Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 23 tháng 04 năm 2000
Chúa Nhật Phục Sinh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 16,1-7

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ngôi Mộ mới

 Chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa. Ngắm nhìn ngôi mộ cũng giúp chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Giêsu, vượt qua cái chết tự nhiên để vào cõi phục sinh bất diệt.

 Hẳn đó là "một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai" (Ga 19,41), một ngôi mộ "đục sẵn trong núi đá" (Lc 23,53), "nằm trong một thửa vườn" (Ga 19,41). Thánh Mátthêu còn nói rõ đó là ngôi mộ mới của ông Giô-xép, một người giàu có và cũng là thành viên có thế giá của Thượng Hội Ðồng (Mc 15,43). Oâng Giô-xép này là một người vừa tốt lành vừa đạo đức (Lc 23,50) và là một môn đệ âm thầm của Chúa Giêsu (Ga 19,33). Chính ông có nhã ý nhường cho Thầy Giêsu ngôi mộ tươm tất được xây dành cho mình. Chúng ta cũng không quên ông là người đã "mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu" về chôn cất (Mc 15,43) và đã liệm xác Ngài trong "một tấm vải gai sạch" (Mt 27,59). Như thế cái chết của Ðức Giêsu đã gây ra một sự đảo ngược. Những môn đệ xưa vẫn ngần ngại rụt rè thì nay lại ra mặt, công khai tự nhận mình là thân hữu bà con với Ðức Giêsu và sẵn sàng chấp nhận những phiền phức nguy hiểm cho sự nghiệp của mình. Còn những môn đệ chính thức lại sợ hãi bỏ trốn, không dám nhận mình có liên hệ với Ðức Giêsu.

 Không thể có chuyện bà Maria Mácđala và bà Maria mẹ ông Gioxê đi thăm lầm mộ. Vì các bà đều đã "để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người" (Mc 15,47).

 Cửa mộ được lấp bằng một tảng đá to (Mt 27,60); Mc 16,4). To đến độ các bà không nghĩ là mình có thể lăn sang một bên được (Mc 16,3). Xác Ðức Giêsu được đặt nằm trong mộ. Ngài đã chết, đã được mai táng và ngày thứ ba đã chỗi dậy (x. 1C 15,3). Chết và được chôn trong mộ, đó là phận người mà Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ với chúng ta. Ngài đã thực sự nếm biết giữa lúc tuổi đời chưa quá bốn mươi. Ngài chết như một cây xanh tươi bất ngờ bị đốn ngã (Lc 23,31).

 Chúng ta nên đến thăm mộ Chúa vào ngày Sabát của người Do thái. Ngày ấy, các phụ nữ Do thái không được phép đi xa để thăm mộ. Ngôi mộ Ðức Giêsu nằm im lìm, lặng lẽ như biết bao ngôi mộ khác trên mặt đất này. Giới lãnh đạo Do thái giáo hả hê và yên tâm vì đã loại trừ được một kẻ gây rối và đe dọa chỗ đứng của họ. Thần chết tự hào vì đã nuốt chửng được Ðấng ban sự sống, Ðấng là sự sống. Aùnh sáng như tắt lịm. Bóng tối tự do tung hoành. Tảng đá to trước cửa mộ như một thách đố. Ðức Giêsu bị xoá tên trong danh sách những người còn sống, phải chăng Ngài vĩnh viễn bị nhốt chặt trong mộ, và thân xác Ngài sẽ rữa nát với thời gian?

 Các phụ nữ đạo đức

 Khi Ðức Giêsu bị đóng đinh, có một số phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxê, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Ðức Giêsu khi Ngài còn ở Galilê (x.Mc 15,40). Các bà này cũng có mặt lúc mai táng Ðức Giêsu (Mc15,47). Việc mai táng có lẽ đã diễn ra một cách vội vã, vì hôm sau là ngày Sabát. Nếu Ðức Giêsu đã chết lúc 3 giờ chiều thứ sáu, thì người ta chỉ có vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ để lo toàn bộ việc chôn táng Ðức Giêsu (bởi lẽ ngày Sabát bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ sáu).

 Chúng ta cảm nhận được lòng mến sâu xa mà các phụ nữ trên đây dành cho Thầy Giêsu. Họ là những phụ nữ ở vùng Galilê nhưng đã sẵn sàng đi theo Thầy Giêsu như các môn đệ nam giới. Chắc họ đã giúp những việc chợ búa cơm nước khi cần cho Thầy Giêsu và nhóm Mười Hai. Các phụ nữ này không sợ hãi, không bỏ trốn như các môn đệ khác (x.Mc 14,50). Họ ở lại với Thầy Giêsu cho tới khi Thầy được an táng xong xuôi. Nhưng có lẽ vì thấy một số nghi thức tẩm liệm chưa được trọn vẹn, nên họ rất mong mau hết ngày Sabát để đem dầu thơm ướp xác Ðức Giêsu, theo đúng tập tục của người Do thái.

 Hai đêm và một ngày chờ đợi thật là dài đối với những người hết lòng yêu mến. Họ chỉ mong cho chóng sáng để lên đường. Chúng ta không rõ đoạn đường từ nhà các bà ra mộ bao xa, nhưng chắc chắn họ đã rảo bước vào buổi sáng tinh sương, khi vẫn còn ít người qua lại. Các bà vừa can đảm, vừa liều lĩnh, vì trên đường họ vẫn băn khoăn với vấn đề ai sẽ lăn tảng đá lớn ra khỏi cửa mộ. Nhưng như một phép mầu, khi đến nơi, các bà ngỡ ngàng thấy tảng đá đã lăn ra một bên rồi. Bước vào mộ, các bà thấy một thanh niên mặc áo trắng. Ðây là lối mô tả của Cựu Ước về vị thiên sứ, người được Thiên Chúa cử đến để loan báo một mạc khải cho con người.

 Khi thấy thiên sứ, các bà hoảng sợ. Tâm trạng hoảng sợ là tâm trạng tự nhiên của người trần mắt thịt khi đối diện với thế giới thần thiêng, với các vị thiên sứ hay với chính Thiên Chúa. "Ðừng hoảng sợ" luôn là lời trấn an đầu tiên trước khi thiên sứ trình bày sứ điệp. Oâng Dacaria, Ðức Maria và các mục đồng đều đã được trấn an theo cách thức tương tự: "Ðừng sợ" (Lc 1,13; 1,30; 2,10).

 Cốt lõi của điều vị thiên sứ muốn trình bày đó là một Tin Mừng. Các bà đang đi tìm Ðức Giêsu Nadarét, Ðấng đã bị đóng đinh, Ðấng đã được mai táng ở trong ngôi mộ này, Ðấng ấy không còn ở đây nữa. Ðấng ấy nay đã được phục sinh. Như thế Ðấng bị đóng đinh cũng là Ðấng được phục sinh. Ngôi mộ trống trơn trước mặt là một dấu hiệu cần thiết cho thấy sự biến đổi kỳ diệu đó. Cái chết thường được ví như một giấc ngủ dài. Ðức Giêsu được Chúa Cha phục sinh, nghĩa là được Chúa Cha đánh thức dậy, nâng dậy (êgerthê), làm cho chỗi dậy.

 Như thế khi đi tìm xác Thầy trong mồ, các bà đã không gặp, lại được nghe nói rằng Thầy đã được sống lại. Hơn nữa các bà còn được mời gọi "đi nói với các môn đệ và với Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông". Ở đó các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông (Mc 16,7). Như thế các phụ nữ được mời gọi trở nên tông đồ cho các tông đồ. Ðây là điều hết sức đặc biệt, vì trong xã hội Do thái, lời chứng của người phụ nữ thì không có giá trị pháp lý. Liệu các tông đồ có tin những gì các bà thuật lại hay không?

 Ðấng đã sống bên các môn đệ, đã chết trên thập giá, nay trở thành Ðấng đang sống, Ðấng sẽ đến Galilê như Ngài đã hẹn trước trong bữa tiệc ly (Mc 14,28), Ðấng các môn đệ thấy được, gặp được như xưa.

 Từ thứ bảy đến Chúa Nhật

 Khi việc chôn táng Ðức Giêsu hoàn tất, lúc mặt trời đã lặn, người Do thái bước vào ngày thứ bảy. Chúng ta đã sống ngày thứ Bảy tuần thánh với Chúa Giêsu chịu chết và an nghỉ trong mồ. Ngài nghỉ ngày thứ bảy như Thiên Chúa, sau khi đã hoàn tất công trình cứu độ. Hồn và xác của Ðức Giêsu đã tách lìa nhau từ khi Ngài thở hơi cuối cùng trên thập giá. Nhưng cả hồn lẫn xác của Ngài vẫn kết hợp với Ngôi Lời, tuy vẫn chỉ là một Ngôi Lời duy nhất.

 Vì thế xác của Ðức Giêsu trong mồ không phải là một xác chết như những xác chết khác. Người Do thái cho rằng xác bắt đầu thối rữa kể từ ngày thứ tư trở đi (x. Ga 11,39), mà Ðức Giêsu đã được phục sinh vào ngày thứ ba. Khi xác Ngài nằm trong mồ thì hồn của Ðức Giêsu vẫn kết hợp với Ngôi Lời mà đi xuống địa ngục hay âm phủ (Shêôn hay Hadès) để thăm các người đã khuất. Trong kinh Tin Kính, có nhắc đến điều này qua câu "xuống ngục tổ tông". Người Do thái tin rằng bất cứ ai qua đời, dù lành dù dữ, cũng đều phải vào âm phủ. Âm phủ là nơi chứa một số linh hồn lớn lao, từ Adam đến nay. Ðức Giêsu đã chết nên Ngài cũng vào âm phủ như mọi người khác, hơn nữa Ngài còn xuống nơi đó trong tư cách là Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng loan báo tin mừng (1P 4,6) cho những linh hồn đạo đức đang chờ ơn giải thoát. Khi mở tung cửa âm phủ để cho những linh hồn thánh thiện đi ra, Ðức Giêsu phục sinh cho thấy mình là Ðấng "nắm giữ chìa khoá cửa tử thần và âm phủ" (Kh 1,18), để rồi "khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ?" (Ph 2,10).

 Ðức Giêsu phục sinh khi xác và hồn của Ngài kết hợp trở lại. Các môn đệ có thể thấy và đụng đến Ngài, thậm chí ăn uống với Ngài như xưa. Thân xác ấy vẫn là một với thân xác trước kia, vẫn in hằn những vết đinh của cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, thân xác ấy cũng đã biến đổi: nó không còn bị trói buộc bởi thời gian và không gian. Ðấng phục sinh có thể hiện diện vào lúc và ở nơi nào Ngài muốn. Sự phục sinh của Ðức Giêsu khác hẳn với sự hoàn sinh của cô con gái ông trưởng hội đường (Mc 5,22), của con trai bà goá thành Naim, hay của Ladarô. Ngài không trở lại với cuộc sống đời này như xưa, để rồi lại phải chết lần nữa. Ngài đã bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

 Từ ngôi mộ ấy đã bật lên sự sống. Ðó là niềm tin của chúng ta. Cả cuộc đời Kitô hữu là những cuộc mai táng liên tục, những cái chết và từ bỏ liên tục. Ðừng sợ những ngôi mộ. Ðừng sợ chôn đi điều phải chôn, mất đi điều phải mất. Ðừng sợ bị thối rữa hay bị tảng đá to che chắn đời mình. Ước gì mọi ngôi mộ của chúng ta cũng giống như ngôi mộ của Chúa Giêsu: bị mở tung để sự sống bừng dậy. Halleluia!
 
 

Một số câu hỏi gợi ý

1. "Như Ðức Kitô đã được phục sinh từ cõi chết thế nào, thì ta cũng phải sống trong đời sống mới như vậy" (Rm 6,4). Lễ Phục sinh năm nay, bạn có gì mới mẻ trong cuộc sống tinh thần, xin chia sẻ.

 2. Các bà là những người đầu tiên ra mộ, rồi gặp được Chúa và đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho chính các tông đồ. Bạn nghĩ gì về vai trò của phụ nữ trong giáo xứ hay trong nhóm của bạn? Họ có bị phân biệt đối xử không?
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page