Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 25 tháng 07 năm 1999
Chúa Nhật 17 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 13,44-52 (hay 13,44-46)

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Kho báu Thiên Chúa tình yêu

Ðỗ thị Ri (Dori Zambori) người Italia là cô học trò trung học 17 tuổi thi trượt một số bộ môn nên phải ở lại lớp. Lý do chỉ vì đã không có cố gắng đủ về phía người học trò này. Ri được khuyến cáo đến gõ cửa phòng cô giáo Lưu Bích (Chiara Lubich) xin cô hướng dẫn về học hành.

Người học trò 17 tuổi này ngỡ ngàng thấy cô giáo Lưu Bích tuổi chỉ hơn mình vài ba năm nhưng tỏ rõ là một con người thanh lịch tuy thái độ rất gần gũi và cởi mở.

Chính cô Lưu Bích đã viết thư mời Ðỗ Thị Ri đến gặp cô nhưng bây giờ trong gặp gỡ cô lại không hề đá động tới vấn đề học hành. Câu chuyện chỉ xoay quanh những điều gây hứng khởi cho sự sống. Bỗng cô gái 17 tuổi từng chỉ ưa đọc sách, đi chơi với chúng bạn và đeo đuổi những ước mơ, giờ đây khám phá ra điều gì đó được mạc khải cho mình. Cô đã ghi lại: Ðó không phải là những lời, thật ra là một luồng sáng, hay đúng hơn, một kho báu được chuyển giao trong sự tràn đầy. Kho báu đó là: THIÊN CHÚA là HIỆN THÂN của TÌNH YÊU!

Hôm ấy trên đường về Ðỗ Thị Ri hồi tâm lại và có ấn tượng nội tâm mình được tràn đầy. Tất cả thực tại với những ưa thích xưa đều biến mất. Ri cảm thấymình được lôi kéo vào một tình yêu mãnh liệt vô phương cưỡng lại.

Những ngày kế tiếp, Ri thường xuyên lui tới nhà cô giáo Lưu Bích. Ri được giúp đỡ để học xong và đi làm. Nhưng quan trọng hơn gấp bội là LÝ TƯỞNG THIÊN CHÚA TÌNH YÊU cuốn hút Ðỗ Thị Ri và nhiều người khác nữa như vào một lễ Hiện Xuống.

Ðỗ Thị Ri được cuốn hút vào việc giúp đỡ người nghèo. Tất cả tiền của không cần thiết đều được cho đi hoặc bán đi để lấy tiền mua thuốc, quần áo, lương thực cho những người thiếu thốn.

Bà con và bạn bè của những người trẻ này đều lấy làm lạ về lối sống đổi đời của họ. Nhiều người được thuyết phục tham gia việc thiện với họ.

Tột đỉnh của yêu thương

Một hôm chị Lưu Bích được một linh mục yêu cầu cho biết thời điểm nào Chúa Giêsu chịu đau khổ nhiều nhất trong đời. Ðiều khiến chị Lưu Bích hết sức tâm đắc là ơn soi sáng chị nhận được về tột đỉnh của đớn đau mà Chúa Giêsu đã chịu trên thánh giá. Ðó là lúc Người dùng thánh vịnh 22 để thưa với Cha: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa bỏ con" (Mt 27,46).

Vậy lý tưởng Thiên Chúa tình yêu rõ nét nhất là khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Người không chỉ đau cái đau thể lý với thân xác tan nát và chịu đóng đinh trên thập tự. Cái đau tinh thần còn ghê khủng hơn nhiều. Ðó là lúc Người đã tự nguyện lãnh lấy mọi đau khổ của cả nhân loại với mọi vấn đề chồng chất, mọi thiếu sót, mọi cực hình, mọi thất vọng, mọi âu lo, tắt một lời, tất cả mọi điều tiêu cực của thế giới qua các thời đại cho tới ngày tận thế. Người đã đảm nhận toàn bộ sự dữ của loài người để biến đổi chúng, cải hóa tất cả cái tiêu cực của con người trở nên tích cực nhờ sức mạnh của Ðấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa ở giữa loài người.

Ðừng để ai đi ngang qua ta một cách vô ích

Một hôm chị Lưu Bích nói với Ðỗ Thị Ri: Ðừng để ai đi ngang qua ta một cách uổng công vô ích. Chị có ý khuyến khích em Ri hãy chia sẻ điều mình khám phá ra về Tình Yêu Thiên Chúa: không phải chỉ nói về yêu thương nhưng sống yêu thương bằng cách nhận lấy niềm vui nỗi buồn của người mà ta tiếp xúc như niềm vui nỗi buồn của chính mình. Ðó là trở nên một với người mình yêu, như lời Kinh Thánh dạy: "Tôi đã trở nên yếu với người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1C 9,22-23).

Chính Chúa Giêsu đã trở nên một với ta để ta được trở nên một với Người. Vậy ta có thể dành cho bất cứ ai ta gặp: một lời chào ấm áp, một nụ cười, một sự chú ý thay vì bỏ qua, một sự trợ giúp nào đó, một sự cảm thông. Ở nơi mọi người Chúa Giêsu đều hiện diện một cách khác để ta yêu mến: yêu mến Người như vậy là ở lại trong Người.

Xây dựng nền văn minh tình yêu

Một hôm Ðức Tổng Giám Mục thành phố Tân Ðô là Carlo de Ferrari, gọi chị Lưu Bích tới để hỏi thăm về công việc chị em đang thực hiện là giúp đỡ người nghèo. Ngài chăm chú nghe chị em trình bày về Tin Mừng, về lời cầu của Chúa Giêsu, về hiệp nhất. Cuối cùng Ðức Tổng Giám Mục nói: "Quả thật có bàn tay của Thiên Chúa đang hoạt động! Bây giờ cha hiểu các con không làm điều gì mới cả nhưng các con yêu thương nhau trong khi người giáo viên vẫn làm nghề giáo viên, cha mẹ vẫn làm bổn phận kẻ làm cha làm mẹ; con cái vẫn lo bổn phận con cái. Ðiều quan trọng là các con yêu thương nhau như các Kitô hữu tiên khởi yêu thương nhau. Vậy các con hãy cứ tiếp tục thực hiện điều đó!"

Kế đó Ðức Tổng Giám Mục hỏi: "Vậy các con muốn được gọi bằng danh xưng nào?"

Nhưng làm sao có thể nhóm lửa tình yêu và làm cho ấm áp được lan toả vào những năm tháng đen tối của thế chiến thứ hai? Ngày 2 tháng 9, 1943 nhà ga xe lửa Tân Ðô bị dội bom khiến nhiều người chết, nhiều cơ sở bị phá hủy. Sau đó lính Ðức Quốc Xã tràn ngập đường phố. Dân thành phố phải sống theo khẩu phần. Ngoài hai chị em Lưu Bích và Ðỗ Thị Ri, còn có một người trẻ nữa là Nga (Natalia Dallapiccola) người bạn lý tưởng đầu tiên của chị Lưu Bích. Nga đi làm ban ngày, tối vẫn đến chia sẻ Tin Mừng và vẫn tham gia việc giúp đỡ người nghèo.

Khi thế chiến thứ hai chấm dứt 1945, phong trào Tổ Ấm họp lần đầu tiên tại Tân Ðô, con số đã lên tới 500 nên phải xin họp tại nhà hội ở cơ sở Dòng Tên. Luôn với lý tưởng Thiên Chúa tình Yêu, Tổ Ấm qui tụ đủ mọi thành phần, nông dân, chuyên gia, người lớn, trẻ em, giầu nghèo. Hiện nay con số ấy đã lên tới 2 triệu người tại trên 70 quốc gia.

Ðỗ Thị Ri chỉ là một trong số 2 triệu người nói trên tuy cách cô thể hiện lý tưởng tình yêu độc đáo không giống một ai khác. Khởi sự cô chỉ là một học sinh 17 tuổi ham chơi đến nỗi phải ở lại lớp. Trong khi giải quyết vấn đề học hành và công ăn việc làm, Ðỗ Thị Ri đã phát hiện ra kho báu hết sức lớn lao. Kho báu ấy chính là Thiên Chúa Tình Yêu hiện thân nơi Ðức Giêsu làng Nadarét. Ðó là năm 1943. Từ ngày ấy đến nay thấm thoát đã hơn 50 năm, cô Ðỗ Thị Ri thường xuyên bám sát và khai thác kho báu ấy qua việc sống và chia sẻ Tin Mừng như Ðức Giêsu đã công bố và thể hiện ra trong đời sống làm người. Ðó quả là một việc làm đáng kể để xây dựng nền văn minh tình yêu cho xã hội ta đang sống.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu ví Nước Thiên Chúa như kho báu chôn giấu trong ruộng; người gặp được kho báu, liền vui mừng bán tất cả những gì mình có để mua ruộng đó (c.44): Nếu Ðỗ Thị Ri phát hiện ra Thiên Chúa là hiện thân của tình yêu chính là kho báu thì "thửa ruộng" trong đó kho báu được chôn giấu là gì? Ðỗ Thị Ri đã mua thửa ruộng ấy với giá nào? Ðặt mình vào hoàn cảnh của Ðỗ Thị Ri, bạn sẽ hành xử khác như thế nào và giống như thế nào theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay?

2. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34): Bạn nghĩ Chúa Giêsu có ý đòi hỏi ta phải yêu anh em tới mức sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì anh em chăng?

3. Riêng câu nói "Ðừng để một ai đi ngang qua ta một cách uổng công vô ích", câu nói đó có phản ánh tình yêu của Chúa Giêsu chăng? Bạn nghĩ cuộc đời của bạn sẽ trở nên như thế nào nếu bạn nhận đó là thái độ yêu thương của bạn đối với mọi người? Nhưng có lẽ bạn sẽ phải trả giá về thái độ yêu thương như vậy?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page