Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Ðức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi.
Ðang khi thầy trò từ trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông rằng: "Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy".
Phòng ngừa tự sát tập thể
Cuối tháng 10, 1992, tại Nam Hàn, có hàng chục ngàn người đợi ngày tận thế. Họ là những tín đồ của một giáo phái mà giới lãnh đạo khẳng định một cách hết sức rõ ràng tận thế sẽ xảy ra vào đúng nửa đêm ngày 28 tháng 10 năm đó. Vậy hàng chục ngàn người tụ tập tại hơn 150 nhà thờ ở Nam Hàn để đón Chúa quang lâm vào ngày phán xét. Họ trương biểu ngữ để hẹn nhau với khẩu hiệu: "Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời."
Trong khi đó hàng ngàn cảnh sát Nam Hàn được đặt trong tình trạng báo động trên toàn quốc. Họ được chỉ dẫn để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể có thể xảy ra. Bởi lẽ nhiều tín đồ của giáo phái nói trên đã cả tin vào lời tuyên bố của giới lãnh đạo, nên đã bỏ lại đàng sau tất cả tài sản và gia đình. Rốt cuộc họ đã rơi vào cảnh phủ phàng là phải trở về cuộc sống với hai bàn tay trắng. Khi ngày tận thế được loan báo đã không xảy ra và giáo phái liên hệ đã phải tự động giải tán!
Thử hỏi bài Tin Mừng hôm nay có thể gợi ý để xảy ra một biến cố đáng tiếc như vừa kể chăng? Quả thật, theo cách đọc tự nhiên ta thấy trình thuật Ðức Giêsu biến hình đổi dạng đi liền sau lời tuyên bố của Ðức Giêsu về ngày quang lâm và phán xét chung khi Người nói với các môn đệ rằng: "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm" (Mt 16,27). Xem ra Người còn có ý làm cho thời gian chờ đợi ngày tận thế trở nên khẩn trương hơn nữa khi khẳng định với các môn đệ rằng: "Trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị" (Mt 16,28).
Nhưng 20 thế kỷ đã qua kể từ ngày Ðức Giêsu tuyên bố những điều vừa nói mà trong thực tế, tận thế đã không xảy ra. Vậy Ðức Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì đây với những lời tuyên bố loại đó ngay trước biến cố biến hình đổi dạng của Người theo Tin Mừng Matthêu.
Trình thuật về Ðức Giêsu biến đổi hình dạng là trình thuật thuộc văn mạch quan trọng ở tâm điểm sách Tin Mừng Matthêu. Ðây là lần đầu tiên Ðức Giêsu nêu câu hỏi về bản thân Người và ông Phêrô đã minh nhiên tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Ðây cũng là lần đầu tiên Ðức Giêsu nói không úp mở về cái chết của Người tại Giêrusalem. Người nói: "Thầy phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16,21). Người còn tiên báo hai lần nữa về cuộc thương khó (17,22-23; 20,17-19). Nhưng trước đó Người đã rời bỏ Galilê để lên Giêrusalem. Trong cuộc hành trình này Người không giảng dạy dân chúng nữa, nhưng tập trung vào việc huấn luyện Nhóm Mười Hai. Cho tới nay đề tài rao giảng của Người qui về Nước của Thiên Chúa. Nay Người tập chú vào chính bản thân Người. Người cho các môn đệ biết Người sẽ gánh trên vai nhiều khổ đau và cả cái chết nhưng ba ngày sau khi chết, Người sẽ chỗi dậy. Chỉ khi ấy những môn đệ đã chứng kiến biến cố biến hình đổi dạng của Người mới được nói với người khác về kinh nghiệm đó. Bởi lẽ khi ấy sẽ chẳng còn nguy hiểm để lầm tưởng rằng Người đến để giải phóng Ít-ra-en khỏi ách đô hộ của người Rôma.
Nhưng tất cả những điều vừa nói không thể không làm cho các môn đệ hoang mang. Họ bỏ mọi sự để theo Thầy thì bây giờ được gì? Chính Thầy lên Giêrusalem chuyến này mà bị giết thì số phận của họ sẽ ra sao? Tuy Thầy có cho họ biết Thầy sẽ sống lại, nhưng tại sao lại phải mất công chết đi sống lại như vậy! Thầy chết là mất hết uy tín rồi còn gì! Làm thế nào gầy dựng lại được sự nghiệp bị sụp đổ qua cái chết?
Biến hình cho thấy cơ sở của niềm tin
Sẽ chẳng phải là việc dễ dàng để trấn an các môn đệ trước viễn tượng đen tối đang chờ đợi thầy trò tại Giêrusalem. Do đó mới có biến cố biến hình của Ðức Giêsu như thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, là cơ sở cho niềm tin mà các môn đệ đặt nơi Ðức Giêsu.
Ba môn đệ, mà quan trọng nhất là Phêrô, được đưa lên núi cao nơi Ðức Giêsu như Môsê mới, đón lấy ơn mạc khải cho dân mới của Thiên Chúa; Phêrô mới được giao nhiệm vụ trở nên Tảng Ðá trên đó chính Ðức Giêsu sẽ xây dựng Hội Thánh của Người (Mt16,18).
Rõ ràng Ðức Giêsu là nhân vật chính của biến cố biến hình này. Người chủ động đưa ba môn đệ lên núi cao là nơi Người biến hình đổi dạng. Người trở nên tâm điểm của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước với Môsê và Eâlia đại diện Cựu Ước, còn ba môn đệ đại diện Tân Ước. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời gợi lại da mặt Môsê xưa sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa (Xh 34,29). Nhưng quan trọng hơn cả là chính Thiên Chúa với sự hiện diện bao phủ lấy các nhân vật. Thiên Chúa lên tiếng xác nhận ba điều quan trọng về Ðức Giêsu là:
+ "Ðây là Con yêu dấu của Ta"
+ "Ta hài lòng về Người"
+ "Các ngươi hãy vâng nghe lời Người"
Khi tiếng nói từ đám mây vừa dứt, Thầy trò được đưa trở về đời sống bình thường của cuộc lữ hành trần thế trong đức tin: Thầy tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem để đón nhận cái chết (c.9); trò miễn cưỡng bước theo lòng đầy "buồn phiền" (Mt 17,23)
Vậy làm sao củng cố được các môn đệ trước viễn tượng Thầy các ông sẽ bị hành hạ và bị giết chết tại Giêrusalem? Ngoài thị kiến biến hình của Thầy Giêsu được ban cho ba môn đệ ưu tú, hai lời tuyên bố của Ðức Giêsu về Con Người (Mt 16,27-28) liền ngay trước thị kiến, chắc chắn phải có ý nghiã lắm đối với niềm tin của các môn đệ. Tại sao có ý nghĩa? Một là: do điều các ông tin về lời sấm ngôn của ngôn sứ Ðanien mà Ðức Giêsu muốn áp dụng với chính mình. Hai là: do việc Ðức Giêsu bảo đảm Người sẽ đến hiển trị giữa các ông ngay khi các ông, ít là một số, còn sinh thời.
Lời sấm ngôn sứ Ðanien quả là một lời rất mạnh. Lời sấm ấy cho thấy "Con Người đang ngự giá mây trời mà đến… được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền thống trị vĩnh cửu không bao giờ mai một; vương vị của Người sẽ chẳng hề suy vong" (Ðn 7,13-14). Chính Ðức Giêsu đã áp dụng lời sấm này với Người nên Người bị lên án tử hình (Mt 26,64-66). Người tự nguyện chịu chết để muôn người được tha tội (Mt 26,28). Vậy ai muốn bước theo Ðức Giêsu, người đó không những phải từ bỏ chính mình, phải vác thập giá mình mà theo Người, mà còn phải liều cả mạng sống mình vì Người nữa (Mt 16,24-26). Các thánh Tông đồ quả là những con người đã liều mạng sống mình vì Ðức Giêsu. Nơi các vị ấy vương quyền của Ðức Kitô đã được rạng rỡ qua sự sống cũng như sự chết vì danh Người.
Con Người đến hiển trị nơi Giáo Hội
Nhưng Ðức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh việc Người đến hiển trị giữa các môn đệ khi các ông, ít là một số, "chưa phải nếm sự chết" (Mt 16,28). Nghĩa là Người hiển trị trong đời sống bình thường của Giáo Hội do lời đoan chắc rằng "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Chính Ðức Giêsu xây dựng Hội Thánh nên quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16,18).
Ðức Giêsu không chỉ thiết lập nên Giáo Hội như một cơ chế. Người ban cho Giáo Hội sự sống của Ngươòi. Người chủ trương ở giữa các tín hữu như Ðấng "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1,23). Người dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 6,7-15). Họ nhận được Thần Khí Ðức Giêsu ban, để trở nên nghiã tử và có thể cầu nguyện cùng Thiên Chúa như cha của mình (Rm 8,15). Người ban cho các môn đệ Luật Tình Yêu tóm tắt tất cả Cựu Ước (Mt 22,36-40) mà Người đến để kiện toàn nơi bản thân Người (Mt 5,17). Cách Người kiện toàn Cựu Ước được trình bày cặn kẽ trong bài giảng trên núi (Mt 5,3-7,27). Người còn để lại nơi Giáo Hội những dấu chỉ và những biểu tượng của sự hiệp nhất và sự sống của Người nơi Giáo Hội, đặc biệt là bí tích Thánh Tẩy (Mt 28,19) và Thánh Thể (Mt 26,26tt). Những dấu chỉ ấy vẫn còn tiếp tục khơi dậy sự sống của Người giữa các tín hữu. Người thiết lập Giáo Hội và giao cho Giáo Hội sứ mạng duy trì và phát huy sự sống cũng như mọi điều Người đã dạy, cho tới ngày Người quang lâm (Mt 28,16-20).
Vậy đời sống của Giáo Hội cho thấy cách Ðức Giêsu hiển trị giữa các môn đệ của Người. Tuỳ theo mức các môn đệ vâng nghe lời Ðức Giêsu dạy, các ông được tháp vào Người Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha và được Thiên Chúa Cha hài lòng (Mt 17,5).
1. Bạn nghĩ gì về hàng chục ngàn người Nam Hàn bỏ lại đằng sau tất cả tài sản và gia đình để đón Chúa quang lâm và ngày phán xét: Ðó là điều ngộ nhận rất đáng tiếc vì gây thất vọng cho một số tín hữu quá đông? Ðiều đó chứng tỏ nhu cầu học hỏi Kinh Thánh để biết rõ ý Chúa một cách chính xác? Ðiều đó cho thấy nỗi bất hạnh mà một số giáo phái gần đây gây ra cho xã hội? Bạn có ý kiến khác?
2. Bạn thấy bản thân bạn có thể tham dự vào sự sống mà Chúa Giêsu khơi dậy nơi Giáo Hội: bằng cầu nguyện? Bằng việc bạn lãnh các bí tích? Bằng việc bạn phát huy sự sống cũng như mọi điều Chúa Giêsu đã dạy? Bằng nhiều cách khác?