Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 02 tháng 05 năm 1999
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A

Ðọc Tin Mừng Ga 14,1-12

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Xao Xuyến và Tin Tưởng

Một nhân vật vị vọng, vào lúc sắp lìa đời, thường nói lời từ biệt với các người thân quen, ông quy tụ gia đình hay các môn sinh lại, và đưa ra những lời dạy dỗ sau cùng: Khuyên họ sống trung tín với Chúa, và loan báo những hậu quả không hay sẽ xảy ra nếu họ bất tuân lệnh Chúa truyền. Hành vi này thường thấy nơi các tổ phụ trong dân Do Thái.

Bài Tin Mừng hôm nay, và cả chương 14 của thánh Gioan, là lời giã từ của Ðức Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Lời giã từ này không có tính buồn thảm, trái lại đây là những lời khích lệ nâng đỡ các môn đệ đang buồn sầu trước cảnh chia ly. Chính vì thế Giáo Hội đã cho đọc vào mùa Phục Sinh để giúp ta sống tin tưởng và hy vọng Chúa trở lại.

"Tim anh em đừng xao xuyến!" Xao xuyến đụng đến phần sâu nhất của con người là trái tim. Có ai trong chúng ta đã không từng bị xao xuyến? Các môn đệ xao xuyến vì họ được nghe biết về sự phản bội của một người trong chính nhóm của họ (Ga 13,21-30); và cả đến việc Phêrô sẽ chối Thầy (13,38). Họ xao xuyến vì Thầy đã nói bóng gió đến cái chết gần kề (13,33). Tất cả đều là những biến cố kinh khủng, ảnh hưởng đến đời sống của họ, phá vỡ những gì họ đã xây dựng. Phải xa cách Thầy, phải tự mình đương đầu với một thế gian thù nghịch: những điều đó làm họ xao xuyến.

Nhưng không phải chỉ các môn đệ mới xao xuyến. Chính Ðức Giêsu cũng đã có lần xao xuyến. Ngài đã xao xuyến khi thấy Maria và những người Do Thái khóc nức nở trước cái chết của Ladarô (Ga 11,33); Ngài đã xao xuyến thì thấy Giờ mà Ngài mong chờ nay đã đến, Giờ Ngài được tôn vinh qua khổ đau và cái chết: "Giờ đây, hồn Thầy xao xuyến, Thầy biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi Giờ này. Nhưng chính vì Giờ này mà Con đã đến." (12,27). Lần thứ ba, Ðức Giêsu xao xuyến khi loan báo về việc một môn đệ trong nhóm sẽ phản bội (13,21). Như thế Ðức Giêsu chẳng phải là con người sắt đá, hay đã luyện cho mình có được thái độ vô cảm trước nỗi đau của người khác hay nỗi đau của chính mình. Xao xuyến là tâm trạng chúng ta có thể có. Ðó không phải là một tội, nếu nó không đưa chúng ta đến chỗ sợ hãi mà bỏ cuộc, không dám làm tròn ý Thiên Chúa. Tin Mừng thánh Gioan không nói đến chuyện Ðức Giêsu xao xuyến trong Vườn Dầu như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng bù lại đã ba lần nói đến chuyện Ngài xao xuyến trong những hoàn cảnh khác. Vượt thắng được cơn xao xuyến sợ hãi, can đảm không lùi bước trước hiểm nguy: Ðó là điều Ðức Giêsu đã làm.

Chúng ta không xin cho mình tránh được mọi thứ xao xuyến. Ðức Giêsu dạy chúng ta vượt qua cơn xao xuyến bằng lòng tin: "Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy." Chính niềm tín thác khiến tim chúng ta bình an trở lại. Dù đe dọa vẫn còn đó, nhưng chúng ta an tâm, vì biết quyền năng của Chúa còn lớn hơn mọi thế lực đe dọa. Chúng ta chỉ hết xao xuyến khi chúng ta buông tất cả mọi chỗ dựa vào người đời, để chỉ dựa vào một mình Thiên Chúa. Các môn đệ chỉ hết xao xuyến khi biết cuộc chia ly đau đớn với Thầy không phải là vĩnh viễn. "Thầy đi để dọn chỗ, rồi Thầy sẽ trở lại đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó." Như thế phải tin rằng cái chết cũng không ngăn cách được Thầy trò. Ðức Giêsu sẽ trở lại: trở lại qua những lần hiện ra sau phục sinh, trở lại vào ngày Quang Lâm hay vào ngày chết của từng môn đệ, trở lại qua việc Chúa Cha và Ngài cư ngụ trong lòng từng người nhờ Thánh Thần (Ga 14,23).

Thầy là Ðường

"Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy": câu này là đỉnh cao trong nền thần học của Gioan. Ðức Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa Cha, con đường duy nhất dẫn đến ơn cứu độ. "Không có một Danh nào khác dưới bầu trời, được ban cho loài người, để nhờ Danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ." (Cv 4,12). Ðức Giêsu là con đường duy nhất, vì duy mình Ngài là Ðấng ở bên Thiên Chúa, là Con Một ở trong lòng Cha (Ga 1,18); duy mình Ngài là Ðấng đã thấy Thiên Chúa trong bản tính sâu thẳm; duy mình Ngài là Ðấng biết Thiên Chúa Cha; là mạc khải trọn vẹn và hoàn hảo về Cha, là hiện thân của chân lý: "không ai biết Con trừ ra Cha, không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho" (Mt11,27). Kitô giáo là tôn giáo tin rằng Thiên Chúa đã đến cứu độ cả nhân loại qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, bởi vì Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người.

Trong những năm sau Công Ðồng Vaticanô II, có một khủng hoảng trong lãnh vực truyền giáo. Có người cho rằng cần gì phải giúp người ta tin vào Ðức Kitô và chịu Phép Rửa; cứ để người ta tự do theo đạo của mình, bởi lẽ đó là con đường dẫn họ đến ơn cứu độ, trong khung cảnh địa dư, văn hoá riêng của họ. Chúng ta cần đọc lại một bản văn quan trọng của Công Ðồng trong Hiến Chế về Giáo Hội: "Những ai không biết Tin Mừng của Ðức Kitô, cũng chẳng biết Giáo Hội, mà không do lỗi của họ, nhưng lại tìm kiếm Thiên Chúa với lòng chân thành, và dưới ảnh hưởng của ân sủng, họ cố gắng sống sao cho trọn ý Ngài, ý được bày tỏ qua những mệnh lệnh của lương tâm họ, thì những người ấy có thể được hưởng ơn cứu độ nhờ chân thành vâng phục những gì lương tâm chỉ dạy, dù người đó không chính thức thuộc về Giáo Hội Công Giáo.

Ðây là một con đường đặc biệt dẫn đến ơn cứu độ, nhưng chẳng ai đi được con đường này nếu không có sự nâng đỡ của Thiên Chúa; chẳng ai sống đúng với đòi hỏi của lương tâm nếu không nhờ "ảnh hưởng của ân sủng". Trong quan niệm của Kitô Giáo, được cứu độ là một ơn, chứ không phải là kết quả của nỗ lực đơn độc của con người; thế mà mọi ơn Thiên Chúa ban cho nhân loại đều qua Ðức Giêsu Kitô, nên chẳng ai được ơn cứu độ mà lại không nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất này. Bổn phận của chúng ta là làm cho mọi người nhận biết Ðức Giêsu và gia nhập Giáo Hội. Ðó mới là con đường bình thường và bảo đảm hơn dẫn đến ơn cứu độ.

Các tôn giáo là những con đường dẫn đến Thiên Chúa, là những cố gắng vươn tới của con người nhờ ơn Chúa giúp, dù họ có ý thức ơn đó hay không. Còn Kitô Giáo là con đường Thiên Chúa đến với con người để ban ơn cứu độ qua Ðức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã viết: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Nhưng đó là chân lý nào? Ngài liền viết tiếp: "Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2,5-6). Chúng ta phải tiếp tục loan báo về chỗ đứng độc nhất của Ðức Giêsu trong lịch sử cứu độ, phải "làm cho muôn dân trở thành môn đệ" của Ngài (Mt 28,19), bởi lẽ Ngài là Ðường, là sự Thật và là sự Sống.

Tương Quan Cha-Con

Khao khát của Philipphê cũng là của cả nhân loại: "Xin cho chúng con thấy Chúa Cha". Chúng ta chỉ mãn nguyện khi được thấy Thiên Chúa. Thiên Chúa vốn là Ðấng không ai thấy bao giờ, không ai lại gần được; chính Ngài đã muốn trở nên hữu hình khi cho Con của Ngài mang thân phận phàm nhân, sống giữa chúng ta. Như thế Thiên Chúa siêu việt đã trở nên gần gũi; Thiên Chúa oai hùng đã trở nên dễ mến, dễ quen. Giữa Ðức Giêsu và Thiên Chúa Cha có một mối dây gắn bó độc nhất vô nhị, đến nỗi Ðức Giêsu dám nói: "Ai biết Thầy là biết Cha" (x. Ga 14,7); "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (14,9). Con người không còn phải đi tìm Thiên Chúa ở nơi xa thẳm, không còn phải tìm gặp Ngài trong những thị kiến hay qua những kỹ thuật chiêm niệm bí truyền. Chỉ cần gặp Ðức Giêsu là gặp được Thiên Chúa. Chỉ cần biết Ðức Giêsu thật sâu là biết được mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.

Tại sao ai thấy Ðức Giêsu là thấy Chúa Cha? Ðức Giêsu mời gọi chúng ta tin vào mầu nhiệm này, đó là Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy (14,10). Một tương quan hai chiều, đến nỗi như tan hòa vào nhau. Ðức Giêsu trọn vẹn thuộc về Cha, cả trong lời nói lẫn hành động. "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra" (14,10). Ðức Giêsu chẳng tự tiện nói, cũng chẳng tự tiện làm việc gì của mình. Khi Ngài làm, thì chính Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Ngài, đang làm những việc của Chúa Cha (14,10). Như thế toàn bộ cuộc đời Ðức Giêsu được Cha chiếm ngự và chi phối, đến nỗi "ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha".

Chúng ta cần được Thiên Chúa chiếm trọn, để qua chúng ta, Thiên Chúa làm những việc lớn lao cho thế giới hôm nay. Ước gì cuộc đời chúng ta cũng trở nên trong suốt và phản ánh Thiên Chúa nhân hậu, để ai thấy chúng ta cũng thấy được phần nào Thiên Chúa.

Câu Hỏi Gợi Ý

1. Có lần nào bạn gặp xao xuyến không? Bạn đã làm gì để vượt qua nỗi xao xuyến đó?

2. Người ta thường nói đạo nào cũng như nhau, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Còn bạn, tại sao bạn là Kitô hữu? Kitô giáo có gì đặc biệt khiến bạn chọn theo không?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page