Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 18 tháng 04 năm 1999
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A

Ðọc Tin Mừng Lc 24,13-35

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hai Môn Ðệ Gặp Chúa Phục Sinh

Ðoạn Tin Mừng trên đây là một đoạn văn rất đẹp, dưới ngòi bút tài hoa của thánh Luca. Thánh nhân đã dựa vào một nguồn tài liệu đáng tin cậy, hay dựa vào một chứng nhân còn sống, để biên soạn trình thuật.

Hai môn đệ về Emmau chỉ là những môn đệ thường, chứ không phải là những tông đồ, những người lãnh đạo Giáo Hội; thế nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh lại muốn đến với họ. Ngài không muốn mất đi một ai đã tin vào Ngài. Hai môn đệ đang trên đường trở về làng cũ. Họ đang buồn sầu và thất vọng trước cái chết của Thầy Giêsu. Chúa Giêsu nhận ra một đốm lửa còn leo lét nơi lòng họ, Ngài muốn thổi bùng lên. Quả thật, lòng họ không phải đã hoàn toàn nguội lạnh. Họ đang đi hai người, giống như chính Thầy đã dặn trước đây (Lc 10,1), họ không để mình cô đơn trong đau khổ. Vừa đi họ vừa trao đổi về biến cố Thầy Giêsu bị đóng đinh. Biến cố này làm cho họ bị hụt hẫng. Họ đã tin và đi theo Ðức Giêsu như một vị ngôn sứ, một Ðấng Mêsia. Qua những lời họ nói và qua nỗi đau đớn của họ (cc.19-24), ta thấy họ vẫn còn gắn bó và yêu mến Ðức Giêsu. Tuy nhiên họ không hiểu được tại sao một người tốt lành như thế lại phải chịu chết nhục nhã trên thập tự, chết như một người bị Thiên Chúa chúc dữ. (Gl 3,13).

Chúa Phục Sinh đến để làm nóng lên tâm hồn nguội lạnh, làm sống lại niềm tin, niềm hy vọng đã rã rời. Ngài giúp họ hiểu điều mà trước đây họ không hiểu nổi. Sau lời trách mắng bề ngoài có vẻ nặng nề, nhưng thực tế lại đầy dịu dàng (c. 25), Chúa Giêsu đã giảng giải Thánh Kinh cho họ. Ngài dùng Lời Chúa để cho họ thấy rằng không phải tất cả những ai bị khổ đau, bị thất bại đều là những người tội lỗi, bị Thiên Chúa đoán phạt. Ngược lại, không thiếu những người công chính mà vẫn gặp thử thách gian truân (Lc 6,22-23; 11,49-51; 13,33). Trong Thánh Kinh, không có bản văn nào nói rõ về việc Ðức Kitô "phải" chịu đau khổ hay "phải" chết, nhưng, bàng bạc trong đó, những người của Thiên Chúa đều gặp nhiều nỗi khó khăn. Thí dụ như ông Môsê, Abraham, ngôn sứ Giêrêmia, Người Tôi Tớ Ðau Khổ… Chúa Giêsu cho thấy mình phải trải qua đau khổ và cái chết để vào vinh quang. "Phải" là từ được thánh Luca dùng nhiều lần (Lc 4,43; 13,33; 17,25; 24,7.26.44). Nó không có ý nói lên sự ép buộc, nhưng muốn nói rằng chuyện Ðức Kitô phải chịu khổ nạn đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, và Ðức Kitô đã chấp nhận kế hoạch đó. Những lời giảng của Chúa Giêsu thật là một Tin Mừng cho hai môn đệ. Họ dần dần ra khỏi nỗi khắc khoải và đã dày vò họ từ mấy bữa nay, và chấp nhận được cái biến cố kinh khủng đã làm họ vấp phạm (x. 1C 1,23). Lời Ngài làm hồi sinh niềm tin và hy vọng nơi họ; lòng họ như ấm lại, và bừng cháy lên.

Chúa Giêsu giả vờ muốn đi xa hơn, Ngài không ép buộc hai môn đệ phải đón tiếp Ngài, nhưng khi họ nài ép Ngài thì Ngài sẵn sàng ở lại và đồng bàn với họ. Chỉ có một điều lạ, đó là Ngài đã cư xử như người chủ nhà. Thường thì chủ nhà lo việc bẻ bánh, còn đây chính ông khách lạ lại bẻ bánh trao cho người nhà. Khi đọc câu 30, chúng ta tưởng Chúa Giêsu đang cử hành bí tích Thánh Thể, vì có những từ đã được thánh Luca sử dụng khi thuật lại Bữa Tiệc Ly như cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho (Lc 22,19). Thật ra đây chỉ là một bữa ăn thường. Luca cố ý dùng những từ trên, nhằm giúp chúng ta nhớ rằng mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ, hay nói theo kiểu của Giáo Hội sơ khai, mỗi lần chúng ta tham dự nghi thức Bẻ Bánh (Cv 2,42) là mỗi lần chúng ta gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh, tương tự như hai môn đệ xưa. Trong chớp mắt, họ đã nhận ra Chúa và cũng trong chớp mắt, Ngài đã biến mất, nhưng như thế cũng đủ để họ tin thật là Ngài đã phục sinh. Và ngay lập tức, họ lật đật trở về Giêrusalem để gặp các tông đồ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Ðấng Phục Sinh đã trả lại cho hai môn đệ niềm tin, niềm hy vọng. Họ được đưa về với cộng đoàn, với sứ mạng đang chờ họ.

Hai môn đệ về Emmau đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự hiện diện của Ngài thật lạ lùng. Lúc tưởng Ngài vắng mặt thì thực ra Ngài lại có mặt bên ta, đi chung con đường với ta và hiểu thấu nỗi khổ của ta; Và lúc ta nhận ra Ngài có mặt thì Ngài lại biến mất. Nhưng chính lúc Ngài biến mất mà ta lại thấy Ngài hiện diện rõ hơn bao giờ, một sự hiện diện vô hình. Hai môn đệ thấy mình không làm chủ được sự hiện diện của Chúa. Ngài đến lúc họ không ngờ, Ngài đi mà họ không giữ lại được, Ngài ở lại với họ ngay cả khi họ không thấy Ngài nữa. Hai môn đệ chỉ gặp Chúa Giêsu một lần duy nhất ấy, nhưng họ tin Ngài đang sống bên họ suốt đời, "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

Chúng Ta Vẫn Gặp Chúa Phục Sinh

Thánh Lễ xưa gồm có hai phần chính: đọc Thánh Kinh và nghe giảng, rồi sau đó là việc Bẻ Bánh nhằm diễn lại Bữa Tiệc Ly của Chúa (Cv 2,42.46; 20,7.11). Nay ta gọi hai phần ấy là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, chính Chúa Kitô nói với chúng ta, chính Ngài loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội (Hiến Chế về Phụng Vụ số 7 và 33). Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, chính Chúa Kitô trao hiến cho chúng ta bản thân Ngài dưới hình bánh rượu. Hai môn đệ Emmau đã trải qua một kinh nghiệm có cấu trúc phần nào giống với một Thánh Lễ. Thánh Lễ vẫn là nơi lòng chúng ta nóng lên khi nghe Chúa nói và no thỏa bởi tấm bánh Ngài bẻ ra trao cho ta. Mỗi Thánh Lễ là một kinh nghiệm Emmau ở mức độ tuyệt vời, nơi chúng ta được gặp gỡ và hiệp thông với chính Ðức Kitô Phục Sinh.

Chúng ta còn gặp Chúa Phục Sinh nơi cuộc sống mỗi ngày. Trên con đường đời, có khi tình cờ chúng ta gặp một người lạ. Nếu người đó giúp ta thổ lộ những ray rứt hay thất vọng, nếu người đó giúp ta nhận ra ý nghĩa của những biến cố đau buồn và thất bại mà ta không hiểu nổi, nếu lời nói của người đó làm tim ta ấm lại niềm tin yêu hy vọng, thì đó là dấu hiệu ta đã gặp Chúa Phục Sinh trên đường đời. Ngài vẫn đến với ta qua con người, nhưng có thể ta không nhận ra Ngài. Chính lúc ta muốn mời người ấy vào nhà và chia sẻ cho người ấy tấm bánh vật chất, thì ta lại ngỡ ngàng khi thấy người ấy trao cho ta tấm bánh của cảm thông và tình bạn. Ước gì chúng ta nghe được Lời Chúa ở trong Thánh Kinh và ở trong lời nâng đỡ của một người bạn. Ước gì mỗi bữa ăn chúng ta chia sẻ cho nhau đều mang dáng dấp của Tiệc Thánh Thể.

Một số câu hỏi gợi ý

1. Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa: có khi nào bạn bị rơi vào tình trạng đó không? Bạn đã làm gì để ra khỏi tình trạng đó?

2. Chúa Giêsu hiện diện nơi những người nghèo khổ, thiếu thốn cần ta giúp đỡ, nhưng Ngài cũng hiện diện nơi những người đi chung đường với ta và nâng đỡ ta về vật chất cũng như tinh thần. Có khi nào bạn gặp được một người đồng hành có ảnh hưởng rất nhiều trên đời sống của bạn không?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page