Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 17 tháng 01 năm 1999
Chúa Nhật 2 Quanh Năm A

Ðọc Tin Mừng Ga 1,29-34

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Câu chuyện sau đây cho thấy kết quả bất ngờ của lời cầu nguyện.

Lời cầu 12 năm về trước nay tác động mạnh.

Cô Mai Linh mới tốt nghiệp trường sư phạm. Cô dạy trường trung học với tất cả bầu nhiệt huyết. Cô rất muốn trở nên giáo viên giỏi nhưng một học trò tên Biên nghịch ngợm thường gây cho cô nhiều bực bội và biến lớp cô thành bát nháo nô đùa…

Một buổi sáng trước giờ lớp, cô đang ngồi bàn giấy trong lớp và hý hoáy viết vội vài hàng trên giấy theo kiểu tốc ký, thì bất ngờ Biên xuất hiện ở cửa lớp. Vừa lại gần bàn giấy, Biên vừa hỏi cô:

Nói xong cô Mai Linh liền gập lời nguyện ấy vào cuốn Kinh Thánh của cô và tiến lên bảng viết bài. Biên vốn là học trò tinh nghịch liền lợi dụng cơ hội cô giáo đang chăm chú viết bảng để chớp lấy mẩu giấy cô mới gập trong cuốn Kinh Thánh của cô, rồi giấu vào tập vở của Biên.

Mười hai năm sau Biên không còn là cậu học trò nữa. Hôm ấy anh đang tìm một chiếc hộp đựng đồ lỉnh kỉnh của mình thì tình cờ thấy lại tập vở cũ hồi còn ngồi ghế trung học. Vừa cầm tập vở ấy lên vừa đưa tay lần giở ra xem thì, ô kìa! Biên tìm thấy mẩu giấy đã bị năm tháng làm ngả màu vàng ố. Biên chăm chú nhìn những nét tốc ký trên mẩu giấy mà không đọc được chữ nào. Chàng liền gấp mẩu giấy ấy bỏ vào trong ví.

Tới văn phòng làm việc, chàng liền đưa mẩu giấy cho cô thơ ký đọc dùm. Cô này giơ mẩu giấy ấy lên đọc thầm và đỏ mặt nói: "Ðây là mẩu giấy có tính cách riêng tư. Tôi sẽ đánh máy nội dung và để trên bàn cho anh khi tôi rời văn phòng tối nay."

Ðêm đó Biên trằn trọc không ngủ được. Quá khứ thời anh còn ngồi ghế trung học mười mấy năm về trước bỗng trở nên sống động. Lạ lùng, quá khứ ấy như ghép lại với hiện tại! Ðiều anh đọc trên mảnh giấy đụng thẳng tới dự tính thầm kín của anh! Anh bóp trán suy nghĩ đi suy nghĩ lại về điều cô giáo Mai Linh xưa đã viết bằng tốc ký. Cô ngỏ lời cùng Chúa như sau: "Lạy Chúa, xin đừng để con thất bại trong nghề giáo viên. Con không thể dàn xếp êm thắm lớp con đang dạy được nếu trò Biên cứ phá bĩnh hoài. Xin Chúa uốn nắn tâm hồn Biên, vì Biên sẽ trở nên một người hoặc rất tốt hoặc rất xấu!"

Câu cuối cùng thật như nhát búa tạ giáng trên con người chàng Biên. Chỉ cách đó vài giờ, Biên vẫn còn đang nghiền ngẫm một dự tính chẳng mấy tốt đẹp. Dự tính ấy chắc chắn sẽ đẩy chàng dấn mình vào cuộc đời xấu xa tội lỗi. Chàng cầm mẩu giấy lên cất vào trong ví. Suốt tuần lễ kế tiếp, chàng rút mẩu giấy ấy ra, đọc đi đọc lại nhiều lần.

Chính lời cầu của cô giáo Mai Linh đã khiến Biên nghĩ lại để không làm điều xấu như chàng đã dự tính. Vài tuần sau, Biên tìm đến cô giáo cũ để nói cho cô hay là lời cầu nguyện năm xưa của cô giờ đây đã làm thay đổi đời chàng.

Câu chuyện vừa kể cắt nghĩa biến cố thay lòng đổi dạ của chàng Biên liên quan tới một dự tính không mấy tốt đẹp chàng định thực hiện. Còn bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu một nhân vật mang lại công cuộc biến đổi lớn lao mà ông Gioan Tẩy Giả gọi là "Ðấng xoá tội trần gian" (c. 29). Nhân vật đó là ai để Thiên Chúa dùng mà biểu lộ vinh quang của Người theo bài đọc 1 (Is 49,3)? Làm thế nào để trở nên phong phú về mọi phương diện (1Co 1,5) nơi Ðấng mà tông đồ Phaolô tuyên xưng là Chúa ở bài đọc 2.

Nói chung, tất cả những điều được ghi trong sách Tin Mừng của Gioan là "để anh em tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và để nhờ lòng tin đó, anh em được sự sống nhân danh Người." (Ga 20,30-31). Sách gồm 21 chương. Chương 1 là phần dẫn nhập đối với toàn bộ tác phẩm. Ðộc giả được cho biết niềm tin của tác giả như thế nào đối với Thiên Chúa và với Ðức Giêsu, đồng thời được dẫn vào tác vụ mà Ðức Giêsu thực hiện.

Một loạt những nhân vật đứng ra làm chứng

Trước hết ta có phần lời tựa (Ga 1,1-18). Kế đến là một loạt những nhân vật đứng ra làm chứng cho biết Ðức Giêsu là ai. Cuộc làm chứng này lần lượt diễn ra vào mỗi ngày trong bảy ngày: Ngày 1 (cc.19-28) Gioan Tẩy Giả làm chứng trưóc phái đoàn các thầy tư tế và Lêvi rằng ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là ngôn sứ Eâlia như Mal 3,23 loan báo, cũng không phải là vị ngôn sứ được tiên báo trong ÐNL 18,15 và 18, nhưng chỉ là "tiếng kêu trong hoang địa"; chính ông không xứng đáng cởi dây giày cho Ðấng đang đến. Ngày 2 (cc. 29-34) Gioan Tẩy Giả làm chứng khi ông nhìn thấy Ðức Giêsu như bài Tin Mừng hôm nay cho biết. Ngày 3 (cc. 35-39) chính Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ðức Giêsu cho hai môn đệ của ông và họ đã đến và ở lại với Ðức Giêsu. Ngày 4 (cc. 40-42) Anrê làm chứng cho Simon biết "chúng tôi đã được thấy Ðức Mêxia". Ngày 5 (cc. 45-51) Philíp làm chứng cho Nathanaen biết "Người chính là Ðấng mà Môsê đã viết trong sách Luật . Kế đến các ngôn sứ cũng đã làm như vậy." Ngày 6 (được hiểu ngầm) với Nathanaen làm chứng rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa; Ngài là Vua của Ít-ra-en." Ngày 7 cũng được gọi là ngày thứ ba ở Ga 2,1-11 nơi phép lạ hoá nước lã thành rượu "mạc khải vinh quang của Ðức Giêsu và các môn đệ bắt đầu tin vào Người (2,11).

Vậy độc giả của sách Tin Mừng Gioan được đặt trước một công trình lớn. Như xưa vũ trụ được tạo dựng như thế nào, thì nay việc tái tạo nó cũng đòi một thời gian tương đương bảy ngày. Sách Sáng Thế và sách Tin Mừng của Gioan đều bắt đầu với lời "Từ nguyên khởi". Như xưa Giavê Thiên Chúa chỉ phán một lời liền có mọi sự, nay Ðấng là Thiên Chúa, Ðấng được Thiên Chúa tuyển chọn, Ðấng là vị cứu tinh, Ðấng là Con Thiên Chúa, Ðấng là Vua Ít-ra-en, cũng làm điều tương đương như vậy để tái tạo vũ trụ. Ðức Giêsu chính là Ðấng khiến cho mọi điều mong đợi trong Cựu Ước thành tựu nơi Người.

Ðây Chiên Thiên Chúa

C.29 "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian." Các nhà bình giải không đồng ý cả về nguồn gốc lẫn ý nghĩa của danh xưng Chiên Thiên Chúa vì danh xưng ấy có thể gợi ý về nhiều điều như: cuộc hiến tế Isaác (St 22,1-19), biểu tượng chỉ về Môsê như Con Chiên sẽ phá huỷ Ai Cập và giải phóng dân Ít-ra-en, hoặc Chiên vượt qua như biểu tượng của công cuộc chuộc lại Ít-ra-en (Xh 12,1-28), hay Người Tôi Tá của Giavê được ví như "con chiên bị giong tới lò sát sinh" hay "ví như con chiên lặng lẽ trước những người đang xén lông nó" (Is 53,7), hoặc "như kẻ gánh lấy những đau khổ và vác lấy những đớn đau" của Ít-ra-en (53,4), hay cuối cùng như "Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận… danh dự với vinh quang." (Kh 5,12).

Con Chiên trong tất cả những trích dẫn nói trên đều hàm ý quà tặng về sự sống và việc duy trì sự sống. Ðức Giêsu, chính là Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xoá bỏ tội của trần gian. Lý do vì tội của trần gian theo Tin Mừng Gioan, chủ yếu là việc không tin vào Ðức Giêsu, cũng là việc không nhìn nhận Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Chúa phái đến (Ga 15,22-24;16,8-9;9,40-41). Nhờ việc Người đến trong thế gian, Người loại bỏ được tội lỗi ra khỏi đó (1Ga 3,5), bởi lẽ Người cho phép loài người nhờ tin vào Người là Lời của Thiên Chúa và là sứ giả của Thiên Chúa (1,12) nên được nhận biết Thiên Chúa (1,18;14,9) và có được sự sống thần linh và trở nên con cái của Thiên Chúa (1,12;7,3).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ðức Giêsu đến trong thế gian là để xoá bỏ tội lỗi. Riêng câu chuyện gợi ý cho thấy lời cầu của cô giáo Mai Linh quan trọng như thế nào trong việc xoá bỏ tội lỗi khỏi lòng người, ít nhất là nơi một con người cô đã từng dậy 12 năm về trước. Quả thật đây chính là quà tặng về sự sống. Trước sự ngỡ ngàng đối với hậu quả bất ngờ của lời xầu nguyện, ta hiểu được chút nào đó về điều mà Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: "Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra cũng vậy." (Ga 3,8)

Một số câu hỏi gợi ý

1. Ðọc lại lời cầu nguyện của cô giáo Mai Linh, bạn nghiệm thấy cô thành thật nói với Chúa điều gì từ tận đáy lòng cô? Nhưng cũng lời cầu đó đã đụng chạm tới người học trò cũ của cô như thế nào đến nỗi chàng quyết tâm từ bỏ dự tính tội lỗi chàng từng ấp ủ trong lòng?

2. Danh xưng Chiên Thiên Chúa có thể gợi ý về những điều gì? Trong những điều gợi ý ấy, bạn tâm đắc về điều nào hơn cả?

3. Chúa Giêsu là Ðấng xoá bỏ tội trần gian theo nghĩa nào theo Tin Mừng của Gioan?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page