Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
Khi ấy Ông Simon được Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Mừng Lễ Kính Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Ðức Bà Maria và thánh Giuse năm nay, người công giáo Việt Nam biết rõ hình ảnh gia đình ở Việt Nam cũng như trên thế giới không mấy rực rỡ qua các phương tiện truyền thông. Người ta dễ dàng nhắc tới những vụ, như ở Mỹ, cậu bé Ðỗ Như Hãn (Johnathan Prevette) 6 tuổi đã bị đình chỉ đến trường vì vi phạm chính sách quấy rối tình dục. Còn ở Việt Nam dư luận chưa hết sôi nổi về những vụ gia đình bố mẹ nghèo nên gả con cho người nước ngoài bất kể tới hạnh phúc của con, thậm chí còn có bố mẹ cho con đi phục vụ khách hàng du lịch tình dục ở một nước bên cạnh! Nhưng chính vì vậy mà gương lành của những gia đình vượt mọi khó khăn để sống lý tưởng tình yêu theo mẫu gương Nadaret càng trở nên cần thiết. Hãy nghe hai anh chị Bùi Lân (Blandy) và Minh Nga (Miriam) cùng với con là Xuyên chia sẻ:
ANH BÙI LÂN: Gia đình tôi có ba con là Chuộng, Xuyên và Cảnh (Chiaretta, Sime and Kevin). Từ ngày chúng tôi sống tinh thần hiệp nhất của Tổ Aám, đời sống giữa chúng tôi với nhau và với các con khác hẳn trước. Bản thân tôi từng chủ trương thi hành quyền bính. Với tư cách gia trưởng, tôi thường đòi hỏi vợ và các con phải vâng lời.
CHỊ MINH NGA: Tôi cũng có cá tính mạnh nên nhiều khi đi đến chuyện hiểu lầm nhau. Tôi đã muốn thống trị đời sống con cái tôi, bắt chúng phải làm điều này, tránh điều kia. Cả hai vợ chồng chúng tôi đều áp đặt trên con cái những việc đạo đức, như dự lễ, lần chuỗi, khiến chúng cảm thấy như bị phạt thay vì được tự do gặp gỡ Chúa.
ANH: Khi gia đình chúng tôi tham gia Tổ Aám và sinh hoạt với các gia đình bạn, chúng tôi liền thấy ngay chúng tôi đã không yêu thương nhau theo cách yêu thương của Chúa Giêsu. Chính Chúa dạy "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con." Chúng tôi thấy rõ chúng tôi đã cố công thi hành luật lệ hơn là thiết lập nên tổ ấm yêu thương.
CHỊ: Từ từ chúng tôi khám phá ra rằng, quyền bính không nên được sử dụng như sức ép. Ðúng ra, nó phải được sử dụng nhằm việc phục vụ mà thôi. Con cái chúng tôi là những con người, không phải là những món đồ chúng tôi sở hữu trong tay.
Dĩ nhiên, con đường khám phá ra lý tưởng hiệp nhất chẳng dễ dàng. Có lần cuộc tranh luận trở nên nóng bỏng với những lời gây thương tích đến nỗi chính tôi đứng phắt dậy không thèm nói năng gì với anh ấy. Tôi đã tìm đến một ngôi thánh đường và ở lại lâu hồi mới có thể làm mới lại điều tôi đã quyết tâm.
Chúa Giêsu như không còn hiện diện nữa
ANH: Khi MINH NGA nhà tôi bỏ đi, tôi cảm thấy như chính Chúa Giêsu không còn hiện diện nơi gia đình chúng tôi nữa. Tôi đã quyết tâm sửa sai. Tôi không còn muốn trở về với thói xưa tật cũ nữa. Chỉ những khác biệt nhỏ nhoi đã từng đưa đến cãi cọ và một hoàn cảnh không xuôi chảy kéo dài nhiều ngày. Lần nầy bất kể do lỗi của ai, tôi cũng phải chết đi cho ý riêng của tôi và phải vượt thắng tính kiêu căng của tôi.
Tôi nhận ra rằng tôi phải là người đầu tiên dấn mình vào yêu thương: đó là việc phục vụ mà chính Chúa chờ đợi nơi tôi vào thời điểm này. Tôi đã xin Chúa cho tôi cơ hội để thực hiện việc đó không chút trì hoãn, nhưng tôi lại không biết Minh Nga đi đâu và có trở về nữa hay không. Cho nên tôi thực là hạnh phúc khi thấy nhà tôi trở về.
CHỊ: Khi tôi trở về, nhà tôi là người đầu tiên lên tiếng. Anh ấy hỏi tôi đi đâu. Tôi đã không trả lời ngay được. Tôi xấu hổ hầu như không dám nhìn anh ấy. Nhưng Chúa đã khiến tôi ý thức rằng biến cố mới xảy ra thực sự chẳng trầm trọng nên tôi bật cười và anh ấy cùng cười với tôi. Như vậy là mối tình hiệp nhất được phục hồi. Chúng tôi lại bắt đầu lại.
Có một thay đổi lớn trong cách chúng tôi đối xử với các con chúng tôi. Chẳng hạn có lần đứa con út là Cảnh bảo tôi dành quá nhiều thời giờ cho hai chị nó. Thoạt tiên tôi đã muốn phản ứng nhưng có tiếng nói trong tôi bảo tôi phải biết lắng nghe. Vậy tôi đã để ý nghe Cảnh. Tôi nhận ra tôi bị hiểu lầm khi đối xử với cháu như đứa con trai đang lớn lên. Vậy tôi đã xin lỗi cháu vì tôi đã khiến Cảnh hiểu lầm là tôi bỏ rơi Cảnh để dành thời giờ cho hai chị nó.
Cảnh đã xin tôi mua cho Cảnh mấy băng nhạc gõ nhịp chính tôi chẳng ưa gì, nhưng vì tình yêu tôi đã tìm mua cho Cảnh hai băng nhạc loại đó, khiến Cảnh lấy làm sung sướng lắm.
XUYÊN: Ðiều ba mẹ cháu vừa mô tả về gia đình quả đúng sự thật. Mặc dầu ba mẹ chỉ muốn ghi đậm nơi chúng cháu những việc đạo đức. Riêng cháu nhiều lần cảm thấy bị ép buộc làm những việc đó. Chẳng hạn tối hôm đó ba cháu ép cháu phải lần chuỗi nhưng cháu thực cảm nhận mình bị trừng phạt. Cháu đã mất đến 30 phút không được coi một chương trình truyền hình cháu muốn coi.
Lại nữa, ba mẹ cư xử khắt khe nên cháu đâm ra sợ. Những năm cháu đang lớn lên, cháu từng nghiệm thấy như có một bức tường ngăn cách giữa ba mẹ và cháu. Chính cháu cũng hay cãi cọ với người chị và Cảnh là em trai. Lần kia cháu cãi nhau với chị Chuộng đến nỗi nắm tóc chị ấy mà lôi đi; cháu chỉ khựng lại khi chị ấy la lối. Chỉ vì không hoàn toàn đồng ý với ba mẹ về nhiều điều nên cháu cảm thấy có sức nổi loạn rấy lên bên trong cháu.
Tiếng gọi thể hiện cuộc cách mạng tình yêu
Thế rồi cả gia đình tham gia Phong trào Tổ Ấm. Cả ba chị em đều tham gia sinh hoạt giới trẻ của Phong trào. Với cháu, sinh hoạt loại đó cho cháu cơ hội vui sống. Khi ấy cháu mới bước vào trung học. Nhờ học được nhiều điều nơi các bạn trẻ Tổ Aám, mỗi ngày cháu một nghe rõ tiếng Chúa Giêsu gọi phải thể hiện một cuộc cách mạng tình yêu, đó là thể hiện thứ tình yêu chính Chúa Giêsu dạy. Ðó là thứ tình yêu mang lại tình hiệp nhất và niềm vui, thứ yêu thương nhận thấy nơi mọi khổ đau cơ hội để yêu thương nhiều hơn. Ðó là thứ tình yêu mà cả kẻ địch cũng được dành một chỗ chứ không bị loại bỏ. Ðó là thứ tình yêu sẵn sàng tha thứ tới bảy mươi bảy lần bảy.
Những điều cháu vừa kể đã thực sự khiến cháu được thay đổi. Mùa hè vừa qua, cháu thực đã trải qua một thời điểm khó khăn. Sau ít ngày giữ miệng không nói với ai, tự nhiên cháu đã bộc lộ hết cho má nghe biết những điều cháu cảm nghĩ. Ðiều ấy cháu không dám thực hiện trong quá khứ vì sợ bị hiểu lầm. Nay vì biết ai nấy trong gia đình đều muốn sống tình hiệp nhất, cháu đã học để tin tưởng vào má nên không còn e ngại nữa, để cảm thấy được nhẹ nhõm sau đó.
Cháu cũng thấy mối tương quan của cháu với chị Chuộng và em Cảnh đã ra khác. Tuy những tranh cãi đặc thù giữa hai chị em là cháu và Cảnh vẫn còn nhưng mối giây tình yêu ràng buộc nhau lại là mối giây hiệp nhất do chính Chúa Giêsu mang lại. Chính mối giây ấy cháu cảm thấy còn mạnh hơn cả mối giây ràng buộc về xác thịt của gia đình.
Lời chia sẻ của hai anh chị Bùi Lân và con là Xuyên, chỉ khởi sắc nhờ ánh sáng của gia đình gương mẫu Nadaret mà bài Tin Mừng hôm nay để lộ ra cho ta chiêm ngưỡng.
Thánh Luca tóm tắt bài Tin Mừng hôm nay bằng cách nói rằng Thánh Gia thất hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền (Lc 2,39). Trong thực tế điều được hoàn tất vượt xa những điều luật buộc. Ðức Giêsu không chỉ được cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lc 2, 21) như Gioan Tẩy Giả (Lc 1,59), Người còn được tiến dâng cho Thiên Chúa nơi Ðền Thờ. Ðó là điều không được thực hiện cho Gioan Tẩy Giả. Luật chỉ buộc người mẹ dâng lễ vật khi mãn thời gian thanh tẩy (x. Lev 12,1-8), nhưng Luca nói đến lễ thanh tẩy của các ngài (Lc 2,22) có lẽ để nói lên rằng cả ba vị là Ðức Giêsu, Ðức Maria và thánh Giuse đều hiệp thông trong việc thờ phượng Thiên Chúa nơi Ðền Thờ. Luật xác định rõ lễ vật của người nghèo là "đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội" (Lev 12,8). Như vậy Thánh Gia Thất một cách hồn nhiên, đứng về phía người nghèo của Giavê Thiên Chúa. Chính Ðức Maria đã tán dương Thiên Chúa khi nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa… Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có, lại đuổi về tay trắng" (Lc 1,46-53)
Riêng về Ðức Giêsu sau này tông đồ Phaolô nói: "Anh em biết Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2Co 8,9)
Vậy tất cả những điều anh chị Bùi Lân và con là Xuyên chia sẻ, cũng chỉ phản ảnh cuộc hoán cải toàn diện trở về nguồn. Mọi gia đình Kitô thực sự chỉ tìm được hạnh phúc do Ðấng dạy bảo họ rằng: "Anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em" và "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,34-35)
1. Bạn tâm đắc được gì về lời chia sẻ của anh chị Bùi Lân và con là Xuyên: "Chúng tôi đã không yêu thương nhau theo cách yêu thương của Chúa Giêsu?" "Tôi xấu hổ không dám nhìn anh ấy… Nhưng tôi bật cười và anh ấy cũng cười… Như vậy tình hiệp nhất được hồi phục"? "Nhờ học được nhiều điều nơi các bạn Tổ Aám, mỗi ngày cháu nghe rõ hơn tiếng Chúa Giêsu gọi phải thể hiện một cuộc cách mạng tình yêu"? "Ðó là thứ tình yêu mà cả kẻ địch cũng được dành một chỗ chứ không bị loại bỏ"?
2. Bạn hiểu thế nào về việc Thánh Gia Thất đã hoàn tất mọi việc vượt xa những điều luật buộc?