Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 07 tháng 03 năm 1999
Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A

Ðọc Tin Mừng Ga 4,5-42 (hay Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42)

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Ðón nhận và trao ban

Ðoạn Tin Mừng trên đây là một trong những đoạn văn đẹp của Phúc Âm theo Thánh Gioan, qua đó chúng ta thấy Ðức Giêsu từ từ vén mở căn tính của Ngài, để cho người phụ nữ Samari và dân vùng Xi-kha tin vào Ngài. Bước đường đến với đức tin phải trải qua những do dự, phải ra khỏi thế giới tự nhiên để gặp được những thực tại siêu nhiên. Nicôđêmô đã được giải thích về việc sinh lại do Thánh Thần (Ga 3,1-21). Người phụ nữ Samari được nghe nói về thứ nước khiến người uống không bao giờ khát nữa…

Trời đã gần chính ngọ. Ðức Giêsu đi ngang qua vùng Samari, để trở lại Galilê. Ngài và các môn đệ có thể trở về bằng một con đường khác, đó là băng qua bên kia sông Giođan và men theo bờ phía đông mà về. Nhưng có cái gì đó thôi thúc Ngài đi con đường này (Ga 4,4). Ðức Giêsu mệt nhọc vì đường xa, nắng gắt. Khi đến gần một làng của người Samari, Ngài đã ngồi nghỉ bên bờ giếng, còn các môn đệ thì đi vào làng mua thức ăn. Ðây là một cái giếng nổi tiếng, vì chính tổ phụ Giacóp và con cháu đã từng uống nước tại đây. Giếng khá sâu và nước thật trong. Ðức Giêsu ngồi một mình, khát nước và khát khao hoàn thành sứ vụ Cha giao. Chính lúc đó một người phụ nữ Samari đến lấy nước để đựng trong vò. "Cho tôi chút nước uống." Ðức Giêsu là người mở đầu cuộc đối thoại, Ngài cần đến sự giúp đỡ của một người phụ nữ. Câu nói của Ðức Giêsu khiến chị ta ngỡ ngàng, kinh ngạc. Một người đàn ông Do Thái mà lại xin nước uống nơi một phụ nữ Samari! Ai lại chẳng biết mối thù dai dẳng giữa hai dân tộc từ năm thế kỷ; ai lại chẳng biết người Do Thái khinh bỉ và coi mọi người Samari là nhơ uế, nhất là phụ nữ, bởi thế không chung đụng ăn uống với họ. Chỉ cần một câu nói của Ðức Giêsu cũng đủ để phá đổ bức tường ngăn cách, kỳ thị, thù hận, bức tường giữa sạch và nhơ. Câu nói của người xin nước uống đã trở nên lời nhìn nhận về phẩm giá bình đẳng của người phụ nữ và của cả dân tộc Samari.

Trước sự ngỡ ngàng của chị ta, Ðức Giêsu lại bắt đầu cho thấy mình có thể cung ứng cho chị một thứ nước: "Nếu chị biết người xin nước uống là ai, thì chính chị sẽ xin người ấy, và người ấy sẽ cho chị thứ nuớc mạch" (c.10). Như thế người xin nước đã dần dần trở thành người cho nước. Ðây là thứ nước đặc biệt, uống vào sẽ không còn khát nữa: "Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (c.14). Quả là một thứ nước kỳ lạ và hấp dẫn! Chúng ta biết rằng "nước mạch" ở đây để chỉ Lời mạc khải của Ðức Kitô, Lời ban sự sống đời đời (Ga 6,68), Lời có khả năng làm dịu cơn khát sâu thẳm của tâm linh con người. Nhưng có vẻ người phụ nữ vẫn chỉ hiểu đây là một thứ nuớc tự nhiên, có khả năng thỏa mãn cơn khát của thân xác: "Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát, và khỏi phải đến đây lấy nước" (c.15). Chị ta hy vọng nhờ có thứ nước kỳ diệu ấy mà mình đỡ phải vất vả đi lấy nước mỗi ngày dưới cái nắng chang chang. Dù có sự hiểu lầm đó từ phía người phụ nữ, nhưng bước đầu đã có một cuộc đối thoại thực sự. Dần dần chị ta mới biết được "người xin chị nước uống" là ai.

Là ngôn sứ và là Ðức Kitô

Từ câu 16, ta thấy bỗng nhiên Ðức Giêsu gợi chuyện về đời sống gia đình của người phụ nữ. Ðây là chuyện riêng tư thầm kín, nhưng Ngài đã tế nhị cho thấy Ngài biết rõ tình cảnh quá khứ và hiện tại của chị. "Chị đã có năm đời chồng, và người mà chị đang sống với không phải là chồng của chị" (c.18). Tình cảnh thật là bi đát! Khi chị trả lời là mình không có chồng, Ðức Giêsu đã hai lần khen chị nói đúng, nói thật (c.17-18). Chính sự thành thật của chị đã khiến cuộc đối thoại trở nên dễ dàng và cởi mở hơn. Ðức Giêsu không ngại nói lên sự thật về chị, không phải để lột mặt nạ hay xoi mói nhưng để cho biết Ngài chấp nhận toàn bộ quá khứ và hiện tại của chị. Chị không cảm thấy bị đè bẹp bởi cái biết của Ðức Giêsu, nhưng lại thấy mình được cảm thông và nâng đỡ. Chính điều đó đã khiến chị nhìn nhận Ngài là một ngôn sứ, một người của Thiên Chúa (c.19). Ðây là một bước tiến mới trong việc khám phá và tin vào Ðức Giêsu, người đàn ông vốn xa lạ đang nói chuyện với chị bên bờ giếng.

Chính khi tin Ðức Giêsu là một tiên tri, một ngôn sứ, người phụ nữ đã có đủ dạn dĩ để nói thẳng về một vấn đề gây tranh cãi giữa người Do Thái và người Samari. Ðó là vấn đề về nơi thờ phương Thiên Chúa: ở trên núi Garizim hay ở đền thờ Giêrusalem. Ngọn núi Garizim đứng sừng sững trước mặt, được người Samari coi là núi thánh. Họ đã xây trên núi này một đền thờ để cạnh tranh với đền thờ ở Giêrusalem từ 400 năm trước công nguyên. Năm 129 trước công nguyên, nó bị phá huỷ, từ đó có mối hận thù giữa đôi bên. Ðức Giêsu cho thấy việc thờ phượng đích thực chẳng gắn liền với nơi này hay nơi kia, nhưn nó khởi sự từ Ðức Giêsu, chính Ngài là NƠI Thiên Chúa hiện diện (xem Ga 2,21), chính Ngài là Ðền Thờ.

Vấn đề không phải chỉ là nơi thờ phượng, Ðức Giêsu còn đề cập đến thái độ thờ phượng đích thực. Cha tìm kiếm những ai biết thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật (c.23-24). Chính Thần khí của Ðức Giêsu làm sống động việc phụng tự Kitô giáo. Chỉ những ai được Thần khí làm cho trở thành con cái Thiên Chúa (xem Rm 8,15-16), mới có thể thờ phượng Thiên Chúa là Cha một cách đúng nghiã. Hơn nữa, sự thật gắn liền với Ðức Giêsu nên phụng tự Kitô giáo gắn liền với con người Ðức Giêsu Kitô.

Khi người phụ nữ bày tỏ niềm mong đợi Ðấng Mêsia đến để loan báo mọi sự, thì Ðức Giêsu đã không ngần ngại nhìn nhận mình chính là Ðấng đó. Ngài không sợ gây hiểu lầm, bởi lẽ người Samari không mong chờ một Vua Mêsia thuộc dòng dõi Vua Ðavít. Họ mong chờ một vị ngôn sứ như Môsê (Tl 18,15). Chính Ðức Giêsu là Ðấng Mạc Khải, ban cho con người thứ nước mạch là Lời của Ngài; Ngài cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện và ngỏ lời với con người. Như thế Ðức Giêsu đã bày tỏ căn tính của Ngài ở mức độ sâu hơn. Ngài không chỉ là một ngôn sứ, Ngài còn là Ðấng Mêsia, Ðấng Kitô.

Ðấng Cứu Ðộ trần gian

Khi thấy các môn đệ trở lại, người phụ nữ đã bỏ cả vò nước mà trở về làng, kêu mời mọi người đến xem người đã nói rõ quá khứ của chị. Có vẻ chị chưa xác tín đó là Ðấng Kitô: "Ông ấy không phải là Ðấng Kitô sao?" (c.29). Những lời chị nói lôi kéo nhiều người Samaria đến với Ðức Giêsu và tin vào Ngài (cc.30.39). Nhưng có một số đông hơn đã tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ trần gian, không phải dựa trên lời chứng của người phụ nữ, nhưng dựa trên chính những gì họ đã nghe từ miệng Ðức Giêsu (c.42).

Như thế Ðức Giêsu đã thực hiện bước đầu truyền giáo cho vùng Samari, một vùng sau này các tông đồ cũng sẽ đặt chân đến (Cv 8,5). Ngài như một nhà sư phạm, từ từ vén mở sự thật về con người của mình. Ngài biết cách đến với con người khác trong sự tôn trọng và hoà đồng. Ngài trở nên nhà truyền giáo mẫu mực cho chúng ta trong mọi thời đại. Ðức Giêsu chỉ đói một điều, đó là nuôi dưỡng nhân loại. Ðức Giêsu chỉ khát một điều, đó là ban nguồn nước đem lại sự sống. Chúng ta có dám chia sẻ cơn đói khát của Ngài không?

Một số câu hỏi gợi ý

1. Khi chiêm ngắm Ðức Giêsu trong đoạn Tin Mừng trên đây, bạn thấy đâu là những thái độ cần thiết mà người rao giảng Lời Chúa hôm nay cần có?

2. Con người đói khát thực phẩm, nhà ở, nước uống tinh khiết; con người còn đói khát tình bạn, tình yêu, lòng tin, niềm hy vọng, ý nghiã cho cuộc sống. Theo ý bạn, Kitô giáo có khả năng thoả mãn cơn đói khát của con người hôm nay không?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page