Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 6 tháng 02 năm 2000
Chúa Nhật 5 Quanh Năm B

Ðọc Tin Mừng Mc 1,29-39

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Cuộc mạo hiểm để hiệp nhất thế giới

Tại thánh điện mênh mông nơi đền thờ của Hiệp Hội Phật Tử vì Thế Giới Hiệp Nhất ở Tokyô, mười ngàn người Nhật lắng nghe một giáo dân Công giáo kể lại kinh nghiệm của mình trong gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong khi đó hơn một chục máy thu và phát hình của cuộc nói chuyện đó cho nhiều người không tìm được chỗ bên trong thánh điện nên ngồi la liệt nơi hành lang và ở ngoài sân.

Ðó là ngày 28 tháng 12, 1981. Lần đầu tiên một giáo dân từ một nước Tây phương được mời nói chuyện đạo cho đám đông Phật tử khổng lồ đến như vậy:

Ngày 31 tháng 3, 1990, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói về chị giáo dân ấy rằng: "Chỉ cần nhắc đến danh xưng CHIARA mọi người đều hiểu." Ðức Thánh Cha nói lời đó trước 20 ngàn người trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ họp tại cung điện thể dục thể thao Aâu Châu ở Roma. Hôm đó diễn từ của Ðức Thánh Cha và của chị Chiara Lưu Bích được truyền đi qua vệ tinh Oâlympic trở thành biến cố toàn cầu. Khi ấy tại Los Angeles 5 giờ sáng thì ở Hồng Kông 23 giờ đêm và ở Melbourne 3 giờ trước tảng sáng. Có hàng triệu người nghe tiếng nói của Ðức Gioan Phaolô và của chị Lưu Bích.

Trong thời gian diễn ra cuộc chiến vùng Vịnh, cũng chính chị giáo dân này huy động một triệu rưỡi người cứ giữa trưa ngưng mọi sinh hoạt để cầu nguyện cho hoà bình.

Nữ phóng viên nổi tiếng của Italia Franca Zambonini nêu những sự kiện nói trên trong lời dẫn nhập cho cuộc phỏng vấn được in thành sách dưới nhan đề tạm dịch là CHIARA LƯU BÍCH TRONG CUỘC MẠO HIỂM ÐỂ HIỆP NHẤT THẾ GIỚI (L'avventura dell'unità). Ba thời điểm được nhà phóng viên này ghi nhận là quan trọng cho cuộc mạo hiểm đó là: ngày Chiara trong bí mật dâng cuộc sống mình cho Thiên Chúa (7 tháng 12, 1943); ngày 13 tháng 5, 1944, Tân Ðô, tức Trentô, bắc Italia bị dội bom dữ dội khiến gia đình Chiara phải chạy tị nạn, nhưng Chiara xin ở lại với mấy chị em đầu tiên của cuộc mạo hiểm; và ngày 17 tháng 9, 1948 là ngày Chiara gặp dân biểu Igino Giordani, sau này được kể là người đồng sáng lập Phong trào Tổ Aám Focolare hiện lôi cuốn hàng triệu người tham gia cuộc mạo hiểm.

Khởi hứng từ cầu nguyện tại căn nhà Ðức Mẹ

Riêng với Chiara, khởi hứng đầu tiên cho cuộc mạo hiểm xảy ra cách riêng tư tại Loretô, miền Nam Italia, năm 1939. Chiara tới đó dự đại hội nữ sinh viên Công giáo nhưng ngày nào cô cũng một mình đi viếng căn nhà Ðức Mẹ được trưng bày trong lòng nhà thờ Loretô. Lần đầu tiên bước vào căn nhà nhỏ này, cô sinh viên 19 tuổi ấy vô cùng xúc động vì được ơn trầm mình trong mầu nhiệm mà căn nhà nhỏ này gợi lên. Chiara bắt đầu suy niệm về tất cả những điều đã từng xảy ra nơi mái ấm gia đình này, như: biến cố truyền tin cho Ðức Maria, đời sống gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Không chỉ suy niệm trong lòng, Chiara còn lấy làm sung sướng lấy tay đụng chạm từng phiến đá, từng tấm ván, lấy mắt nhìn xem và tưởng tới công cuộc xây dựng của thánh Giuse. Chiara còn như được nghe văng vẳng tiếng cậu bé Giêsu ngày ngày chạy qua lại nơi căn nhà nầy. Khi nhìn bốn bức tường, tai Chiara như còn được nghe vang dội lời nói hoặc câu hát của Ðức Maria.

Trong suốt cuộc đại hội, tất cả các sinh viên tới dự đều ở lại nhà trọ, một mình Chiara không thiếu mặt trong sinh hoạt đại hội, nhưng ngày nào cũng tìm được thời giờ đến viếng căn nhà Nadarét. Và ngày nào Chiara cũng cảm nhận được một ấn tượng sâu đậm. Trọn con người của người sinh viên này như được bao bọc bởi một hồng ân đặc thù của Thiên Chúa với một sức mạnh áp đảo.

Tất cả những điều vừa nói đều diễn ra trong chiêm niệm và cầu nguyện cho phép Chiara như được sống với Ðức Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse tại căn nhà Nadarét. Thế rồi cuộc đại hội kết thúc với thánh lễ mà Chiara đã tham dự rất sốt sắng tại nhà thờ Loretô. Chiara được ban cho ơn để hiểu mình đã tìm ra con đường độc đáo và trên con đường ấy nhiều người sẽ cùng đồng hành với mình.

Hơn nữa thế kỷ đã qua kể từ ngày người nữ sinh viên ấy ngày ngày một mình tới cầu nguyện tại căn nhà của Ðức Mẹ tại Loretô. Trong bốn năm tiếp theo, cuộc đời của cô trở lại bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế rồi bỗng một cuộc dội bom dữ dội tại Tân Ðô ngày 13 tháng 5, 1944, khiến nhà gia đình của Chiara bị sập. Ðó là lúc cô gái 23 tuổi này xin phép bố mẹ ở lại thành phố bị đổ nát, để bắt đầu cuộc mạo hiểm hoàn toàn do Thiên Chúa xui khiến.

Hoàn toàn do Chúa xui khiến

Nhân sự ban đầu cho cuộc mạo hiểm chỉ gồm CHIARA, giáo viên trung học; NGA (Natalia Dallapiccola), cô gái 16 tuổi có bố mất sớm nên phải đi làm để giúp gia đình trong khi vẫn tiếp tục học; ÐỖ THỊ RI (Doriana Zamboni), cô học trò trượt phải ở lại lớp, được Chiara kèm để học cho xong.

Thành phố Tân Ðô còn tiếp tục bị dội bom. Biết bao người lâm cảnh màn trời chiếu đất, bụng đói cật rét, già nua và bệnh tật, mà chị em có thể phục vụ theo giới răn yêu thương. Nhưng Chúa an bài, cộng đoàn chị em gia tăng mau lẹ ngay dưới lằn bom đạn. Và, như được ghi lại trong cuộc phỏng vấn: sau bốn mươi bảy năm hiện hữu và phổ biến tại 156 quốc gia, ngày nay có hàng triệu người được sinh động do linh đạo hiệp nhất, trong số đó hơn 80 ngàn thành viên Focolare thuộc hai nhành nam và nữ đã tuyên khấn hoặc tuyên hứa hiến thân phục vụ công trình của Ðức Maria, như Chiara đã được khởi hứng tại căn nhà của thánh gia thất ở Loretô.

Ðiều đáng lưu ý là ban đầu Chiara và các bạn chỉ muốn sống đơn giản như mọi Kitô hữu phải sống mà thôi, chứ không muốn mang danh hiệu nào đặc biệt. Chỉ vì vâng lời Ðức Giám Mục giáo phận Tân Ðô nên danh xưng Focolare mới đươc chấp nhận với ý nghĩa để nhấn mạnh về ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu cần được thắp sáng lên và được lan tỏa ra cho cả gia đình nhân loại. Ngọn lửa ấy đã được định nghĩa rất rõ do chính Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly khi Người tuyên bố: "Thầy ban cho anh em một giới răn mới: đó là anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34) và "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15,13). Nhưng điều mà Focolare nhấn mạnh nơi lửa tình yêu của Chúa Giêsu, đó là tính hiệp nhất nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu: "Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt 18,20) và "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (là nhóm 12) nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta" (Ga 17,20-21).

Gương Chúa Giêsu về hiệp nhất thế giới

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả sinh hoạt của Ðức Giêsu trong một ngày tại Caphanaum. Những người giáo dân nhiệt thành như chị Chiara Lưu Bích được sung sướng biết bao khi nhận ra chính Ðức Giêsu đang tiếp tục công trình của Người. Người vẫn tiếp tục làm cho thế giới nên một trong tình yêu của Người như xưa tại Caphanaum.

Tại Caphanaum, Ðức Giêsu tỏ ra là một ngọn lửa tình yêu năng nổ. Chúa đã từng rao giảng tại Galilê (c.14), nơi bờ biển (cc.16.19), nơi hội đường (c.21), nơi cửa thành, tức quảng trường (c.33), đi rao giảng nơi khác, đến các làng xã lân cận (c.38), Người đi rao giảng khắp xứ Galilê (c.39).

Cũng tại Caphanaum, Ðức Giêsu tỏ ra là một con người gương mẫu về cầu nguyện. Người khiêm tốn chọn cho mình nơi thích hợp để cầu nguyện: "sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó" (c.35). Chính trong cầu nguyện Ðức Giêsu làm cho thế giới được hiệp nhất, qui về một mối. Mọi sự đều từ Chúa Cha mà có và được Ðức Giêsu đưa trở về cùng Cha. Thành phố là nơi hoạt động, còn sa mạc là nơi môi trường của đời sống cầu nguyện đơn độc. Nhưng sa mạc là nơi chuyển "đi nơi khác". Ðối với sứ vụ không có vấn đề độc hữu. Nhưng chính sa mạc, chính sự thanh vắng làm phát động lại sứ vụ tông đồ.

Tại Caphanaum, Ðức Giêsu tỏ ra là một người năng nổ nhưng không chủ trương duy hoạt động. Người là một con người chìm sâu trong cầu nguyện để đưa mọi người và mọi sự trở về nguồn gốc là Thiên Chúa.

Một số câu hỏi gợi ý

Bạn tâm đắc gì về cuộc mạo hiểm để hiệp nhất thế giới do chị giáo dân Lưu Bích: người giáo dân này đã được ơn chìm sâu trong cầu nguyện tại căn nhà Ðức Mẹ? Chị Lưu Bích kể lại kinh nghiệm về gặp gỡ Chúa cho 10 ngàn Phật Tử Nhật Bản nghe? Chị đã huy động một triệu rưỡi người cứ giữa trưa ngưng mọi hoạt động để cầu nguyện cho hoà bình khi chiến tranh Vùng Vịnh kéo dài?

Bài Tin Mừng hôm nay cho bạn thấy Ðức Giêsu là con người năng nổ như thế nào trong việc rao giảng Tin Mừng? Bạn cũng được thấy Chúa tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện như thế nào?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page