Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về".
Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; Philiphê và Batôlômêô; ông Tôma và Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
"Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
Ðẹp thay bước chân người đi loan Tin Mừng
Hôm ấy, Ðức Cha Thể (Théphanô Théodore Cuenot sinh 1802 tại Pháp, chết tử đạo 1861 tại Việt Nam) gọi thày Do lên và hỏi thẳng thày về cách thày sẽ thực thi mệnh lệnh truyền giáo như thế nào:
- Thày phải mở qua ngõ An Sơn, tức Tây Sơn, một con đường để đi truyền giáo cho các dân tộc thiểu số: Thày sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?
- Thưa Ðức Cha, con sẽ làm lái buôn, Thày Do đáp lời, để trong vai lái buôn, con sẽ tiến sâu vào phía bên kia ranh giới nơi những lái buôn chưa từng vượt qua. Một khi khảo sát xong địa hình, con sẽ trở về đưa một vị thừa sai đến vùng đó.
- Quá tốt, Ðức Cha Thể nói tiếp, Cha mong đợi rất nhiều ở Thày.
Thế là thày Do được trang bị bằng phẩm chất của hai thánh Têphanô và Lorensô xưa, tức chịu chức phó tế. Không tậu ngay được môn bài làm lái buôn, thày Do xin làm người giúp việc cho lái buôn. Sau thời gian ngắn, người chủ hết sức hài lòng về anh giúp việc này liền thăng chức cho anh được làm đầu bếp. Thày sáu Do, vai mang gùi chứa đựng nồi niêu chén bát, tháp tùng ông chủ lái buôn đi hết làng này sang làng khác. Thày kiên trì hỏi han anh em dân tộc về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của họ.
Sau sáu tháng sống đời phiêu bạt, thày sáu Do đã biết tạm đủ thổ ngữ dân tộc để dùng trong trường hợp phiêu lưu một mình. Không còn lý do để ở làm đầu bếp lâu hơn nữa cho ông chủ lái buôn người kinh, thày sáu Do bỏ An Sơn về Gò Thị, trình báo mọi sự lại cho Ðức Cha Thể. Nay thày muốn làm lái buôn thực thụ để có thể đi sâu vào những buôn làng dân tộc mà các thương gia người kinh khác chưa tới bao giờ. Ðức Cha Thể tán thành ý kiến và cho bốn chủng sinh đi theo thày Do.
Ðoàn thương gia của thầy sáu Do hoàn toàn di chuyển ban đêm. Với nhiều thận trọng khôn khéo, họ đã an toàn đến với bộ lạc Hà Ðrông. Nhưng trước kia thầy sáu Do làm người đầu bếp nên không ai chú ý tới thầy làm chi. Nay thầy đóng vai ông chủ buôn người kinh, thầy liền bị người Hà Ðrông để ý muốn chiếm lấy hàng hoá mà họ tưởng là rất quý giá; họ đồng thời còn muốn bắt chủ buôn và các phụ tá để bán sang Lào làm nô lệ! May thay thầy Do biết được ý định đen tối của chủ nhân Hà Ðrông hiếu khách một cách giả dối. Thầy và các phụ tá đã kịp thời chạy trốn lúc đêm khuya, bỏ lại đàng sau tất cả hành lý và đồ đạc. Khi bọn cướp kéo đến bao vây nhà trọ, phái đoàn của thầy đã cao chạy xa bay trên đường về Gò Thị báo cáo cho Ðức Cha Thể biết kết quả.
Trước hết như đã thấy ở trên, thầy sáu Do đã biết được một ít thổ ngữ dân tộc, đó là điều cơ bản; kế đến và nhất là thầy đã khám phá ra con đường độc đạo, hiểm trở, ngoài các con đường thông thường của các thương gia người kinh sử dụng, mà qua đó các vị thừa sai có thể kín đáo đến được các vùng rừng núi phía Tây. Con đường này hết sức cam go và vất vả, lại dài hơn những lối đi khác, bởi vì phải đi một vòng quanh rộng lớn theo hướng Bắc trước khi rẽ sang hướng Tây. Ðó là lối đi an toàn, bởi lẽ không một thương gia người kinh nào có can đảm dấn bước vào đó. Sau khi xem xét chu đáo. Ðức Cha Thể đã chọn lối đi này.
Câu chuyện vừa kể phần nào nói lên ý chí cương quyết của Ðức Cha Thể đối với mệnh lệnh truyền giáo là làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ðức Giêsu (Mt 28,19). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ý chí cương quyết ấy khởi đi từ chính Giavê Thiên Chúa. Chính Người đã chạnh lòng thương khi thấy dân Người vất vưởng như bầy chiên không có người chăn nên đã sai Con Người đến như người Mục Tử nhân lành. Vị Mục Tử này hôm nay sai phái các môn đệ lên đường săn sóc dân Người. Do đó mới có những con người như Ðức Cha Thể là người kế nghiệp các thánh Tông Ðồ, và những người như thày sáu Do là người tích cực tham dự vào sứ mạng truyền giáo.
Thiên tình sử xuyên qua Ðức Giêsu đến ta hôm nay
Bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho thấy cả một thiên tình sử trước Ðức Giêsu, trong thời Ðức Giêsu và sau đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. Thiên chúa luôn là tình yêu sống động. Loài người càng vất vả lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ.
Trước Ðức Giêsu. - Ngay từ ngày con cái nhà Giacóp còn sống trong cảnh lầm than nơi Ai Cập, Giavê Thiên Chúa đã chạnh lòng thương nên đã sai Môsê đến giải thoát họ, đưa họ về đất hứa: "Tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Vua Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập." (Xh 3,9-10)
Thế là thiên tình sử của Cựu Ước đã bắt đầu từ sách Sáng Thế, nay trở nên quyết liệt trong sách Xuất Hành. Thiên Chúa tình thương luôn đứng về phe người bị áp bức để giải thoát họ khỏi cảnh bạo tàn. Xưa tiếng máu của Abel bị Cain là anh giết, vang thấu tới Thiên Chúa (St 4,10), nay tiếng rên siết của con cái Israel, Thiên Chúa cũng không bỏ qua.
Hình ảnh mục tử trong văn chương phổ quát trên thế giới đã từng được áp dụng cho những nhân vật chính trị hoặc tôn giáo. Trong Cựu Ước hình ảnh ấy có khi được áp dụng cả với Giavê Thiên Chúa, như thấy trong các sách Ngôn Sứ (Is 40,10tt; Gr 23,1-4; Ed 34,2-10; M 4,6tt). Thiên Chúa nói: "Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc Ta sẽ đưa về; con nào bị thương Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật Ta sẽ bồi dưỡng; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng." (Ed 34,1-16)
Trong thời Ðức Giêsu. - Bài Tin Mừng hôm nay chỉ phản ảnh phần nào hoạt động của Ðức Giêsu với tư cách là Mục Tử nhân lành. Tự bản chất, Ðức Giêsu chính là hiện thân của lòng ưu ái của Giavê Thiên Chúa ưu tiên dành cho người nghèo. Người được sai đến là thành phần của một gia đình nghèo làng Nadarét, để trở nên bạn của người nghèo ở mọi nơi và trong mọi thời đại. Người được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc 4,18). Người quý chuộng người nghèo đến nỗi chọn ở giữa họ nhóm Mười Hai Tông Ðồ. Ðó là những người được trao quyền trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật (c.1). Trong tương lai họ sẽ được ban Thần Khí để chính họ tha tội cho ai thì tội người ấy được tha (Ga 20,22-23). Trong khi chờ đợi họ là những người môn đệ thân cận nhất sống bên Ðức Giêsu. Họ được hấp thụ một nền giáo dục thiết thân hầu có khả năng Phúc Âm hoá cả thế giới nhờ có Ðức Giêsu phục sinh luôn ở với họ. "Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ… dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20).
Từ đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. - Các Tông Ðồ và những người thừa kế các ngài luôn phải kết hợp với Ðức Giêsu phục sinh còn ở lại mãi trong Giáo Hội, để thực thi những điều Người muốn. Mục tiêu của các cuộc Phúc Âm hoá qua các thời đại luôn là công trình hiện thực hóa Nước Thiên Chúa nơi xã hội loài người. Nước đó chỉ được hoàn tất trong ngày sau hết, nhưng đã phải bắt đầu hiện hữu giữa thế giới chúng ta đang sống. Các Kitô hữu nam nữ đều tham gia việc làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá hàng ngày, bằng việc góp phần làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được lãnh hội và được sống, dĩ nhiên phải xuyên qua nền văn hoá phức tạp của con người, xuyên qua cuộc đối thoại liên vị và không thể bỏ qua việc thăng tiến công bằng gắn liền với việc Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã muốn giải phóng dân Người thoát khỏi mọi hình thức bất công. Ðiểm cuối cùng này được Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi nói: "Lao tác cho Nước Chúa hiển trị là nhận biết và cổ võ hành động của Thiên Chúa đang hiện diện và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Nước Chúa có nghĩa là lao tác nhằm giải phóng khỏi sự dữ dưới mọi hình thức. Tắt một lời, Nước Thiên Chúa chính là việc bày tỏ và hiện thực hoá kế hoạch cứu độ trong tất cả mức tròn đầy của kế hoạch đó." (Thông điệp Sứ Mạng củ Ðấng Cứu Thế, số 15)
1. Bạn nghĩ những người Công Giáo của những dân tộc thiểu số vùng Cao Nguyên Việt Nam ngày nay có thể cảm thấy lòng biết ơn đối với những người sau đây về những điều mà họ mắc nợ: Ðức Cha Thể, Thầy Sáu Do? Các vị Thừa Sai Ba Lê? Riêng bạn có mắc nợ ai về ơn đức tin mà qua họ bạn lãnh nhận chăng, chẳng hạn: người dạy giáo lý cho bạn? Người làm gương sáng cho bạn? Một cuốn sách bạn đọc? Gương của một vị thánh? Một số các vị thừa sai đầu tiên đến rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, mà bạn nhớ tên?
2. Loài người càng vất vưởng lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ. Bạn biết gì về lòng thương xót đó của Thiên Chúa trước thời Chúa Giêsu, trong thời Chúa Giêsu sống nơi trần gian và sau thời đó cho đến ngày hôm nay?