Hằng năm vào ngày 24 tháng 3, do sáng kiến của Ngành Thanh Niên của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, các cộng đồng Tu sĩ nam nữ, các giáo xứ trong toàn nước Ý cử hành ngày kính nhớ các nhà truyền giáo đã bị giết tại nhiều nước trên thế giới. Trong năm 2000 đã có 31 vị hy sinh mạng sống bằng cách này hay cách khác tại các nơi các ngài đang rao giảng Tin Mừng.
Việc lựa chọn ngày 24 tháng 3 hằng năm để kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo không phải một lựa chọn tình cờ. Chính trong ngày này (24/3) Ðức Cha Oscar Arnulfo Romero, TGM giáo phận San Salvador (thủ đô Cộng hòa El Salvador - Trung Mỹ châu) bị giết cách tàn bạo trong lúc ngài cử hành thánh lễ trong nhà nguyện của các Nữ tu. Lý do của cuộc sát hại này chỉ vì Ðức TGM là người can đảm bênh vực quyền lợi của các người nghèo khổ, cách riêng người nông dân bị các điền chủ bóc lột.
Ngày ăn chay và cầu nguyện cho các nhà truyền giáo bị giết, đã được cử hành từ năm 1993. Từ đó, ngày này, năm này qua năm khác, lan rộng trong cả nước Ý bằng nhiều sáng kiến khác nhau: thánh lễ, các buổi canh thức cầu nguyện, ăn chay, bố thí hoặc dựng đài kỷ niệm v.v... Tại Roma, hằng năm Ðức Hồng Y Jozef Tomko, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, cử hành thánh lễ trong một nhà thờ của Thành phố với sự tham dự của nhiều đoàn thể thanh niên, Dòng tu chuyên về truyền giáo, các Giáo Hoàng Học viện thuộc Bộ Truyền giáo... và của anh chị em giáo dân, thân nhân của các nhà truyền giáo bị sát hại trong năm.
Như chúng tôi nhắc trên đây: trong năm 2000 đã có 31 nhà truyền giáo bị giết tại các nước khác nhau. Trong ba tháng đầu của năm 2001, có thêm ba vị khác nữa. Trong 31 vị bị giết trong năm 2000, có 19 Linh mục - 7 Nữ tu - 2 chủng sinh - một tu sĩ - và 2 giáo dân tận hiến, một nam, một nữ. Hầu hết các nhà truyền giáo này bị giết tại các nước Châu Phi như: Cộng hòa Dân chủ Congo, cựu Zaire - Angola - Burundi - Nigeria - Rwanda - Kenya - Zambia - Uganda - Côte d?Ivoire. Tại Á châu như: Indonesia - Ấn độ - Philippines - Pakistan. Tại Mỹ châu như: Colombia - Jamaica - Antilles. Tại Âu Châu như: Albania.
Việc cử hành ngày kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo trong năm nay (24/03/2001) có một ý nghĩa riêng: đến vào lúc vừa kết thúc Ðại Toàn X á của năm 2000. Chúng ta còn nhớ rằng: trong Năm Thánh 2000, vào Chúa nhật thứ ba Phục sinh, tức ngày mồng 7 tháng 5/2000, tại Hí trường Roma (Colosseo), ÐTC chủ tọa lễ nghi kính nhớ tất cả các Chứng nhân Ðức tin, bị giết trong thế kỷ XX, không những các chứng nhân đức tin của Giáo hội công giáo, nhưng của các Giáo hội Kitô khác nữa: chính thống và tin lành. Vì thế, lễ nghi cử hành này được gọi là lễ nghi đại kết. Không gì giúp cách hiệu nghiệm vào sự hiệp nhất các tín hữu Kitô bằng việc kính nhớ chung tất cả các chứng nhân đức tin của các Giáo hội Kitô. Các ngài đã chết để trung thành với đức tin nơi một Chúa Kitô. Ðây là một thúc đẩy tiến đến sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: một đức tin, một phép rửa, một giáo hội.
Cô Loredana Brigante, phụ trách Phong trào Thanh niên truyền giáo tại Ý, tuyên bố trong dịp này như sau: "Ngày Cử Hành đặc biệt nầy (24.3/2001) có một tính cách cởi mở hoàn vũ, bởi vì việc tử đạo mở mắt chúng ta nhìn xem tất cả thế giới". Ðể cử hành ngày này, các Hội Giáo Hoàng truyền giáo đã soạn các bài sách thánh và các kinh để đọc trong lúc cử hành thánh lễ, hoặc trong các buổi canh thức cầu nguyện, kèm theo danh sách các Vị Tử đạo trên cả thế giới trong năm 2000, gửi tới các giáo xứ, các tu hội truyền giáo và các đoàn thể thanh niên. Một sự kiện ý nghĩa là trong năm nay, rất nhiều thư được gửi tới văn phòng Bộ truyền giáo nhiều hơn các năm trước đây, để xin cung cấp tin tức về các nhà truyền giáo bị giết trong năm, đồng thời xin gửi các tài liệu cần thiết cho việc cử hành ngày kính nhớ các nhà truyền giáo tử đạo. Ðiều này minh chứng rằng: việc tử đạo ngày nay trở nên vấn đề sôi bỏng. Linh mục Giuseppe Pellegrini, thuộc Văn phòng truyền giáo quốc gia Ý, tuyên bố như sau: "Người dân đã hiểu rõ ràng rằng: kinh nghiệm minh chứng đức tin, đến độ đổ máu, đòi một dấn thân nghiêm chỉnh. Gương các vị tử đạo cho chúng ta thấy: việc tử đạo không phải một việc xa lạ, hiếm có, nhưng liên hệ đến cuộc hành trình của đời sống hằng ngày của mỗi người chúng ta, tín hữu Kitô. Tất cả chúng ta được mời gọi khám phá đức can đảm trong việc tuyên xưng đức tin, cách riêng trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm đe dọa chính sự sống . "Các con hãy trở nên chứng nhân của Cha đến cùng cõi trái đất".
Chương trình cử hành ngày kính nhớ các Nhà truyền giáo tử đạo gồm hai việc chính sau đây: cầu nguyện và ăn chay. Việc cầu nguyện bao gồm Cử hành thánh lễ, buổi canh thức cầu nguyện, trưng bày những dấu hiệu cụ thể về ý nghĩa của ngày này (trong các nhà thờ, trong các gia đình nữa, thí dụ: đốt một cây nến để trên cửa sổ, trưng danh sách các nhà truyền giáo bị giết trong năm....). Việc ăn chay bao gồm nhịn hẳn một bữa ăn và số tiền tương đương với bữa ăn này sẽ được gửi về các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, để giúp các xứ truyền giáo.
Nhưng việc tham dự
hiệu nghiệm hơn cả vào ngày kính
nhớ các nhà truyền giao tử
đạo là sống kinh nghiêïm của
các đau khổ, các bệnh tật, các
vất cả cực nhọc của đời
sống hằng ngày, để dâng lên
Chúa, cách riêng trong ngày kính
nhớ các vị tử đạo
và trong Mùa Chay, mùa nhớ lại
và sống cuộc Tử Nạn của
Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phaolô
nói: "Tôi hoàn tất trong thân xác
tôi cuộc Tử nạn của Chúa
Kitô". Ðây là một việc kính
nhớ các Vị tử đạo
có ý nghĩa hơn cả, một phương
thế hiệu nghiệm cứu rỗi chính
chúng ta và anh chị em chúng ta, theo gương
Chúa Giêsu "đã dùng Thánh
giá để cứu chuộc thế gian".