Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy gìa rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Ðức Maria được hỏi ý
Trong những ngày cuối cùng của mùa vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc về việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Ðức Mẹ. Chúng ta thường nghĩ rằng chắc thánh Luca đã nghe Ðức Mẹ kể lại nguyên văn cuộc đối thoại giữa Ðức Mẹ với sứ thần Gáp-ri-en, rồi sau đó viết lại. Thật ra, có thể thánh Luca chỉ muốn trình bày một kinh nghiệm nội tâm của Ðức Mẹ, kinh nghiệm này chỉ có một mình Ðức Mẹ thấu biết.
Khi Thiên Chúa muốn Con của Ngài xuống thế làm người, để cứu độ nhân loại, Ngài đã muốn người Con ấy là người trăm phần trăm. Chính vì thế Thiên Chúa đã chuần bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế. Người mẹ ấy là Ðức Maria, người làng Nadarét, vùng Galilê, nước Pa-lét-tin. Cô Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn vàn phụ nữ trên địa cầu. Ngài chọn Cô chẳng phải vì Cô thánh thiện hơn người khác. Ngài chọn Cô từ khi Cô còn trong bụng mẹ, và Ngài đổ trên Cô tràn trề ân sủng: "Hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng Cô" (Lc 1,28). Ðược tràn trề ân sủng có nghĩa là được Thiên Chúa mến thương, được đẹp lòng Thiên Chúa (c.30). Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho Cô Maria. Ngài đã tạo dựng Cô như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Cô xứng đáng trở nên người cưu mang chính Con Một của Ngài. Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Cô chỉ là một thôn nữ của một ngôi làng nhỏ bé vô danh, cách đây 20 thế kỷ.
Nhưng Thiên Chúa không ép buộc Cô Maria làm mẹ của Con Một Ngài, dù Ngài đã chuẩn bị Cô một cách đặc biệt để đón nhận trọng trách cao cả đó. Ngài tôn trọng tự do của Cô, tự do mà chính Ngài đã ban cho Cô trong tư cách là người. Ngài không có quyền đặt Cô trước một sự-đã-rồi. Ngài muốn hỏi ý Cô, và chờ Cô ngỏ lời ưng thuận. Không có sự ưng thuận này, Thiên Chúa không thực hiện được công trình cứu độ nhân loại. Ai dám ngờ rằng Thiên Chúa vẫn cần đến con người? Ngài đã cần Ðức Maria để làm người cộng tác với Ngài. Ngài vẫn cần đến tôi, đến từng người chúng ta, hôm nay. Mỗi người chúng ta đều được giao phó một trách nhiệm. Không phải là "không có mợ thì chợ vẫn đông". Sự khước từ của chúng ta kéo theo bao đổ vỡ mà chúng ta không lường được.
Bài Tin Mừng trên đây cho thấy chính Thiên Chúa hỏi ý Cô Maria qua trung gian một sứ thần do Ngài sai đến. Trong Cựu Ước, ta cũng thấy sứ thần của Ðức Chúa (hay chính Ðức Chúa) hiện ra để loan báo sự chào đời của một số nhân vật, như Ít-ma-en (Sáng thế 16,7-13), I-xa-ác (Sáng thế 17,1-21;18,1-15) và Sam-son (Thủ lãnh 13,3-20). Thánh Luca đã viết đoạn Tin Mừng hôm nay dựa trên cái khung của các đoạn văn Cựu Ước trên đây. Ðể loan báo sự chào đời của một trẻ thơ, thường thường có 5 yếu tố trong bài trình thuật: a- một sứ thần (hay Ðức Chúa) xuất hiện cho người cha hay người mẹ; b- người được sứ thần hiện ra cảm thấy sợ hãi, bối rối; c- nội dung sứ điệp từ trời; d- lời vặn hỏi hay lời xin một dấu chỉ của người được sứ thần hiện ra; e- sứ thần trấn an và cho dấu chỉ. Trong bài Tin Mừng trên đây của Luca, ta cũng thấy có 5 yếu tố như vậy: a- sứ thần xuất hiện (1,28); b- sự bối rối của Cô Maria (1,29); c- sứ điệp của Chúa (1,30-33); d- lời vặn hỏi của Cô Maria (1,34); e- sứ thần trấn an và cho dấu chỉ: Bà Eâlisabét mang thai trong lúc tuổi già (1,35-37).
Một số nhà chú giải Kinh Thánh gần đây cho rằng không nên hiểu đoạn Tin Mừng trên đây theo nghĩa đen. Ðiều quan trọng không phải là có một sứ thần thực sự đã hiện ra trò chuyện với Ðức Maria, và mẫu đối thoại trên đã được thánh Luca ghi lại nguyên văn. Ðiều quan trọng là chắc chắn Ðức Maria đã được Thiên Chúa mời gọi, hỏi ý, và Mẹ đã đáp lời. Từ lúc ấy Con Thiên Chúa trở nên người phàm trong bụng Mẹ. Mẹ đã trở nên người cưu mang Con Thiên Chúa.
Khuôn mặt Ðức Giêsu
Chúng ta thường gọi đoạn Tin Mừng trên đây dưới tựa đề là "Thiên thần truyền tin cho Ðức Mẹ". Nhưng thiên thần và Ðức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Ðức Giêsu. Ðoạn Tin Mừng này nhằm giới thiệu cho chúng ta căn tính của Ðức Giêsu. Ðó là đích nhắm chủ yếu của thánh Luca. Qua lời của sứ thần mà chúng ta biết Giêsu là ai. Lời của sứ thần Gáp-ri-en gồm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ câu 30-33. Sứ thần loan báo Ðức Maria sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Ở đây Ðức Giêsu đã được sứ thần gọi là Con Ðấng Tối Cao. Chúng ta không nên hiểu cụm từ này theo nghĩa như ta vẫn hiểu bây giờ. Trong Cựu Ước, các thiên thần (Tv 29,1), những người Do thái đạo đức (Kn 2,13) và nhất là Ðấng Mêsia (Tv 2,7) cũng được gọi là Con Thiên Chúa hay Con Ðấng Tối Cao. Chính trong Tin Mừng Luca, chúng ta cũng gặp câu: "Hãy yêu kẻ thù… và anh em sẽ là Con Ðấng Tối Cao" (6,35). Vậy ở đây chúng ta chỉ nên hiểu Con Ðấng Tối Cao theo nghĩa là Ðấng Mêsia. Quả thật, cho đến hết câu 33, chúng ta thấy lộ ra khuôn mặt của Ðấng Mêsia: "Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận." Ðây chính là lời Ðức Chúa phán với Ðavít qua miệng ngôn sứ Na-than (2S 7, 12-13) về vị vua sẽ kế nghiệp Ðavít. Như thế Ðức Maria được mời gọi làm Mẹ Ðấng Mêsia.
Giai đoạn 2 từ câu 34-37. Trong giai đoạn này, Ðức Giêsu được gọi là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Ðức Maria thụ thai Ðấng Thánh bằng cách nào? "Thánh Thần sẽ ngự trên bà và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà." Như thế Ðức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa, Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần, vì thế Ðấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu cụm từ "Con Thiên Chúa" ở đây theo nghĩa hết sức đặc biệt, có một không hai, bởi lẽ Người Con này được sinh bởi quyền năng Thánh Thần, chứ không phải bởi một người cha nhân loại. "Tôi không biết đến việc vợ chồng" có nghĩa: "Tôi vẫn còn là một trinh nữ." Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Ðức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một trinh nữ. Ðức Giêsu không phải chỉ là Ðấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi. Ngài còn là Ðấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều. Ngài là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.
Xin vâng
Chúng ta không rõ đích xác giây phút Ðức Maria được Thiên Chúa ngỏ lời. Lúc đó Mẹ chỉ là một thiếu nữ mới lớn, và đã đính hôn với Giuse. Có thể Mẹ đã mong ước một cuộc hôn nhân bình thường với người mình yêu. Nhưng qua cầu nguyện, dần dần Mẹ thấy Thiên Chúa mời mình đi vào một con đường rất lạ; dần dần Mẹ thấy mình được Ngài tuyển chọn để cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu độ nhân loại. Nghe lời Thiên Chúa mời gọi, đã có lúc Mẹ cảm thấy hết sức bối rối (x. câu 29), và sợ hãi (c.30). Có lúc Mẹ không hiểu rõ cách thức Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài nơi con người Mẹ, nên Mẹ đã hỏi để tìm thêm ánh sáng, để hiểu rõ hơn nhằm cộng tác hiệu quả hơn (c.34). Cũng có lúc Thiên Chúa đã cho Mẹ những dấu chỉ để làm Mẹ kiên vững hơn trong đức tin, và xác tín mạnh mẽ hơn rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được (cc. 36-37).
Trước khi nói lời Xin Vâng, Mẹ đã trải qua một hành trình đức tin. Xin Vâng không có nghĩa là thấy rõ con đường trước mặt Chúa muốn mình đi. Xin Vâng là mềm mại, buông mình cho Thiên Chúa dẫn đi, yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai, nhưng vì tương lai của mình nằm trong tay Chúa. Xin Vâng không phải vì mọi sự đều sáng sủa và trơn tru, nhưng Xin Vâng ngay giữa đêm tối tăm gập gềnh. Xin Vâng là để cho Chúa sử dụng con người mình, là chấp nhận để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ. Nếu Ðức Maria chấp nhận ý Thiên Chúa, chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa ngay khi chưa về chung sống với Giuse, thì Mẹ cũng phải chấp nhận những hậu quả xảy ra sau đó. Có thể đã có những hiểu lầm suýt gây tan vỡ, nhưng quan trọng hơn cả là từ sau lời Xin Vâng đầu tiên, Ðức Maria hiểu rằng tình yêu giữa mình và thánh Giuse đã đổi khác. Mẹ được mời gọi để dâng hiến trọn vẹn con người mình - cả hồn lẫn xác - cho Thiên Chúa, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, cho Ðức Giêsu Con Mẹ.
Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành một bào thai nhỏ xíu trong lòng Mẹ. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này. Chúng ta cần nhìn ngắm Con Thiên Chúa lớn lên từ từ như bao thai nhi khác. Cần hơn 9 tháng để có thể mở mắt chào đời, cất tiếng khóc oe oe. Mỗi thai nhi đều mang khuôn mặt của Ðức Giêsu Con Thiên Chúa. Làm hại thai nhi là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
1. Nhờ tiếng Xin Vâng của Ðức Maria mà Con Thiên Chúa đi vào thế giới loài người. Bạn có nghĩ rằng nhờ tiếng Xin Vâng của bạn, Chúa Giêsu mới đi vào được mọi ngõ ngách của cuộc sống hôm nay không?
2. Trên thế giới, vẫn có những người tự tử vì không thấy được cuộc sống có ý nghĩa. Theo bạn, việc Con Thiên Chúa chấp nhận làm người nghèo khổ, khổ đau, thất bại, có giúp bạn vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc sống không?