Ðức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu ?" Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được".
Ông Phêrô lên
tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần
chúng con, chúng con đã bỏ mọi
sự mà theo Thầy!" Ðức Giêsu
đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng
hề có ai bỏ nhà cửa, anh em,
chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất,
vì Thầy và vì Tin Mừng, mà
bây giờ, ngay ở đời
này, lại không nhận được
nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng
đất, gấp trăm, cùng với
sự ngược đãi, và sự
sống đời đời ở
đời sau.
Bài Tin Mừng hôm nay chủ yếu nói về sự sống đời đời mà của cải sở hữu là một cản trở lớn.
Nhưng Ðức Giêsu lại đoan chắc với các môn đệ rằng họ sẽ nhận được sự sống đời đời cùng với tất cả những gì họ đã từ bỏ. Những điều ấy chính họ sẽ nhận lại được gấp trăm ngay ở đời này, không những về anh em, chị em, mẹ cha, mà cả về nhà cửa và ruộng đất nữa; có điều họ sẽ nhận lại được những thứ đó gấp trăm cùng với sự ngược đãi!
Ðiều vừa nói, các môn đệ có thể nhận ra nơi Thầy mình. Một đàng Ðức Giêsu sống thanh thoát để có thể nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9,58).
Ðàng khác, Người sử dụng cách thoải mái nơi chốn được cung cấp để giảng dạy, gặp gỡ hoặc chữa lành bệnh nhân. Thuyền của ông Phêrô được dùng làm "bục giảng" (Lc 5,3). Nhà của các thân hữu được sử dụng làm nơi gặp gỡ và chữa bệnh (x. Mc 2,2tt). Luca cho biết cùng đi với Nhóm Mười Hai có một số phụ nữ: "Các bà này đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ" (Lc 8,3).
Còn việc nhận lại gấp trăm về anh chị, mẹ cha, chính Ðức Giêsu nói rõ ý của Người. Khi ấy Người được báo cho biết "có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài đang tìm Thầy", thì Người rảo mắt nhìn những kẻ ơ xung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi" (Mc 3,34-35).
Dầu sao thì mọi sự, kể cả sự sống đời đời, đều có thể đạt được nhờ kết hợp với chính Thiên Chúa và làm theo ý Ngài. Ðức Giêsu đến trong thế gian là để đưa người ta vào con đường kết hợp với Thiên Chúa. Người tuyên bố rất rõ: "Thầy là Ðường, là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy." (Ga 14,6).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai hình ảnh trái ngược nhau. Thoạt đầu là thấy một người giàu có thực tình muốn đạt được sự sống đời đời, nhưng vì quá gắn bó với của cải anh sở hữu nên anh không làm sao dứt bỏ mà theo Ðức Giêsu được. Ngược lại, Phêrô và Nhóm Mười Hai đã từ bỏ mọi sự mà theo Ðức Giêsu (x. Mc 1,6-20) thì lại không rõ sẽ nhận lại được gì, ở đời này cũng như đời sau. Cả hai loại người vừa nói đều cần phải lãnh hội nội dung của mối phúc thứ tám là mối phúc gắn liền với sự ngược đãi vì Chúa Giêsu: "phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5,11-12).
Ðiều duy nhất đáng kể là bước theo Chúa Giêsu
Thử hỏi một cách tích cực, ngày nay còn có những thanh niên nam nữ ở giữa đời dám từ bỏ mọi sự để theo Ðức Giêsu chăng? Hãy nghe sinh viên Y khoa Dương Mạnh Phong (Engo Maria Fondi), người Italia chia sẻ về tiếng gọi lôi kéo anh từ bỏ mọi sự để theo Chúa như thế nào. Anh nói:
"Khi sắp xong trung học, cuốn sách tôi đọc quyết định cho tương lai đời tôi là cuốn Con Người, Một Thế Giới Cần Ðược Khám Phá (L'homme Cet inconnu, Alexis Carrel). Ðó là cuốn sách làm tôi say mê môn y khoa sinh vật học. Tôi bị lôi kéo do trực giác của tác giả về mối tương quan giữa tinh thần và thể xác, tức tương quan giữa thân xác và tâm thần khi khoẻ cũng như lúc yếu đau.
Nhưng tại Italia khi ấy chiến tranh bùng lên dữ dội. Cuộc đổ bộ tại Anzio chỉ cách khu vực nơi gia đình tôi đang ở ít cây số, đặt tôi vào kinh nghiệm kinh hoàng của đạn trái phá nổ ran, của những đám lính rút lui về hậu cứ kèm theo cảnh nhà cửa đổ nát.
Gia đình tôi chỉ có thể tìm được an toàn nơi cảng Roma với rất ít của cải có thể mang theo. Dù sao tôi cũng đã có thể ghi tên vào trường Y Khoa để lấy lại sự bình thường. Ðiều nổi bật trong thời gian tôi đến ở Roma là được gặp gỡ nhóm người trẻ dấn thân trong Hiệp Hội Ðức Mẹ tại nhà thờ thánh I-Nhã.
Bản thân tôi vẫn có khuynh hướng làm chứng tận căn về niềm tin của mình. Do đó tôi đã nhận giảng tại công trường Sienna cùng với phong trào đạo đức được thiết lập do Giovanni Rossi tại A-si-di.
Nhưng những năm ấy vẫn là những năm tôi thấy mình còn đang tìm kiếm điều gì đó trong bầu khí nội tâm pha trộn niềm chờ mong với một tâm trạng man mác đi đôi với cảm giác khô khan nào đó. Thế rồi vào năm 1949, tức cuối năm y khoa thứ năm, tôi được mời dự một cuộc họp. Ðó là nơi tôi được nghe về kinh nghiệm thiêng liêng mà Chi Lan (Chiara Lubich) và các bạn đầu tiên đã trải qua.
Hầu như cho tới nay tôi vẫn có thể nói lại nguyên văn điều tôi được nghe, không phải tôi nhớ được một cách đích xác, nhưng vì đó là "lịch sử của phong trào" mà chính tôi đã có dịp kể lại không biết bao nhiêu lần, đến nỗi nội dung như thuộc về lịch sử riêng của tôi. Nội dung chỉ là kể lại cách đơn giản không văn vẻ những sự kiện có thực đã xảy ra, đó là những sự kiện tuyệt vời và ngoại hạng nhưng vẫn bình thường theo nguyên tắc. Vấn đề được đặt ra là tuỳ ở người nghe có chấp nhận điều được kể lại hay không. Nếu nhận thì con đường duy nhất để biết thêm là bước vào kinh nghiệm thiêng liêng đó - đó là kinh nghiệm mà người đó đã sống, nó chứng thực sứ điệp người đó truyền đạt.
Riêng với tôi, biến cố quyết định là cuộc hành trình đưa tôi tới Tân Ðô, Bắc Italia, mùa nghỉ Noel 1949. Khi ấy Năm Thánh mới bắt đầu, Tân Ðô phủ đầy tuyết. Tôi nhờ những cành cây bự để bám hầu tránh khỏi bị té trên kiếng vỡ mà chiến tranh làm bắn tung toé trên đường. Người ta đón mừng tôi bước vào một cộng đoàn mới được thiết lập.
Ðiều khiến tôi ngạc nhiên từ thâm sâu và còn để lại trong tôi dấu ấn không thể xoá nhoà, đó là những cuộcï gặp gỡ với Chi Lan, được tổ chức ngay nơi phòng ăn đơn sơ của căn nhà khiêm tốn nằm trên đường đưa đến nhà thờ các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô Capuxinô. Chừng ba mươi người khách chen chúc với người nhà nơi phòng ăn đó. Nhưng nghe những câu trả lời do Chi Lan đáp lại những câu hỏi mà một linh mục nêu lên, khiến tôi quên bẵng đi cả không gian lẫn thời gian. Những câu trả lời ấy đưa tôi vào chiều kích vượt trên sự quen biết, chính là chiều kích của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả thật, chúng tôi được chiêm ngưỡng và dự phần vào ánh sáng của chính Nước Thiên Chúa ở giữa loài người.
Tôi thú thật là sau đó trở về Roma tôi cảm thấy khó mà làm quen trở lại với đời sống tôi vẫn sống, gồm việc học hành, tương quan trong gia đình, với những sinh hoạt bình thường khác.
Ít tháng sau, trước khi nhận bằng tiến sĩ y khoa, tôi hiểu ra rằng từ nay chỉ còn một điều duy nhất đáng kể trong đời tôi là bước theo Ðức Giêsu trong phong trào giáo dân như tôi được biết ở Tân Ðô, Bắc Italia. Khi ấy tôi đã sẵn sàng bỏ lại đằng sau gia đình, bạn hữu, việc học hầu sống với Ðức Giêsu cùng với những người khác được Chúa gọi sống chung một nhà.
Thế rồi, xảy ra phong trào có nhu cầu khẩn cấp mà mọi thân hữu được mời tới canh thức để cầu nguyện. Ðêm đó tôi đã mang chiếc giường từ gia đình đến để sử dụng. Và đó là đêm đầu tiên của tôi trong sự sống mới.
Những tháng kế tiếp sau khi học xong y khoa, tôi được yêu cầu vào làm bếp và làm một số việc khác. Chủ yếu tôi được học để sống tinh thần hiệp nhất với mục đích đón nhận Chúa Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn 24 trên 24 qua việc thực thi giới răn yêu thương. Tôi học để lướt thắng cái khó tận căn là từ bỏ chính mình để có thể yêu tha nhân.
Câu chuyện chàng sinh
viên y khoa Dương Mạnh Phong vừa kể
phần nào giúp làm sáng tỏ
một trong trăm ngàn cách ta có thể
chọn để đưa Lời Chúa
hôm nay ta thực thi. Cách nào ta chọn
cũng đòi hỏi phải lướt
thắng cái khó tận căn là từ
bỏ mình để có thể yêu
tha nhân. Dù sao, điều quan trọng trong
bài Tin Mừng hôm nay ta nên nhớ
là: có rất nhiều điều "đối
với loài người thì không
thể được nhưng với Thiên
Chúa thì không phải thế, vì
đối với Thiên Chúa mọi
sự đều có thể." (c.27)
2. Hãy so sánh người
thanh niên giàu có (cc.17-22) với
Phêrô và Nhóm Mười Hai
(cc.23-30). Xem ra hai vấn đề được
đặt ra: Một là tin vào Thiên
Chúa toàn năng; hai là yêu mến
Thiên Chúa trên hết mọi sự
hầu có thể từ bỏ mọi sự
để theo Chúa. Hai vấn đề đó
có được đặt ra cho bạn
chăng?