Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvunlun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: "Này đất Dơvunlun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi."
Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Ði một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân.
Tiếng gọi và lời đáp
Chúa vẫn hay gọi con người một cách bất ngờ. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó. Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan, bốn vị này đã từng quen biết ít nhiều về Ðức Giêsu, nghe lời Ngài giảng và thấy phép lạ Ngài làm, nhưng họ không ngờ là một ngày nào đó, Ngài sẽ gọi họ làm môn đệ. Ðức Giêsu đi dọc theo bờ biển như một sự tình cờ. Ngài tình cờ thấy bốn anh em đang làm việc, kẻ quăng chài, người vá lưới. Tất cả ở trong một bầu khí êm đềm và huynh đệ. Ðức Giêsu biết việc mình sắp làm. Ngài gọi những người Cha muốn. Tiếng gọi của Ngài vang lên thật bất ngờ. Tiếng gọi đưa đến những chia cắt không thể nói là không đau đớn. Các môn đệ đầu tiên đã phải từ giã nghề chài lưới, nghề đã nuôi sống gia đình họ và đã giúp họ trưởng thành, nghề đã đem lại cho họ biết bao kỷ niệm buồn vui. Chấp nhận bỏ nghề là chấp nhận bấp bênh. Các ngư phủ nay phải sống trên bờ để đi theo một ông thợ mộc đã bỏ nghề! Hơn nữa, họ còn phải từ giã gia đình, và họ hàng thân thuộc. Chắc chắn Simon Phêrô đã phải cố gắng lắm để có thể chia tay với người vợ, người đã trở nên một phần xương thịt của ông. Giacôbê và Gioan cũng phải từ giã cha là ông Dêbêđê. Ông này sẽ sống bằng gì khi hai cậu con của ông ra đi? Tiếng gọi của Chúa có khi gây ảnh hưởng trên cả những người thân và đòi họ những hy sinh to lớn.
Ðoạn Tin Mừng trên đây về việc Ðức Giêsu gọi các môn đệ có thể khiến ta ngạc nhiên vì sự đơn giản của nó. Các ông đánh cá vùng Galilê đi theo Ðức Giêsu một cách khá dễ dàng, chỉ sau một lời mời gọi. Họ đã bỏ những điều rất quý và thân thương. Người ta chỉ bỏ một điều cao quý vì một điều cao quý hơn. Các môn đệ chẳng ngây thơ chút nào khi chọn theo Ðức Giêsu. Họ đã coi Ngài hơn cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tương lai; Vậy hẳn họ phải biết Ngài và đã có lòng tin nào đó vào Ngài rồi. Dù sao thái độ của các môn đệ đầu tiên thật đáng phục. Ðó là thái độ lý tưởng của người mới nghe Chúa gọi, đã sẵn sàng theo Ngài ngay lập tức.
Nhiều khi ta vờ không nghe thấy Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và đoạn tuyệt. Có nhiều tạo vật quấn lấy đời ta, không dễ gì gỡ được: tiền bạc, sự ổn định, sự thoái mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thỏa mãn nơi thân xác… Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài như giá trị cao nhất vượt trên mọi giá trị. Phải có tình yêu lớn lao mới có thể từ bỏ lập tức những gì ta đang ôm ấp. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa.
Các môn đệ đã bỏ những điều tự nó không phải là xấu, như nghề nghiệp, gia đình… Một điều trở nên xấu khi nó cản trở tôi thực thi ý Chúa. Nếu vì quyến luyến với vợ con mà ông Simon không dám đáp lại lời mời của Ðức Giêsu, thì quyến luyến đó bị coi là lệch lạc. Kitô hữu không phải là những người vô cảm; họ có trái tim biết yêu, nhưng yêu mọi sự trong Chúa và dưới Chúa. Sau này ông Simon sẽ còn bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu qua cái chết tử đạo. Mạng sống là điều quý, ai cũng trân trọng, nhưng lòng trung tín đối với Chúa còn quý hơn. Tôi phải gắn bó với điều tốt, nhưng cũng phải sẵn sàng từ bỏ để chọn điều tốt hơn theo ý Chúa. Nói cách khác, tôi vẫn phải giữ một khoảng cách nào đó đối với cả những điều tốt. Ðời người Kitô hữu là một cuộc tìm kiếm không ngừng, lắng nghe không ngừng những tiếng gọi mới. Chỉ có những ai biết yêu mới tìm thấy, mới nghe thấy và dám thực hiện ý Chúa tỏ lộ qua từng ngày, từng biến cố của đời mình.
Chúa Giêsu gọi tôi
Không phải một người đã chết từ 20 thế kỷ gọi tôi, nhưng là một Ðấng đang sống. Chúa Giêsu gọi tôi như xưa Ngài đã gọi các môn đệ đầu tiên bên hồ Galilê. Ngài gọi tôi vì Ngài cần tôi. Ngài gọi đúng tên tôi và Ngài muốn giao cho tôi một công tác đặc biệt. Chúa phục sinh hôm nay vẫn cứ mời gọi từng người chúng ta cộng tác với Ngài trong một chương trình vĩ đại, đó là chương trình cứu độ toàn thế giới. Tôi có nghe tiếng Ngài không? Tôi có muốn nghe được tiếng của Ngài không?
Có nhiều người đã nghe được tiếng Chúa. Một thứ tiếng vang lên từ bên trong, nhẹ nhàng nhưng rõ nét, mời gọi nhưng không kém phần thúc bách. Ðáp lại tiếng Chúa là bước vào một khúc quanh của đời mình, và từ đó đời mình đổi khác. Ơn gọi của Mẹ Têrêsa Calcutta là một thí dụ. Mẹ sinh năm 1910 tại vùng đất thuộc Nam Tư ngày nay. Năm 18 tuổi Mẹ nhập Dòng Nữ Tu Ðức Bà Loréttô bên nước Ai-len. Ðược cử ngay sang Ấn Ðộ để vào tập viện tại đó, chị nữ tu này đã cống hiến gần 20 năm trời cho việc dạy môn địa lý tại một trường của nhà dòng ở Calcutta, trường này chuyên giúp giới thiếu nữ thuộc các gia đình khá giả. Nếu Chúa không đưa ra một tiếng gọi mới, chắc chắn cuộc đời Têrêsa sẽ trôi êm bên đám học trò mê môn địa lý. Nhưng vào một ngày nọ (tháng 9-1946), nhân đi qua một phố Calcutta, nữ tu Têrêsa bắt gặp một người đàn bà đang hấp hối trên vỉa hè. Chuột, kiến đã kéo đến gặm nhấm người bất hạnh. Têrêsa liền vực thiếu phụ tới nhà thương, nhưng nhà thương chẳng còn lấy một chỗ. Têrêsa nhất định cứ đứng trước cổng nhà thương cho tới khi người ta mở cửa đón nhận bệnh nhân sắp chết vào… Từ biến cố này, nữ tu Têrêsa cảm nhận được lời yêu cầu của Chúa Giêsu, Ngài muốn chị hiến mình cho những kẻ bị bỏ rơi. Têrêsa đã xin ra khỏi Dòng và đến sống ở một khu nghèo của thành phố. Chắc lúc ấy, Têrêsa không ngờ mình sẽ là người sáng lập một hội dòng mới, chuyên lo việc bác ái.
Theo Chúa
Có thể nói một trong những hoạt động chính của Chúa Phục Sinh là cất tiếng gọi con người. Ngài không ngừng làm điều đó với một sự kiên nhẫn lạ lùng. Ngài gọi con người dưới trăm ngàn hình thức. Không phải chỉ là gọi ai đó đi tu, nhưng Ngài còn gọi cả các giáo dân theo Ngài, theo Ngài bằng cách ở lại gia đình và môi trường xã hội để làm chứng cho Ngài. Chúa Giêsu vẫn cứ gọi và lay động trái tim mọi người, kể cả những kẻ chưa biết Ngài. Ðời chúng ta là một chuỗi những tiếng gọi của Chúa. Tiếng gọi lúc nào cũng mới mẻ và cụ thể. Nếu chúng ta đáp lại, Ngài sẽ đưa chúng ta đi xa hơn trong tình bạn, qua những tiếng gọi mới.
Các môn đệ đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, không phải bằng lời nói, nhưng bằng hành vi từ bỏ thực sự. Chúa không mời gọi mọi người bỏ đời gia đình để sống đời thánh hiến, nhưng Chúa lại mời gọi tất cả chúng ta bỏ sự ích kỷ và cứng cỏi của mình để sống yêu thương tha nhân. Bỏ một cái gì ngoài mình, không phải là điều quá khó. Nhưng bỏ chính bản thân mình với những dự tính ước mơ, điều đó khó hơn nhiều. Chúng ta không nên nuối tiếc về những gì mình đã xây đắp, nay không còn phù hợp với tiếng gọi mới của Chúa. Thật ra, chẳng có gì là vô ích trước mặt Ngài.
Nghe tiếng Chúa, đáp lại bằng cách từ bỏ và đi theo: đó là chu trình mà người tín hữu phải sống nhiều lần trong ngày, trong đời "Hãy theo Thầy". Chúa cứ nói với tôi câu đó hoài trong suốt đời tôi, và tôi hiểu rằng theo Chúa là được triển nở trong tự do yêu mến.
1. Theo ý bạn, đâu là những điều khiến ta không thể nghe được tiếng Chúa, hay có nghe thì cũng không làm?
2. Ðể lớn lên thì cần từ bỏ. Bỏ lòng mẹ để chào đời, bỏ cha mẹ để lập gia đình, bỏ đời này để vào đời sống vĩnh cửu… Bạn có coi từ bỏ là chuyện tự nhiên không? Ðối với bạn, cái gì khó từ bỏ hơn cả?