Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Ðức tin Kitô giáo nói tới Ngôi Hai xuống thế làm người thì cũng nói đến Người đã lên trời, tức "lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn" (Ep 4,10).
Biến Cố và Mầu Nhiệm Lên Trời
Việc Ðức Giêsu lên trời là một biến cố mà các tông đồ có thể ghi nhận như một kinh nghiệm các ông đã trải qua, nhưng đồng thời cũng là một mầu nhiệm vượt ngoài trật tự nhân loại, nên chỉ có thể được nói tới qua biểu tượng.
Sau khi Ðức Giêsu chết được ba ngày, Người cho các môn đệ thấy Người đang sống. Nhưng sự sống ấy không phải là sự sống được phục hồi lại như trường hợp Lazarô. Sự sống ấy cho thấy Ðức Kitô nay hiện diện với những kẻ thuộc về Người một cách khác trước (Lc 24,37-40; Ga 20,19.26). Trước kia thiên tính của Người như được ẩn dấu và bị giới hạn nơi con người Giêsu, con bác thợ mộc Giuse làng Nazarét, nay tung hoành trong quyền năng tuyệt đối và phổ quát, không gì có thể cản ngăn. Ðức Kitô lên trời có nghĩa là Người chấm dứt thời gian hiện ra dậy dỗ các môn đệ. Người chuẩn bị họ để nhận biến cố Ngũ Tuần là biến cố mở đầu cho kỷ nguyên mới: Ðó là kỷ nguyên Thần Khí của Ðức Kitô đi vào nội tâm của loài người và cho các tín hữu khả năng được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cuộc sống.
Ý Nghĩa Thần Học
Như vậy vượt ngoài kinh nghiệm của các môn đệ với Thầy Giêsu, còn có mầu nhiệm thuộc về biến cố Lên Trời của Ðức Giêsu. Mầu nhiệm ấy được phác họa trong Tin Mừng thánh Gioan ở cuộc đàm đạo với ông Nicôđêmô (3,13) và trong diễn từ về Bánh Sự Sống (6,62): Ðức Giêsu chỗi dậy khỏi sự chết đã chiến thắng tử thần và đảm nhiệm sứ mạng đưa loài người vào lòng Chúa Cha. Chính qua đó Người mạc khải cho thấy loài người thật sự phát xuất từ trời cao nên cuối cùng phải trở về đó, như lời Ðức Lêô Cả, người kế vị thánh Phêrô (440-461), nói: "Cuộc lên trời của Ðức Kitô như vậy là cuộc vinh thăng của chính chúng ta và nơi mà Ðấng làm đầu [của Giáo Hội], đã đến trước thì niềm hy vọng của thân thể là [Giáo Hội] cũng được mời gọi để đạt tới (Bài giảng về Lễ Thăng Thiên, Sch. 74,138).
Biến cố Thăng Thiên chỉ được Tin Mừng Mác Cô nhắc tới trong 16,19: "Nói xong Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa." Riêng Luca sau khi nói đến Chúa Giêsu được rước lên trời trong sách Tin Mừng (24,51), còn mô tả chi tiết trong sách Công Vụ (1,3-11) về cuộc Thăng Thiên: Chính từ bên hữu Thiên Chúa, Ðức Giêsu Phục Sinh ban Thánh Thần cho các tông đồ để các ông đến với muôn dân và làm chứng về Người. Ở đâu Tin Mừng được loan báo, ở đó Ðức Giêsu cũng hiện diện và đưa mọi người trở về cùng Chúa Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 28, 16-20) được chọn cho lễ Thăng Thiên không phải vì trực tiếp nói đến biến cố Chúa lên trời. Trong mệnh lệnh Phúc Âm hóa thế giới (cc.18b-20) Matthêu cho thấy trước tiên quyền uy của Ðức Kitô trải ra trên trời dưới đất (c. 18); chính dựa vào quyền đó, Người sai các môn đệ đi đến với muôn dân để làm cho họ trở nên môn đệ của Người (cc. 19-20); và điều bảo đảm cho công trình mà Người giao cho các môn đệ thực hiện, chính là sự hiện diện của Người với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (c. 20).
Sự hiện diện của Chúa Giêsu với các môn đệ cho đến ngày tận thế sẽ là sự hiện diện của Ðấng đã phục sinh và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người sẽ cho các môn đệ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần (Cv 1,8) để làm cho muôn dân không những trở nên môn đệ nhưng còn được tăng trưởng trong phẩm chất làm môn đệ của Người. Người Kitô hữu không những lãnh Phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nhưng qua những thăng trầm của cuộc sống còn phải thường xuyên lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Gia Tăng Phẩm Chất Nơi Người Môn Ðệ
Là một tu sĩ dòng Thánh Thể, tôi được may mắn khám phá ra phong trào Tổ Ấm Fo-co-la-re ở vào thời điểm khá khó khăn trong đời tôi, Cha Bành Tiến Ðức (Jan Van Burgensteden, S.S.S.) bắt đầu kể. Ðó là lúc tôi đang học triết và việc học không mấy xuôi chảy. Ðó cũng là thời điểm căng thẳng vì tôi bất ngờ nhận thấy cần được chữa trị để duy trì sức khỏe. Tôi bắt đầu tự hỏi không biết tôi có thích hợp với đời tu chăng?
Chính vào thời điểm đó phong trào Tổ Ấm mở một trung tâm là nơi tôi được gặp những con người dung mạo quang tĩnh, mặc dầu tôi biết họ bước vào xứ sở và một bối cảnh hoàn toàn mới lạ đối với họ. Dĩ nhiên họ phải vượt thắng nhiều cản trở để bắt đầu hoạt động. Tôi có ấn tượng mạnh về ơn bình an nội tâm họ nhận được nhờ tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tín thác vào sự nâng đỡ và săn sóc của Thiên Chúa dành cho trong mọi tình huống. Gương sáng của họ mang lại cho tôi cũng một niềm thâm tín loại đó. Tôi bắt đầu sống niềm tin tưởng rằng mọi sự quá khứ cũng như hiện tại, đều nói lên tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi. Cả đối với khổ đau, tôi cũng nhìn với cặp mắt khác trước, bởi lẽ tôi đã hiểu rằng cả ở đó nữa cũng có tình yêu Thiên Chúa hiện diện.
Thế là bắt đầu cả một cuộc sống hoàn toàn mới đối với tôi. Tôi nhìn mọi sự dưới một viễn tượng mới, như thể có một sợi dây bằng vàng chạy xuyên qua các biến cố đời tôi. Cái nhìn ấy mang lại cho tôi ơn bình an lớn lao. Bí tích Rửa Tội tôi lãnh nhận hồi còn nhỏ, bỗng trở nên sống động. Kitô giáo trở nên hoàn toàn mới, tập trung vào tình yêu Thiên Chúa. Tôi nhìn cũng một cái nhìn đó về đời tu của tôi. Tình yêu phải là tâm điểm của mọi sự và phải là một tình yêu tận căn ở chỗ tôi phải sẵn sàng cống hiến sự sống của tôi cho người bên cạnh ngay trong giây phút hiện tại. Chính tôi được mời gọi sống Lời Chúa Giêsu dạy là "Hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em."
Ðiều hiểu biết mới mẻ này cũng thay đổi nhận thức của tôi về Giáo Hội. Bây giờ tôi có kinh nghiệm về Giáo Hội như một gia đình trong đó mọi người được mời gọi yêu thương nhau. Chính tình hiệp nhất đã mở cõi lòng tôi ra để yêu thương mọi người bất kể họ thâm tín về những điều gì.
Cả đối với Thánh Thể là đặc sủng của hội dòng Thánh Thể của tôi, tôi cũng nhận lãnh một hiểu biết mới. Bây giờ tôi nhìn thấy Thánh Thể như một dấu chỉ, một diễn tả sống động về tính hiệp nhất do Chúa Giêsu mang lại. Bây giờ tôi rất ước ao nên giống Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể để hiến thân cho người khác, khởi sự với những thành viên của cộng đoàn địa phương tôi. Tôi được lôi kéo để quan tâm tới những hoàn cảnh thương tâm nhất bởi lẽ chính ở giữa những hoàn cảnh loại đó. tình yêu của Thiên Chúa được minh nhiên.
Khi ấy cha giám tỉnh yêu cầu tôi làm trưởng một cộng đoàn, nơi chỉ còn một số anh em lớn tuổi ở lại. Những người trẻ đã bỏ cộng đoàn không còn tu nữa. Tôi liền cảm thấy phải thưa "xin vâng" mặc dầu tôi nhận ra những hoàn cảnh khó khăn ở đó. Trước khi nhậm chức tôi được cho biết chỉ một thời gian nữa sẽ phải đóng cửa tu viện đó, và tôi có bổn phận lo sao để xảy ra ít đau khổ nhất cho những người liên hệ. Tôi đã không dám tiết lộ cho các anh em trong cộng đoàn biết điều vừa nói, nhưng chỉ tập chú vào việc cầu nguyện cùng Chúa Cha. Tôi khám phá ra điều này là anh em trong cộng đoàn mới của tôi là những cá nhân tốt lành tuy mỗi người sống trong thế giới riêng của mình. Ngay từ đầu tôi đã cố công xây dựng tình hiệp nhất bằng cách cố gắng hiểu từng người. Vì là người nhỏ tuổi nhất nên tôi có thể lo cho họ những điều lặt vặt, cho nên họ rất biết ơn tôi. Tôi cũng nhận ra lòng họ quý mến và kính trọng đối với tôi là trưởng cộng đoàn. Họ còn tỏ ra chấp nhận những điều tôi đề nghị thực hiện trong tu viện.
Ba năm sau đó, Ban Quản Trị của Tỉnh Dòng quyết định không đóng cửa tu viện chúng tôi nữa. Thế rồi một người trẻ đến gõ cửa xin vào Dòng và xin tập sự nơi tu viện chúng tôi vì anh được hấp dẫn bởi tinh thần gia đình của tu viện. Tới năm 1988, có tất cả 9 người trẻ tới xin vào Dòng! Hơn nữa, Chúa còn an bài để tu viện chúng tôi đảm nhiệm ngôi nhà nguyện từng là trung tâm tôn thờ Thánh Thể tại thủ đô Hà Lan qua nhiều thế kỷ.
Ban Quản Trị Tỉnh Dòng chấp nhận để anh em trẻ đảm nhiệm ngôi nhà nguyện kính Thánh Thể nói trên. Tại Tổng Công Hội của Dòng, một nghị phụ khi nghe tôi báo cáo sinh hoạt của cộng đoàn chúng tôi tại thủ đô Hà Lan đã nói: "Kinh nghiệm vừa nói soi sáng cho thấy con đường mà Dòng chúng ta nên theo."
1. Bạn nghĩ gì về cuộc biến đổi nơi Cha Bành Tiến Ðức: có phải cuộc biến đổi ấy khởi sự do gương sáng của phong trào giáo dân Fo-co-la-re? Ảnh hưởng giây chuyền tới nhiều người là những ai? Bạn nghĩ cuộc biến đổi ấy có liên quan gì tới Mầu Nhiệm Chúa Giêsu lên trời?
2. Bạn hiểu thế nào về biến cố Lên Trời của Chúa Giêsu? Về Mầu Nhiệm Lên Trời của Chúa Giêsu? Chính bạn có liên hệ gì với Mầu Nhiệm Lên Trời của Chúa Giêsu chăng?