Bấy giờ Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".
"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Chúa là trung tâm đời sống
Bùi Gia Phong (BJ. Funk) nay đã có gia đình ổn định, một vợ và hai con, nhưng ở tuổi lớn lên Phong đã từng làm phiền lòng bố mẹ không ít. Nghe theo chúng bạn rủ rê, có những đêm Phong nhậu nhẹt mãi tới sáng, kệ cho mẹ của Phong mỏi mắt chờ con. Ðã vậy, Phong còn ghiền sì ke nữa. Nay nhìn lại quá khứ, Phong thấy chiếc phao đã cứu anh chính là việc bố mẹ anh đã nhận Chúa là trung tâm đời sống gia đình mình. Anh thấy đó là di sản quí báu nhất mà vợ chồng anh có thể truyền lại cho các con.
Anh kể lại như sau cho phóng viên báo Thành Phố Mới:
"Gia đình tôi đã tham dự ba ngày họp Thành Phố của Ðức Maria (Mariapolis) tại thành Ðô Tây (Tagaytay) ở Phi Luật Tân. Khi ấy tôi lên 5. Kể từ ba ngày đáng ghi nhớ ấy cha mẹ tôi đã chọn Chúa làm trung tâm cho đời sống gia đình mình. Kết quả là tôi được hấp thụ một nền giáo dục gia đình dựa trên tình yêu cụ thể theo Tin Mừng.
Chúa hiện diện nơi những kẻ bé nhỏ
Tôi vẫn còn nhớ kinh nghiệm đầu tiên của tôi khi tôi nhận ra Chúa Giêsu hiện diện nơi người bên cạnh. Khi ấy tôi lên 6 và em út tôi lên 4. Chúng tôi đang chơi với nhau hai trái bóng hơi ở nhà xe. Hai anh em bị cuốn hút vào cuộc chơi đến nỗi chẳng để ý gì đến hai cậu bé xuất hiện muốn tham gia cuộc chơi.
Hai cậu bé ấy ăn mặc rách rưới nên thoạt nhìn tôi đã muốn đuổi đi. Nhưng lập tức tôi nhớ lại rằng tôi phải yêu mến Chúa Giêsu hiện diện nơi những kẻ bé nhỏ nhất. Cho nên tôi liền mời hai cậu bé ấy chơi chung với chúng tôi.
Mẹ tôi thấy thế liền chạy đi kiếm đồ mặc sạch sẽ rồi gọi cả bốn chúng tôi vào tắm rửa trước khi ngồi vào bàn ăn. Khi hai cậu bé sắp ra về tôi tặng các bạn hai trái bóng hơi ở nhà xe. Họ ra về vui vẻ, nhưng tôi còn nghiệm thấy niềm vui lớn hơn nhờ biết hy sinh một chút cho họ được vui.
Khi lên tuổi 13, tôi phải nằm nhà thương hai tháng vì bị nhiễm trùng nặng. Bố mẹ tôi hết lòng thương tôi, hằng ngày tới viếng thăm, vừa lo cho tôi khỏe lại, vừa lo trả tiền bệnh viện khá nhiều. Tôi nằm bệnh viện lâu đến nỗi bắt đầu đếm những đám tang đi ngang qua đường phố vì bệnh viện nằm sát bên nghĩa địa. Tôi đã tưởng bệnh tôi không bao giờ khỏi.
Tôi đã cầu nguyện như đã quen trong gia đình
Tôi nhớ khi ấy tôi đã cầu nguyện cùng Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria như tôi đã quen ầu nguyện trong gia đình tôi. Tôi nhận thấy tôi phải biết dâng lên Chúa Giêsu tất cả những khổ đau tôi phải chịu và phải biến chúng trở thành niềm vui nhờ biết yêu mến Chúa Giêsu. Tôi đã vui vẻ chấp nhận ý Chúa. Khi dâng lên Chúa tất cả những gì tôi đang trải qua, lòng tôi được bình an.
Ít lâu sau tôi được khỏi. Nhưng tiền bệnh viện lớn đến nỗi gia đình tôi không biết làm sao để có thể trả. Bố mẹ tôi đã giao phó tất cả vấn đề nơi Chúa quan phòng và người ta đã tính toán cho tôi được xuất viện ngon lành.
Sở dĩ thời gian tôi chịu ảnh hưởng của bạn bè xấu không kéo dài lâu, cũng là nhờ tình yêu mạnh mẽ và niềm tin của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không những tận tình thương tôi, các ngài còn khơi dậy nơi tôi tình yêu tôi từng có đối với Chúa Giêsu, nhờ đó tôi đã được hoán cải.
Qua kinh nghiệm tôi học được nơi bố mẹ tôi điều này là chỉ có Chúa Giêsu mới thực sự là nhà huấn luyện đích thực cho mọi gia đình người tín hữu Kitô. Cho nên hai vợ chồng chúng tôi đã rắp tâm luôn chạy đến với Chúa Giêsu, xin Người dạy dỗ.
Ngày mà Cẩm Lê (Là Cara) con đầu lòng của chúng tôi lần đầu tiên đi học, chúng tôi thật đã phải vất vả đưa cháu tới lớp. Biết được khó khăn ấy, tôi đã phải đi làm trễ để yểm trợ tinh thần cháu. Nhưng đứng trước cửa phòng lớp mà thấy có một cô bé khác nữa cũng sợ sệt như cháu, cháu liền òa lên khóc, nhất định không chịu bước vào. Cháu nói cháu không muốn ở lại một mình trong lớp. Chúng tôi mất công hồi lâu, tìm đủ mọi cách thuyết phục cháu mà vẫn không thành công vì cháu cứ khăng khăng đòi trở về nhà với chúng tôi. Ðến lượt chính chúng tôi vì thất vọng nên cũng mất kiên nhẫn.
Nhưng khi ấy Hồng Liên vợ tôi nhỏ nhẹ bảo cháu đừng sợ, vì có Chúa Giêsu luôn ở với cháu. Thế là Cẩm Lê tự nhiện thay đổi thái độ. Cháu tự nguyện bước vào lớp khiến chúng tôi ra về với tinh thần hết sức nhẹ nhõm.
Hai vợ chồng chúng tôi thấy rõ gia đình chúng tôi được Chúa chúc phúc. Chúng tôi không những tin vào Chúa nhưng còn thấy Chúa hiện diện để hướng dẫn chúng tôi trong đời sống thường ngày. Mặc dầu đời sống người Kitô luôn có những đòi hỏi phải từ bỏ mình để bước theo Chúa Giêsu, nhưng chính qua đó chúng tôi nghiệm được niềm vui và ánh sáng từ Chúa để truyền lại cho con cái, như cha mẹ chúng tôi đã truyền lại cho chúng tôi."
Lời chia sẻ của anh Bùi Gia Phong vừa trích, cho thấy cách sống của gia đình bố mẹ anh cũng như cách sống của gia đình hai vợ chồng anh, phần nào thể hiện lời dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là: "Anh chị em chỉ có một Thầy dạy là chính Ðức Giêsu; chỉ có một vị lãnh đạo là Ðức Kitô" (cc.8 và 10).
Bài Tin Mừng hôm nay thuộc về cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu. Matthêu mô tả cuộc hành trình này như một cuộc gia tăng sự chống đối tự nhiên đưa Ðức Giêsu đến cái chết khổ hình thập giá trên đỉnh Can-vê. Một loạt những cuộc tranh luận được nêu do các thượng tế và kỳ mục (Mt 21,23-27), do những người phe Hêrôđê và Pharisêu (22,15-22) do nhóm Xa-đốc (22,23-33), do người thông luật thuộc nhóm Pharisêu (22,34-40) và do chính Ðức Giêsu (22,41-46).
Trong số những loại người chống đối Ðức Giêsu như vừa kể, Ðức Giêsu đặc biệt lưu ý các môn đệ và đám đông về những nhà thông luật và phe Pharisêu. Ðức Giêsu nặng lời chỉ trích họ bằng cách vạch trần cách họ dậy đạo và sống đạo. Người muốn giúp người nghe thấy rõ cách sống đạo như Người dạy các môn đệ là điều khác hẳn.
Thời Ðức Giêsu, các nhà thông luật Do thái giáo là giới trí thức về đạo. Họ có tài bình giải Cựu Ước và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Còn phe Pharisêu là một huynh đoàn những người chủ trương sống đạo nhặt nhiệm, nhất là trong việc thi hành luật đạo.
Ðức Giêsu thẳng thừng chỉ trích hai loại người này về cách họ phô trương và ham chức tước (cc.5-10). Tước hiệu "ráp-bi" (Thày) cũng như "Cha" bị loại vì chỉ có Thiên Chúa mới thực là Cha và chỉ có Ðức Giêsu mới thực là Thày. Lý tưởng mà Ðức Giêsu đề nghị để các môn đệ noi theo là: Hãy phục vụ thay vì lãnh đạo.
Ý nghĩa cách xưng hô "Cha" và "Thày"
Vì lời dạy của Ðức Giêsu quá rõ liên quan tới cách phô trương, cách xưng hô "Cha" và Thày" như ta vẫn dùng trong nền văn hóa xưa nay của ta, ta cần tương đối hóa ý nghĩa của những cách xưng hô đó khi áp dụng với loài người. Ý nghĩa tuyệt đối của những từ "Cha" và "Thày" nên được dành cho Thiên Chúa mà thôi.
Về danh xưng CHA, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng "Khi trình bày Thiên Chúa với danh hiệu CHA, ngôn từ đức tin chính yếu đề cập đến hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đệ nhất của muôn vật và quyền bính siêu việt. Ðồng thời Ngài cũng tốt lành, ân cần yêu thương mọi con cái. Tình phụ tử dịu ngọt của Thiên Chúa cũng được diễn tả bằng tình mẹ. Hình ảnh này còn làm nổi bật Thiên Chúa nội tại và tình thân ái của Thiên Chúa với thụ tạo. Như thế ngôn từ đức tin thấm nhuần trong kinh nghiệm về tình phụ-mẫu-tử. Cách nào đó, họ là đại diện trước tiên của Thiên Chúa với con người. Kinh nghiệm cũng cho thấy cha mẹ trần gian có thể lầm lẫn và bóp méo khuôn mặt cha mẹ. Chúng ta nên nhắc lại: Thiên Chúa vượt trên phái tính người, Ngài không là nam, không là nữ; Ngài là Thiên Chúa. Ngài cũng siêu việt trên tình phụ mẫu của con người. Ngài đúng là nguồn gốc và chiều kích phụ mẫu, không ai là cha như Thiên Chúa là CHA (số 239).
Cũng vậy, xét về chức năng dạy dỗ và lãnh đạo loài người trở về với Thiên Chúa là mục đích tối hậu, chỉ một mình Ðức Kitô có khả năng đó như chính Người tuyên bố: "Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Nhưng khi giờ Người được tôn vinh, đó là lúc Người phái Thần Khí của Người đến để đưa các tín hữu vào sự thật toàn vẹn. Thần Khí ấy sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho các tín hữu biết những điều sẽ xảy ra liên quan đến công trình đưa loài người về cùng Thiên Chúa là CHA (Ga 16,13-15).
1. Trong lời chia sẻ của anh Bùi Gia Phong, bạn có tâm đắc được điều gì chăng về: "Cha mẹ tôi đã chọn Chúa làm trung tâm cho đời sống gia đình mình"? "Lập tức bé Phong 6 tuổi nhớ rằng mình phải yêu mến Chúa Giêsu hiện diện nơi những kẻ bé nhỏ nhất"? "Mẹ tôi thấy thế liền chạy kiếm đồ sạch sẽ rồi gọi cả bốn chúng tôi vào tắm rửa trước khi ngồi vào bàn ăn"? "Tôi đã cầu nguyện cùng Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria như tôi quen cầu nguyện nơi gia đình tôi"? "Bố mẹ tôi không những tận tình thương tôi, các ngài còn khơi dậy nơi tôi tình yêu tôi từng có đối với Chúa Giêsu, nhờ đó tôi đã được hoán cải"? Bạn có ý kiến khác?
2. Bạn nghĩ gì về ý nghĩa cách xưng hô "CHA" và "THÀY"?