Khi ấy Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
"Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.
Người có công khởi xướng công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số vùng Cao Nguyên Việt Nam là Ðức Cha Thể (Théodore Cuénot sinh ngày 8 tháng 2, 1802; chết rũ tù ngày 14 tháng 11,1861; và được phong Thánh ngày 19 tháng 6, 1988).
Tư tưởng loài người không phải là tư tưởng Thiên Chúa
Nhiều lần Ðức Cha Thể đã căn dặn các vị thừa sai của ngài là phải hết sức né tránh viên thủ lãnh dân tộc Bana tên Khiêm. Danh tiếng ông Khiêm lẫy lừng khắp vùng. Ði đến đâu ông cũng được người ta tôn kính. Ông nói giỏi tiếng Kinh và buôn bán lớn với người Kinh nên họ kể ông như trọng tài khi có tranh chấp với thổ dân. Ông Khiêm còn được nhà nước An Nam thừa nhận: các quan ở đồng bằng muốn lấy lòng và lợi dụng uy tín của ông nên đã vận động triều đình Huế ân thưởng ông một bằng cấp, qua đó nhìn nhận ông là thủ lãnh của tất cả các dân tộc thiểu số và phong cho ông chức đại diện của vua An Nam vùng Cao Nguyên. Tước hiệu này vuốt ve lòng tự ái ông Khiêm khiến ông trở thành nhân vật tận tâm tận lực với công việc của triều đình Huế. Như vậy dễ hiểu lý do tại sao các vị thừa sai lén lút lên vùng cao nguyên giảng đạo ngược với ý muốn của Hoàng Ðế An Nam đang bắt bớ đạo, không sợ ai cho bằng sợ ông Khiêm.
Nhưng Thiên Chúa quan phòng có đường lối riêng của Người. Người sử dụng kẻ mà mọi thừa sai đều né tránh. Khi hai vị thừa sai là Cha Cung và Cha Phan Tần (Combes và Fontaine) cùng phái đoàn vào làng Kon Phar thì người đầu tiên họ gặp chính là ông Khiêm!
Một trong số nô lệ của ông, chán cảnh tôi đòi, đã bỏ trốn và đến trú ẩn ở Kon Phar, nơi cách xa làng ông đến ba ngày đường. Ông Khiêm đã vượt khoảng cách đó đến bắt tên nô lệ trở về. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã làm hai vị thừa sai sững sờ! Giá mà họ hay trước được vài tiếng đồng hồ về sự hiện diện của con người đáng sợ này ở Kon Phar, chắc không khi nào họ dám tới gần đó. Nhưng hai vị chỉ biết điều ấy vào đúng lúc hai vị đứng đối diện với ông Khiêm!
Nhìn những con người da trắng kỳ lạ đến từ một con đường rất ít sử dụng, ông Khiêm tin rằng họ chỉ có thể là những nhân vật quan trọng nào đó, lìa bỏ xứ sở mình vì mắc trọng tội. Diện mạo của hai cha với làn da trắng, sóng mũi cao, râu rậm, quá khác xa những người mà ông từng thấy từ trước đến nay, đã làm ông bối rối, đoán già đoán non. Sau một lúc ngập ngừng ban đầu, ông Khiêm lấy lại bình tĩnh và tới tấp nêu câu hỏi: "Các ông là ai? Các ông từ đâu đến? Các ông có vẻ là những nhân vật quan trọng, vậy lý do nào khiến các ông thực hiện cuộc hành trình vất vả như thế này? Hai ông có phải là những người Kinh từ một tỉnh rất xa? Tôi chưa bao giờ thấy người nào có làn da trắng như các ông! Thật tôi thấy thương hại các ông trong cái xứ khốn khổ này. Hãy thành thật cho tôi hay. Tôi cảm mến các ông. Mặc dầu các ông có chuyện gì ở đồng bằng đi nữa, tại xứ Bana này các ông không phải sợ chi cả. Tôi đây như là vua của vùng này, và người Kinh cũng sẽ không làm gì được các ông đâu."
Tiến thoái lưỡng nan
Các vị thừa sai thấy ngay hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của mình. Dầu muốn dầu không, bắt buộc các vị phải đặt mình trong vòng tay ông Khiêm! Hai vị thầm cầu nguyện rồi phó dâng bản thân theo thánh ý Thiên Chúa.
Vào dịp này cha Cung có viết cho Ðức Cha Thể rằng: "Chúng con đã gắng hết sức và làm mọi cách để tránh gặp ông Khiêm. Nhưng trong khi cố né tránh thì chúng con lại rơi vào tay ông ta. Có khi Thiên Chúa nhân lành muốn dùng ông ta để làm sáng danh Người chăng!…" Mấy giòng cha Cung viết đã làm cho Ðức Cha Thể lo âu không ít. Ðọc thư xong, im lặng một lát, rồi ngài nói với Linh Mục đang ở bên ngài rằng: "Dầu sao, đó là việc của Chúa, Người biết rõ điều phải xảy ra cho vinh danh Người. Về phần cha đây, cha đã cam kết xây dựng miền truyền giáo này. Cha mới dâng Chúa một lời khấn, lời khấn ấy sẽ trói buộc cha suốt đời."
Trở lại với phản ứng của ông Khiêm. Ông nhận ra ngay nỗi lo âu của những người Kinh đối diện với ông, nhất là hai người da trắng. Ông vội vỗ về họ bằng cách lập đi lặp lại rằng: "Ðừng sợ, tôi sẽ giúp đỡ các ông. Tôi sẽ làm cho các ông tất cả những điều các ông muốn. Ðể minh chứng rằng tôi không có ý lừa dối các ông và lưỡi tôi thực sự là thông ngôn của lòng dạ tôi, tôi muốn ngay hôm nay kết nghĩa anh em với các ông, nếu các ông không thấy tôi bất xứng." Ông dùng những từ trang trọng nhất trong thổ ngữ của ông mà nói: "Hai cha lớn này, tôi xin gọi là cha của tôi, còn hai chúng ta - ông thân thiết xích lại gần thầy sáu Do cùng đi với hai cha và nói - sẽ là anh em."
Kết nghĩa anh em với lãnh tụ dân tộc
Theo thủ tục kết nghĩa anh em, hai bên giao nộp một ghè rượu và một gà mái, các chú mai mối xẻ ra làm hai đều nhau, cả tim, gan và từng cái đùi cũng phân làm hai, rồi trao vào tay mỗi người sắp kết nghĩa. Hai ống trúc cùng được cắm một trật vào một trong hai ghè rượu, và trước khi hai đương sự bắt đầu uống rượu thì một chú mai mối, với giọng trịnh trọng đọc lên những lời có tính cách công thức như sau: "Các anh hãy nhớ và đừng bao giờ quên rằng hôm nay hai người đã trở nên anh em với nhau; bạn hữu của người này là bạn hữu của người kia; bà con thân tộc của người này là bà con thân tộc của người kia. Nếu vô phúc mà một trong hai anh, phản bội người anh em của mình thì sấm sét hãy nghiền nát nó đi! Nó phải bị bắt và bị làm nô lệ! Nó phải chết khốn nạn và xác nó không được chôn cất, trở nên mồi cho cá dưới nước hay quạ trên rừng…"
Từ lúc đó, lòng thành tín của ông Khiêm không bao giờ phai mờ. Ông luôn là người bạn chí thiết với các thừa sai. Ông không hề ngần ngại cả trước những trợ giúp hết sức nguy hiểm. Chính ông với phương tiện nô lệ và voi của mình, đã đảm trách việc vận chuyển qua ngã An Sơn, tất cả những gì người ta phải gởi lên cho các thừa sai từ địa phận Ðàng Trong sau này. Các quan ở đồng bằng hay tin các thừa sai trú ẩn vùng Cao Nguyên đã chỉ thị cho ông bắt giữ các vị ấy, nhưng ông Khiêm đã biết xử lý khéo léo, vừa làm hài lòng các quan, vừa không lỗi phạm tình bạn đối với các thừa sai.
Câu chuyện vừa kể cho thấy quả thật các thừa sai của Chúa tuy phải khôn ngoan như con rắn nhưng tới mức nào đó lại phải hiền lành như và đơn sơ như chim bồ câu vì phải đặt mình để tay Chúa dẫn đưa, thâm tín rằng truyền giáo chính là công trình của Thiên Chúa.
Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ
Bài Tin Mừng hôm nay là một phần của bài giảng về truyền giáo trong đó các môn đệ được dạy cho biết họ phải hành xử như thế nào đúng theo tinh thần của Ðức Giêsu (Mt 10,5-15) và họ sẽ gặp phải những khó khăn nào (16-42). Lời dạy chủ yếu là "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà." (cc.24-25).
Vậy các môn đệ đừng trông chờ những sứ vụ dễ dàng và xuôi chảy, Ðức Giêsu có ý chuẩn bị các ông đối phó với những tình huống thù địch và chống đối.
Ðiều quan trọng là các ông không được sợ (Mt 10,26-33). Phải can đảm tuyên xưng đức tin mà không được bỏ cuộc. Ðiều các ông cần phải thâm tín là Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến và người chứng chính là Ðức Giêsu (cc.26-27): khi ấy sự giả hình của đối phương sẽ bị chính Chúa phanh phui. Các môn đệ cần phải tín thác vào Thiên Chúa (cc.28-30). Người ta chỉ có thể làm hại thân xác chứ không thể hủy hoại được linh hồn. Cuối cùng, cần phải nhắm thẳng cuộc phán xét trong ngày sau hết (cc.31-33). Giá trị tối hậu sẽ là lòng thành tín mà các ông duy trì đối với Ðức Giêsu, bởi lẽ kết quả cuộc chung thẩm sẽ dựa vào lòng thành tín đó.
Ðừng sợ, Hãy tin tưởng đối thoại
Dưới ánh sáng của Công Ðồng Vaticanô II, bổn phận truyền giáo bao hàm cuộc đối thoại trong tinh thần tôn trọng những ai chưa đón nhận Tin Mừng. Các tín hữu sẽ rút ra từ cuộc đối thoại này những lợi ích của chính họ. Họ sẽ học hỏi để "biết rõ tất cả những gì là chân lý và ân sủng có nơi các dân tộc, như nhờ một hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa." (AG 9). Nếu họ loan Tin Mừng cho những người không biết chính là để củng cố, kiện toàn, xây dựng chân lý và lòng thiện hảo được Thiên Chúa đổ tràn xuống giữa con người và giữa muôn dân, và để thanh luyện họ khỏi những lầm lạc và sự dữ "để Thiên Chúa được vinh quang, ma qủy phải xấu hổ, con người được hạnh phúc" (AG 9; xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 856).
1. Bạn nghĩ gì về việc ông Khiêm kết nghĩa anh em với thầy sáu Do và tận tình giúp đỡ và che chở các vị thừa sai: Bạn thấy khó hiểu hoặc nghi ngờ? Bạn nghĩ xem ra có sự an bài của Thiên Chúa, vì truyền giáo là việc của Chúa? Bạn có ý nghĩ khác?
2. Bạn nghĩ gì về câu Tin Mừng "Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha anh em, thì đối với anh em cũng vậy. Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi" (cc.29-30). Hai câu vừa trích cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến bạn vì bạn có giá trị trước mặt Người? Hai câu ấy còn cho thấy Chúa biết bạn hơn bạn biết chính mình, vì bạn đâu biết được số tóc bạn có trên đầu? Hai câu ấy có giúp bạn tín thác vào Chúa chăng?