Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 10 tháng 09 năm 2000
Chúa Nhật 23 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 7,31-37

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Thắp lên ngọn đuốc sáng

 Bà Cẩm Tâm (Constanza Calderon) là nhân vật quan trọng thứ hai trong hệ thống ngân hàng quốc gia Eâquađo. Ðặc sắc nơi bà là mối quan tâm xã hội sâu sắc.

 Bà nói: "Eâquađo có 11 triệu dân mà 15 phần trăm không có việc làm. Vì nông thôn bị bỏ rơi trong phong trào công nghiệp hoá, nên dân chúng tràn về đô thị để kiếm việc làm, tăng thêm những khu nhà ổ chuột với biết bao tệ nạn xã hội.

 Bà Cẩm Tâm quan tâm đặc biệt tới số phận của những người tàn tật bị loại khỏi sinh hoạt xã hội. Bà kiên nhẫn tìm cách giúp đỡ họ ngược lại với dư luận có khuynh hướng loại bỏ họ. Bà cho biết khi đảm trách lãnh vực tài chính của ngân hàng bà đã nghĩ ngay tới việc thuê người câm điếc để họ phân biệt giấy bạc thật, với giả. Ðó là sở trường của họ. Ban đầu chỉ mới thử mà thấy đúng như vậy, nên bà đã nhận ngay năm mươi người câm và điếc vào làm việc trong ngân hàng. Bà nói: "Nguyên tắc được áp dụng trong việc thuê nhân viên là phải chú ý trước tiên tới lợi ích của họ."

 Vì sáng kiến vừa nói thành công, Bà Cẩm Tâm được giao thêm trách nhiệm. Bà nói: "Nhà nước phải nuôi quá nhiều nhân viên "ngồi chơi xơi nước" nên không có đủ khả năng về tài chánh dành cho những chương trình cần thiết như xây dựng đường sá và cống rãnh cho vùng nông thôn là nơi mà 40% dân số là thổ dân bị gạt ra rìa xã hội.

 Bà Cẩm Tâm nói: "Tôi được giao trách nhiệm điều khiển việc thải hồi số nhân viên dư thừa trong ngân hàng mà con số lên tới 1,500 người! Số người này ngồi đó chỉ vì áp lực chính trị chứ không vì nhu cầu thực sự của ngân hàng. Có tới ba người ngồi đó để làm công việc củamột người. Phản ứng tự nhiên của tôi là muốn thoái thác trước trách nhiệm khó khăn. Tôi cảm thấy bản thân tôi tự nguyện nghỉ việc còn hơn phải quyết định cho cả ngàn rưỡi người phải nghỉ việc, nhất là trong số đó có những người đã trở nên rất thân thiết với tôi."

 Bà tham khảo ý kiến về phía Giáo Hội thì bà được khuyến khích nên tích cực dấn thân lo cho công ích thay vì lãnh đạm trước nhu cầu xã hội. Dù sao hơn mười năm là thành viên của Phong Trào Tổ Aám đòi bà phải hy sinh vì tình yêu tha nhân.

 Bà Cẩm Tâm kể lại từng bước bà đã thực hiện: "Trước hết tôi kiểm tra bộ phận nhân sự trong ngành ngân hàng để thấy rõ hoàn cảnh gia đình của từng người, để biết mỗi cá nhân đã bắt đầu vào làm nhân viên từ bao giờ, được thuê mướn như thế nào, đạt được vị trí hiện nay do bản thân xứng đáng hay do ai giới thiệu? tôi nhận ra nhiều nhân viên đã từng làm cho ngân hàng từ năm năm đến chín năm, mà phần nhiều do mấy chính trị gia giới thiệu. Thêm nữa còn có một số khá lớn nhân viên lẽ ra đã về hưu mà vẫn còn ngồi đó!"

 Khi cuộc kiểm tra nói trên diễn ra, ai cũng cảm thấy một bầu khí căng thẳng. Riêng bà Cẩm Tâm thì phải làm việc thêm giờ, có khi ngoài giờ làm việc suốt từ 4pm tới nửa đêm, chỉ để nghe trường hợp bản thân mỗi người. Một số người tới khóc xin đừng để cho họ phải nghỉ việc. Một số khác xin đừng cho họ về hưu.

 Bà phải tiếp đủ mọi hạng người, có những người mang theo áp lực đáng kể của những ông lớn. Bà luôn lịch sự trả lời bằng thư cả trường hợp đương sự không thể được trở lại làm việc nữa.

 Bà Cẩm Tâm nhờ một ngân hàng quốc tế chuyên lo vấn đề phát triển đứng ra tổ chức hai khoá học, một về quản trị xí nghiệp nhỏ. Cả hai khoá học này dành cho những nhân viên sắp nghỉ việc. Họ sẽ nhận được tiền nghỉ việc cũng như lương hưu thì phải giúp họ làm cho đồng tiền đó nảy nở thay vì để cho bị sụt giá.

 Hai khoá học đã mang lại kết quả cụ thể. Một số công ty kinh doanh nhỏ phát sinh. Chẳng hạn, một công ty chỉ gồm 15 cổ đông, lo săn sóc sức khoẻ người già yếu, chuyên chở họ tới trung tâm vật lý trị liệu ban sáng, rồi ban chiều chở họ về nhà. Trong vòng một tháng, nhiều sáng kiến loại đó được đưa ra, để giúp 1,500 người nghỉ việc ngân hàng sử dụng đồng tiền và thì giờ của mình một cách có lời.

 Thành quả của bà Cẩm Tâm trong hệ thống ngân hàng quốc gia được cả nước biết đến. Chính quyền Equađo đang yêu cầu bà đảm trách chương trình canh tân các dịch vụ công cộng trong nước. Bà chưa dám nhận. Bà nói: "Trước tiên tôi có bổn phận chăm sóc bốn con tôi. Sự chăm sóc đó phải được dành ưu tiên."

 Khi thuê năm mươi người câm và điếc vào làm việc cho ngân hàng, bà Cẩm Tâm đã không chữa một người nào khỏi câm điếc, nhưng bà đã giúp họ có công ăn việc làm, đó là điều đáng kể đối với họ. Từ nay họ được hoà nhập trong xã hội, không còn bị gạt ra bên lề nữa.

 Ánh Sáng đích thực từ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

 Còn Ðức Giêsu, Người không chỉ chữa lành người vừa điếc vừa ngọng như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy mà còn chữa nhiều tật bệnh khác nữa của loài người như Tin Mừng Máccô gợi ý.

 Trình thuật về cuộc chữa lành người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,31-37) giống như cánh cửa mở ra từ cuộc trừ quỉ khỏi đứa con gái một phụ nữ ở vùng Tia (24-30) đến cuộc chữa lành một người mù ở chương 8 (22-26). Cả hai trường hợp đều có người dẫn kẻ tàn tật đến với Ðức Giêsu (Mc 7,32 / 8,22), đụng chạm tới người ấy, rồi lấy nước miếng mà chữa lành người ấy (Mc 7,33-35 / 8,23-25).

 Tin Mừng Máccô như muốn độc giả đọc cả hai trình thuật liên tiếp nhau để được nhắc nhở về lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo, nay được Ðức Giêsu đến thể hiện, chứng tỏ Người chính là Vị Cứu Tinh dân Chúa đang chờ đợi:

 "Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò." (35,5-6)

 Nhưng về cuối cả hai trình thuật Ðức Giêsu đều yêu cầu giữ bí mật về phép lạ. Tin Mừng Máccô có ý nhắc nhở độc giả về căn tính đích thực của Ðức Giêsu chỉ được tỏ hiện sau này trong cuộc Thương Khó của Người: "Ðiều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Ðức Chúa đã được tỏ cho ai? Người tôi trung đã lớn lên, tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì đáng chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mắt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Nhưng đó là vì Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm: Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã mang thương tích cho chúng ta được chữa lành." (53,1-5).

 Ðiều nhắc nhở vừa nói thực ra vẫn còn giá trị. Hãy bỏ qua những chuyện nhảm nhí như về ba ngày ba đêm. Cả những phép lạ đích thực được Giáo Hội xác minh như phép lạ Lộ Ðức, giá trị không qui về sự lạ lùng ta nhận ra như trong trò xiếc, nhưng qui về chính Thiên Chúa. Chính Người biểu lộ quyền năng của Người để ta tín thác và thực thi ý Người.

 Dưới cặp mắt đức tin

 Tín hữu là người nhìn mọi sự dưới cặp mắt đức tin để nhận ra Thiên Chúa ở nơi mọi sự, vì nếu không có Thiên Chúa hiện diện với đầy uy quyền thì làm gì có bất cứ điều gì trong vũ trụ. Thật vậy, như lời thánh Phaolô tông đồ khẳng định trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô rằng: "Chính ở nơi Thiên Chúa mà chúng ta sống, chúng ta cửa động và hiện hữu" (Cv 17,28).

 Tín hữu Kitô còn phải bén nhạy với bệnh tật, khổ đau: "Phúc cho những ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5,7)

 Phương chi khi mà rõ ràng những đau khổ ấy do tội gây nên, thì người Kitô hữu càng không thể dửng dưng. Bởi lẽ Ðức Kitô "đã mang lấy bệnh tật chúng ta? Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm" (Is 53,5)

 Hãy coi thế giới trước mắt chúng ta, hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói chỉ vì của cải và tài nguyên không được chia đồng đều cho công bằng, chỉ vì tệ nạn phân biệt xã hội, màu da và chính trị. Khắp nơi, sự sống và nhân phẩm đích thực của con người bị chà đạp. Cho dầu thế kỷ ngày nay nắm trong tay những phương tiện kỹ thuật cao, nhưng càng ngày càng thấy rõ con người chưa sẵn sàng chịu hy sinh để kiến tạo một xã hội công bình và nhân đạo hơn.

 Nhưng thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn là nguyền rủa bóng tối. Quả thật bà Cẩm Tâm đã thắp lên ngọn đuốc sáng khiến cả quốc gia Equađo đều thấy. Ước gì ai là người Kitô hữu cũng đều ý thức mình phải là ánh sáng do nguồn sáng phát sinh từ Ðức Kitô, cả thế giới sẽ trở nên sáng sủa hơn.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì nhờ gương bà Cẩm Tâm: Bà Cẩm Tâm đã nhận 50 người câm và điếc vào làm việc ngân hàng? Bà giải quyết êm đẹp cho 1.500 người nghỉ việc mà không quên giúp họ dự những khoá học bổ ích? Khi thuê người làm, phải chú ý trước tiên đến lợi ích của họ?

 2. Bạn nghĩ lý do nào khiến Ðức Giêsu yêu cầu người ta giữ bí mật về phép lạ Người làm? Lý do đó có thể được cắt nghĩa nhờ lời ngôn sứ trong Cựu Ước chăng?

 3. Hãy so sánh dư luận đồn đại như về: "ba ngày ba đêm" và một phép lạ được xác minh nghiêm túc như tại Lộ Ðức? Ðức tin có thể soi sáng để bạn thấy được gì phía sau một bông hoa nở? Một con người sinh ra và chết đi? Lời nói đầu tiên của đứa bé? Lời cuối cùng của bà nội?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page