Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 26 tháng 03 năm 2000
Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Ðọc Tin Mừng Ga 2,13-25

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðức Giêsu mang lại những cái mới

Bài Tin Mừng hôm nay đặt ta giữa một loạt những điều mới mẻ do Ðức Giêsu mang lại. Tại Cana, Người mang lại rượu mới từ nước lã (Ga 2,1-12). Cái mới được loan báo cho ông Nicôđêmô là cuộc "sinh ra bởi nước và Thần Khí" như điều kiện để gia nhập Nước Thiên Chúa (3,5). Cái mới mà Ðức Giêsu khẳng định thực sự đã đến khi Người tuyên bố: "Giờ đã đến - và chính lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và trong sự thật" (4, 23).

Riêng với bài Tin Mừng hôm nay, cái mới được loan báo lại là chính Thân Thể Người (2,21)! Tại sao vậy? Thưa, vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Câu Thánh Vịnh 69,10 này được trích khi tác giả Tin Mừng Gioan đặt động từ thiệt thân ở thì tương lai (sẽ phải thiệt thân) để chỉ về cái chết Ðức Giêsu phải chịu như hậu quả của lòng nhiệt thành của Người đối với nhà Chúa. Trong thực tế trước Thượng Hội Ðồng Do Thái Giáo, Ðức Giêsu sẽ bị tố cáo "Tên này đã nói: Tôi có thể phá Ðền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại" (Mt 26,61). Rồi khi bị đóng đinh trên thập giá, Người sẽ bị kẻ qua lại nhục mạ: "Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi!" (27,39-40).

Trở lại với bản văn Tin Mừng hôm nay điều nổi bật là cơn thịnh nộ của Ðức Giêsu. Ta đặt mình vào bối cảnh trong đó Người tỏ ra không thể đội trời chung được với cái thế giới làm cho Ðền Thờ bị tục hoá. Người nhận lấy sứ mạng tẩy uế nơi thánh. Bản văn cho thấy trước hết là bối cảnh (2,13). Kế đến là sự kiện (cc.14,15 và 16). Sau cùng là những suy nghĩ (cc.17-22).

Về bối cảnh, hãy coi tầm quan trọng mà tác giả dành cho đoạn văn này. Ðây là đoạn đầu về đời công khai của Ðức Giêsu. Mặc dầu trước đó đã có phép lạ tiệc cưới Cana, nhưng cách nào đó tại tiệc cưới này Ðức Giêsu còn hành động cách kín đáo. Người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết) ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ!" (Ga 2,10). Còn ở đây, ngược lại, là hồi đầu của cuộc đời công khai trong đó Ðức Giêsu hành động một cách chính thức và công khai. Thời điểm mà người chọn cho hành động đó cũng rất quan trọng đối với đời sống phụng tự của người Do thái: "Lễ Vượt Qua của người Do thái gần đến." Ðộc giả nhớ rằng sách Tin Mừng thứ bốn được đặt ăn nhịp với tiến trình của những cuộc lễ mà chính yếu là lễ Vượt Qua về cuối đời Ðức Giêsu. Chính với lễ này phụng vụ mới về đời Chúa được khai trương. Vậy lễ Vượt Qua của người Do thái gần đến, Ðức Giêsu lần đầu tiên lên Giêrusalem cách chính thức và công khai.

Ðức Giêsu nổi giận trước cảnh Ðền Thờ bị tục hoá

Thế rồi sự kiện xảy ra như thế nào? Ðức Giêsu thấy Ðền Thờ bị biến thành cái chợ! Người ta đang bán bò, chiên, chim bồ câu. Ðức Giêsu còn thấy những người đang ngồi đổi tiền. Tại sao đổi tiền? Vì tiền của chính quyền thực dân không thể xài được vào việc dâng cúng nên phải đổi nó ra tiền của Ðền Thờ thì mới dâng cúng được. Vậy Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Ðền Thờ. Bất kể tới tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra khi lật nhào bàn ghế của họ.

Ở đây ta có hình ảnh một Ðức Giêsu nổi nóng. Người vớ lấy bất cứ thứ gì, chẳng hạn dây rợ, để bện thành roi. Ðó là dụng cụ Người dùng để xua đuổi những người đang buôn bán ra khỏi Ðền Thờ. Làm hành vi tẩy uế đó xong, Người mới cắt nghĩa ly do khi nói với những kẻ bán bồ câu rằng: "Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." (c.16)

Kế đến trong bài Tin Mừng là ba suy nghĩ như sau. Trước hết các môn đệ nhớ tới lời Kinh Thánh "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (c.17). Ở đây, các môn đệ áp dụng câu Thánh Vịnh 69,10 này trực tiếp cho số phận của Ðức Giêsu. Người sẽ bị thiệt mạng do âm mưu của giới lãnh đạo Do thái giáo. Nhưng với Ðức Giêsu, hành vi nhiệt thành của Người, thuộc về đạo làm con vì Người nói: "Ðừng biến nhà CHA TÔI thành nơi buôn bán." (c.16).

Người Do thái đòi Ðức Giêsu phải làm dấu lạ để chứng minh Người có quyền hành xử như trên (c.18). Nhưng Ðức Giêsu đã không làm phép lạ. Người cắt nghĩa màn Tin Mừng này qui về thân thể của Người là thân thể sẽ trở nên Ðền Thờ cuối cùng của Thiên Chúa (cc.19-22).

Ðiều nổi bật trong bài Tin Mừng là tội được mạc khải như hành vi tục hoá Ðền Thờ của Thiên Chúa. Thay vì thờ phượng Thiên Chúa, người ta đặt ngẫu tượng lên để tôn thờ.

Mọi tội đều là hành vi tục hoá công trình của Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa dựng nên để tán dương, tôn kính và phụng sự Người. Mọi sự khác đều được dựng nên để giúp con người thể hiện mục đích cao cả đó. Tội khiến con người hành động ngược lại với ý định của Thiên Chúa nơi công trình của Người bằng cách đặt ngẫu tượng lên để tôn thờ! Thư thứ nhất của Gioan nêu ba loại ngẫu tượng đặc trưng, đó là: "dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình" (2,16). Dục vọng của xác thịt chỉ về những ham muốn vô trật tự của bản tính loài người, trong đó phải kế tới dục tình đang đe dọa trầm trọng tương lai của xã hội loài người. Dục vọng của đôi mắt chỉ về lòng tham của con người muốn sở hữu tất cả những gì mắt thấy bất kể tới đức công bằng và nhu cầu của người khác. Cuối cùng là thái độ cậy mình có của. Nó phát sinh từ tính kiêu căng tự phụ. Kẻ kiêu căng luôn tìm quyền lực để thống trị người khác. Ðó là gốc gác của biết bao cuộc chiến từng xảy ra trong lịch sử.

Những dục vọng ấy sẽ trở thành ngẫu tượng khi trở nên giá trị tuyệt đối. Chúng sẽ thay thế Thiên Chúa để điều khiển con người. Và khi ấy không còn phải là đền thờ được xây dựng bằng đá hay bê tông bị tục hoá, nhưng là chính con người bị tục hoá như lời thánh tông đồ Phaolô nói: "Nào anh em chẳng biết anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Ðền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Ðền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Ðền Thờ ấy chính là anh em." (1Co 3,16-17).

Vậy cơn thịnh nộ của Ðức Giêsu nói lên lòng nhiệt thành chính Người mang nặng. Nó thúc đẩy Người dấn thân giải thoát những ai bị dục vọng kềm kẹp. Thực ra, chỉ thân thể Ðức Giêsu chịu chết nay được phục sinh mới thực sự là Ðền Thờ mới, là nơi loài người có thể phụng thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.

Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới

Một cách chính xác thánh Phaolô khuyên người Kitô của mọi thời là: "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện." (Ep 4,22-24).

Vậy sứ điệp cơ bản của bài Tin Mừng hôm nay cũng giống sứ điệp của tông đồ Phaolô khi viết: "Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có đây rồi." (2Co 5,17).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu thanh lọc Ðền Thờ như thế nào? Theo thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Eâphêsô, việc thanh lọc đó cần được tiếp tục như thế nào do chính các Kitô hữu chúng ta?

2. Tại sao cần phải thanh lọc "dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình" (1Ga 2,16)?

3. Bạn hiểu như thế nào về câu nói "Mọi tội đều là hành vi tục hoá công trình của Thiên Chúa"? Bạn nhận xét như thế nào về trào lưu tục hóa đang dâng lên trên đất nước Việt Nam? Nhưng trào lưu tục hoá đã là tội chưa? Nó có liên hệ gì tới hạnh phúc của gia đình bạn và xã hội bạn đang sống?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page