"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ... Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba... thấy có những người khác ở không... Ông cũng bảo họ: "...Hãy đi làm vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông cũng làm như vậy. Khoảng giờ mười một... thấy còn có những người khác đứng đó... Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" Chiều đến..., những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và mỗi người lãnh được một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao... Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu...
Gia đình anh chị Lê Phan (Lipasana) người Phi Luật Tân có ba con, hiện sống ở Xê-bu một tỉnh đông dân vào hạng nhất trong nước. Năm ngoái tờ báo Thành Phố Mới tới phỏng vấn và được anh chị trả lời như sau về hạnh phúc gia đình. Phaolô là con đầu lòng cũng tham gia.
Anh Lê Phan: Gia đình tôi đến ở Xê-bu từ 1982, tức hai năm sau lễ cưới. Chúng tôi có ba con là Phaolô, Gioan và gái út là Nga (Renatina). Tôi được biết phong trào Tổ Ấm qua nhà tôi. Phong trào này cổ võ mọi người sống tình hiệp nhất. Chẳng bao lâu hiệp nhất cũng trở nên lý tưởng cho gia đình tôi.
Cha mẹ sống hiệp nhất con cái trở nên bén nhạy
Chị Lê Phan: 14 năm trong hôn nhân đã dạy chúng tôi điều này là muốn sống hiệp nhất hai vợ chồng phải yêu nhau hết mình. Phải hy sinh trọn vẹn thay vì nửa chừng. Cha mẹ sống hiệp nhất, con cái cũng trở nên bén nhạy. Cho nên khi có rạn nứt xảy ra thì các con của chúng tôi liền can thiệp để tình hiệp nhất trở lại bình thường.
Chiều hôm ấy người ta đặt tôi làm bánh ga-tô như tôi thường nhận làm để kiếm thêm chút lợi tức cho gia đình. Tôi muốn thực hiện ngay để sáng mai giao hàng, nhưng ở nhà không đủ đồ để làm bánh nên tôi yêu cầu anh ấy đi mua.
Anh: Lúc ấy tôi đang coi trận bóng rổ tôi rất ham, nhưng tự nhiên tôi nhớ lại lời Chúa dạy phải yêu thương người bên cạnh, nên tôi đã hy sinh đi mua tất cả những gì vợ tôi cần. Nhưng trên đường về, tôi sực nhớ lễ sinh nhật của một bạn thân nên muốn dừng lại bắt tay mừng bạn. Không ngờ tôi bị áp lực nán lại chung vui với anh bạn.
Chị: Khi ấy đã 9 giờ tối rồi mà chẳng thấy tăm hơi anh ấy đâu cả. Tôi đâm lo nên phái người ghé qua nhà mấy người bạn coi thử.
Anh: Vừa thấy người nhà tới, tôi liền giao tất cả những thứ đã mua và nhắn để vợ tôi biết tôi sẽ về sau.
Má ơi phải yêu trước đã
Chị: Thế là tôi được biết đầu đuôi câu chuyện nên bực mình vô cùng, chỉ muốn la lối một mẻ cho đã. Nhưng khi hai đứa con tôi nghe biết má định bụng la lối om sòm, thằng Gioan con thứ liền năn nỉ: "Má ơi, phải yêu trước đã, má!" Nói xong, nó ra hiên chờ bố về. Nó thực làm tôi cảnh tỉnh. Mãi tới 11 giờ đêm anh ấy mới về. Hai đứa con nhìn tôi để xem sự gì xảy ra. Chúng đã thấy tôi nhoẻn một nụ cười thay vì tức giận.
Anh: Thấy vợ tôi không nổi nóng, tôi liền xin lỗi. Khi ấy tôi nhận thấy hai đứa con vui vẻ nhìn tôi.
Chị: Hai vợ chồng chúng tôi đã sớm phải đối diện với vấn đề kế hoạch hoá gia đình. Không đầy một năm sau lễ cưới hai đứa con trai liên tiếp ra đời. Chúng tôi đã chọn phương pháp tự nhiên để kế hoạch hoá gia đình.
Anh: Chúng tôi nhận ra giá trị của phương pháp Bình Linh (Billings method) vì nó coi trọng quá trình tự nhiên và tôn trọng sự sống. Ban đầu xem ra có sự dồn nén không cho tình yêu được tự do diễn tả. Nhưng sau khi áp dụng, tôi lại thấy được tự do hơn ở bề sâu và được bình an. Ðiều quan trọng là khi chúng tôi càng thêm lòng tôn trọng nhau và thương mến nhau thì tình hiệp nhất càng trở nên mạnh mẽ.
Chị: Nhờ sống kỷ luật, tôi nhận ra ý nghĩa điều Chúa dạy là: "Ai muốn theo tôi, người ấy phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi." Qua hy sinh chúng tôi trở nên sẵn sàng hơn để giúp người khác.
Một hôm tôi tình cờ gặp một cô gái mới 14 tuổi mà đã mang thai. Qua câu chuyện tôi được biết tình cảnh của đứa trẻ trong thai thật đáng thương. Người mẹ còn là con nít này nhiều lần bị xỉu có lẽ vì thiếu dinh dưỡng. Vợ chồng chúng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định là cho cô gái mang thai này tá túc trong gai đình chúng tôi cho tới khi sinh con.
Anh: Khi vợ tôi ngỏ ý muốn nhận con trẻ sắp sinh làm con, tôi đã từ chối, viện lẽ gia đình nghèo không có khả năng nuôi thêm đứa con thứ ba. Nhưng sau tôi nhận ra rằng con trẻ này cũng cần có mẹ cha và cần mái ấm gia đình như hai đứa con của chúng tôi.
Chị: Với người hàng xóm thắc mắc hỏi tại sao chúng tôi nhận nuôi thêm con khi biết gia đình chẳng giàu có gì, tôi đã trả lời: "Ðiều quan trọng hơn giàu có là tình yêu mà tôi có thể bảo đảm cho con trẻ." Vậy là khi đứa bé sinh ra, chúng tôi đã vui mừng đón nhận cháu làm con thứ ba và đặt tên cho bé út này là Nga (Renatina).
Chúng tôi chỉ là cộng sự viên của Người
Anh: Khi Nga lên hai, chúng tôi được tin mẹ nó bị bệnh động kinh và qua đời không lâu sau đó. Thật là kỳ diệu việc Thiên Chúa đánh động lòng thương của chúng tôi rồi giao bé Nga cho chúng tôi săn sóc như con trong gia đình. Bé Nga nay lên 4 tuổi, tỏ ra là một đứa trẻ linh hoạt và thông minh. Chúng tôi rất ý thức Thiên Chúa có kế hoạch yêu thương cho mỗi đứa con và Người đặt chúng tôi làm cộng sự viên của Người.
Chị: Năm nay Phaolô, đứa con cả của chúng tôi lên trung học. Chúng tôi cho cháu biết cháu sẽ được học ở một trường khá tốt, nhưng phản ứng của cháu là điều bất ngờ đối với chúng tôi.
Phaolô: Khi ấy cháu thưa với ba mẹ rằng cháu thực sự muốn đi chủng viện. Ba mẹ cháu bảo cháu mới lên 13 tuổi chưa đủ trưởng thành để làm một quyết định loại đó. Hơn nữa, ba mẹ còn nghi ngờ cháu có thể sống xa cách ba mẹ. Khi ấy cháu mới nói để ba mẹ biết cháu đã nghe thấy tiếng nói vang lên trong tâm hồn cháu là "Phaolô, con hãy làm linh mục." Cũng có tiếng nói khác là "Hãy làm bác sĩ!" Nhưng tiếng nói "Hãy làm linh mục" thôi thúc mạnh hơn nhiều.
Ba mẹ liền cho cháu biết đời sống nơi chủng viện chẳng dễ dàng lắm đâu. Ấy là chưa nói đến những tốn phí phải trả vì không những phải trả tiền học nhưng cả tiền ăn và ở nữa. Cháu thưa với ba mẹ rằng cháu nghĩ tiếng gọi cháu làm linh mục là tiếng của chính Chúa Giêsu nên cháu không thể từ chối.
Anh: Chúng tôi thấy Phaolô đã quyết định nghiêm chỉnh nên đã cho Phaolô thi vào chủng viện. Sau hai tuần, cháu nhận được kết quả và ngày 5 tháng 6 vừa qua cháu đã nhập chủng viện.
Chị: Ngày chúng tôi đưa cháu vào chủng viện, tôi cảm thấy vừa hạnh phúc lại vừa sợ! Hạnh phúc vì thâm tín đó là ơn lành Chúa ban cho gia đình nhưng tôi vẫn sợ khi bắt đầu nghĩ nhiều về tương lai.
Tôi nhớ lời Chúa khuyến cáo các môn đệ đừng sợ khi phải tin vài Thiên Chúa là Cha toàn năng. Chính Người trong kế hoạch yêu thương có thể làm cho gia đình chúng tôi nên giống gia đình Nadarét xưa.
Các môn đệ Ðức
Giêsu
lãnh phần thưởng trước
tiên
Những câu trả lời của gia đình anh chị Lê Phan được trích làm đề tài gợi ý cho bài Tin Mừng hôm nay không nhằm sự chính xác cho bằng nhằm áp dụng vài ba khía cạnh Tin Mừng cho hoàn cảnh sống của Kitô hữu hiện nay.
Nếu tìm ý nghĩa theo sát bản văn, chắc phải để ý tới câu "Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu…" (Mt 19,30 và 20,16) có lẽ để nói rằng các môn đệ Ðức Giêsu bị đối phương kể là chót hết nhưng sẽ là người trước tiên được lãnh phần thưởng (xem 20,8). Trong bối cảnh rao giảng của Ðức Giêsu, dụ ngôn thợ làm vườn nho (20,1-16a) có lẽ nhắm những kẻ chỉ trích việc Người rao giảng Tin Mừng cho bọn thâu thuế và người tội lỗi. Vậy dụ ngôn này có thể được gọi là "Ông chủ tốt lành trong việc thuê thợ". Ông chủ ấy là chính Thiên Chúa được biểu lộ nơi Ðức Giêsu là vị đại diện của Người.
Ông chủ tốt lành trong dụ ngôn sáng sớm thuê thợ làm vườn nho với công nhật là một quan tiền (cc.1-2). Ông còn thuê thợ vào những thời điểm khác (cc.3-7) cuối ngày ông cho trả công như nhau là một quan tiền (c.11) theo thứ tự kẻ đến sau được trả trước (c.8). Với những thợ cằn nhằn vì phải vất vả suốt ngày mà chỉ nhận được tiền công như mấy người chỉ làm có một giờ (c.12), ông chủ trả lời rằng ông đã trả công như đã hợp đồng (cc.13-14) và họ không có quyền trách ông đã xử quảng đại với những người thợ đến sau (c.15). Ðức Giêsu cắt nghĩa tại sao Người giảng Tin Mừng cho cả người đạo đức lẫn chiên lạc Israel (cf. 10,6) dựa vào đức công bằng và lòng quảng đại của chính Thiên Chúa. Cả người lành thánh lẫn các tội nhân đều được Thiên Chúa chiếu cố ân thưởng như nhau trong Nước của Thiên Chúa.
Thánh Linh
dẫn ta vào cuộc đời của
Chúa Giêsu
để làm nên Thiên Ðàng
Gia đình anh chị Lê Phan còn trên đường lữ thứ trần gian chưa đạt tới phần thưởng cuối cùng. Mọi người trong gia đình anh chị đều được mời "làm vườn nho" ở những thời điểm khác nhau: trước hết là chị Lê Phan được hấp thụ nền linh đạo hiệp nhất. Kế đến là anh Lê Phan, rồi đến các con: ai cũng được mời sống tình hiệp nhất hết mình không nửa chừng. Ai cũng được ban trọn cuộc sống của Ðức Giêsu để bước theo. Ai cũng được ban Chúa Thánh Linh là "Ðấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Chúa Thánh Linh dẫn ta bước vào cuộc đời của Chúa Giêsu. Cuộc đời này chính là đường đưa ta tới Thiên Chúa là Cha, Ðấng hiệp nhất mọi người ở nơi Ngài để làm nên Thiên Ðàng vậy.
1. Bạn tâm đắc được gì qua những câu trả lời của gia đình anh chị Lê Phan: "14 năm trong hôn nhân dạy chúng tôi muốn sống hiệp nhất phải yêu nhau hết mình, phải hy sinh trọn vẹn thay vì nửa chừng"? "Má ơi, phải yêu trước đã, má!"? "Ðiều quan trọng hơn giàu có là tình yêu mà tôi có thể bảo đảm cho con trẻ"? "Chúa có kế hoạch yêu thương cho mọi đứa con và Người đặt chúng tôi làm cộng sự viên của Người"? Bạn có ý kiến khác?
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, bạn hiểu như thế nào về cc. Mt 19,30 và 20,16? c. 15?