Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 7 tháng 05 năm 2000
Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B

Ðọc Tin Mừng Lc 24,35-48

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tin Mừng Luca là Tin Mừng duy nhất nói đến việc Ðức Giêsu phục sinh hiện ra cho ông Simon trước khi hiện ra cho nhóm Mười Một và các bạn hữu (Lc 24,34). Ðiều này trùng hợp với một truyền thống cổ xưa đã được thánh Phaolô trân trọng đón nhận: "Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm Mười Hai" (1Cr 15,5). Thánh Luca nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Simon Phêrô, cũng gọi là Kêpha trong việc nâng đỡ anh em. Trước khi ra núi Ô-liu, Chúa nói với ông: "Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22,31-32). Khi hai môn đệ Emmau quay trở lại Giêrusalem, thì chính nhóm Mười Một và các bạn đang tụ họp ở đó đã vội vã reo vui loan báo Tin Mừng cho họ: "Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (Lc 24,34). Luca có ý cho thấy niềm tin của cả nhóm vào Chúa Phục Sinh đã bắt nguồn từ việc Chúa hiện ra cho ông Simon. Chúng ta tưởng rằng nếu sau đó Chúa hiện ra cho cả nhóm Mười Một và các bạn, ắt tất cả sẽ dễ dàng nhận ra và tin vào Chúa Phục Sinh. Nhưng sự thể đã không xảy ra như thế. Ðoạn Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay cho thấy điều đó.

 Chúa Phục Sinh nâng đỡ niềm tin

 Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ thật bất ngờ. Thánh Gioan cho biết lúc đó "các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái" (Ga 20,19). Thân xác hiển vinh của Ðức Giêsu mang những đặc tính mới. Thân xác này không bị giới hạn trong không gian và thời gian, nhưng có thể tuỳ ý xuất hiện ở đâu và lúc nào mình muốn. Nhân tính của Chúa Giêsu không còn bị ràng buộc với trái đất này nữa và chỉ thuộc về lãnh vực thần linh của Chúa Cha. Ngài có thể xuất hiện dưới hình dáng một người làm vườn hay dưới một hình dạng khác (x. Mc 16,12).

 Chúa Giêsu đứng giữa các ông và chúc bình an. Ðây không phải là một lời chào bình thường của người Do thái. Ðây là lời chúc bình an của Ðấng Mêsia đã được các ngôn sứ báo trước và đã được Ðức Giêsu hứa ban trước khi lìa đời (Ga 14,27). Bình an này mua được bằng cái chết trên thập giá của Ðức Kitô để hoà giải nhân loại với Thiên Chúa (2Cr 5,18-19).

 Sự xuất hiện bất ngờ của Chúa Phục Sinh và lời chúc bình an của Người, đã chẳng đem lại bình an chút nào cho các môn đệ. Họ sợ hãi kinh hoàng và tưởng là thấy ma. Trước đây, Khi Ðức Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, họ cũng tưởng là ma và la lên (Mc 6,49). Như thế các ông thường nghĩ là ma khi gặp một "ai đó" làm được những việc kinh khủng người thường không làm nổi: đi trên mặt nước, cửa đóng mà vào được, chết chôn rồi mà còn hiện về?

 Chúa Phục Sinh nhắm thẳng vào nỗi sợ của họ: "Tại sao anh em lại hoảng hốt?" Ngài nhắm thẳng vào chuyện họ tưởng Ngài là ma: "Tại sao những ngờ vực lại nổi lên trong lòng anh em vậy?" Mọi sợ hãi ngờ vực đều bắt nguồn từ sự thiếu lòng tin. "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin" (Mc 3,23). Chúng ta có thể tưởng Chúa là ma, nếu thiếu lòng tin. Chúa có thể bất ngờ đến trong đời ta, để đem lại cho ta sự bình an, nhưng ta không nhận ra Ngài và rơi vào tình trạng xao xuyến âu lo. Cách Ngài đến luôn làm chúng ta chưng hửng. Phải có lòng tin để nhận ra Ngài đang đến một cách bất thường, đôi khi một cách kỳ cục.

 Chúng ta cần nhìn ngắm Chúa Giêsu đang làm hết cách để kéo các môn đệ ra khỏi nỗi kinh hoàng vì tưởng Ngài là một bóng ma. Việc đầu tiên Ngài làm là mời họ nhìn và sờ tay chân Ngài, để thấy Ngài là một con người bằng xương bằng thịt. "Ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây." Ðiều quan trọng là lời khẳng định sau: "Chính Thầy đây mà!". Chính Thầy là Thầy của anh em đây. Thầy đã bị đóng đinh và chôn táng. Nay Thầy được phục sinh như lời Thầy đã báo trước. "Chính Thầy đây mà!" là câu nói đem lại niềm tin cho người bị xao động. Chúa Giêsu cũng đã nói câu đó khi các môn đệ tưởng Ngài là ma, lúc Ngài đi trên mặt nước mà đến với họ (Mc 6,50; Mt 14,27). Thầy đây! Thầy không phải là ma làm chúng ta sợ hãi. Thầy đến để đem lại bình an.

 Chúa Giêsu chẳng những mời, mà còn đưa tay chân cho các ông xem. Nhưng điều đó chưa có tính thuyết phục. Vì họ vẫn chưa chịu tin và còn bàng hoàng, nên việc kế tiếp Ngài làm là ăn một miếng cá nướng trước mắt họ. Chúa Phục Sinh cho thấy Ngài ăn được. Ngài không phải là một bóng ma vật vờ. Ngài có một thân xác, dù thân xác này đã được biến đổi sâu xa. Tin Mừng Luca được viết cho dân ngoại chịu ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp.. Họ là những người không tin thân xác sống lại. Thân xác chỉ là mồ chôn, còn linh hồn mới bất tử (Cv 17,32; 1Cr 15,12). Phải chăng vì thế Luca đã nhấn mạnh đến việc Chúa Phục Sinh có một thân xác biết ăn? "Người đã xuất hiện trước mặt chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại" (Cv 10,41). Sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh ăn với các môn đệ là những kẻ đã bỏ rơi Ngài, cho thấy rằng Ngài đã đón nhận họ lại trong tư cách là những người đồng bàn. Cho họ được hiệp thông trong bữa ăn, đó là dấu hiệu tỏ tường của lòng tha thứ.

 Chúng ta không rõ sau khi đã cho xem tay chân và ăn cá nướng, Chúa Giêsu có chinh phục được lòng tin của họ không? Nhưng chắc chắn, theo Tin Mừng Luca, Ngài còn phải làm một việc quan trọng cuối cùng, đó là mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh ở đây gồm những sách mà ta gọi là Cựu Ước: Sách Luật Môsê, các sách Ngôn sứ và các Thánh Vịnh. Các môn đệ mất niềm tin khi thấy vị thầy đáng kính của họ phải chịu một cái chết thảm khốc trên thập giá. Hai môn đệ về Emmau cũng gặp khó khăn tương tự. Vấn đề của Chúa Giêsu là cho họ thấy ý nghĩa của khổ đau và cái chết của Ngài. Ngài cần giúp các môn đệ nhận ra rằng những điều đau buồn vừa qua đều nằm ở trong kế hoạch của Thiên Chúa, đều đã được Kinh Thánh báo trước. Ðức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại: đó không phải là điều tình cờ, bất ngờ hay xui xẻo. Ðó là con đường Ðức Kitô phải đi để vào vinh quang. Khi được mở trí để hiểu Kinh Thánh, các môn đệ sẽ nhận ra sự duy nhất của dòng lịch sử cứu độ dẫn đến Ðức Kitô. Sau này, khi các Kitô hữu đọc Cựu Ước, họ cũng thấy Thầy Giêsu đã làm ứng nghiệm các lời Ngôn sứ hay Thánh Vịnh. Tin Mừng Mátthêu chứa đựng nhiều câu trích dẫn Cựu Ước, và cho thấy chúng đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Như thế chỉ khi Ðức Giêsu phục sinh, Cựu Ước mới được hiểu một cách trọn vẹn. Dưới ánh sáng phục sinh và sự trợ giúp của Thánh Thần, Hội Thánh vẫn tiếp tục gặp khuôn mặt Ðức Kitô qua những trang Cựu Ước.

 Chúa Phục Sinh sai đi làm chứng nhân

 Chúng ta đã nhìn ngắm Chúa Giêsu làm mọi cách để giúp các môn đệ tin rằng chính Ngài đã sống lại và đang gặp gỡ họ. Niềm tin này thật quan trọng và là nền tảng cho sự phát sinh Kitô giáo. Chúa Giêsu khiêm tốn và kiên nhẫn đi từng bước trước sự chậm tin của các ông. Chính sự chậm tin này lại là một lý do để ta tin hơn vào lời chứng của các tông đồ. Thật vậy, họ là những ngư phủ có óc hoài nghi và thực tế. Họ tin vào ma thì dễ hơn tin vào người chết sống lại. Họ cần những bằng chứng cụ thể trước khi tin và Chúa Giêsu đã cho họ nhiều bằng chứng trong 40 ngày (x. Cv 1,3). Ðúng họ là những người bướng bỉnh chậm tin chẳng khác Tôma, nhưng khi họ đã tin thì họ dám chết để làm chứng cho niềm tin ấy.

 Khi niềm tin được vững vàng, Nhóm Mười Một đã sẵn sàng đảm nhận sứ mạng mới. Ðó là nhân danh Chúa Giêsu đến với mọi dân tộc để kêu mời họ sám hối hầu được ơn tha tội. Một cánh đồng bao la mở ra trước mắt họ. Ơn tha tội, ơn cứu độ không dành độc quyền cho dân Do thái, nhưng cho mọi dân tộc trên mặt đất. Nhân loại được cứu độ nhờ tin vào danh Chúa Giêsu (x. Cv 4,12). Công cuộc truyền giáo này khởi đi từ Giêrusalem. Giêrusalem là thánh đô của Ít-ra-en, nơi tụ hội của cả dân được chọn. Tin Mừng Luca bắt đầu và kết thúc bằng những cảnh diễn ra trong Ðền thờ Giêrusalem. Theo sách Công vụ, Tin Mừng Luca đã lan rộng từ Giêrusalem đến Rôma. Có thể coi Rôma là trung tâm của cả thế giới dân ngoại thời đó.

 "Anh em là chứng nhân về những điều này." Chỉ những tông đồ hay môn đệ ở thế hệ thứ nhất mới là chứng nhân tận mắt. Còn chúng ta là chứng nhân cho Chúa nhờ tin vào lời chứng của các tông đồ. Chứng nhân không phải chỉ là người bàng quan thụ động, như những người làm chứng trước toà án thời nay. Chứng nhân theo nghĩa Kitô giáo là người tích cực hơn nhiều, dám hiến thân trọn vẹn cho Chúa Kitô bằng lời nói và nhất là bằng hành động.

 Trong Năm Thánh kính Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi làm chứng về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Sống quảng đại như Chúa Giêsu, chết hiến thân phục vụ như Giêsu và sống lại trong niềm vui như Giêsu. Cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam còn mênh mông. Bảy mươi triệu người chưa biết Chúa. Chúng ta sẽ có lỗi, nếu cuộc sống của chúng ta không có sức thu hút người khác đến với niềm tin Kitô giáo.
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Theo bạn, người Kitô hữu phải làm thế nào cho người khác tin rằng Chúa đã sống lại? (qua sự phục vụ những người nghèo, qua tinh thần vô vị lợi, qua việc vui tươi đón nhận những thiệt thòi, qua sự lạc quan giữa những khó khăn chịu vì Chúa?)

 2. Rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống, bạn thấy điều nào cần hơn, hay cả hai đều cần?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page