Chúa, và giờ đây được xác tín rằng Ðức Kitô vẫn tiếp tục nâng đỡ và đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Biến cố đó cũng là Hội Thánh, là khởi điểm một sự việc hoàn toàn mới mẻ chưa từng có bao giờ, bởi vì Hội Thánh được sinh ra do chính Ðức Giêsu Kitô.
Trong chương trình hành hương bao giờ cũng có bước qua Cửa Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Lateranô, là nhà thờ chánh tòa của Giáo Hoàng. Trước quảng trường bên kia đường có bức tượng Thánh Phanxicô Assisi. Nếu nhìn từ phía sau, người ta nhận ra được ngay bức tượng Phanxicô đang giang tay đỡ lấy ngôi đền thờ Lateranô "là đầu và mẹ của tất cả các đền thờ". Bức tượng này nhắc lại câu chuyện Thánh Phanxicô được Ðức Giáo Hoàng Innocente III phê chuẩn luật dòng. Lúc đầu Ðức Giáo Hoàng không chấp nhận vì thấy tinh thần luật dòng của Thánh Phanxicô chỉ dựa vào Phúc Âm quá lý tưởng và không thực tế. Nhưng sau khi chiêm bao thấy người đang xê vai gánh đỡ đền thờ Lateranô đang nghiêng đỗ lại là Phanxicô, Ngài liền chấp nhận phê chuẩn. Và nhờ sống tinh thần Phúc Âm triệt để, Thánh Phanxicô đã đem lại cho Giáo Hội một cuộc canh tân sâu xa. Nói cách khác, biến cố Ðức Kitô gặp gỡ Phanxicô Assisi đã đổi mới Hội Thánh.
Chúng ta đang tiến gần đến cuối Năm Thánh. Không phải chỉ đọc kinh hay bước qua Cửa Năm Thánh là đủ. Năm Thánh thực sự phải là một biến cố cho mỗi người chúng ta. Mỗi người cần phải đổi mới để cùng nhau xây dựng Hội Thánh trong thế kỷ này.
Năm Thánh đã
là biến cố cho hơn 2 triệu bạn
trẻ khắp nơi trên thế giới.
Là biến cố cho 750000
người lao động, thợ thuyền.
Là biến cố cho hàng
ngàn Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo
dân.
Là biến cố cho mọi
gia đình.
Là biến cố cho giới
nghệ sĩ, nông dân, tù nhân, thể
thao...
Là biến cố cho cả
những người làm pizza.
Là biến cố cho các
viện trưởng, giáo sư đại
học.
Là biến cố cho những
nhà làm chính trị.
Tất cả những biến cố ấy làm thành một biến cố vĩ đại là đổi mới Hội Thánh để có thể mang Phúc Âm vào trong thế kỷ 21 này, một thế kỷ đầy thách đố nhưng cũng đầy hy vọng.
Nếu Năm Thánh không
thực sự là "biến cố" đổi
mới tận gốc rễ chính bản
thân, gia đình và cộng đoàn
thì chúng ta chưa có năm Thánh.
Vì cuộc hành hương xa nhất và
khó nhất vẫn là "mang Phúc Âm
từ đầu óc của tôi đến
quả tim của tôi".