Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 31 tháng 01 năm 1999
Chúa Nhật 4 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Mt 5,1-12a

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Hoa Trái của sự công chính của Thiên Chúa

Bài Tin Mừng hôm nay là khai mở của bài giảng đầu tiên trong 5 bài giảng của Ðức Giêsu theo sách Tin Mừng Matthêu. Ðiều chủ yếu mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ và đám đông trong bài giảng đầu tiên này là "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Mt 5,20). Trở nên công chính nói đây được hiểu về việc tìm làm đẹp lòng Thiên Chúa như bài đọc 1 khẳng định là "Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Ðức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhượng thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Ðức Chúa" (Xp 2,3). Hay nói một cách cụ thể hơn theo bài đọc 2 là "chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Kitô Giêsu… Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa." (1Co 1,30-31).

Tất cả các mối phúc mà Ðức Giêsu công bố trong bài Tin Mừng hôm nay đều là hoa trái của sự công chính của chính Thiên Chúa. Chính sự công chính của Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ là hạnh phúc cho con người. Thiên Chúa trong kinh thánh là Ðấng thành tín. Ngài thực hiện những điều Ngài đã hứa. Cho nên tác giả thánh vịnh thưa với Giavê: "Ðức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội, Rằng Ngài thành tín và yêu thương (Tv 40,11). Ðiều tác giả thánh vịnh vừa nói, chính Ðức Giêsu đến để thực hiện. Người chẳng giấu giếm chi cùng các môn đệ và đám đông trong bài giảng đầu tiên này. Ngôn sứ I-sai đã tiên báo ngày Giavê thể hiện đức công chính đã đến gần, "ơn cứu độ của Ta, Ta sẽ không trì hoãn" (Is 46,13). Quả thật, Ðức Giêsu đã đến để thể hiện trọn vẹn đức công chính đó của Thiên Chúa (Mt 3,15).

Con người mà trở nên công chính là trở nên đúng điều Thiên Chúa chờ đợi, tức là hợp với lời giao ước của Thiên Chúa, nhờ sống theo ý muốn của Người như lời thánh vịnh nói: "Lạy Chúa, Ngài giữ tín trung với kẻ tín trung; xử tuyệt hảo với người tuyệt hảo; ở liêm khiết cùng ai liêm khiết nhưng dùng mưu mẹo với kẻ gian ngoan. Vì Chúa cứu độ dân nghèo hèn…" (17,26-28).

Bài giảng trên núi

Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu theo thánh Matthêu trước hết dẫn nhập (5,1-2) bằng việc mô tả cho thấy những ai là người có phúc (5,3-12), kế đến nói tới vai trò của người môn đệ Ðức Giêsu (5,13-16) cũng như vai trò của chính Ðức Giêsu đối với Nước Thiên Chúa (5,17-19). Tiếp theo là phần đối chiếu giữa tình trạng công chính của các nhà thông luật Do Thái một bên và tình trạng công chính theo lời dạy của Ðức Giêsu một bên (5,21-48). Rồi đến phần đề cao cảnh giác đối với những điều thánh thiện bề ngoài như phái Pharisiêu vẫn thực thi (6,1-18). Và cuối cùng là phần nhắn nhủ dành cho các Kitô hữu trên con đường thánh thiện (6,19-7,29).

Bối cảnh của bài giảng đầu tiên như Matthêu trình bày, là một ngọn núi nơi Ðức Giêsu như Môsê mới, ban bố Luật mới cho dân Chúa. Thính giả đã được Matthêu giới thiệu trước, gồm những môn đệ Ðức Giêsu đã chọn (4,18-22) và một số dân chúng như phần đầu (5,1) và phần cuối (7,28) của bài giảng này gợi ý cho thấy.

Tám mối phúc

Lời tuyên phúc là một văn thể mà ai là người tín hữu Do Thái cũng đều quen biết. Tác giả thánh vịnh từng tuyên phúc cho những người hoặc những nhóm người. Câu đầu tiên của sách thánh vịnh đã là lời tuyên phúc cho người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân… nhưng vui thú với lề luật Chúa (1,1-2). Các mối phúc trong Tin Mừng của Matthêu khác với lời tuyên phúc Cựu Ước ở chỗ chúng nói về Nước Thiên Chúa đang đến, ngược lại với những giá trị con người thường theo đuổi.

C.3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ." Tương ứng với Lc 6,20 "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em."

Cả hai lời tuyên phúc trên đều dựa vào điều kiện là: "Nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3). Hay nói rõ hơn "không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh lại bởi ơn trên" (Ga 3,3).

Ðiều quan trọng được nhấn mạnh trong bài giảng về các mối phúc là Nước Thiên Chúa được ưu ái ban cho người nghèo làm gia nghiệp. Tình trạng nghèo của họ không phải là điều bị Chúa chúc dữ. Ngược lại, Chúa thương xót người nghèo chính vì họ là nạn nhân của những hình thức áp bức bóc lột do tội lỗi gây nên.

Toàn bộ lời dạy dỗ của Ðức Giêsu trong Matthêu đưa người ta đối diện với cuộc phán xét chung, trong đó chính Người đồng hoá với người đói khát, không nơi ở, trần trụi, đau yếu, ngồi tù (Mt 25,31-46); thiên đàng chính là niềm hoan lạc bất tận được khơi dậy do công trình đồng hoá đó của Chúa Giêsu. Với Luca, Ðức Giêsu xuất hiện giữa loài người là để loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18); người đầu tiên được người đưa vào Thiên Ðàng là một người tù tội sám hối (Lc 23,43).

Khi nói: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em" (Lc 6,20) thì phải hiểu Nước ấy chỉ được sở hữu do những tâm hồn nhận thấy mình thực sự nghèo hèn và bất lực, nên hoàn toàn cậy nhờ vào Chúa mà thôi. Cậy dựa vào bất cứ điều gì không phải là Thiên Chúa, sẽ khiến ta không hưởng được mối phúc thứ nhất trong Matthêu. Hãy coi người trộm lành trong Tin Mừng Luca: tình trạng túng quẫn của anh khi bị treo trên thập giá chỉ mới là chất liệu, chưa thể cho anh được hưởng Nước Thiên Chúa; chính tâm hồn nghèo khó của anh mới là điều kiện thích hợp cho phép anh đón nhận Thiên Ðàng mà Chúa Giêsu hứa ban cho anh (Lc 23,39-43). Ngược lại, ông Dakêu giầu có nhưng đã biết hoán cải tâm hồn để nên thích hợp với Nước Thiên Chúa; dầu ông chưa thực hiện được điều gì trong cụ thể về công bằng và bác ái, ông vẫn được Ðức Giêsu tuyên phúc là "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này" (Lc 19,9)

C.4 "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp." Ở đây ngụ ý thánh vịnh 37,11 nói "Kẻ hiền lành được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hòa." Hiền lành là người chậm bất bình, có tương quan tốt lành với tha nhân nên được kể là có lòng bác ái.

C.5 "Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an." Người đó sầu khổ chính vì tấy sự ác hoành hành trên thế giới nên chỉ tìm an ủi nơi Chúa.

C.6 "Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng." Lòng khao khát nói đây phải hướng về việc "nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (c.48). Ðiều được nhấn mạnh ở đây là nội tâm của con ngườii những ý tưởng thâm sâu đối với Thiên Chúa.

C.7 "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương." Lòng xót thương ở đây không chỉ về việc tha thứ cho người lân cận mà thôi (Mt 6,12.14-15) nhưng tích cực hơn, còn chỉ về tình yêu nhất là đối với người túng thiếu (Mt 25,31-46), và đặc biệt đối với kẻ thù nghịch (Mt 5,44-47).

C.8 "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa." Có lòng trong sạch là phản ánh sự công chính của Thiên Chúa, bao gồm lòng trung thành đối với giao ước, sự trung tín đối với các mệnh lệnh của Thiên Chúa và chân thành trong việc thờ phượng Ngài.

C.9 "Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa." Hoà bình không chỉ nói về tình trạng không có chiến tranh hoặc không có rối loạn. Ðiều được bao gồm là bầu khí hoà thuận giữa con người với nhau như dấu hiệu của Nước của Thiên Chúa vì "Nước của Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. (Rm 14.17)

C.10-12 "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."

Chương đầu của sách Tin Mừng Matthêu cho biết Ðức Giêsu đến cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Người thực hiện chương trình cứu nhân độ thế trước tiên bằng cái chết của Người (Mt 26,28). Nhưng Người cũng mời gọi các môn đệ gắn bó với Người, ý thức rằng "Vì Danh Thày, anh em sẽ bị mọi người thù ghét" (Mt 10,22). Người hứa phúc thật cho những ngưoời được sai đi cũng như những kẻ tiếp đón họ: Tất cả đã vì Người mà chấp nhận thập giá thì cũng được đồng hoá với Người trong ân thưởng (Mt 10,38-39.42).

Một số câu hỏi gợi ý

1. Về mối phúc thật thứ nhất (c.3), bạn hiểu thế nào về Nước Thiên Chúa được ưu ái ban cho người nghèo làm gia nghiệp? Chính Chúa Giêsu đồng hoá với người nghèo như thế nào trong ngày phán xét chung? So sánh ông Dakêu (Lc19,1-10) với người trộm lành (Lc23,39-43) bạn thấy ai là người có tinh thần nghèo khó và ai là người túng quẫn trong thực tế? Trong hoàn cảnh riêng của bạn, bạn có thể áp dụng để sống tinh thần nghèo khó như thế nào?

2. Bạn hiểu thế nào về các mối phúc thật khác? Riêng bạn tâm đắc về mối phúc nào hơn cả?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page