Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 21 tháng 11 năm 1999
Chúa Nhật 34 Quanh Năm A
Lễ Ðức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Ðọc Tin Mừng Mt 25,31-46

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Từ "Người khách lạ" đất Tây Nguyên

Không bao giờ Minh quên được chuyện xảy ra vào một buổi tối mùa đông lạnh nơi đất Tây Nguyên. Một người khách lạ đến gõ cửa nhà anh. Ông ta tuổi khoảng 60, đang run rẩy có lẽ vì đói và lạnh. Mọi sự thật không dễ dàng vào thập niên 80. Vả lại căn hộ của Minh mới bị trộm trong một trường hợp tương tự. Nhưng tình cảnh của người khách lạ làm Minh động lòng trắc ẩn. Anh đưa ông ta vào phòng đợi. Cả gia đình đang dùng bữa, khi anh vào thông báo chuyện xảy ra thì mọi người đều nhao nhao phản đối với đủ lý do thuyết phục. Bối rối, Minh xin phép gia đình cho khách lạ dùng bữa rồi sẽ tính sau. Minh đem cơm ra phòng đợi, khách lạ từ chối, chỉ van xin được ngủ qua đêm! Ðiều này khiến Minh bắt đầu nghi ngại. Dù sao anh cũng ép được ông khách dùng bữa. Minh còn tiếp ông ta một ly rượu nhỏ cho đỡ lạnh. Sau bữa cơm ông miễn cưỡng ăn, Minh phải nói thật là không thể đón tiếp ông ta qua đêm. Nghe điều ấy, dường như người khách đã bật khóc! Tự dưng Minh cảm thấy xót xa và lúng túng. Anh vào báo lại cho gia đình thì thấy không một ai chấp nhận và cũng không ai muốn ra xem cho rõ thực hư. Minh cảm thấy có một sự băng giá. Riêng nơi thâm tâm, anh cũng thấy mình biếng nhác và sợ trách nhiệm. Anh trở ra nói cho người khách biết quyết định của gia đình và cũng là của chính anh nữa. Người khách tuyệt vọng lủi thủi lên đường vào lúc 9 giờ tối. Ðêm ấy Minh không tài nào ngủ được vì bị xao xuyến bồi hồi. Anh thầm thỉ cầu nguyện cho người khách lạ. Nơi nội tâm, anh thấy mình hoàn toàn bất ổn.

Sáng hôm sau, Minh được biết người khách lạ đã xỉu dọc đường. May mà có người thuộc một gia đình Phật giáo mà Minh quen biết, đã kịp thời nhận ra nạn nhân trên đường đi làm về. Người ấy đã đưa nạn nhân về nhà mình, sưởi ấm và cho ngủ qua đêm. Sáu giờ sáng ngày hôm sau người đó còn chở ông ta ra bến xe để mua vé cho ông ta về Quảng Nam Ðà Nẵng.

Về tông tích của ông ta, không một ai biết. Nhưng với Minh, hình ảnh sống động của người khách lạ đó không thể nào xoá nhoà được. Hình ảnh ấy vẫn cứ còn đó trong tâm trí anh để phán xét anh. Chính bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho anh thấy anh đã từng là con người như thế nào và đã có thể trở nên con người như thế nào nếu anh chết. Anh như nghe thấy lời văng vẳng của Chúa nói với anh: "Ta là khách lạ ngươi đã không tiếp rước… mỗi lần ngươi không làm như thế (tức tiếp rước người khách lạ) là ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." (cc.43-45)

Ðến viễn tượng "Khách lạ" trong cuộc chung thẩm

Bài Tin Mừng của Matthêu hôm nay kết thúc bài giảng cánh chung của Chúa Giêsu với cuộc phán xét vào ngày sau hết. Cuộc phán xét này được thực hiện cách trực tiếp và thẳng thắn do vị thẩm phán Con Người. Vị này xuất hiện trong vinh quang của Người. Chính Người sẽ tách biệt mọi dân nước ra làm hai (cc.31-33). Một bên là những ai đã làm việc nghĩa "cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta" (c.40), đó là những người sẽ được chúc phúc (cc.34-40). Ngược lại là những người thiếu sót không chịu thực hiện những việc nghĩa đó "cho những anh em bé nhỏ nhất của Ta," họ sẽ bị kết án (cc.41-46).

Những việc thiện bao gồm không những cung cấp nơi ở cho khách lạ nhưng còn là cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần trụi áo mặc, cho người ốm đau cũng như kẻ bị giam giữ những lần thăm viếng. Những việc nghĩa ấy đáng được thưởng công vì trong ngày chung thẩm những việc ấy sẽ được vị Thẩm phán kể như đã được thực hiện cho chính mình bởi lẽ vị ấy đồng hoá bản thân mình với những anh em bé nhỏ nhất (cc.40,45).

Vậy "muôn dân nước" (c.32) và "những anh em bé nhỏ nhất của Ta" (cc40,45) là ai? Người ta thường hiểu "muôn dân nước" chỉ về mọi nước, mọi dân tộc; còn "những anh em bé nhỏ nhất của Ta" chỉ về những người gặp cơn túng quẫn về phương diện nào đó. Vậy ngày sau hết toàn nhân loại sẽ bị xét xử về những việc thiện họ đã làm hay đã thiếu sót không làm cho người nghèo khó và khổ đau.

Nhưng trong Matthêu, "muôn dân" và "mọi dân tộc" thường chỉ về dân ngoại không phải là Ít-ra-en. Ví dụ Mt 4,15; 6,32; 10,5-18; 12,18-21; v.v… Ðồng thời "những anh em bé nhỏ nhất" trong nhiều đoạn Tin Mừng Matthêu như 10,40-42; 18,6-14 xem ra chỉ về các Kitô hữu.

Dù sao điều đã có thể thay đổi toàn cảnh chính là bản thân vị thẩm phán của cuộc chung thẩm. Vị đó là Ðức Giêsu, Ðấng đã phục sinh. Người đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Trước khi về trời, Người đã ra lệnh cho các môn đệ làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Người và dạy họ tuân giữ mọi điều Người đã dạy (xem Mt 28, 18-20). Vậy cuộc phán xét chung sẽ là cuộc tổng kết lại toàn bộ công cuộc Tin Mừng hóa. "Do đối diện với Ðức Kitô là Thiên Chúa chân lý, chân lý về tương quan giữa con người và Thiên Chúa sẽ hoàn toàn minh bạch. Cuộc phán xét chung sẽ cho thấy hậu quả sau cùng của những gì con người đã hành động tốt hay từ chối hành động trong suốt cuộc đời trần thế." (Giáo lý GHCG, số 1039). Nếu trong cuộc Phúc Âm hóa thế giới, Ðức Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo hèn (xem Lc 4,18) thì cuộc phán xét chung phải làm cho điều ấy được nổi bật. Do đó thánh Âu tinh đã bình luận:

Mọi điều xấu người ác đã làm đều được ghi nhận và họ không biết điều đó. Ngày đó Thiên Chúa sẽ không im lặng (Tv 50,3). Người quay về phía người xấu: Ta đã đặt trên mặt đất cho các ngươi những người bé nhỏ nghèo khổ. Ta là thủ lãnh của họ. Ta ngự trên trời bên hữu Cha Ta; nhưng trên mặt đất, những phần thân của Ta phải đói. Nếu các người đã cho phần thân của Ta: các ngươi vươn đến Ta, Ðầu của thân thể. Khi Ta đặt những người nghèo khổ bé mọn trên mặt đất là trung gian cho các người để họ mang việc tốt của các người vào kho tàng của Ta: các ngươi đã chẳng bỏ vào tay họ chút gì, vì thế các người chẳng có gì bên cạnh Ta (Bài giảng 18,4,4).

Vậy bài Tin Mừng hôm nay không chỉ soi sáng cho các cá nhân gỡ rối những nố lương tâm liên quan tới những việc thiện lẽ ra phải làm nhưng họ đã không làm. Một cách tích cực, bài Tin Mừng hôm nay đặt ta đối diện thẳng với tương lai vĩnh cửu của ta. Ðó là nơi Ðức Giêsu tỏ hiện là Ðấng đã được Thiên Chúa giao toàn quyền trên trời dưới đất. Nhưng Ðức Giêsu mãi mãi sẽ là hiện thân của tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài là vua vũ trụ nhưng trước tiên Ngài là vua của mọi cõi lòng. Ngài dứt khoát tỏ lòng ưu ái đối với những anh em bé nhỏ nhất đến nỗi buộc mọi người phải chấp nhận đó là con đường cứu độ cho mình.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về chuyện "Người khách lạ" đất Tây Nguyên: thật đáng tiếc Minh đã không cho khách lạ qua đêm bằng cách bảo đảm an toàn cho gia đình Minh đêm đó? Ít nhất Minh đã cho ông lão rét run được ăn và được uống ly rượu cho ấm lòng? Minh không thể hoàn toàn vô trách nhiệm trước sự kiện khách lạ bị ngất xỉu trên đường? Ðáng thán phục thay gia đình Phật giáo mà Minh quen biết, đã tận tình giúp đỡ khách lạ? Bạn có ý kiến khác?

2. Bạn nghĩ gì về lời bình luận của thánh Âu tinh như trích ở trên?

3. Bạn làm thế nào để tuyên xưng Ðức Giêsu là Vua cõi lòng bạn theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page