Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 30 tháng 07 năm 2000
Chúa Nhật 17 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 6,1-15

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Chúa Nhật 17 TN Năm B

Tin Mừng thánh Gioan ở phần I (2,1-12,50) cho thấy những dấu chỉ, khởi sự với những cái mới (2,1-4,42), như rượu mới tại Cana, đền thờ mới tại Giêrusalem, cuộc sinh lại trong nước và Thánh Thần, suối nước vọt tới sự sống đời đời. Kế đến chính Ðức Giêsu được cho thấy là Ðấng có lời ban sự sống đời đời (4,43-5,47), chính Người là bánh ban sự sống (6,1-71).

 Chương 6 của Tin Mừng Gioan chia ra làm 4 phần: (1) phép lạ hoá bánh ra nhiều; (2) phép lạ đi trên nước; (3) bài giảng về bánh ban sự sống và (4) phản ứng của các môn đệ.

 Hoá bánh ra nhiều để nuôi dân

 Về phép lạ hoá bánh ra nhiều (6,1-15) trước hết độc giả được đặt trước bối cảnh Ðức Giêsu có đông đảo dân chúng đi theo vì họ chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ ốm đau. Ðộc giả được chuẩn bị trước dấu lạ quan trọng sẽ xảy ra. Sự kiện Ðức Giêsu lên núi và ngồi với các môn đệ gợi ý về một biến cố có ý nghĩa quan trọng thần học. Núi là nơi Ðức Giêsu giảng bài giảng về các mối phúc (Mt 5,1), là nơi Người thiết lập Nhóm Mười Hai (Mc 3,13), cũng là nơi Người hiện ra sau phục sinh để sai các môn đệ đi đến với muôn dân (Mt 28,16). Lễ Vượt Qua của người Do Thái còn là lễ ăn bánh không men, báo hiệu về phép lạ hoá bánh ra nhiều.

 Ðây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng kể: Máccô kể hai lần (6,31-44; 8,1-10); Mátthêu hai lần (14,13-21; 15,32-38); Luca một lần (9,10-17). Trong phép lạ này Ðức Giêsu làm những cử chỉ gợi ý về những cử chỉ như thấy trong thánh lễ, đó là: Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó (Ga 6,11). Các câu 12-13 cũng nhắc nhở về thánh lễ, đặc biệt vì trình thuật phép lạ này không nói tới cá mà chỉ nói đến bánh dư thừa.

 Phản ứng của dân chúng khi nói "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Ðấng phải đến thế gian" (c.14) gợi ý về vị ngôn sứ giống như Môsẽ sẽ đến trong ngày sau hết (Ðệ Nhị Luật 18,15.18). Ðức Giêsu đã hoá bánh ra nhiều để nuôi dân; Môsê cũng từng thực hiện việc đó nơi hoang địa xưa.

 Huấn luyện các môn đệ trong việc thương người.

 Ðiều đáng lưu ý là các môn đệ tham gia việc nuôi dân. Ðức Giêsu không xuất hiện một mình trước phép lạ: "Ðức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ" (c.3). Từ số môn đệ ngồi bên Người, Ðức Giêsu gợi ý để ông Philipphê nói lên nhu cầu lớn lao về của ăn chính Người sẽ đáp ứng: "Có mua đến hai trăm đồng bạcbánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút" (c.7). Cũng lời gợi ý của Ðức Giêsu là "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" (c.5), khiến một môn đệ khác là ông Anrê, cung cấp cho Ðức Giêsu số lượng nhỏ nhoi về bánh và cá là số lượng mà Người sẽ nhân lên cho ra nhiều để năm ngàn người ăn no. Ngoài ra, tất cả các môn đệ đều tham gia việc tổ chức cho dân nằm ngả mình xuống trong tư thế sẵn sàng đón nhận của ăn. Việc trực tiếp nhận lấy số lượng bánh và cá được nhân lên từ tay Ðức Giêsu, để các môn đệ phân phát cho dân (các sách Tin Mừng Nhất Lãm nói rõ tính cách trung gian của các môn đệ) và việc thu gom những miếng thừa từ năm chiếc bánh lúa mạch, cộng lại thành mười hai thúng.

 Vậy trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều theo Tin Mừng Gioan, cho thấy môn đệ là những người giúp làm sáng tỏ ý định của Ðức Giêsu muốn nuôi dân. Các ông là những người cung cấp cho Ðức Giêsu số lượng của ăn theo khả năng hiện có về phía con người. Các ông cũng là những tác viên giúp đặt người ta trong tư thế sẵn sàng đón nhận ơn phép lạ, đồng thời là những người giúp làm nổi bật sự dồi dào của ơn đó (thu gom những miếng bánh thừa thành mười hai thúng).

 Chúa an bài để luôn có người tới giúp khi cần

 Nói tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay cho thấy không những một Ðức Giêsu tỏ lòng thương dân, Người còn huy động các môn đệ tham gia việc thương người do Người lãnh đạo. Và đó chính là cách Ðức Giêsu huấn luyện các môn đệ để các ông không chỉ thương người nơi đầu môi chót lưỡi như thư 1 Gioan 3,16-18 dạy: "Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Ðức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm."

 Về điều này một người chia sẻ như sau về việc thương người:

 "Ðể an ủi gia đình chị Tuyết góa bụa trong cảnh thiếu thốn, trong một dịp lễ, gia đình tôi làm thịt thỏ có dành cho gia đình chị Tuyết vài ký thịt đã nấu sẵn, gọi là để khuyến khích 3 cháu nhà chị ấy đang phải học hành vất vả để thi cuối năm. Chính trong dịp mang thịt thỏ biếu gia đình chị Tuyết, gia đình chúng tôi cảm động được biết thêm về hoàn cảnh đặc biệt của chị Tuyết. Chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa đã an bài để luôn có người tới giúp đỡ gia đình chị Tuyết.

 Ba năm về trước: - Dịp xin tiền trợ cấp cho 3 cháu nhỏ nhà chị Tuyết đi học, gia đình chúng tôi có cử người đến thăm gia đình chị Tuyết và được biết:

 Thứ nhất, nhà chị Tuyết đúng là một túp lều tranh, không có sự an toàn tối thiểu để khỏi mất ngay cả cái chậu hay cái nồi trong nhà. Chưa nói đến tình trạng thiếu bàn ghế để mời khách ngồi.

 Thứ hai, chồng chị Tuyết là thương phế binh chế độ cũ, từ lâu không có khả năng đảm đang lo cho kinh tế gia đình.

 Thứ ba, các cháu ở cỡ tuổi 11, 14 và 16 còn cần phải đi học.

 Thêm vào đó là một bầu khí tự ti mặc cảm do người gia trưởng là thương phế binh chế độ cũ. Cả việc hợp thức hoá hôn nhân nơi xã ấp cũng gây ngại ngùng nên không được thực hiện.

 Ba năm về sau: - Ba năm về sau khi gia đình chúng tôi mang thịt tới biếu, gia đình chị Tuyết vẫn túng thiếu, nhưng ít nhất về nhà ở đã được cải thiện. Ðiều quan trọng là có những người thân quen gần xa góp phần giúp đỡ chị Tuyết. Chúng tôi chỉ có thể nêu một số những giúp đỡ cụ thể.

 + Nhà mới xây 5m x 13m với cửa kiếng và nền lát gạch tầu tráng men. Ðiều quan trọng là người đảm đang việc xây cất đã cho thấy lòng tốt trước sau như một với gia đình chị Tuyết. Oâng Dương chỉ thân quen với chồng chị Tuyết, không những đã lo hết giấy tờ để chị Tuyết có thể đưa xác chồng về mai táng sau cái chết đột ngột nơi bệnh viện (rắc rối một phần do hôn nhân chưa được hợp thức hoá), mà còn xây cho gia đình chị Tuyết căn nhà nói trên như ông đã hứa với chồng chị Tuyết khi mua nền nhà cũ của gia đình chị Tuyết.

 Tay phải làm tay trái chẳng biết

 + Tay phải làm tay trái chẳng biết: - Ðược biết dịp an táng chồng chị Tuyết, tiền phúng điếu gia đình, nhà hiếu nhận được trên 10 triệu đồng, một phần do các bạn học của chồng chị Tuyết ở trường Ðồng Công xưa. Khi người gia đình chúng tôi mang thịt thỏ tới biếu, thì một cô giáo viên mẫu giáo cũng vừa bước vào. Cô này vẫn hay lui tới, khi mang nải chuối, lúc mang ký thịt, lúc khác mang theo tấm vải để chị Tuyết may áo quần cho các cháu. Tất cả những quà tặng đó đều theo tinh thần Tin Mừng tay phải làm tay trái chẳng biết. Sau cô giáo là chính bà Dương đưa tặng chị Tuyết cái chạn bằng nhựa có đựng bát đĩa mới. Ðược biết trước đó, ông bà Dương đã tặng các cháu nhà chị Tuyết máy TV đen trắng để coi.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ gì về cách Ðức Giêsu huy động các môn đệ tham gia việc thương người do Chúa lãnh đạo, như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy?

 2. Bạn tâm đắc được gì qua lời chia sẻ về những người giúp đỡ gia đình chị Tuyết? Riêng thư 1Ga 3,16-18 có giúp gợi ý bạn điều gì? Nhất là với câu "Nếu ai có của thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm."
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page