Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 1 tháng 10 năm 2000
Chúa Nhật 26 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 9,38-43.45.47-48

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khi ai đó thắp lên ánh sáng trong tăm tối thì không cần hỏi người đó là nam hay nữ

 Hôm ấy là ngày chót của năm dương lịch 1996, bà Lưu Bích (Chiara Lubich) khởi sự cuộc viếng thăm Thái Lan bằng cuộc viếng thăm Ðức Hồng Y Kim Bành Chữ (Michai Kitbunchu), Tổng Giám Mục Băng Cốc.

 Bà được hai nơi quan trọng của Thái Lan mời. Một là Ðại Học Thánh Gioan, là Ðại Học Công Giáo tại Băng Cốc, muốn trao tặng bà bằng tiến sĩ danh dự về Truyền Thông Xã Hội. Thứ đến là lời mời của Ðại Ðức Hoành Gia Thống (Ajahn Thong) của Thái Lan. Ðại Ðức Thống là nhà sư nổi tiếng trên thế giới về Phật học. Ðại Ðức Thống cùng nhà sư Thành Vinh (Thongrattana Thavorn) là người từng tháp tùng một số đồ đệ tới tham dự cuộc liên hoan giới trẻ 1955 do Phong Trào Tổ Ấm tổ chức, đã có thời gian sống tại Trung Tâm Lỗ Phúc Nhân của Tổ Ấm. Hai vị đã có dịp gặp gỡ bà Lưu Bích khá lâu và còn tới thăm Hội Ðồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn cũng như có dịp yết kiến Ðức Gioan Phaolô II. Nhà sư Thành Vinh từng nói cho mọi người ở Thái Lan biết ông đã khám phá ra Kitô giáo qua kinh nghiệm của ông như thế nào. Ðược biết Thượng Toạ Xuân Vinh (Somdet Phra Niana Samvara) của Thái Lan được nghe nhà sư Thành Vinh kể lại thì đã khuyến khích cuộc đối thoại giữa bà Lưu Bích và các đồ đệ dưới quyền Thượng Toạ. Chính Thượng Toạ Xuân Vinh tỏ ra rất thiết tha với việc khơi dậy một bầu khí hoà hiệp và bình an giữa các tôn giáo. Thượng Toạ còn tỏ ra rất quí mến Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

 Cuộc viếng thăm Thái Lan của bà Lưu Bích có bao gồm cuộc đi viếng thành phố Chiang Mai cách Băng Cốc 300 dặm về phía Bắc. Chính Ðại Ðức Hoành Gia Thống ra đón bà Lưu Bích tại phi trường. Tại hội trường của Ðại Học Phật Giáo Chiang Mai, bà Lưu Bích đã gặp gỡ chừng 800 người, hầu hết là các tu sĩ trẻ của Phật giáo. Bà được Ðại Ðức họ Hoành giới thiệu là một nhân vật quốc tế được thế giới nhìn nhận là một nhà lãnh đạo về đối thoại liên tôn. Ðại Ðức mời bà Lưu Bích chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng hầu góp phần cho nguồn suối kiến thức được phong phú hơn.

 Ðó là lúc bà Lưu Bích đặt bài nói bà đã soạn sang một bên, để chia sẻ với thính giả về khởi đầu của Phong Trào Tổ Ấm cuối thế chiến thứ II tại Tân Ðô (Trento). Bà cắt nghĩa cho thính giả nghe về luật yêu thương theo Tin Mừng chính là bí quyết thành công của phong trào. Bà nói về thực tại đau khổ gắn liền với đời sống người Kitô; đó là thập giá, cùng với hoa trái phát sinh do nghệ thuật yêu thương. Bốn điểm được bà Lưu Bích nêu lên là: phải yêu thương tất cả mọi người, phải đi bước trước để thể hiện tình yêu, phải nên một với tha nhân, và phải yêu tha nhân như chính mình. Thính giả tỏ ra hết sức chú ý lắng nghe, đồng thời họ cũng rất cởi mở và cho thấy bề sâu và sự trong suốt về con tim.

 Quả thật đã mở ra một cuộc đối thoại do thính giả muốn biết nhiều hơn về nền linh đạo mới được trình bày và về Kitô giáo nói chung. Thính giả cũng ước ao xây dựng tình liên đới tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Ðáp lại bà Lưu Bích kết luận bằng cách mời gọi các tu sĩ trẻ luôn duy trì một cuộc sống hướng thượng (to aim high in life).

 Ngày hôm sau bà Lưu Bích tới tu viện của Ðại Ðức họ Hoành cũng là một giáo sư lừng danh, nơi bà gặp gỡ 100 nữ tu cùng với chừng 70 Nam tu và Phật tử. Bà Lưu Bích là phụ nữ Kitô hữu đầu tiên ngỏ lời với lới thính giả này. Ðại Ðức họ Hoành trong lời giới thiệu đã nói: Người khôn ngoan đâu phải là nam hay nữ, là vị thành niên hay trưởng thành. Khi ai đó thắp lên ánh sáng trong tăm tối, không cần hỏi đó là người nam hay người nữ. Bà Lưu Bích đến đây là để thắp lên cho chúng ta ánh sáng.

 Vậy bà Lưu Bích lại có dịp nói về khởi đầu của Phong Trào Tổ Ấm và cắt nghĩa để thính giả thấy khuôn vàng thước ngọc được khám phá ra trong sách Tin Mừng, tức Kinh Thánh, là gì.

 Kế đó là một loạt những câu hỏi và trả lời về những vấn đề khác nhau, kể cả về Trung Tâm Tổ Ấm Lỗ Phúc Nhân và Phong Trào Tổ Ấm nói chung. Nhà sư trẻ Thành Vinh (Thongrattana) đã từng sống tại Lỗ Phúc Nhân cũng đứng lên chia sẻ kinh nghiệm bản thân về mấy năm sống ở đó.

 Tiễn đưa bà Lưu Bích lên đường là Ðức Hoành Gia Thống cùng với một số tu sĩ, đặc biệt có một tu sĩ trẻ lên đường đi Italia để có kinh nghiệm Tổ Ấm tại trung tâm Lỗ Phúc Nhân. Sự kiện đó cho thấy đây là cuộc đối thoại trogn cuộc sống hơn là trên bình diện kiến thức hoặc tư tưởng.

 Nhưng đối thoại với tín đồ Phật giáo trong tư tưởng hay trong cuộc sống là để nhằm mục tiêu nào? Bà Lưu Bích sẽ trả lời: là để giúp người ta biết Ðấng Thiên Chúa của Ðức Giêsu và để sống làm chứng về Ngài, ngang qua sự hiểu biết và quí chuộng các tôn giáo của nhau.

 Hãy khởi đi từ bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Nếu tờ chia sẻ này đến tay một người bạn Phật tử cũng là nhân viên xí nghiệp với bạn, bạn sẽ nói gì với người ấy khi người ấy yêu cầu bạn cắt nghĩa? Dĩ nhiên phải khởi đi từ những điều hai bên cùng hiểu và chấp nhận. Chắc chuyến viếng thăm Thái Lan của bà Lưu Bích sẽ được người bạn Phật tử kia dễ dàng chấp nhận. Ðiều mà người đó chưa chắc đã hiểu và chấp nhận chính là bốn điểm về yêu thương mà bà Lưu Bích nêu lên. Nhưng yêu thương chính là đường mòn đối với mọi người. Bạn có thể dựa vào thiện chí trong đối thoại để nói về yêu thương, cả về những khó khăn gặp phải để yêu thương hết mọi người. Quả thật ai dám nói mình tự nhiên có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ ghét mình? Ði bước trước để yêu thương những kẻ ghét mình đâu phải là chuyện dễ? V.v? Chính ở đây bạn có cơ hội nói về Thiên Chúa là Tình Yêu như bạn được biết. Ðấng Thiên Chúa ấy yêu thương mọi người đến nỗi ban Con Một Ngài. Con Một ấy đã xuống thế làm người để dạy người ta biết trở về cùng Chúa bằng con đường yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một phần của cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu không những dạy các môn đệ về yêu thương, chính Ngài đi bước trước để nêu gương cho họ thấy thế nào là tuyệt đỉnh của yêu thương: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (xem Ga 15,13).

 Rất sớm trong đời công khai của Ðức Giêsu, Người đã bị giới lãnh đạo, đạo cũng như đời, tìm cách thủ tiêu (xem Mc3,6). Cách Người tự do vượt mọi rào cản để đến với những người cùi, người tàn tật, người bị xã hội khinh chê là điều họ không thể chấp nhận. Người càng được dân chúng nô nức tuôn đến, càng bị giới lãnh đạo Do thái ghen ghét.

 Ánh Sáng từ cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu

 Linh tính cho Người thấy trước, đau khổ và chết chóc đang chờ đợi Người tại Giêrusalem. Ðể huấn luyện các môn đệ hiệp nhất với Người trên con đường cứu nhân độ thế, Người liên tiếp loan báo cho họ biết trước về cuộc Thương Khó Người sẽ phải chịu. Bài Tin Mừng hôm nay gắn liền với lần loan báo thứ II về cuộc Thương Khó. Lần loan báo nào cũng kèm theo một số huấn dụ. Những huấn dụ đi đôi với lần loan báo thứ II gồm: (1)Ðừng ham hố được nổi nang trong cộng đoàn (cc.33-37); (2) phải có tinh thần rộng mở đối với tha nhân (cc.38-41); (3) phải biết hy sinh hầu nêu gương sáng thay vì gây xì căng đan, nhất là đối với những kẻ bé mọn (cc.42-50).

 Về tinh thần rộng mở, bài Tin Mừng hôm nay nêu trường hợp môn đệ Gioan vận động cấm ai đó phục vụ nhân danh Ðức Giêsu chỉ vì người ấy không thuộc "phe ta" (c.38). Ðức Giêsu muốn các môn đệ từ bỏ tính hẹp hòi đi để rộng mở đối với mọi người khi nói: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (c.40).

 Chính tinh thần rộng mở này đưa các Kitô hữu vào cuộc đối thoại với các tôn giáo bạn. Cuộc đối thoại này gồm bốn phương diện: (1) đối thoại trong cuộc sống theo đó ta sống cởi mở trong tinh thần xóm ngõ, chân thành chia vui xẻû buồn giúp nhau đáp ứng những vấn đề được đặt ra trong đời sống con người; (2) đối thoại trong hành động theo đó ta cộng tác với các tín đồ tôn giáo bạn để phát triển cũng như giải phóng con người toàn diện; (3) đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo như bà Lưu Bích trình bày cho các nhà sư và Phật tử hiểu phần nào những kinh nghiệm thiêng liêng của bà với Chúa; (4) đối thoại về suy tư thần học dành cho những chuyên viên thần học.

 Vậy cuộc đối thoại liên tôn như bà Lưu Bích thực hiện với các tín đồ Phật giáo ở Thái Lan thật là điều đáng khen và đáng khuyến khích, nhất là trong năm Thánh 2000 mừng kính Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ Trần Gian.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc gì về cuộc đối thoại giữa bà Lưu Bích và các nhà sư và các Phật tử Thái Lan: một nhà sư trẻ được gởi đi sống một thời gian tại Trung Tâm Tổ Aám Lỗ Phúc Nhân, Bắc Italia? Yêu thương hết mọi người không trừ ai? Yêu thương thì phải đi bước trước? Yêu thương thì phải chung vui xẻ buồn? Phải yêu tha nhân như chính mình?

 2. Bạn hiểu như thế nào về ba lời huấn dụ tiếp theo lần loan báo thứ II về cuộc thương khó nói trên? Bạn tâm đắc được gì về ba lời dạy dỗ đó của Chúa Giêsu?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page