Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 4 tháng 07 năm 1999
Chúa Nhật 14 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 11,25-30

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Khôn ngoan và bé mọn

Hai câu đầu của bài Tin Mừng này là một lời cầu nguyện tự phát của Ðức Giêsu với Chúa Cha. Ðây là một lời ngợi khen, cảm tạ, hướng thẳng về Cha là Chúa Tể trời đất. Phần lớn các lời cầu nguyện của Ðức Giêsu đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba đầy tình mến thương của con thảo. Trong văn chương Do Thái Giáo, chẳng bao giờ thấy có ai gọi Thiên Chúa là Abba. Trong Cựu Ước, chỉ thấy có những tập thể gọi Thiên Chúa là Abihenu, Cha của chúng con. Người ta không dám gọi Thiên Chúa là Abba, bởi lẽ từ này quá đỗi thân tình, tương tự như tiếng "ba ơi" của trẻ thơ. Khi nghe tiếng Abba trên môi Ðức Giêsu chúng ta nhận ra ngay tương quan sâu thẳm giữa Ngài với Chúa Cha, vừa hồn nhiên, vừa thân mật. Làm sao một con người có thể gần gũi với Ðấng Chúa Tể trời đất như vậy, có thể gọi Thiên Chúa siêu việt là "Ba ơi" ? Ðây thật là một tương quan chưa từng thấy bao giờ!

Ðức Giêsu ngợi khen Cha sau khi Ngài gặp nhiều thất bại trong sứ vụ. Có những người tự hào mình "khôn ngoan thông thái" đã không đón nhận Ðức Giêsu. Họ luôn luôn tìm được lý do để từ chối và giải thích một cách lệch lạc mọi việc Ngài làm. Họ coi Gioan Tẩy Giả là người bị quỷ ám vì ông ăn uống kham khổ (Mt 11,18), và họ coi Ðức Giêsu là dân nhậu nhẹt, bồ bịch với quân tội lỗi (11,19). Họ cho rằng Ngài đuổi quỷ được là nhờ dựa vào tướng quỷ (9,34). Ðức Giêsu đã quở trách các thành chung quanh hồ Galilê như Khoradin, Betxaida, và Caphacnaum, vì chúng đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm mà không ăn năn sám hối (11,20-24).

Ðứng trước con người Ðức Giêsu, những kẻ bé mọn lại tin tưởng đón nhận. Chúng ta tự hỏi ai là những người "khôn ngoan thông thái", và ai là những kẻ "bé mọn". Phải chăng để tin vào Ðức Giêsu, chúng ta cần phải là những người ngu dốt, ngu muội? Không, chúng ta có thể tin vào Ðức Giêsu nếu chúng ta đừng quá dựa trên sự khôn ngoan của mình, đừng coi học thức, lý luận là thước đo mọi sự. Thiên Chúa không làm chuyện vô lý, nhưng Ngài dám làm chuyện vượt trên mọi lý luận, vì yêu chúng ta. Ngài không bị gói trong những công thức và lối mòn của lý trí. Chúng ta không thể lấy lý trí hạn hẹp mà nhận xét về Ngài. Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người (1C 1,25). Khôn ngoan thông thái không phải là một tội. Thiên Chúa không trù dập những người hiểu biết, như những ông Pharisêu, luật sĩ… Ngài không chủ trương tín hữu phải là những người ngu, để dễ bảo. Nhưng Ngài nhắc nhở chúng ta rằng trí tuệ, khôn ngoan, và những gì con người thường tự hào và cậy dựa vào như của cải, quyền lực, khả năng…, tất cả những thứ ấy đều có thể cản trở con người tin vào Thiên Chúa và vào Ðấng Ngài sai là Ðức Kitô. Mọi thứ tự hào đều đưa đến sự khép lại. Mọi thứ cậy dựa đều đưa tới chỗ loại trừ Thiên Chúa. Ðể tin vào Ngài, con người phải vượt lên trên lối nghĩ bình thường của mình, của thế gian.

Khi Ðức Giêsu nói: "Chúa Cha đã giấu không cho người khôn ngoan thông thái biết những điều này", chúng ta không nên hiểu là Cha cố ý giấu để họ đừng có tin vào Ðức Giêsu. Nếu họ không tin thì không phải do lỗi của Thiên Chúa, nhưng vì họ quá cậy dựa vào sự hiểu biết giỏi giang của mình. Nói cho cùng ai trong chúng ta cũng là người "khôn ngoan" về mặt nào đó. Ðể tin vào Ðức Kitô chúng ta cần làm một cuộc hoán cải, để trở thành kẻ bé mọn. Kẻ bé mọn là người tín thác vào Chúa, không tự hào về mình, sống hồn nhiên như trẻ thơ. Ðó mới là người khôn ngoan đích thực theo cái nhìn Kitô giáo, bởi lẽ người đó sẵn sàng mở ra để đón lấy những mạc khải cao vời của Thiên Chúa (x. Mt 18,1-4).

Cha và Con

Trong câu 27, Ðức Giêsu mạc khải cho ta biết căn tính của Ngài. Ngài là Ðấng được Cha trao phó cho mọi sự (x. Mt 28,18). Giữa Cha và Ngài có một sự "biết nhau" sâu thẳm. Thế giới của cha và Con là một thế giới mà trí tuệ bình thường của con người không thể hiểu thấu được. Con là một mầu nhiệm khôn dò. Chỉ Cha mới biết Con, chẳng một người nào hay một thiên thần nào biết được. Cha là một mầu nhiệm khôn dò, chỉ Con mới biết Cha. Ðây là một thế giới khép kín, và nếu chúng ta có thể đi vào thế giới riêng tư và kín đáo ấy của Cha và Con, thì đó là nhờ Cha và Con mở ra, mạc khải. Chúng ta chỉ biết Cha nhờ Ðức Giêsu là Con Cha. Chúng ta được tham dự vào việc biết Cha của Chúa Con, cái biết đưa đến sự sống viên mãn. Nhưng không phải chỉ Con mới mạc khải cho ta về Cha, chính Cha cũng mạc khải cho ta về Con. "Này Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải sức phàm nhân mạc khải cho anh điiều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt 16,17). Cha vẫn mạc khải cho những người bé mọn (11,25), nghĩa là những người khiêm tốn đón nhận trong lòng tin. "Chẳng ai đến được với tôi nếu Cha là Ðấng sai tôi không lôi kéo người ấy" (Ga 6,44). Rốt cuộc Cha mạc khải cho ta về Con, Con mạc khải cho ta về Cha. Con người được đưa đến gặp Cha, gặp Con và gặp cả Cha và Con đang mạc khải về nhau, đang lôi kéo con người đi càng lúc càng sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Gánh nặng và gánh nhẹ

Ba câu cuối cùng của đoạn Tin Mừng là một lời mời, cũng là một lời hứa của Ðức Giêsu. Nếu chúng ta tin Ngài là Con Thiên Chúa làm người, thì chúng ta sẽ dễ đáp lại lời mời đó. Trong ba câu này, Ðức Giêsu chiếm một vị trí trung tâm. Tất cả quy về Ngài. "Hãy đến cùng tôi", "hãy mang ách của tôi", "hãy học với tôi". Ai là người được Ngài mời gọi? Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề. Gánh nặng của cuộc sống, gánh nặng của bản thân, gánh nặng của nỗi đau và trách nhiệm, gánh nặng của những lề luật phải tuân giữ… Mọi người đang oằn vai dưới gánh nặng đủ loại đều được mời đến với Ðức Giêsu, để tìm lại được sự an nghỉ cho tâm hồn. Chính Ngài làm cho ta được an nghỉ (c.28). Sự an nghỉ đích thực có được khi con người sống an hòa với Thiên Chúa và tha nhân, khi con người biết mình được Thiên Chúa yêu ngay giữa những đau khổ và nước mắt, khi con người xác tín là mình đang làm đúng ý Chúa dù phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát….

Như thế sự an nghỉ Ðức Giêsu hứa ban không phải là thứ an nghỉ giả tạo, hay hèn nhát né tránh. Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến "ách" của Ngài mà kẻ đến với Ngài phải mang. Ngài không giấu chúng ta về những đòi hỏi nghiêm túc của Ngài, về con đường hẹp mà Ngài đã đi, về thánh giá mà chúng ta phải vác… Tóm lại, Ngài không đưa chúng ta rơi vào ảo tưởng về một thứ an nghỉ dễ dàng, không cần nỗ lực chinh phục. Nhưng Ngài cho thấy ách của Ngài thì êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Eâm ái và nhẹ nhàng là do lòng yêu mến. Chính lòng yêu mến làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ. Thánh Âu Tinh đã nói một câu nổi tiếng: "Ubi amatur, non laboratur; aut si laboratur, labor amatur." Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không có sự vất vả nhọc nhằn; mà giả như có vất vả nhọc nhằn, thì người ta cũng thích cái vất vả nhọc nhằn đó.

Ðức Giêsu mời chúng ta đến học với Ngài. Ngài vừa là trường học, vừa là Thầy giáo, vừa là bài học. Bài học nằm nơi chính con người Ngài: "Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu" (c.29). Nếu chúng ta đến học với Ngài, chúng ta phải học bài của trái tim. Chúng ta được uốn nắn để có trái tim như Ngài, để rồi tìm thấy sự an nghỉ mà bạo động và kiêu căng không thể ban được.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Có khi nào bạn thấy theo đạo là một gánh nặng không? Bạn thấy giữ đạo là việc nặng nề ở điểm nào? Có cách nào làm cho nó nhẹ nhàng hơn không?

2. Người bé mọn được Chúa Cha mạc khải. Theo ý bạn, trong xã hội hôm nay, ai là những người bé mọn, ai là những người "khôn ngoan thông thái"?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page