Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 19 tháng 03 năm 2000
Chúa Nhật 2 Mùa Chay Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 9,2-10

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðộng lực nào khiến họ sống liên đới với nhau

Năm 1990 trong cuộc Ðại Hội Liên Hoan giới trẻ Phong Trào Tổ Ấm tại Roma, mọi người đều chăm chú nghe lời chia sẻ của một Phật tử trẻ tuổi từ Thái Lan tới dự, trong số những người nghe có Ðức Gioan Phaolô II. Năm năm sau cũng người Phật tử này tái xuất hiện lần này trong bộ đồ của nhà sư Phật giáo! Ðó quả là một trường hợp hi hữu. Hãy nghe chính dự viên trả lời phóng viên cho biết mình là ai và tại sao xuất hiện trong cuộc Ðại Hội Liên Hoan giới trẻ Phong Trào Tổ Ấm.

Hỏi: Bạn Biên (Beer), xin bạn vui lòng cho mọi người biết cơ hội nào khiến bạn lần đầu tiên gặp giới trẻ Tổ Aám và cuộc gặp gỡ ấy có ý nghĩa gì đối với bạn? Mới rồi trong cuộc Ðại Hội Liên Hoan 95, bạn còn xuất hiện trong bộ đồ nhà sư Phật giáo, chắc nhiều người cũng tò mò muốn biết tại sao?

Trả lời: Lần đầu tiên tôi gặp các bạn trẻ Tổ Aám một cách không ngờ. Ðó là vào thời điểm tôi học xong trung học và quyết định đi học đại học ở Băng Cốc. Tôi có người bạn Công giáo khi ấy cũng muốn đi Băng Cốc học. Anh đã giới thiệu tôi với một nữ tu. Và chị này đã mời tôi cùng đi trong chuyến đi Băng Cốc. Chị cũng nói rằng tôi có thể trọ với những người bạn của chị. Vậy là tôi rời bỏ "vùng Tam Giác Vàng" Thái Lan để đi Băng Cốc. Bạn tôi cùng với tôi đến trọ ở căn nhà do chị nữ tu đề nghị. Những người trong nhà đó đều là những người lạ đối với tôi. Sau này, tôi mới biết đó là một nhà của Phong Trào Tổ Ấm.

Cảm nhận đầu tiên của tôi rất tích cực vì người ta dành cho tôi một sự tiếp đón rất nồng hậu. Tôi cảm thấy rất thoải mái như ở nhà mình vậy nên thầm nghĩ: "Ðây đúng là mái ấm gia đình rồi còn gì!" Khi lớn lên, tôi không thường xuyên cảm thấy được êm ấm trong gia đình và thực ra đã từng thấy điều đó. Cho nên lối sống dễ thương ở đây thật là hấp dẫn đối với tôi.

Tôi bắt đầu tự hỏi: "Họ là ai vậy? Ðộng lực nào khiến họ sống liên đới với nhau như vậy? Tôi cố gắng tìm ra manh mối. Tôi nhận ra giữa họ luôn có mối tương quan sâu đậm. Họ xem ra như là những người anh em ruột thịt. Không lâu sau đó, tôi được mời đi dự một chương trình đặc biệt dành cho giới trẻ Tổ Aám. Khi ấy tôi chẵng biết gì về phong trào trẻ này nhưng tôi lấy làm sung sướng được mời vì nghĩ rằng đó là cơ hội để tôi đáp lại tình yêu họ dành cho tôi. Vậy tôi đã nhận lời mời dự "Chương trình học hỏi dành cho giới trẻ Tổ Ấm" là chương trình được tổ chức tại một thành phố khác.

Chính qua cuộc gặp gỡ này tôi được trực tiếp làm quen với giới trẻ Tổ Ấm. Tôi cũng được biết họ nhắm tới những lý tưởng nào. Vậy tôi đã hỏi một người phụ trách xem tôi cần phải làm gì để trở nên thành viên giới trẻ Tổ Ấm nhưng người đó không trả lời rõ ràng, mà chỉ nói rằng: "Bất cứ lúc nào bạn muốn, bạn có thể đến thăm chúng tôi." Tôi đã cảm nhận được mối giây ràng buộc thiêng liêng với họ. Giữa tôi và họ không có cản trở gì về chủng tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch. Tôi được thách đố và thấy cần phải cùng nhau làm việc chung với mọi người khác, để xây dựng một thế giới hiệp nhất. Trong khi chờ đợi, tôi sống trong một nhà nhỏ mà mọi người đều chung sống. Ngoài việc chia sẻ với nhau về đời sống, chúng tôi còn chia sẻ với nhau về của cải vật chất. Lối sống của phong trào Tổ Ấm đã trở nên lối sống riêng của tôi. Tôi đã cố công hết sức để đi ngược lại với lối sống không được tốt đẹp nơi đại học. Khi ấy tôi đã tìm được việc làm để tự túc khi đi học. Từ khi ấy tôi hiểu ra rằng lối sống Tổ Ấm này mọi Phật tử đều có thể sống. Chỉ cần có thiện chí để cùng nhau tiến bước.

Tôi thấy chính tôi có thể sống như họ

Vì là Phật tử nên tôi chưa dễ dàng lãnh hội hết được ngôn ngữ Kitô giáo. Nhưng tôi vẫn cố gắng rộng mở và yêu thương tha nhân cả đối với những người bản chất khác tôi. Nhờ yêu thương tôi nhận ra họ cũng cởi mở đối với tôi. Từ từ bằng cách đó tôi đã trở nên thành viên dấn thân trọn vẹn của giới trẻ Tổ Ấm. Ðời sống của thành viên Tổ Aám dựa trên cơ sở Phúc Âm. Tôi thấy chính tôi có thể sống như họ. Hiện đã có nhiều thành viên giới trẻ Tổ Ấm là Phật tử.

Năm 1990 khi tôi tới Roma tham dự đại hội liên hoan giới trẻ Tổ Ấm và chia sẻ lời chứng bản thân, tôi đã ngỏ lời cùng 12,000 bạn trẻ có mặt tại sân vận động Palaeur. Khi ấy có một dự viên ngoại thường lắng nghe tôi nói: Ðó là Ðức Gioan Phaolô II. Trong biến cố đại hội, tôi được hiểu rõ hơn bao giờ rằng lý tưởng hiệp nhất mà tôi bắt đầu sống tại Thái Lan là lý tưởng đích thực. Chính qua đại hội tôi có kinh nghiệm bản thân về hiệp nhất. Khi trở về Thái Lan, tôi tiếp tục học và đã tốt nghiệp với văn bằng kinh tế.

Hỏi: Vì sao bạn quyết định dành 2 năm rưỡi sống tại Trung Tâm Focolare Lỗ Phúc Nhân (Loppiano) Italia. Khi ở đó, bạn có gặp khó khăn nào không?

Trả Lời: Lý do vì tôi muốn biết thêm về linh đạo hiệp nhất. Chính khi sống hiệp nhất tôi trở nên gần gũi hơn với tinh thần người sáng lập Phong Trào Tổ Ấm là chị Chiara Lưu Bích. Tôi thực muốn biết rõ hơn tại sao con người này đã có thể yêu thương nhiều tới mức ấy và tại sao chị đã có thể chia sẻ mối tình của chị cách quảng đại đến như vậy. Tôi muốn là người con thiêng liêng của chị. Tôi đã thưa với chị rằng tôi thực sự muốn đào sâu sự hiểu biết của tôi về lý tưởng sống động của chị. Ðáp lại, chị Lưu Bích đã đề nghị tôi nên dành thời giờ để sống tại Lỗ Phúc Nhân nhằm hiểu sâu đậm về hiệp nhất. Nghe lời đề nghị đó, tôi rất mừng và đã đến sống tại Lỗ Phúc Nhân.

Ðời sống tại Lỗ Phúc Nhân đã dậy tôi cách yêu thương cũng như dậy tôi cách hiến mình cho tha nhân… Ở đó tôi có cơ hội sống với những người anh em đến từ nhiều nơi trên thế giới. Cùng với họ, tôi đã học để trở nên một "con người của thế giới", tức là trở nên một bản vị rộng mở đối với toàn cầu. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm hàng ngày cũng như đời sống về niềm tin của nhau. Bằng cách đơn giản như vậy, chúng tôi có thể đi sâu vào đời sống nội tâm của nhau. Bản thân tôi cũng thấy tôi được hiểu chính mình hơn… Tôi đã hiểu chị Lưu Bích là con người như thế nào và tin như thế nào. Tôi tôn trọng niềm tin của chị… Mỗi lần chị Lưu Bích viết cho tôi, chị luôn giao phó tôi cho Ðức Maria. Tôi hiểu rằng Ðức Maria đã từng sống một đời sống như những người khác trong cuộc sống thường ngày. Nhưng tôi cũng hiểu rằng Người đã làm phát sinh ra sự sống, đó là sự sống mới. Sự hiện diện của Ðức Maria đã trở nên như mối giây nối kết trọn đời sống của tôi thành một tổng thể.

Lời chia sẻ ở trên cho thấy phần nào những khám phá mới mẻ của một bạn trẻ Thái Lan về hiệp nhất. Bạn ấy nói đại khái rằng:

"Cần phải vượt mọi cản trở về chủng tộc, tôn giáo hoặc quốc tịch… Cần phải cùng nhau làm việc chung với mọi người khác để xây dựng một thế giới hiệp nhất… Ngoài việc chia sẻ với nhau về đời sống, chúng tôi còn chia sẻ với nhau về của cải vật chất… Tôi được dậy cách hiến mình cho tha nhân, trở nên một bản vị rộng mở đối với toàn cầu…."

Chưa phải là Phục sinh nhưng hướng tới Phục sinh

Tin Mừng Máccô lần lượt mạc khải con đường của Ðấng Mêsia và của các môn đệ là từ bỏ mình (8,27-9,1), kế đến mới mạc khải vinh quang trong biến cố biến hình như thấy trong bài Tin Mừng hôm nay (9,2-10). Sẽ có trình thuật về khổ nạn ở 2 chương Mc 14-15, đưa tới ánh sáng Phục sinh ở cuối đường hầm ở Mc 16. Phục sinh chính là trở về cùng CHA: "Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy" (Ga 14,3). Các môn đệ sẽ được hiệp nhất lại nơi Thầy các ông. Nhưng tột đỉnh của hiệp nhất mà họ nhắm tới phải là: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (là nhóm 12) nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta." (Ga 17,20-21). Vậy những khám phá về hiệp nhất như được chia sẻ ở trên chỉ mới là bước đầu, chưa phải là Phục sinh nhưng hướng bạn Biên về Phục sinh cũng như bài Tin Mừng hôm nay hướng các môn đệ Chúa Giêsu từ cõi chết đến sống lại (c.10).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì trong lời chia sẻ của bạn trẻ Thái Lan khi nói: "Cần phải cùng nhau làm việc chung với mọi người khác để xây dựng một thế giới hiệp nhất"? "Tôi được dậy để hiến mình cho tha nhân và trở nên bản vị rộng mở đối với toàn cầu"? "Sự hiện diện của Ðức Maria đã trở nên như mối giây nối kết trọn đời sống của tôi thành một tổng thể"?

2. Trong biến cố biến hình của Ðức Giêsu, bạn hiểu thế nào về tiếng nói từ đám mây phát ra: "Ðây là con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người"? (c.7)

3. Bạn hiểu thế nào khi nói những khám phá về hiệp nhất như được bạn Biên chia sẻ chưa phải là "Phục sinh" nhưng hướng về Phục sinh cũng như bài Tin Mừng hôm nay hướng các môn đệ Chúa Giêsu từ cõi chết đến sống lại?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page