Cha Giang Ðông Hưng (John Doberty) là người Tô Cách Lan. Khi còn là chủng sinh, Cha được gởi đi học sáu năm bên Tây Ban Nha. Ðó là vào thời diễn ra Công Ðồng Vatican II. Khi trở về quê nhà, Cha là linh mục trẻ của thời hậu Công Ðồng nên ôm ấp nhiều hoài bão lớn về Giáo Hội. Cầm trong tay những văn kiện của Công Ðồng, người linh mục trẻ này cứ đinh ninh nắm chắc rằng Giáo Hội được canh tân đã trở nên sống động nhờ Công Ðồng. Ai ngờ chỉ thấy một Giáo Hội đầy xung khắc ngay giữa hàng giáo sĩ trẻ và già. Cha Giang chia sẻ về điều đã biến đổi Cha từ thâm tâm như sau:
Những năm 1967-1968, có nhiều đảo lộn xảy ra như tôi được biết. Bối cảnh lộn xộn thời đó là có những linh mục trẻ chịu ảnh hưởng của một số thần học gia bất đồng ý kiến với các vị Giáo Hoàng và Giám Mục. Mọi sự đều góp phần vào cơn khủng hoảng quyền bính trong Giáo Hội mà bản thân tôi bị vướng trong đó. Tôi lưỡng lự chưa biết nên ở lại Tô Cách Lan nữa hay nên đi nơi khác, chẳng hạn như Ðức quốc, Canada, Pháp. Tôi cũng chưa rõ tôi sẽ còn là linh mục nữa hay không. Hồi đó một số linh mục trẻ chúng tôi có thói quen họp đều đặn để thảo luận về cách thể hiện các văn kiện Công Ðồng. Hôm đó có người trong chúng tôi biết có nhóm Focolare nào đó đến Tô Cách Lan vào cuối tuần. Tôi hỏi xem Focolare là gì thì được cho biết đó là một phong trào quốc tế về gia đình phát xuất từ Italia. Phản ứng của tôi là "chẳng có gì tốt từ Italia mà ra."
Hai tuần sau đó, nhóm chúng tôi lại họp nhau. Trong giờ giải lao, tôi nghe có hai linh mục nói qua nói lại với nhau về vấn đề đưa Phúc Âm ra thực thi. Ðó là đề tài làm tôi chú ý, vì ngày còn ở chủng viện chúng tôi đã có những cuộc thảo luận Phúc Âm nhưng chưa bao giờ đưa tới thực hành mà chỉ giới hạn ở phạm vi trí hiểu mà thôi. Vậy nên khi nghe họ, tôi cảm thấy khơi dậy nơi tôi một lòng khao khát muốn đưa Phúc Âm ra thực thi. Hai linh mục ấy liền cho tôi biết về cuộc họp Focolare chiều hôm đó và mời tôi cùng họ đi với họ. Thế là tôi đã dự một trong những cuộc họp đầu tiên của Focolare ở Tô Cách Lan.
Tôi còn nhớ căn phòng khách đơn sơ nơi tôi bước vào cuộc họp, trước ngọn lửa hồng bự đang cháy tí tách, có con chó dễ thương nằm đó. Một linh mục người Italia nói về Focolare đã khởi sự như thế nào với chị Chi Lan Lưu Bích (Chiara Lubich) cùng các bạn đầu tiên. Kế đến vị đó trình bày về những điểm cơ bản của linh đạo Focolare.
Ánh sáng từ phía giáo dân
Tôi nghe vang lên trong lòng tôi tiếng nói đức tin. Ðiểm một nói về cuộc khám phá ra Thiên Chúa yêu thương bằng tình yêu vô hạn đối với từng người mà Ngài ưu ái dựng nên. Phản ứng đức tin của tôi là: "Quả thật, Thiên Chúa yêu thương tôi bằng tình yêu vô hạn." Ðiểm hai được trình bày là: "Tôi phải chọn Chúa trên hết mọi sự để đáp lại tình yêu Ngài dành cho tôi." Rồi theo logic: "Vậy tôi phải thực thi ý muốn của Thiên Chúa."
Phản ứng của tôi không chỉ do đức tin nhưng còn do tình yêu. Có thể nói tôi say mê về cuộc khám phá ra tình yêu Thiên Chúa. Và tôi đã có những phản ứng vừa nói cách rất tự nhiên từ con tim. Nhưng người trình bày về Focolare còn nêu điểm tối quan trọng là ý muốn của Thiên Chúa. Người đó nói: "Mỗi khi Chi Lan quyết định về một dự án nào, thì dự án ấy phải được trình bày để lãnh ý của Ðức Giám Mục giáo phận trước đã. Nếu ngài đồng ý thì chị em sẽ vui vẻ nhận đó là ý của Chúa; ngược lại, nếu ngài không đồng ý, chị em cũng vui vẻ đón nhận. Chị em làm như vậy vì chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: "Ai nghe lời các con là nghe lời Thầy."
Lời Phúc Âm vừa trích đúng là lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, đòi tôi phải chọn để chấp nhận hay không chấp nhận câu chuyện Phúc Âm như đang được trình bày về Focolare. Tôi bị lương tâm cật vấn: "Tôi là ai mà cả gan chống lại Ðức Phaolô VI và các Giám Mục Tô Cách Lan khi mà chính Chúa Giêsu khẳng định rất rõ rằng ai nghe lời các vị ấy là vâng nghe chính Chúa và ai chống lại các vị ấy là chống lại chính Chúa?" Lương tâm đòi tôi phải đầu hàng. Hơn nữa, tôi còn phải yêu mến các vị là những người Chúa đã an bài đặt kế cận tôi trong Giáo Hội. Một cuộc biến đổi đã xảy ra trong tôi chiều hôm đó. Tôi được bình an vì không còn phải thắc mắc và nghi ngờ gì nữa.
Ảnh hưởng dây chuyền
Không riêng tôi, nhiều người khác nữa cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền. Sau cuộc họp nhỏ về Focolare chừng một tháng thì cuộc họp lớn gọi là thành phố của Ðức Maria (Mariapolis) được tổ chức. Tôi mời được bốn người trong họ đạo đi dự, mà một người hầu như tình cờ được mời mà thôi. Trên đường đến nhà một người khác mà tôi cần gặp, tự nhiên tôi được thúc đẩy để tạt qua nhà bạn Tâm. Vừa bước vào nhà anh, tôi đã bị khiêu khích: "Này, tại sao Giáo Hội lại bất động không chịu làm gì để đối phó với sự dữ trên thế giới." Tôi biết rõ con người này từng chủ trương bất khả trị rồi nhưng cũng cứ mời để đáp lại lời anh vừa thách thức Giáo Hội: "Này, bạn Tâm (Tommy), tôi không hiểu tại sao tôi tới gặp bạn, nhưng nếu bạn muốn hiểu thực chất Kitô giáo là gì, bạn hãy theo tôi đến Mariapolis mà xem thì sẽ thấy."
Vậy là bạn Tâm cùng đi dự với chúng tôi. Kết quả thật lạ lùng. Chính anh thú nhận "Tôi cảm thấy như thánh Phaolô trên đường đi thành phố Ða-mát xưa với điều ngược lại đã xảy ra." Anh có ý nói anh được "sáng mắt" còn thánh Phaolô ngã ngựa đã ra mù lòa. Chỉ trong giây lát bạn Tâm như đã nhận được ánh sáng để hiểu sự thật về Kitô giáo, còn trước đó anh bị mù tịt!
Kết quả do Mariapolis càng đưa tôi đi sâu vào sự sống mới qua Focolare. Cùng với hai linh mục khác nữa, chúng tôi gặp nhau đều đặn, cùng đọc và chia sẻ với nhau Lời sự sống nhận được hàng tháng. Chúng tôi chia sẻ với nhau điều chúng tôi đã cố gắng đưa Phúc Âm ra thực thi.
Mùa hè năm đó, tôi còn đi dự cuộc họp thánh phố của Ðức Maria bên Anh quốc. Số người dự chừng 600, trong đó có 20 người chúng tôi đến từ Tô Cách Lan.
Mỗi ngày tôi càng thâm tín về tầm quan trọng của việc đưa Phúc Âm ra thực thi trong đời sống hàng ngày. Tại Anh quốc vào dịp đó, tôi được đánh động nhất là lời Chúa dạy "Bất cứ điều gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất là anh em làm cho chính Thầy." Áp dụng vào trường hợp của tôi, kẻ bé mọn nhất chính là cha Sở và bà Bếp mà tôi vẫn coi thường. Tệ hơn nữa, tôi kể hai người này như thù địch với tôi. Chúng tôi hàng ngày ngồi ăn với nhau nhưng trái tim luôn xa cách, bởi lẽ cha Sở là người bảo thủ, còn tôi cấp tiến.
Nay mọi sự đã ra khác. Hôm đó vào chiều thứ bảy trong bữa ăn, cha Sở hỏi tôi: "Ðiều gì xảy ra cho cậu vậy?" Tôi trả lời: "Có gì đâu!" Ngài nói tiếp: "Rõ ràng có điều gì xảy ra mà. Có phải cậu đã phải lòng với ai đó thương cậu?" và tôi trả lời: "Thật ra có đấy, con đã phải lòng với Thiên Chúa tình yêu" Cha Sở sung sướng nói: "Ôi, tạ ơn Chúa." Ðiều đó cho tôi thấy cha Sở rất sung sướng thấy tôi đã thay đổi như qua một cuộc trở lại.
Trong câu chuyện trên, người thấy mình trước kia mù tịt mà nay được sáng là Tâm (Tommy). Lạ lùng, chỉ nhờ dự cuộc họp thành phố của Ðức Maria, anh nhận ra thế nào là Kitô giáo, chứ trước đó anh vốn chủ trương rằng loài người không cách nào biết được Thiên Chúa.
Còn vị linh mục Tô Cách Lan, cha Giang Ðông Hưng lại mù về phương diện khác. Cha biết Chúa và dạy người ta về Chúa nhưng lòng cha chai cứng không được đánh động để làm đẹp lòng Chúa. Cái biết của cha về Chúa được sử dụng như đôi găng tay để tránh khỏi bị sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa "giật"! Sức mạnh ấy cuối cùng đã đụng chạm tới con người của cha. Nhờ gương lành của những người giáo dân khởi xướng phong trào Tổ Ấm, cha Ðông Hưng đã ra mềm lòng để yêu thương những người sống bên cạnh cha.
Riêng người mù
con ông Ti-mê trong Tin Mừng hôm nay,
lại tỏ ra sáng suốt về niềm
tin hơn đám đông đang bước
theo Ðức Giêsu trên đường!
Anh đã thấy rõ Ðức Giêsu
là Ðấng Mêsia nên thưa với
Ngài rằng: "Lạy con vua Ða-vít, xin
dủ lòng thương tôi." Một khi được
Người cho sáng mắt, tức
khắc anh đã bước theo Người
trên đường Người đi.
Cùng với phép lạ người
mù thành Bét-xai-đa được
chữa lành, cuộc chữa trị
người mù con ông Ti-mê, góp
phần chuẩn bị cho cuộc chữa trị
tột đỉnh của Tin Mừng Máccô
về niềm tin. Ðó là cuộc chữa
trị viên sĩ quan ngoại đạo. Viên
sĩ quan nhìn ngắm Ðức Giêsu
tắt thở thì đã tuyên
xưng: "Quả thật, người này
là Con Thiên Chúa." (Mc 15,39).
2. Bạn nghĩ gì về
người mù được sáng
mắt liền tức khắc bước
theo Ðức Giêsu trên đường
Người đi (c.52)? Hãy so sánh
người đó với người
mù Bét-xai-đa (8,22-26) và với
viên sĩ quan ngoại đạo tuyên xưng
Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa.
(Mc 15,39).