Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 22 tháng 08 năm 1999
Chúa Nhật 21 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 16,13-20

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hướng tới thế giới hiệp nhất

Tại cuộc đại hội liên hoan giới trẻ ngày 4 tháng 4, 1993, ở Phi Luật Tân, nhiều bạn trẻ đã đứng ra chia sẻ kinh nghiệm sống của mình hướng tới thế giới hiệp nhất. Sau đây là lời chia sẻ của hai bạn người Phi Luật Tân trước cử tọa gần 5,000 người trẻ. Ðó là cô Ái Minh Nga (Aminah) và cô Mai Thị Lê (Mareg).

Hồi Giáo và Công Giáo

Lời chia sẻ của hai bạn trẻ Ái Minh Nga, Hồi Giáo, và Mai Thị Lê, Công Giáo, được trích dẫn tiếp theo bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, gợi ý cho thấy hình ảnh của Giáo Hội có thể trở nên dễ mến như thế nào qua những con người sống chan hòa tình thương của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dạy.

Quả thật, qua Tuyên Ngôn của Thời Ðại Chúng Ta, người Công Giáo được nhắc nhở phải "tôn trọng các tín đồ Hồi Giáo, vì họ cũng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, từ bi và toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất" (số 3).

Lòng sùng đạo của người Hồi Giáo như lóe thấy nơi bạn Ái Minh Nga, đáng cho ta thán phục. Hình ảnh người Hồi Giáo bất kể giờ giấc và nơi chốn, sẵn sàng quỳ gối sốt sắng cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày với Ðấng Thiên Chúa mà họ kêu cầu với danh xưng Alla, không những là một hình ảnh dễ thương mà còn là một gương sống động về cầu nguyện.

Mặc dầu trong quá khứ giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi Giáo có những mối bất hoà và hiềm thù nhau không ít, Công Ðồng Vatican "kêu gọi mọi người nên quên đi những chuyện đã qua để cố gắng thành thật tìm hiểu nhau, cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, thuần phong mỹ tục, cũng như hòa bình tự do cho hết mọi người." (số 3)

Thiên Chúa mời gọi loài người phụng thờ Ngài trong tinh thần và chân lý. Do đó, con người bị ràng buộc nơi lương tâm chứ không hề bị cưỡng ép. Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, phẩm gía ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của chính con người. Ðiều vừa nói nổi bật nơi Ðức Kitô, nơi Người Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài và đường lối Ngài cứu độ loài người. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu thực sự là Ðấng điều khiển chương trình cứu độ nhưng Người vẫn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường thực trong lòng, nên Người kiên nhẫn và lôi kéo lòng người thay vì ép buộc họ.

Chúa Giêsu nêu gương đối thoại

Ðức Giêsu tôn trọng tinh thần đối thoại. - Bài Tin Mừng hôm nay khởi sự với cuộc đối thoại giữa Ðức Giêsu và các môn đệ. Bối cảnh là thành Xêdarê Philipphê từ đó Người bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem là nơi Người bị lên án và chịu xử tử. Vấn đề được nêu lên là "Người ta nói Con Người là ai?" (c.13). Các môn đệ báo cáo những câu trả lời khác nhau theo dư luận. Vua Hêrôđê nghĩ Ðức Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại (x. Mt 14,2). Kẻ khác nghĩ đó là ngôn sứ Eâlia hay là ngôn sứ Giêrêmia (Mt 16,14).

Ở chặng đường thứ hai của cuộc đối thoại, Ðức Giêsu muốn nghe ý kiến riêng của các môn đệ. Ông Phêrô đại diện cả nhóm để công bố Thầy là Ðấng Mêsia (c.16), tức là Ðấng được xức dầu với sứ mạng giải thoát Israel khỏi kẻ địch và thiết lập Nước Thiên Chúa nơi trần thế.

Nhưng cụm từ "Con Thiên Chúa hằng sống" (c.16b) giải tỏa mọi lệch lạc trong lời tuyên xưng của Phêrô để lời tuyên xưng ấy được nhìn nhận là mạc khải do Thiên Chúa (c.17). Kế đó là lời hứa theo đó Phêrô sẽ trở nên đá tảng trên đó cộng đoàn Kitô hữu sẽ được thiết lập sau biến cố chết và phục sinh của Ðức Kitô (c.18). Cuối cùng Phêrô còn được trao chức quản gia hoặc thủ tướng trong Vương Quốc với quyền nhận hoặc ra vạ tuyệt thông, quyền tha tội và cả quyền trừ quỷ. Tóm lại Phêrô được chúc phúc vì đã nhận được ơn mạc khải từ Thiên Chúa (c.17), được công bố là nền móng của cộng đoàn dân mới do Ðức Kitô xây dựng (c.18) và được ban một số quyền hành đặc biệt (c.19).

Chúa Giêsu nêu gương khiêm nhường và hiền lành

Ðức Giêsu với lòng khiêm nhường và hiền lành luôn tỏ ra kiên nhẫn với Phêrô. - Tiếp theo đoạn Tin Mừng hôm nay là cuộc hành trình lên Giêrusalem với cái chết được Ðức Giêsu ưu ái loan báo 3 lần cho Phêrô và các môn đệ. Lần thứ nhất Phêrô kéo riêng Ðức Giêsu ra để trách Người (Mt 16,22). Lần thứ hai, Phêrô và các môn đệ đều buồn phiền (17,23). Lần thứ ba, xẩy ra vụ tranh giành ảnh hưởng giữa nhóm mười hai khiến Phêrô và các môn đệ tức tối với hai anh em là Giacôbê và Gioan (20,20-28).

Ðiều trái ngược là chính Ðấng mà Phêrô hôm nay tuyên xưng là "Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" thì cuối cùng ông đã chối bỏ khi nói "Tôi không biết người ấy" (Mt 26,74). Nhưng cả trường hợp Phêrô thất tín, Ðức Giêsu đã không bỏ ông. Người đã quay lại nhìn ông khiến ông sực nhớ lời Người đã bảo "Hôm nay, gà chưa gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần." Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61).

Chính nhờ Phêrô đã biết sám hối nên ông đã rao giảng ơn sám hối ấy cho những người đến nghe ông ngày lễ Ngũ Tuần. Những ai đón nhận lời ông đều chịu phép Rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo làm nên cộng đoàn được xây dựng trên Phêrô là đá tảng (x. Cv 2,38-41).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn hiểu thế nào về lời tuyên xưng "Thày là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống" (c.16) và lời Phêrô chối "Tôi không biết Người ấy" (Mt 26,74)? Làm thế nào để Phêrô trở nên tảng đá, trên đó Ðức Giêsu xây dựng Hội Thánh Người (c.18)?

2. Bạn tâm đắc được những gì trong lời chia sẻ của hai bạn trẻ Ái Minh Nga, Hồi giáo và Mai Thị Lê, Công giáo? Lời chia sẻ ấy có thể gợi ý bạn được những gì trong việc giáo dục con em để chúng sống hài hòa trong thế giới hôm nay?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page