Sau khi ông Gioan bị nộp, Ðức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng".
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Ơn gọi qua thăng trầm của một cuộc đời
Một buổi sáng tại Roma, đoàn kỵ binh do một công tử người Ba Lan dẫn đầu, dừng lại trước cửa Tập Viện thánh Anrê của Dòng Tên, tức Dòng Chúa Giêsu. Thầy gác cổng vừa mở cửa liền được cho biết phải lập tức giao nộp công tử Thành Cát Tư Kha (Stanislaô Kostka) hiện trong tập viện, cho phái đoàn. Thầy gác cổng khiêm tốn mời phái đoàn vào nhà khách để thầy đi tìm cha giám đốc tập sinh là Dương Lâm Phát (Julius Fazio). Ðiều mà cha Phát nói với Trưởng phái đoàn đã làm thay đổi hẳn bầu khí căng thẳng. Cha nói: "Thưa công tử, người em của công tử là Thành Cát Tư Kha đã qua đời nay đã được bốn tuần."
Thì ra công tử trưởng phái đoàn và tập sinh Thành Cát Tư Kha là hai anh em ruột, con của công tước Giang Cát Tư Kha (Gioan Kostka) là nghị sĩ và là cố vấn triều đình Ba Lan.
Từ nhỏ cậu Thành (Stanislaô) vẫn là một thiếu niên như bao thiếu niên khác. Nằm "vẫy đuôi cá" lướt gió trên hai bánh xe chưa phải là trò tiêu khiển của công tử Balan thời đó, nhưng phóng ngựa như bay để nghe tiếng gió vù vù bên tai đã là điều cậu công tử Thành rất đam mê. Thế nhưng đã có giới hạn cho tất cả những thứ đam mê loại đó vì cậu thâm tín rằng "Tôi sinh ra để sống cho những gì cao quí hơn." Sau này mỗi lần người ta nhắc tới dòng máu quí tộc của cậu, cậu thường nói: "Trong thế gian này, mọi sự đều nhỏ bé cả."
Sinh ra năm 1550 và lớn lên trong gia đình, tới tuổi 14, cậu được gởi đi học tại trường các cha Dòng Tên ở thành phố Viên của Aùo Quốc. Ba năm học ở trường nầy và mười tháng thụ huấn tại tập viện thánh Anrê đã là một lời đáp trả quyết liệt đối với tiếng Chúa gọi.
Tại Viên, 8 tháng đầu hai anh em Cát Tư Kha hưởng một nền giáo dục quân bình về học hành và đạo đức nhờ sống nội trú dưới sự chăm sóc của các cha Dòng Tên. Nhưng hơn hai năm kế tiếp hoàn cảnh làm thay đổi con người. Vì nhà trọ thuộc quyền sở hữu của nhà vua nên bị triều đình tiếp thu, hai anh em phải ra ngoài ở. Họ được cung cấp tiện nghi đầy đủ xứng với bậc con ông cháu cha. Thế là người anh Phaolô được tự do sống phóng túng. Còn em là Thành (Stanislaô) ngược lại, cho thấy rõ bản lãnh là con người cầu nguyện thâm sâu, chăm chỉ học hành, tập tành nhân đức, trở nên như cái gai nhọn cắn rứt lương tâm anh. Phaolô phản ứng lại bằng cách cùng với bạn bè chế giễu em mỗi khi em không chịu đi uống rượu, đánh bài, coi hát với họ. Thậm chí Phaolô còn tàn nhẫn đánh đập em có lần tưởng chết.
Vàng càng được tinh ròng nhờ thử lửa
Vàng càng được tinh ròng nhờ thử lửa. Cũng vậy, ơn gọi của Thành Cát Tư Kha càng rõ nét giữa những ngược đãi mà cậu phải chịu. Vậy một buổi sáng tháng 8, năm 1567, Phaolô không còn thấy bóng em nơi nhà trọ nữa và chỉ nhận được mấy dòng em để lại cho gia đình như sau:
"Kính thưa cha và anh Phaolô: Con chỉ có một ý hướng duy nhất cho cuộc ra đi bí mật của con, đó là rút lui khỏi thế gian để đáp lại tiếng Chúa gọi cũng như lệnh Chúa truyền con phải gia nhập Dòng Chúa Giêsu. Vậy xin cha và anh đừng tưởng tới một ý đồ nào khác… Con tin chắc một ngày nào đó, cha và anh sẽ sung sướng thấy cuộc trẩy đi của con được thành sự nhờ con đã không để cho cha và anh chống lại điều thiện hảo con đang đeo đuổi, cũng như không để cha và anh chống lại ý muốn của Thiên Chúa."
Khi Phaolô nhận được thư thì người viết đã cao chạy xa bay biến mất trong bộ đồ của người ăn xin. Cậu cuốc bộ 650 cây số đi thành phố An Bình (Augsburg) nước Ðức và rồi còn phải đi tiếp 40 cây số nữa mới gặp được cha Giám Tỉnh Dòng Tên Kanic ở Ðức. Hơn nữa, để Thành Cát Tư Kha được tự do gia nhập Dòng Tên, không bị gia đình quấy phá, cha Giám Tỉnh Kanic còn yêu cầu cậu đi thêm 1200 cây số nữa để tới Roma. Ở đây cậu Thành được nhận làm tập sinh Dòng Tên ngày 28 tháng 10, 1567.
Không ngờ một thời gian sau, gia đình biết tin liền ra lệnh cho Thành Cát Tư Kha phải lập tức bỏ tu mà về gia đình, chẳng vậy sẽ lãnh hậu quả không thể lường được. Nội dung thư gia đình đến tay tập sinh Cát Tư Kha gồm ba điều được ông Giang là bố nhấn mạnh. Một là ông trách con ông đã làm nhục gia đình vì đã ăn vận như người ăn xin trên đường đi Ðức và Italia. Hai là ông sẽ cho người đến giong con ông về với hình phạt là con ông suốt đời sẽ bị xiềng xích chân tay trong tù, không còn được gặp gỡ bạn bè và cha mẹ nữa. Ba là ông khuyên con ông nên khôn ngoan trở về ngay với gia đình, bằng không, sẽ bị cưỡng ép trở về.
Vậy ông Giang Cát Tư Kha đã tỏ ra quyết liệt như ông đã viết trong thư, khi sai công tử Phaolô tới gõ cửa Tập Viện thánh Anrê, đòi tập sinh Thành Cát Tư Kha phải bỏ tu và trở về với gia đình.
Công tử Phaolô sau khi được biết em mình đã qua đời và được chôn cất ở tập viện này thì đã ngồi xuống để lắng nghe cha giám đốc tập viện nói tiếp. Phaolô đã được nghe toàn là những điều ngược hẳn lại với hình ảnh mà Phaolô từng có về em mình. Em Thành đã tắt thở đêm ngày 14 rạng ngày 15 tháng 8, 1568. Như vậy em chưa được 18 tuổi đời và vào tập viện chưa được mười tháng. Thế mà Thành Cát Tư Kha vừa mới qua đời đã có dư luận trong thành phố Roma rằng một vị thánh vừa mới qua đời và dân chúng đã tới tấp đến viếng thi hài và tìm kiếm vật kỷ niệm. Cáo phó về cái chết của tập sinh này không những được phổ biến trong tỉnh Dòng Tên Roma như thường lệ nhưng trong mọi tỉnh của Dòng Tên trên toàn thế giới. Chính vị Tổng Quản khi ấy là cha Phanxicô Boria, người biết khá rõ về hoàn cảnh ơn gọi của Thành Cát Tư Kha, đã muốn như vậy. Lý do của việc phổ biến rộng rãi được nêu khá rõ trong cáo phó rằng "Nhân đức của Thành Cát Tư Kha vĩ đại và ngoại thường và đời sống của em ở ngoài cũng như trong Dòng từng nêu gương sáng đến nỗi nên thông tri cho toàn Dòng biết như tấm gương cho mọi người soi. Ðó là điều có thể mang lại vinh dự cho Dòng và cho Thành Cát Tư Kha nữa, vì hy vọng em sẽ được kể vào danh sách chư thánh được Giáo Hội tôn kính như cuộc sống thánh thiện của em đã cho thấy trước."
Như vậy là bằng đời sống thánh thiện Thành Cát Tư Kha đã vĩnh viễn vượt khỏi tầm tay của anh ruột Phaolô, của bố là ông Giang Cát Tư Kha. Thực ra khi được Giáo Hội tôn lên bậc hiển thánh ngày 31 tháng 12, 1726, vị thánh trẻ này còn vượt ra khỏi quĩ đạo Dòng Tên để trở nên tấm gương sống động cho mọi người trẻ, không riêng gì cho tập sinh Dòng Tên.
Chết rồi còn chinh phục anh Phaolô
Ðiều lạ lùng là chính anh Phaolô cũng được hưởng gương lành của em mình. Phaolô đã khóc sướt mướt trước mộ người em mà anh đã từng chế giễu và đánh đập tại thành phố Viên. Trở về Balan lòng đầy hối hận, anh đã kể biết bao điều anh đã nghe về danh thơm tiếng tốt của em khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Phaolô phần nào làm nhẹ vơi nỗi sầu của bố về người con thứ. Không lâu sau đó, chính ông Giang Cát Tư Kha cũng qua đời cùng với người con thứ ba là An Bình (Anbertô Kostka) trong vòng có một tuần lễ ! Phaolô ở lại lâu đài của gia đình cho tới khi mẹ qua đời thì đã rút lui sống đời cô tịch trong cầu nguyện hãm mình. Tới tuổi 56, ông đã khiêm tốn xin gia nhập Dòng Tên theo gương và nhờ công nghiệp của em mình ! Cha Tổng Quyền khi ấy là Aquaviva đã chấp nhận vì hy vọng ơn biến đổi mà người anh nhận được nơi mộ của em là Thành Cát Tư Kha, sẽ góp phần làm vinh danh Chúa hơn. Ông Phaolô đã chết cái chết thánh thiện ngày 13 tháng 1, 1607. Chính để ghi nhớ ơn trở lại của Phaolô nên ngày ông qua đời đã được chọn là ngày kính thánh trẻ Thành Cát Tư Kha.
Tiểu sử ngắn gọn của thánh trẻ Thành Cát Tư Kha được kể gợi ý cho thấy ơn Chúa gọi trải qua thăng trầm trong suốt một cuộc đời. Ðiều đó đã xảy ra xuyên qua cuộc sống của những môn đệ đầu tiên như các ông Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan được Chúa gọi trong bài Tin Mừng hôm nay. Ðiều đó cũng xảy ra cho mọi Kitô hữu muốn theo sát gót bước Chúa Giêsu.
Ai là người Công giáo cũng đều biết các tông đồ đều được mừng kính như các thánh tử đạo với phẩm phục đỏ. Chính Ðức Giêsu đã cho các ông biết trước các ông "sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết." (Mt 10,18).
Nhưng điều khiến các môn đệ xưa và nay đều được an ủi, đó là lời Chúa Giêsu cam kết "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). "Thầy sẽ không để anh em mồ côi." (Ga 14,18). "Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó" (Ga 14,3). "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái" (Ga 15,5). Thành Cát Tư Kha quả thật đã ở lại trong tiếng gọi Chúa khơi dậy nơi lòng anh. Chính tiếng Chúa gọi đó đã cho anh biết tôi sinh ra để sống cho những gì cao quí hơn và trong thế gian này, mọi sự đều nhỏ bé cả. Anh chỉ sống trong Dòng Tên được gần mười tháng. Và anh đã vượt quĩ đạo Dòng Tên để nêu gương lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn, cho biết bao người trẻ dọc qua các thế kỷ.
1. Bạn tâm đắc gì về thánh trẻ Thành Cát Tư Kha: Tôi sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn? Trong thế gian này mọi sự đều nhỏ bé cả? Cuộc đổi đời của Phaolô Cát Tư Kha? Cuốc bộ gần 2000 cây số để gia nhập Dòng Tên? Công tử Thành Cát Tư Kha ăn vận như người ăn xin trên đường đi Ðức và Italia?
2. Bạn tâm đắc gì về ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên: Hai ông Simon và Anrê đang hành nghề chài lưới thì được Ðức Giêsu gọi (tựa như có ai đang dệt dây thun thì được Ðức Giêsu gọi)? Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Ðức Giêsu (tựa như ai đó lập tức bỏ lại đàng sau cả một dàn máy dệt thun để theo Ðức Giêsu)? Lập tức nói đây phải được hiểu như thế nào? (Mc 1,16-18).
3. Bạn nghĩ gì về hai ông Gioan và Giacôbê lập tức bỏ bố mẹ và những người làm công trên thuyền để theo Ðức Giêsu? (cc.19-20) Tác giả Tin Mừng có ý nói gì đây?