Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 30 tháng 04 năm 2000
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 20,19-31

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một phần của Tin Mừng của Gioan chương 20 về Ðức Giêsu sống lại. Chương 20 này giống như chương 9, có thể được trình bày dưới dạng kịch bản. Các diễn viên có thể diễn nó trên sân khấu, nhưng một số tín hữu cũng có thể được phân công để cùng với chủ tế, công bố bài Tin Mừng này trong Thánh Lễ, đó là điều vẫn làm với bài Thương Khó Ðức Giêsu.

 Chương 20 của Tin Mừng Gioan được chia làm 2 Hồi: Hồi 1 với 2 cảnh diễn ra nơi mộ; Hồi 2 với 2 cảnh diễn ra nơi phòng lầu trên. Ðiều mà tác giả Tin Mừng nhắm là cho thấy ngang qua các cảnh, các nhân vật từng bước đạt tới niềm tin vào Ðức Giêsu phục sinh như thế nào.

 Vậy ở Hồi 1 nơi mộ: cảnh 1 (Chúa Nhật ban sáng) với các nhân vật: Mai đệ Liên, Phêrô. Ngườ môn đệ được Chúa Giêsu yêu; cảnh 2 với: Mai đệ Liên, hai Thiên Thần, Ðức Giêsu, các môn đệ.

 Ở Hồi 2 nơi phòng lầu trên: cảnh 1 (cũng Chúa Nhật đó vào ban chiều) với các nhân vật: Ðức Giêsu, các môn đệ, Tôma; cảnh 2 (Chúa Nhật kế tiếp) với các nhân vật: Ðức Giêsu, Tôma, các môn đệ.

 Vậy bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 cảnh nơi phòng lầu trên như sau:

 HỒI II: Phòng Lầu Trên
 
 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Quá trình đưa tới đức tin

 Ðể thấy rõ ý của tác giả, ta nên theo dõi phản ứng của các nhân vật không những trong bài Tin Mừng hôm nay nhưng của suốt chương 20. Các nhân vật của Gioan chương 20 đã được liệt kê ở trang đầu của tờ chia sẻ này. Những nhân vật ấy đạt được niềm tin vào Chúa Phục Sinh như thế nào?

 Vậy ở Hồi 1, cảnh 1 ở nơi mộ, có Mai đệ Liên, nhân vật phụ, thấy tảng đá che mộ đã được lăn sang một bên. Phản ứng tự nhiên của cô là: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." (c.2). Cô chưa tin.

 Phêrô và môn đệ được Ðức Giêsu yêu, là hai nhân vật chính, vội vã đi đến mộ. Họ mang theo một niềm hy vọng. Họ được thấy trong mộ có những khăn liệm cùng với khăn che mặt người quá cố. Trong khi Phêrô phân vân nghĩ ngợi, người môn đệ được Ðức Giêsu yêu đã phản ứng ngay nhờ đức tin. "Ông đã thấy và đã tin." (c.8). Ông tỏ ra là con người bén nhạy vì được Thầy yêu và vì ông đã biết đáp lại bằng tình yêu cho nên nhìn thấy: và ông đã có thể tin nhiều.

 Ở cảnh 2 vẫn là cảnh bên mộ (cc 11-18), Mai đệ Liên bây giờ trở nên nhân vật chính. Quan điểm của cô vẫn là quan điểm tự nhiên như thấy ở hai câu 13 và 15. Cô chỉ đạt được niềm tin qua điều mắt thấy (c.18), và tai nghe (c.16) về Ðức Giêsu. Ðúng như lời Ðức Giêsu đã nói: "chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi." (x. Ga 10,3-4).

 Các môn đệ được giới thiệu ở cảnh 2 ở trên, bây giờ trở nên nhân vật chính (cc 19-25). Khởi sự họ ở trong tình trạng sợ hãi với những cửa đóng kín. Nhưng từ đó họ đã chuyển sang mừng vui "Khi nhìn thấy Chúa" (c.20). Với họ đức tin cũng đến qua điều mắt thấy.

 Cuối cùng nhân vật chính là Tôma (cc 19-25). Tôma đã từng là nhân vật phụ ở cảnh trước đó. Lập trường mà người môn đệ này cố thủ là không tin cho tới khi mắt thấy và tay sờ được Chúa (c.25). Lạ lùng, Chúa đã chiều theo điều kiện ông nêu. Người đã mời ông đến với đức tin ngang qua điều chính mắt ông thấy và tay ông sờ được (c.27).

 Tác giả Tin Mừng Gioan muốn trình bày cho người đương thời thấy những phản ứng và những khả hữu khác nhau đối với Ðấng Phục Sinh. Tác giả như muốn đặt câu hỏi về chính niềm tin của họ. Họ sẽ là loại tín hữu nào đây: như Phêrô hãy còn phân vân hay như người môn đệ nghiệm được Ðức Giêsu yêu mình nên đã đáp lại bằng niềm tin khi những dấu chỉ về Chúa Phục Sinh chưa có gì là nhiều? Hay họ giống như Mai đệ Liên, hoặc như các môn đệ khác? Mai đệ Liên và các môn đệ này chỉ đạt được niềm tin khi đã thấy và đã nghe. Hay họ giống như Tôma là người đã từ chối không tin cho tới khi được đặt trong tư thế không cho phép Tôma duy trì được lập trường cứng tin nữa?

 Ta ở vào tư thế có lợi hơn xưa.

 Tác giả Tin Mừng Gioan như muốn nói với người đương thời rằng: "Các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu không phải là những bông hoa tiên tiến về đức tin cả đâu. Hoàn cảnh đặc thù của họ không nhất thiết là hoàn cảnh thuận lợi. Họ hầu như bị bó buộc phải tin. Ðó không phải là hoàn cảnh đáng ta ao ước xảy ra cho ta. Có thể nói rằng hoàn cảnh của ta ngày nay còn tích cực hơn hoàn cảnh của các môn đệ xưa. Ta ở vào tư thế có lợi hơn và thích hợp hơn đối với tinh thần Kitô giáo. Ta hãy đặt mình dưới ánh sáng của một số câu then chốt của bài Tin Mừng hôm nay.

 c.20: "Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa." Ðiều Ðức Giêsu đã loan báo tại bữa tiệc ly nay được ứng nghiệm. Khi ấy Người nói "Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được." (Ga 16,22). Vậy Người đã chiến thắng sự chết và đến với các môn đệ. Người còn ban Thánh Thần của Người cho các ông, nhờ đó các ông có khả năng loan Tin Mừng cứu độ cho cả gia đình nhân loại. Cho nên niềm vui các ông nhận được từ Ðức Giêsu Phục Sinh là niềm vui tràn lan làm nên Giáo Hội.

 c.21-22: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16). Người Con ấy đã tự ý hy sinh mạng sống mình (10,18) và đã gục đầu xuống để trao ban Thánh Thần (19,30). Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để cho máu cùng nước chảy ra (19,34), tượng trưng nguồn suối của các bí tích. Bây giờ chỗi dậy khỏi sự chết, Người thổi hơi trên các môn đệ, ban Thánh Thần cho các ông, đó là Ðấng tái tạo dân Thiên Chúa. Như Chúa Cha đã sai Người, bây giờ Người cũng sai các môn đệ (20,21). Sứ mạng của Người trở nên sứ mạng của các ông; công trình Người thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế, bây giờ Người đặt trong tay các ông. Sứ mạng ấy biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho loài người qua lời nói và việc làm. Các ông được Chúa Thánh Linh tác động nên có khả năng làm cho sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa được nhận biết và được nghiệm thấy nơi thế giới.

 c.22-23: Ở đầu Tin Mừng của Gioan, Ðức Giêsu được nhìn nhận là Ðấng xóa tội trần gian. Nơi Ðức Giêsu phục sinh, quyền tha tội được ban cho các môn đệ. Chính Thánh Linh luôn ở lại trong Giáo Hội để phục hồi lại mối giây hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Con khiến người tín hữu hưởng được ơn bình an (c.21) với Thiên Chúa và đồng loại.

 c.24: Trong Tin Mừng Gioan, nhân vật Tôma vừa là người quả cảm (11,16), lại vừa là người thiếu hiểu biết, nhất là mang nặng thói cứng tin. Qua Tôma, Ðức Giêsu và tác giả Tin Mừng muốn khuyến cáo những ai bên ngoài tỏ ra can đảm nhưng nơi thâm tâm thiếu niềm tin sâu sắc, rằng: "Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin" (c.27)

 c.28: "Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!" Quả thật là một lời tuyên tín mạnh mẽ. Lời tuyên xưng này song song với lời tuyên xưng ở đầu sách Tin Mừng Gioan "và Ngôi Lời là Thiên Chúa" (1,1) khiến toàn bộ Tin Mừng thứ bốn đạt được mục đích, "tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa" (1,12)
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn nghĩ ông Tôma đã trải qua quá trình nào trước khi đạt tới lời tuyên xưng để nhìn nhận Ðức Giêsu Phục Sinh là Chúa và là Thiên Chúa của ông? Bạn thấy quá trình đức tin ấy có khác với quá trình đức tin mà các nhân vật như Mai đệ Liên, Phêrô hoặc Gioan đã trải qua chăng?

 2. Bạn có dịp tìm hiểu trường hợp một ai trở lại đạo Công giáo chăng? Ít nhất, hãy so sánh cuộc trở lại của Saolô sau được gọi là tông đồ Phaolô, với cuộc hoán cải của Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay. Bạn có thể học được những gì nơi các vị ấy?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page