Hai cô Mácta và Maria cho người đến nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng". Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh".
Ðức Giêsu quý mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô.
Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!" ... Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. Cô Mácta nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy". Ðức Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" Cô Mácta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết". Ðức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" Cô Mácta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian".
Thấy cô Maria khóc, và những người Dothái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem". Ðức Giêsu liền khóc. Người Dothái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết được ư?" Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Ðức Giêsu nói: "Ðem phiến đá này đi". Cô Mácta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". Ðức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con".
Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi".
Việt Nam, Âu Mỹ và Do Thái trước cái chết
Với người Việt, chết không nhất thiết phải là điều đáng sợ. Người xưa coi chết là mãn kiếp, tức là hết đời sống, nên thường ung dung thư thái đón đợi chết và sửa soạn cho lúc chết ngay những năm còn khỏe mạnh. Nghèo khó lắm mới chịu bó tay, còn bình thường hễ đủ ăn đủ mặc là các cụ lo sắm quan tài, đồ bổ khuyết, đồ khâm liệm, để phòng khi chết. Cho nên ông Nguyễn Khuyến vì không muốn phí phạm và xa hoa nên căn dặn rằng:
Ðồ khâm liệm chớ
nề xấu tốt,
Kín tay chân đầu gót thì thôi.
Rõ ràng đó là tâm trạng xa lạ và hầu như đối nghịch với người Âu Mỹ. Dĩ nhiên người Việt cũng dùng những danh từ văn hoa để chỉ cái chết, như: "Hai mươi năm về già, về chầu tổ, mãn phần, từ trần, về với Chúa (theo Kitô giáo), qua đời, quy tiên (theo đạo Lão), viên tịch (theo đạo Phật). Người Mỹ, người Anh, cũng nói: "Ông hoặc bà ấy đã ra đi (He or she already "passed away", "has gone to his or her reward" tức đã đi lãnh phần thưởng dành riêng cho mình, hoặc "is no longer with us", tức "không còn ở với chúng ta nữa"). Nhưng phong tục Âu Mỹ sẽ không cho phép người ta sắm quan tài và những đồ khâm liệm rồi để ngay trước mắt hầu để phòng cái chết xảy đến trong tương lai. Thậm chí, người ta sắp xếp để người thân yêu của mình không chết nơi gia đình. Tốt hơn nên để người đó tắt thở nơi bệnh viện rồi từ đó đưa thi hài người quá cố tới quàn nơi nhà xác trước khi đưa tới nhà thờ, để từ đó đưa thẳng tới nơi hoả táng hoặc nơi nghiã địa mà ngày nay người ta gọi là những công viên để tưởng nhớ (memorial parks) hoặc những khu vườn an nghỉ (gardens of peace) thay vì gọi là cemeteries.
Riêng Ðức Giêsu nghĩ và có thái độ như thế nào về cái chết? Qua phép lạ Người thực hiện làm cho ông Lazarô đã chết được sống lại, người có ý nói với ta điều gì đáng kể?
Theo Cựu Ước, người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác. Ðó là quan niệm của người Hy Lạp. Còn người Do Thái hiểu chết là mất hết sức sống. Sau khi chết con người chỉ còn như cái bóng, Rephaim trong Hipri, nơi âm phủ. Ðó là lúc cái bóng ấy kéo lê thê một hiện hữu thiếu niềm vui, bất kể tới những gì đã đạt được khi còn sống. Người ta mất hết sức sống khi tắt thở (Gióp 11,20; Ga 15,9). Sức sống ấy cũng bay đi như hơi nước, khi người ta bị đổ máu, vì máu là căn cứ hoạt động của sức sống của con người (Lv 17,11.14; Ðn l12,23).
Những quan niệm như vậy về sự sống và sự chết trong Cựu Ước được nối tiếp trong Tân Ước. Ở đây nguyên uỷ của sự sống là hơi thở (Pneuma=ruah) do Thiên Chúa ban (Kn 11,11;13,15). Chết là trao lại hơi thở (Mt 27,50; Lc 23,46; Ga 19,30; Cv 7,59). Người chết sống lại khi hơi thở trở về với người đó (Lc 8,55).
Chúa Giêsu cứu ta khỏi chết như thế nào
Trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho ông Lazarô chết sống lại, Người không quan tâm đến ý niệm về sự sống và sự chết của Do Thái hay Hy Lạp. Ðiều chính yếu được nói lên là: Ðức Giêsu là sự sống lại và là sự sống (c.25); Phép lạ Người thực hiện cho ông Lazarô chết sống lại là dấu chỉ về điều chính yếu đó.
Sách Tin Mừng của Gioan đề cập đề tài sự sống qua lời khẳng định của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô rằng: Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Kế đến hồng ân mà Chúa Giêsu mang lại được giới thiệu là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời (Ga 4,14). Người là Lời ban sự sống (Ga 5,21.24.25-26). Người là Bánh ban sự sống (Ga 6,35.58) và là ánh sáng mang lại sự sống (Ga 7,12). Mang lại sự công chính là mục đích của việc Chúa Giêsu đến trong thế gian: Tôi đến là để cho những người thuộc về tôi được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Có thể nói cả ba chương Tin Mừng của Gioan, tức chương 9,10,11 đều cho thấy Ðức Giêsu đến là để thực hiện đúng lời tiên báo trong sách ngôn sứ Eâdêkien ở chương 34. Và cách Người thực hiện lời tiên báo đó được tóm tắt khi Người tuyên bố Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên (Ga 10,11).
Qua ngôn sứ Eâdêkien, Giavê Thiên Chúa đã lên tiếng quở mắng các mục tử đương thời một cách rất nghiêm khắc khi nói: "Chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta… Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng… Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta… Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng… Ðó là Ðavít, tôi tớ của Ta" (Ed 39,8-23).
Vậy Ðức Giêsu tỏ ra chính là vị mục tử đã được Eâdêkien tiên báo. Người xuất hiện để giải thoát người mù từ thuở mới sinh khỏi tay những người Pharisêu, là những người chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Giavê (Ga 9). Chính Ðức Giêsu tự mô tả bản thân Người là mục tử nhân lành như thế nào (Ga 10). Người là mục tử nhân lành không những với người mù từ thuở mới sinh được Người chữa lành, nhưng cả với những kẻ như Ladarô, đã chết 4 ngày rồi mà Người còn đến tận sào huyệt của tử thần để cứu sống (Ga 11). Nhưng để cứu sống Ladarô, Ðức Giêsu sẽ hy sinh chính mạng mình vì đoàn chiên. Phép lạ Ladarô chết sống lại gây chấn động đến nỗi người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Ðồng trong đó vị thượng tế Caipha nói: Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt (Ga 11,50). Lời đó được tác giả sách Tin Mừng Gioan cắt nghĩa như lời tiên báo là Ðức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối (Ga 11,51-52). Vậy cái chết của Ðức Giêsu không nhằm để cứu dân Ít-ra-en mà thôi nhưng còn nhằm quy tụ mọi người Do Thái cũng như dân ngoại thành một cộng đoàn dân Chúa như chính Ðức Giêsu đã tuyên bố với tư cách là mục tử nhân lành: "Tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử" (Ga 10,15-16).
Thần Học phong phú
Vậy phép lạ Ladarô chết sống lại rất phong phú về thần học được diễn tả qua bài Tin Mừng hôm nay:
Ðức Giêsu thực sự là sự sống lại và là sự sống cho tất cả những ai tin Người là vị Cứu Tinh và là Con Thiên Chúa (c.27). Ai tin như chị Mácta, thì dầu có chết cũng sẽ được sống. Sự kiện em chị là Ladarô đã chết 4 ngày rồi còn được Ðức Giêsu cho sống lại là dấu chỉ về sự bất tử đó.
Khi Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" người chết liền bước ra, chân tay còn cuốn vải và mặt còn phủ khăn liệm (cc.43-44). Ðiều đó chứng thực lời Ðức Giêsu đã nói: "Giờ đã đến và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa: ai nghe thì sẽ được sống" (Ga 5,25).
Thượng tế Caipha vô tình đã nói tiên tri về việc Ðức Giêsu đứng ra qui tụ dân mới của Thiên Chúa bao gồm cả người Do Thái lẫn dân ngoại, như nói trên (Ga 11,51-52).
Chính Ðức Giêsu trả giá cho việc qui tụ đó bằng cái chết của Người như Người đã tuyên bố: "Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên." (Ga 10,11)
1. Bạn nghĩ cách cha ông chúng ta đón đợi cái chết bằng cách mua sắm trước quan tài và các đồ khâm liệm, cách thức ấy còn thịnh hành ở đâu mà bạn biết chăng? Bạn so sánh như thế nào cách thức ấy với cách thức người Âu Mỹ tránh không để cho người thân yêu của mình chết ngay nơi mái ấm gia đình? Bạn nghĩ cách nào tốt nhất để diễn tả chữ hiếu và niềm tin Kitô giáo theo bài Tin Mừng hôm nay?
2. Trước cái chết của Ladarô, bạn nhận xét như thế nào về thái độ của những người sau đây: Thái độ của cô Mácta? của cô Maria? của chính Ðức Giêsu?