Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 9 tháng 07 năm 2000
Chúa Nhật 14 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 6,1-6

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Dụ ngôn sống động về chung hiệp đại kết

 Năm 1940 một thanh niên Tin Lành người Thụy Sĩ dừng xe đạp trước một ngôi làng hẻo lánh trong cảnh hoang tàn. Một bà cụ khẩn khoản nói với người thanh niên ấy: "Xin ở lại đây với chúng tôi vì anh thấy rõ chúng tôi sống trong cảnh cô lập." Người thanh niên ấy nay được cả thế giới biết đến với danh xưng thân thương là Thầy Roger. Ðối với thầy Roger, lời mời của bà cụ nói lên ý Chúa dành cho thầy. Khi ấy nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh, đất nước bị chia đôi, ranh giới giữa khu chiếm đóng và khu tự do xuyên qua làng Tân Giang (Taizé). Thầy Roger đã kiếm cho mình một nơi ở và bắt đầu một đời sống cầu nguyện và suy niệm. Nhưng hoàn cảnh đặt thầy trước những con người cụ thể bị Ðức Quốc Xã truy lùng để tiêu diệt. Thầy đã đón tiếp và che giấu những người Do Thái đáng thương ấy. Một mình thầy đứng ra săn sóc an ủi những người nam và nữ chạy trốn quân đội Hít-le. Nhưng vì quân Ðức Quốc Xã truy lùng đối tượng gắt gao nên thầy buộc phải trở về quê hương Thụy Sĩ. Năm 1944, thầy Roger trở lại Tân Giang, lần nầy với 3 đồng chí quyết tâm gầy dựng nên cộng đoàn tu sĩ đại kết rộng mở. Mục tiêu mà cộng đoàn này nhắm thể hiện là trở nên như "bài dụ ngôn sống động về một đời sống chung hiệp". Cộng đoàn chủ tâm dâng lời cầu nguyện để góp phần làm cho các Giáo Hội Kitô được hòa giải. Hai chủ đích ở tâm điểm của sứ mạng theo thầy Roger là: Phải dám liều thân dấn mình vào việc giúp đỡ những người nghèo nhất và hoà giải với đức tin công giáo. Ngay từ ban đầu thầy Roger đã nối kết với Roma bằng những mối dây của niềm tin tưởng. Thầy đã kết thân với 3 vị Giáo Hoàng là Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Thầy nói: "Ðức Gioan XXIII đã là cha linh hướng đích thực cho chúng tôi. Chính ngài đã ủng hộ để cộng đoàn Tân Giang mà ngài gọi là mùa xuân, được chào đời."

 Ngày nay cộng đoàn Tân Giang có cả trăm thành viên Công Giáo cũng như Tin Lành thuộc nhiều truyền thống khác nhau, đến từ hơn 25 quốc gia trên thế giới. Họ không nhận quà tặng nhưng tự mình lao động để góp phần nuôi sống cộng đoàn và chia sẻ với người khác. Họ cũng không nhận cho mình tài sản kế thừa nhưng chỉ nhận làm quà tặng cho ngươì nghèo mà thôi. Kể từ những năm 50, cộng đoàn Tân Giang đã phái thành viên của mình đến sống nơi những môi trường nghèo trên thế giới. Riêng về nữ tu, có hội dòng thánh Anrê từng được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo đã 7 thế kỷ nay. Kể từ 1966, hội dòng này đã phái người đến ở một làng kế cận Tân Giang để tham gia việc đón tiếp khách từ thập phương.

 Chung hiệp với mọi thế hệ trên toàn thế giới

 Ảnh hưởng của Tân Giang về đại kết nhất là với người trẻ ở Âu Châu, thật là rõ nét. Ðể nâng đỡ người trẻ, cộng đoàn này đã khơi động một cuộc hành trình về tin tưởng lẫn nhau trên toàn cầu. Tân Giang không tổ chức người trẻ thành phong trào qui về Tân Giang, nhưng khuyến khích họ mang lại bình an, hoà giải, niềm tin tưởng lẫn nhau ngay nơi những thành phố, những đại học, những sở làm việc, những giáo xứ. Và như vậy, người trẻ được khuyến khích sống chung hiệp với mọi thế hệ. Về cuối mỗi năm dương lịch, Tân Giang có tổ chức một cuộc tập họp người trẻ tương đối lớn trong 5 ngày. Cuộc họp giới trẻ đại kết vào cuối năm 1994, thu hút hơn một trăm ngàn người trẻ từ nhiều nước tới họp tại Paris của nước Pháp.

 Mỗi dịp tập họp như vậy, thầy Roger gửi đến tay người trẻ một bức thư được dịch ra trên 50 thứ tiếng. Nội dung thư đó bao gồm Lời Chúa như chất liệu để suy niệm suốt năm cho tới cuộc họp cuối năm tới. Thư đó vị sáng lập cộng đoàn Tân Giang thường viết từ một nơi nổi tiếng về mức sống nghèo của người dân như Calcutta, Chili, Haiti, Eâtiôpi, Phi Luật Tân, Phi Châu?.

 Bởi đâu thầy Roger thực hiện được những việc có ý nghĩa thiêng liêng như vậy? Có lần thầy cắt nghĩa cho thấy thầy đã nhận sứ mạng góp phần hoà giải giữa các Kitô hữu từ nơi bà ngoại thầy. Ngoại của thầy đã từng trải qua hai cuộc chiến (1870 và 1914-1918) và đã từng dặn dò cháu Roger Schultz khi còn tấm bé rằng: "Cháu đừng trải qua những điều bà đã phải trải qua! Ðừng chấp nhận nhìn cách bàng quan những điều bà đã mắt thấy tai nghe! Hãy góp phần chuẩn bị để Aâu Châu được bình an nhờ biết sống hoà giải giữa các Kitô hữu." Tuy là tín hữu Tin Lành, ngoại đã chọn đến nhà thờ Công Giáo để kín múc lấy sức mạnh hoà giải từ bí tích Thánh Thể. Thực ra ngoại không chỉ nói cũng không chỉ cầu nguyện, nhưng đã nêu gương sống động nhờ biết dấn thân tiếp đón những người già, phụ nữ và trẻ em, phải chạy giặc dưới làn bom đạn. Ngoại đã kiên trì làm việc thương người đó hầu như tới phút cuối cùng của đời ngoại.

 Cần chữa trị trái tim con người

 Biến cố quyết định cho việc thầy Roger hiến dâng đời mình cho công cuộc hoà giải xảy ra khi thầy lên 17. Khi ấy thầy mắc bệnh lao phổi và nghiệm thấy cái chết không xa. Thầy đối diện với ý nghĩa cuộc đời và tự hỏi do đâu xảy ra đau khổ, hằn thù khiến các dân tộc sát hại nhau. Hỏi rằng có con đường nào giúp người này hiểu người kia để cùng nhau xây dựng hoà bình chăng? Ðiều trở nên minh nhiên nơi nội tâm thầy Roger là cần phải chữa trị trái tim con người. Thầy nghe tiếng nói thúc giục thầy rằng: "Nếu quả thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường đó đi." Kể từ ngày thầy Roger nghe thấy lời thúc giục đó, thầy quyết tâm tận hiến cả cuộc đời để đạt cho được mục đích lý tưởng nầy đ36 có được sự hoà giải và đại kết trong cộng đồng nhân loại. Nay thầy đã 84 tuổi và quyết định ấy càng thêm khởi sắc.

 Hỏi rằng tinh thần hoà giải và đại kết mà thầy Roger khơi dậy nơi các Kitô hữu Aâu Châu và trên thế giới, nhất là nơi người trẻ, có liên quan gì đến bài Tin Mừng hôm nay nói về dân làng Nadarét từ khước Ðức Kitô?

 Khởi sự ta nên cùng với Ðức Gioan Phaolô II, nhìn toàn bộ lịch sử Kitô giống như một con sông duy nhất có nhiều nhánh sông mang nước về. Năm 2000 mời gọi chúng ta gặp gỡ nhau với một sự trung thành mới và bằng một sự hiệp thông sâu xa trên bờ sông của con sông lớn này, con sông Mạc Khải, con sông Kitô giáo và con sông Giáo Hội chảy qua lịch sử nhân loại, bắt đầu bằng biến cố xảy ra ở Nadarét, rồi ở Bêlem, cách đây 2000 năm. Ðúng đây là con sông với những chi nhánh của mình, theo cách nói của Thánh Vịnh, "đem niềm vui cho thành đô của Nước Trời" (45/46,5) - Tiến Tới Thiên Niên Kỷ thứ 3, số 25.

 Ta lưu ý về sự hiệp thông trên bờ sông thay vì trong con sông Kitô giáo và con sông Giáo Hội. Ðức Thánh Cha có ý nói tới một sự hiệp thông trong tình thần có thể được thực hiện ngay trên bờ sông, không phải chờ cho tới khi có một sự hiệp thông hoàn toàn.

 Ðối diện với Ðức Giêsu Ðấng Thiên Sai, ngay từ ban đầu đã có sự bất đồng ý kiến trong việc chấp nhận Người. Ðức Giêsu đã tỏ ra là Ðấng có uy quyền trong lời nói (Mc 4) và trong hành động (Mc 5). Thế nhưng dân làng Nadarét từng sống với Người ba mươi mấy năm lại không tin vào Người! (Mc 6,6) Vấn đề muôn thuở sẽ là: Những ai đã có định kiến về Ðức Giêsu phải là người như thế này thế kia, giống như người này người kia mà thôi, những người ấy không thể nào lãnh hội được điều được mạc khải về căn tính của Ðức Giêsu.

 Vượt khỏi thành kiến và óc địa phương để có thể chung hiệp

 Vậy khi Ðức Giêsu cất tiếng giảng nơi hội đường về Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1,15), thì dân làng Nadarét khởi sự thán phục (Mc 6,2) nhưng rồi trở nên nghi ngờ và chống đối (cc 2b và3a). Cuối cùng họ không tin, tức là khước từ hoàn toàn. Phép lạ mà Ðức Giêsu thực hiện chính là cách Ngài đáp ứng lại niềm tin của con người được ơn phép lạ. Vì thế Người nói với bệnh nhân được chữa lành: "Lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mc 5,34). Ngược lại, Ðức Giêsu từ khước làm phép lạ theo lời yêu cầu của người Pharisêu bởi vì họ không tin (8,11-12). Cũng nên nói thêm rằng bài Tin Mừng hôm nay nói tới "anh em" và "chị em" của Ðức Giêsu thì nguyên văn Hy Lạp là adelphos, chỉ về họ hàng bà con nói chung, không có ý nói về anh chị em ruột thịt.

 Công việc hoà giải và đại kết của thầy Roger thật đáng thán phục. Công cuộc ấy, quả thật ngược hẳn với thành kiến địa phương của dân làng Nadarét. Bước tới thiên niên kỷ thứ ba mọi người Kitô thành tâm thiện chí đều ước ao có nhiều vị ngôn sứ như thầy Roger.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về thầy Roger: Thầy thấy cần phải chữa trị trái tim con người? Bạn hiểu như thế nào về cuộc chữa trị đó? Thầy nói "nếu quả thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường đó đi!" Nhưng thầy còn thâm tín đó là một quyết định có giá trị cho tới khi thầy chết và nay thầy càng lúc càng đến gần hơn giờ phút ấy!

 2. Bạn nghĩ gì về thái độ của dân làng Nadarét ? Nghe Ðức Giêsu giảng, ban đầu họ thán phục, kế đến họ nghi ngờ và chống đối, cuối cùng họ từ khước và hoàn toàn không tin.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page