Nhân Dần Thu Thập
Kính thưa quý ông bà, anh chị em
Thật là xúc động khi tôi được giảng bài tin mừng trong mùa chay này tại nhà thờ chánh toà. Tôi? tôi thú thật với quý anh chị em là đứng trước cảnh tráng lệ, đẹp đẽ sang trọng trong nhà thờ này, rồi so với cảnh nghèo trong xứ cao nguyên nơi tôi phụ trách, thật là một trời, một vực. Vì vậy nên quả là tôi có hơi bị "khớp". (cười)
Qúy anh chị em chắc có biết, nói về tỉnh Kon tum, phải nói tôi xin tự hào khoe rằng, xứ tôi phụ trách cái gì cũng nhất, lớn nhất, có người dân tộc đông nhất, có nhiều đồng bào từ khắp mọi miền về nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất và ? nghèo nhất. (cười).
Tôi làm linh mục đã hơn ba chục năm. Tôi xin được giới thiệu trước anh chị em. Như cha Sở vừa rồi có nói, tôi là người trẻ nhất trong số các cha tại Kon tum. Năm nay tôi vừa tròn 61 tuổi (cười). Tính từ ngày đất nước thống nhất (1975) đến bây giờ. Ðịa phận tỉnh Kon Tum có được 4 cha mới, tổng số các cha trong toàn tỉnh là 30, chết hết 7 cha, có thêm 4 cha, mà hầu hết các cha đã rất già, do vậy mà thưa anh chị em, vậy là chúng tôi thiếu linh mục trầm trọng ? (lặng im)
Nói chung thì tôi trẻ nhất, dù có hơi già nhưng được việc là tôi chưa phải vào nhà thương hay uống thuốc, nên cũng phải gồng mình lên cáng đáng mọi việc. Như ở giáo xứ Sa thầy nơi tôi đã phụ trách. Có tất cả là 4 cha, một chánh xứ, 77 tuổi, yếu nhiều, còn lại hai cha, một ông thì nằm liệt giường, một ông bị ung thư giai đoạn cuối, nên chỉ có còn mỗi mình tôi. (cười)
Tình hình là các cha già yếu, lại bị đủ thứ bệnh, thôi thì ông liệt cột sống nè, ông ung thư nè, ông lại bị tiểu đường... do vậy mà công việc nhiều lắm, ờ, nhiều nhưng mà vui lắm, vui lắm. Anh chị em có biết là tỉnh Kon tum từ thị xã quét một bán kính xung quanh ra toàn tỉnh là 70 cây số, do vậy mà xứ tôi thì tha hồ đi, đi mệt thôi. Ði mà rất vui, vui vì giúp đỡ được nhiều người. Anh chị em cũng biết là Kon tum là tỉnh có số lượng người phong cùi nhiều nhất nước. Tôi là người trẻ nhất, có sức khoẻ nhất, nên được giao việc phụ trách người bệnh phong cùi, vì vậy mà tôi hay đến thăm họ lắm.
Như lúc nãy tôi có nói với anh chị em, Kon tum là tỉnh có đến 180 ngàn người công giáo, có 70 phần trăm là người dân tộc, sống rãi rác khắp nơi. Ði không từ giáo xứ này qua giáo xứ khác cũng mệt rồi. Huống chi bây giờ đi thăm người bịnh mà cả tỉnh chỉ có mình tôi. Các anh chị em, đồng bào sinh sống ở đây nghèo lắm, có thể nói là nghèo nhất nước. Tôi nhớ có lần tôi vào thăm một buôn làng, già làng nói: "Ơ, Bab ơiiii, Bab nói tôi nghèo haa, Kô, Baa mới nghèo, vì Ba khổ, chú chúng tôi nghèo quá rồi, nghèo quen rồi, nghèo riết nên không thấy nghèo nữa, khổ quen rồi, cho nghèo luôn. "!!!!. (chú thích: người dân tộc vùng này gọi vị linh mục công giáo là Bab). (im lặng)
Có lần, anh chị em có biết là tôi lội bộ 12 cây số để vào thăm một buôn người dân tộc, họ có tục lệ là đối với người bị phong cùi, làng sẽ cất nhà riêng trong rừng cho ở, không cho ở chung. Mà đồng bào nghèo quá, khổ quá, nên cái nhà của họ đã không ra gì, giờ thì họ lại cất nhà cho người cùi ở, thật là không gọi là nhà, phải gọi là ổ mới đúng hơn, mà chỉ một mùa mưa là rách nát. Tôi mỗi lần đến thăm họ phải cúi sát đầu, lom khom mới vào "nhà" họ được. Thấy tôi đến, họ mừng lắm anh chị em à, họ cứ nhìn tôi họ cười, họ nói Bab đến thăm con là quý lắm, mừng lắm, họ cười mà tôi khóc anh chị em ơi. (khóc) (chú thích: lúc này cả nhà thờ chánh toà im lặng và khóc theo vị linh mục) Họ nghèo quá, lại cùi, nên tôi tặng họ vật gì của giáo dân góp cho tôi, là họ mừng lắm, cứ giữ khư khư ép vào ngực như sợ bị mất đi. ( khóc)
Có một lần vào "nhà" một người cùi, họ nói với tôi: Bab ơi, Bab cho con xin một tấm, ờ miếng nilon đi, Bab có Bab cho con xin đi, một miếng thôi, để con che cái gường con nằm thôi, che chổ con nằm nằm thôi. Bab ơi, mấy hôm nay mưa quá, cả nhà con, chổ nào cũng dột, lạnh quá, ướt quá con Kô ngũ được Bab ơi. (khóc)
Khổ lắm anh chị em à, họ nghèo mà lại không có học hành gì, nên muốn giàu cũng không được, họ chỉ biết đếm đến 100 là hết. Các anh chị em có thể tưởng tượng nổi là họ cầm tờ 100 ngàn, họ mua chai nước mắm 37 ngàn, họ không biết nhận lại bao nhiêu, đưa bao nhiêu thì họ nhận bao nhiêu, vậy đó. Ðã nghèo, lại không được học, sống chỉ bám vào đất mà sống, nên giàu sao được. Cứ mỗi lần từ thị xã lên thăm họ, tôi cứ cố tìm chổ nào có thức ăn rẽ nhất mà mua cho họ. Ví dụ như ở đây, tôi thấy một ký ruốc là 20 ngàn, nhưng ở Phan Thiết chỉ bảy ngàn thôi.
Tôi là người Bình định, dân miền trung cũng nghèo đói quá mà tha phương đến tận Kon tum, nên tôi rành lắm. Ở Kon tum, nhiều đồng bào mình nghèo quá khắp bốn phương về sinh sống, Bắc có, Trung có, Nam có, nhưng đều nghèo như nhau, lại tốt nữa, nên tôi đề nghị họ giúp gì, dù họ nghèo, họ cũng ráng giúp nhiều lắm. Tôi cứ lang thang khắp tỉnh, ờ có cá vụn, cơm khô, muối hạt, tôi cứ xin chổ nào ngừời ta bán rẻ nhất là tìm đến xin mua cho họ. Có lần, có một số bạn nói với tôi, chúng con có ít tiền, Cha mua ít đồ tặng họ đi Cha. Tôi liền mua nhiều thứ rẻ, gói thành từng gói nhỏ. Như cá khô thì tôi gói theo ký, cứ một ký là một gói. Tôi đem cho họ, họ mừng lắm. Khi đến một xã, khi tôi đã phát hết quà, còn lại trong giỏ mấy ký cá khô, lại gói trong các gói giấy bóng vui mắt, nên trẻ con cứ theo tôi nhìn, ánh mắt của chúng ra vẻ thèm lắm, nhưng chúng không nói. Tôi hỏi, các con thích không, chúng gật đầu, tôi xuống xe ngay và phát hết mấy ký cá khô còn lại, đây, con một ký, con một ký. Chúng nhìn tôi chăm chăm, hai tay ôm bọc cá khô cứ hỏi tôi hoài:
- Bab ơi , Bab cho con thiệt
hả Bab?
- Ư , Bab cho con thiệt mà.
- Bab cho con à, Bab cho con thiệt
hả Bab, Bab cho con thiệt hả Bab??
Thưa anh chị em, có đến những vùng này mới thấy hết cái khổ cùng cực của người dân nơi đây. Tôi cứ tự hỏi là nếu mà tôi đem mấy ký cá khô này tặng các giáo xứ nơi gần đây, chắc các bạn sẽ nói, ông Cha này bị Khùng?!. Thế đấy thưa anh chị em. Tôi muốn nói rằng, chúng ta đối với những người nghèo, người bịnh, trong khả năng của chúng ta, không cần nhiều, mỗi người, một ít thôi.
Thưa anh chị em, một ít thôi, một tấm nilon nhỏ, một ký cá khô, giúp cho họ bớt khổ, họ mừng lắm thưa anh chị em. Thưa quý ông bà, anh chị em. Tôi mong rằng tất cả chúng ta sẽ sống đẹp hơn lên trong mùa chay năm nay, để xứng đáng với đức hy sinh quên mình của Thiên Chúa. Amen.
Sàiòn, Ngày 4 tháng
3 năm 2001.