Khi Thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Ðức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay". Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ". Các môn đệ ra đi và làm theo lời Ðức Giêsu đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Ðức Giêsu cỡi lên. Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành lá mà rải lên lối đi. Ðám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời." Khi Ðức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: "Ông này là ai vậy?" Ðám đông trả lời: "Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy".
Ðón nhận những hồng ân to lớn
Hôm nay Hội Thánh tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu nhân độ thế, có đám đông dân chúng đón rước Người vào thành. Các Kitô hữu đều được mời gọi tham dự vào cuộc rước này không chỉ bằng cách lập lại một vài cử chỉ để tỏ lòng mộ mến Chúa, nhưng là để đón nhận những hồng ân to lớn Chúa Kitô đã mang lại qua mầu nhiệm vượt qua.
Rõ ràng đây không phải một cuộc trẩy hội như mọi người Do Thái vẫn làm trong dịp lễ Bánh không men (Lễ Vượt Qua), Lễ Ngũ Tuần (bắt đầu mùa gặt) và Lễ Lều (cuối mùa thu hoạch hoa màu). Chính Ðức Giêsu đứng ra sắp xếp cho cuộc rước vào thành thể hiện những lời sấm trong Cựu Ước.
Ðiểm khởi xuất của cuộc rước từ phía đông Giêrusalem, tức núi Oliu, gắn liền với "ngày của Ðức Chúa" theo ngôn sứ Dacaria (14,4). Cũng ngôn sứ này đã tiên báo: "Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng chính trực, Ðấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ" (9,9; x.Is62,11).
Vậy Ðức Giêsu thể hiện lời sấm đó khi sai các môn đệ dắt lừa mẹ và lừa con cột sẵn trong làng Bết-pha-ghê về để Người cỡi mà vào thành (cc2-6). Thế là đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi (c.8). Tin Mừng Gioan cho biết họ là những người đã có mặt khi Ðức Giêsu gọi anh Ladarô ra khỏi mộ và làm cho anh chỗi dậy từ cõi chết. Sở dĩ dân chúng đón Người là vì họ nghe biết Người đã làm phép lạ đó (12,8-9). Lúc ấy chẳng ai nghĩ tới những lời sấm nói trên nhưng dân chúng đều nhận ra Ðức Giêsu chính là vị cứu tinh Thiên Chúa đã hứa, nên họ dùng Thánh vịnh 118,25-26 mà hoan hô Người: Hoan hô Con Vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời! (c.9).
Vậy Ðức Giêsu vào thành như vị Cứu tinh nhưng Người cứu dân Người khỏi tội lỗi như thế nào (Mt 1,21)? Những biến cố mà Tuần Thánh tưởng niệm phải giúp các Kitô hữu trả lời được câu hỏi đó. Nhưng chính họ phải nghiệm được phần nào không những biết bao khổ đau và chết chóc Ðức Giêsu đã gánh chịu nhưng cả niềm vui lớn lao Người đã dành được vì đã chiến thắng tội lỗi. Ðó là kinh nghiệm được khơi dậy do Thánh Lễ mà các Kitô hữu chung hiệp với nhau, nhất là Thánh Lễ trong Tuần Thánh ! Ta được mời gọi để chia sẻ với nhau Thánh Thể của Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết để ta cùng được với Người chiến thắng tội lỗi.
Tham dự tối đa công trình thiết lập Nước Chúa
Vậy vấn đề là tham dự tối đa vào công trình thiết lập Nước Thiên Chúa do Người lãnh đạo. Hành động của Người khởi sự là hành động tích cực để khai trương nước Thiên Chúa; khử trừ tội chỉ là mặt trái của hành động đó. Do đó lời rao giảng đầu tiên của Ðức Giêsu là: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần". (Mt 4,17). Bằng mọi giá hãy đón nhận Nước Thiên Chúa đã đến kề bên bạn, nhưng bạn phải tiểu trừ tội là kẻ phản động ra khỏi bạn, thì Nước Thiên Chúa mới nhập được vào cuộc đời của bạn ! Chính Chúa Giêsu là vị Cứu Tinh đứng ra lãnh đạo cuộc chiến chống lại tội lỗi từ 20 thế kỷ nay. Ðó là một cuộc chiến cam go nhưng Người luôn dành được chiến thắng cho những ai bước theo Người.
Cần phải thay lòng đổi dạ là điều kiện tiên quyết như Ðức Giêsu đã nêu: Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời (Mt 18,3). Ðiều đó cũng tương đương với mối phúc thứ nhất là Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3). Phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa như trẻ em lệ thuộc vào người lớn để được ấm no. Muốn hạnh phúc thật, cần phải cậy dựa vào Thiên Chúa mà thôi. Cậy dựa vào bất cứ của cải vật chất hoặc tinh thần nào ngoài Thiên Chúa, sẽ bị thất vọng.
Chúa Giêsu thiết lập Nước Thiên Chúa ngay với mối phúc đó. Người được sai đến rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn như hồng ân Thiên Chúa ban không cho họ (x.Mt 11,5; Lc 4,18).
Thăng tiến người nghèo, thuyết phục người giàu hoán cải
Ðức Giêsu không những sinh ra, sống lam lũ và chết trong nghèo khó. Cả cuộc đời của Người là để thăng tiến người nghèo và thuyết phục người giàu hoán cải để có tâm hồn nghèo khó hầu gia nhập Nước Thiên Chúa (Lc 19,1-10).
Người thiết lập Nước Thiên Chúa giữa những người bệnh mà Người phục hồi và đưa trở về với cộng đoàn như người phong hủi (Mt 8,1-4), người bại liệt (Mt 9,1-8), người mù (Mt 9,27-31), người bị quỷ ám (Mt 17,14-21). Vào thời Ðức Giêsu, những người có tật đều mất quyền công dân, không được làm chứng trước toà án, không được đặt chân vào Ðền Thờ. Thế là cả đời lẫn đạo đều bỏ rơi họ. Riêng với đạo thời đó, mắc bệnh là vì đã phạm tội, nên bị khai trừ. Ðức Giêsu đến phục hồi lại nhân phẩm cho họ.
Không những bệnh nhân và người tàn tật nhưng cả đàn bà, con trẻ là những người bị gạt ra ngoài sinh hoạt xã hội, cũng được Ðức Giêsu quan tâm phục hồi lại quyền con người. Cả những người thuộc thành phần các người bị xã hội Do Thái thời Ðức Giêsu, coi là bất lương, như người thu thuế phục vụ đế quốc Roma, người đổi tiền, cầm đồ, đánh cờ, chăn súc vật, v.v… đều được Ðức Giêsu tôn trọng, ngược lại với não trạng của con người đương thời. Người không ngại tuyên bố: "Tôi đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mt 9,13).
Như vậy Ðức Giêsu chủ trương đứng về phiá nhân dân, đối lập với bè Pharisêu là những người muốn thực hành sát Lề Luật Môsê và "sống tách ra" khỏi những người tội lỗi theo chế độ Luật cũ. Nay Ðức Giêsu được dân chúng nô nức rước vào thành giữa nững hoan hô, Người lại còn cả dám đuổi những người đang buôn bán trong Ðền Thờ ra khỏi đó (Mt 21,12-17) thì thật là một hành động ngạo ngược mà giới lãnh đạo Do Thái tại Giêrusalem không thể nào chấp nhận được. Ấy là chưa nói tới những cuộc tranh luận gay cấn giữa Ðức Giêsu và các phe Pharisêu, Xađốc, Kinh sĩ và phe Hêrôđê (Mt 22,15-46). Thật là như đổ dầu vào lửa ! Cái chết đợi Ðức Giêsu không còn xa. Người tuyên bố rõ với các môn đệ rằng "Còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá " (Mt 26,2).
Hạ mình đồng hoá với người nghèo để làm nên Nước Chúa
Vậy giả như không gặp chống đối từ phiá Pharisêu và các phe khác, Ðức Giêsu vẫn tiếp tục chu toàn ý định yêu thương của Thiên Chúa bằng cách hạ mình đồng hoá với tất cả những người nghèo khó và bị bỏ rơi để làm nên Nước Thiên Chúa (Mt 25,31-46). Tuy nhiên chính những chống đối, hằn thù, mưu mô độc ác của những kẻ muốn giết Ðức Giêsu, góp phần làm nổi bật hình ảnh người Tôi Tớ Ðau Khổ và vị cứu tinh hiến mạng sống mình vì nhân dân (Is 53).
Ðáp lại sự căm thù của những kẻ lập mưu giết Ðức Giêsu là tình yêu hoàn toàn tự nguyện. Trước hết là tình yêu của Thiên Chúa Cha: Thiên Chúa vẫn yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16). Tình yêu ấy một khi đã ban, không bao giờ rút lại dầu Con có vang lên lời than vãn trên thập giá: Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ con (Mt 27,46).
Thứ đến là tình yêu tự hiến của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu đã không thiết lập bí tích Thánh Thể trong một cuộc tưởng niệm sau cuộc thương khó. Người tự hiến Mình và Máu Người khi Người còn hoàn toàn làm chủ sự sống mình. Ðúng như lời Người đã tuyên bố: Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống tôi (Ga 10,18). Người còn nói; "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11).
Cũng chính tình yêu tự hiến của Ðức Giêsu cần trở nên sống động nơi các môn đệ của Ðức Giêsu: "Ðây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22,19-20).
Việc tưởng nhớ mà Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ thực hiện bao hàm biết bao tình yêu và hoa trái của tình yêu do Chúa Giêsu mang lại. Như xưa Ðức Giêsu đã cúi mình xuống trên từng tội nhân, từng con người bị xã hội ruồng bỏ, từng phụ nữ và trẻ em bị loại ra khỏi sinh hoạt xã hội, nay qua Thánh Lễ, Người vẫn còn tiếp tục thực hiện điều đó với sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, để làm nên Nước của Thiên Chúa. Phúc thay những tâm hồn được cải hoá để đón nhận và tham gia mở mang Nước Thiên Chúa với sức mạnh và tình yêu của chính Chúa Phục Sinh!
1. Trong tinh thần tích cực sống Tin Mừng dịp Tuần Thánh bạn hãy so sánh nội dung của hai câu sau đây: "Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Mt 18,3) và: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Gương ông Giakêu (Lc 19,1-10) có giúp bạn hiểu nội dung của hai câu đó hơn chăng?
2. Bạn hiểu thế nào về lời gợi ý nói rằng "không những bệnh nhân và người tàn tật, nhưng cả đàn bà và con trẻ, là những kẻ bị gạt ra ngoài sinh hoạt xã hội, cũng được Ðức Giêsu quan tâm phục hồi lại quyền con người". Bạn nghĩ bệnh nhân, phụ nữ và trẻ em trong thời đại chúng ta có những vấn đề nào cần được quan tâm?
3. Bạn nghĩ gì về tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu mà bạn năng được nhắc nhở khi dự Thánh Lễ?