Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các giới răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy".
Các Môn Ðệ Không Hiểu Nêu Lên Ba Câu Hỏi
Bài Tin Mừng hôm nay đặt ta vào bối cảnh của bữa tiệc ly. Trong bữa tiệc ly này Ðức Giêsu lên tiếng nói với các môn đệ về cuộc ra đi của Người nhưng Người cũng trấn an các ông khi các ông biết Người sẽ trở lại với các ông. Nhưng cuộc ra đi cũng như trở lại của Ðức Giêsu có tiềm ẩn những điều khó hiểu. Do đó phản ứng của các ông là nêu câu hỏi.
Những điều khó hiểu trong diễn từ từ biệt của Ðức Giêsu không chỉ áp dụng với các môn đệ xưa. Những điều khó hiểu ấy vẫn còn đó, thuộc về giới hạn của mọi người.
Trước hết ta có ba diễn từ từ biệt (13,31-14,31; 15,1-16,33; 17,1-26). Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ thứ nhất.
* Phêrô (13,36-14,4) luôn luôn là người phản ứng đầu tiên. "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?" (c.36). Phêrô xuất hiện cho tác giả Gioan cơ hội truyền đạt lời tiên báo cho biết Phêrô sẽ chối Thầy ba lần (c.37). Nhưng quan trọng hơn là ông được cho biết ông sẽ chịu chết vì Thầy (c.36). Biết tội đã phạm không quan trọng bằng biết lòng thương xót của Chúa liên quan tới tội đó để mà ăn năn sám hối.
* Người thứ hai nêu câu hỏi: "Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Người ấy là ông Tôma. Khi Ðức Giêsu trả lời "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6), Người có ý nói rằng niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một phương pháp, cũng không phải là một thủ tục, nhưng là một bản vị. Chính ngang qua Ðức Giêsu và ở nơi Người, ta đến được với Cha, được biết Cha và được thấy Cha.
* Vậy "Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Cha, như thế là chúng con được mãn nguyện" (c.8). Ðó là yêu cầu của tông đồ Philipphê (14,8-21). Ta hầu như nghe được tiếng thở dài của Ðức Giêsu khi Người trả lời ông Philipphê rằng: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Cha" (c.9). Liền đó Ðức Giêsu vạch cho các môn đệ thấy Người và Cha là một: Lời nói và việc làm của Ðức Giêsu cũng chính là lời nói và việc làm của Cha (cc.10-11).
Và Ðức Giêsu hướng chú ý của Người về lời nói và việc làm của chính các môn đệ. Chính họ cũng sẽ làm những công việc mà Ðức Giêsu đã làm, bởi lẽ Người sẽ đáp ứng những lời họ kêu xin để Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Con. Ðiều kiện không thể thiếu là họ phải yêu mến Thầy và giữ các giới răn của Thầy (c.15). Chính lòng yêu mến này sẽ cho họ nhận được Ðấng Bảo Trợ khác là Ðấng sẽ đến và ở mãi với họ (c.16). Chính theo ý nghĩa vừa nói, Ðức Giêsu cho các môn đệ biết Người sẽ trở lại với họ và họ sẽ không bị bỏ rơi (c.18).
Chúa đi dọn chỗ nhưng chỗ ấy lại ở nơi các môn đệ.
Ta có thể cảm thấy một sự choáng váng nào đó khi nghe Chúa Giêsu đề cập những điều nói trên. Thoạt tiên ta đã tưởng Chúa ra đi là để dọn chỗ cho các môn đệ, rồi Người sẽ trở lại và đưa các ông đi với Người, để Người ở đâu các ông cũng sẽ ở đó (c.3). Nhưng bây giờ Ðức Giêsu lại nói rằng Người sẽ ban cho các ông Ðấng Bảo Trợ là Ðấng sẽ đến ở với các ông luôn mãi (c.16). Như vậy là một cuộc vận chuyển để trở về chỗ cũ! Ðức Giêsu đi dọn chỗ cho các môn đệ (C.2) nhưng chỗ đó lại ở ngay nơi các môn đệ! (cc.20-21). Một cách nào đó cuộc trở lại của Ðức Giêsu với các môn đệ có liên quan tới Ðấng Bảo Trợ. Chính Ðấng Bảo Trợ này thay thế Ðức Giêsu trong vai trò vừa là Ðấng Bảo Trợ, vừa là Ðấng Mạc Khải (x. 1Ga 2,1) đối với các môn đệ.
Vậy cuộc vận chuyển để trở về chỗ cũ thực ra không phải là chỗ cũ nhưng là những mối tương quan liên vị hoàn toàn mới: Ðức Giêsu sẽ ra đi nhưng sau đó Người sẽ trở lại qua Ðấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần. Như trong bữa tiệc ly, các môn đệ được thấy Ðức Giêsu như họ vẫn thấy Người, thì không lâu nữa ("một chút nữa" c.19), các ông sẽ được thấy Người kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha, sự kết hợp ấy chính các môn đệ được tham dự. Các môn đệ mà biết yêu thương như Ðức Giêsu dạy, họ sẽ được cả Cha lẫn Con yêu thương: chính Chúa Con ngang qua Ðấng Bảo Trợ sẽ tự mạc khải bản thân Người cho các môn đệ (c.21). Tất cả những điều đó họ vẫn hằng hy vọng trong tương lai giờ đây sẽ sớm xảy ra!
Tiến Xa Vào Chỗ Chúa Giêsu Ðang Dọn Ðường Cho Môn Ðệ!
Mỗi ngày tôi hằng cố thực hiện giới răn yêu thương như Chúa Giêsu dạy, chị Mai Bạch Liên kể lại. Chị cho biết chị là Nữ Tỳ Hèn Mọn của Mẹ Thiên Chúa. Công việc chị làm hằng ngày là phục vụ người nghèo tại một trạm trú chân ở thủ đô Luân Ðôn của Anh Quốc. Chị được gợi hứng do bốn khẩu hiệu về yêu thương của chị Lưu Bích, người sáng lập phong trào Tổ Ấm Fo-co-la-re, như sau:
- Hãy yêu tha nhân như chính mình (thương người như thể thương thân)
- Hãy yêu thương mọi người không trừ ai,
- Hãy mau mắn yêu thương trước, không chờ đợi ai phải yêu cầu.
- Hãy nên một với tất cả mọi người.
Mỗi tối tôi đón tiếp một số người nam và nữ không nhà ở đến xin ngủ đêm. Họ đã đứng xếp hàng lúc 10 giờ tối khi tôi tới để chuẩn bị tiếp họ. Chỉ có chỗ cho 40 người mà thôi. Tôi đã chuẩn bị giường, đệm, gối, túi ngủ ấm. Chúng tôi cũng sắp sẵn cho mỗi người có Xen-du-ít ăn cầm tay và nơi tiếp họ ngồi thoải mái và có thể hút thuốc theo nhu cầu.
Ðúng 11 giờ tối cửa nhà trọ mở. Bốn mươi người may mắn bước vào. Từng người một được đón tiếp trong bầu khí vui vẻ. Hầu hết là những bộ mặt quen thuộc. Những người đến lần đầu được cho biết quy chế nhà trọ là: không uống rượu, không dùng ma tuý, không hành hung, ngược lại, ai nấy phải tôn trọng nhau. Ðau khổ nhất đối với nhà trọ là phải từ chối số người vượt quá sức chứa của căn nhà. Họ sẽ ngủ đêm ở đâu?
Với những người được tiếp nhận, bầu khí sinh động liền bắt đầu. Một số xếp hàng chờ Xen-du-ít và nước trà uống; người khác nhận đồ ngủ đêm. Một số xin cung cấp tin tức về cách nhận viện trợ hoặc việc làm. Người khác có nhu cầu kể lể về trường hợp riêng như hôn nhân tan vỡ, nghiện rượu, bệnh tâm thần, thiếu khả năng đối phó với áp lực xã hội, bơ vơ không người cậy dựa. Hầu hết vào tuổi từ 25 đến75.
Theo kinh nghiệm, tôi thấy ai cũng chấp nhận cách xử đối THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN. Bữa nọ, tôi được biết đó là sinh nhật thứ 25 của chàng Kim Vinh (Kenvin). Vinh không ngờ có một người biết và còn hy sinh tổ chức mừng sinh nhật chàng! Chàng là nạn nhân của tật nghiện rượu làm cho gia đình tan rã. Ðúng nửa đêm khi mọi người đã đi ngủ, chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật Vinh. Ðó quả là một ấn tượng mà Vinh không thể nào quên được!
Nhưng phải YÊU THƯƠNG MỌI NGƯỜI KHÔNG THIÊN VỊ. Chúng tôi biết danh xưng của từng người và để ý tới nhu cầu cá nhân. Hôm đó Ðán (Daniel) chỉ xin ngủ một đêm thôi. Tôi hỏi chàng "Bạn dùng một ly cà phê không?" Ðán từ chối nhưng nói "Tôi có chuyện muốn nói với chị." Thế là tôi ngồi nghe Ðán kể lể. Tôi thầm cầu nguyện cho Ðán lấy lại được bình an nội tâm. Mấy bữa sau, Ðán trở lại, không để xin ngủ đêm nhưng để kể tiếp về hoàn cảnh riêng của mình và để nghe ý kiến của người khác là tôi.
Nhiều lần tôi tập để trước tiên chú ý tới nhu cầu của người mà tôi gặp: CẦN PHẢI BÉN NHẠY VỀ YÊU THƯƠNG. Nhiều khi chỉ là chuyện để ý tới ơn gọi, lưu tâm tới điều đương sự thích hoặc không thích.
Nhưng quan trọng hơn là phải ÐẶT MÌNH VÀO HOÀN CẢNH của đương sự để biết phải nói gì và làm gì thích hợp. Như vậy là phải ra khỏi mình để đồng hoá với người chẳng có của cải hay quyền lực làm đòn bẩy. Ở đây chỉ có chỗ cho Tình Yêu cho không, là thứ tình yêu mà mọi người hằng nhận được từ nơi Ðấng đưa mình vào đời và đang dẫn mình ra khỏi đó, trở về với Ngài.
1. Bạn hiểu như thế nào về THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN? Bạn có kinh nghiệm nào về loại thương người này chăng? Có thể là kinh nghiệm giống như kinh nghiệm mừng lễ sinh nhật thứ 25 của chàng Kim Vinh? Hay như kinh nghiệm của chị Mai Bạch Liên lắng nghe bạn Ðán kể về những khó khăn bạn ấy phải đối phó?
2. Bạn nên hiểu như thế nào về việc Ðức Giêsu đi dọn chỗ cho các môn đệ (Ga 14,2) nhưng chỗ đó lại ở ngay nơi các môn đệ (cc.20-21)? Có phải chị Mai Bạch Liên nhờ ơn Chúa và nhờ chị biết yêu thương nên đang tiến sâu vào chỗ hẹn đó chăng?